Trong kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2024(1), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhắc đến một cụm từ khẳng định bản chất của lĩnh vực văn học nghệ thuật, cần phải được quan tâm, nhất là trong công tác quản lí của nhà nước với đối tượng này. Ở nhiệm vụ đầu tiên, văn kiện viết: “Chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo”. Chỉ với 3 từ ghép, một kết luận của Đảng đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho việc đánh giá, thẩm định và thực hiện công tác quản lí nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT). Các yếu tố này gắn kết nhau làm cho VHNT trở thành một lĩnh vực vừa phức tạp, nhạy bén nhưng cũng vừa có sức ảnh hưởng to lớn đối với tư tưởng, cảm xúc và hành vi của con người. Đây chính là lí do tại sao VHNT đòi hỏi một cơ chế quản lí nhạy cảm, linh hoạt để vừa đảm bảo tự do sáng tạo, vừa có định hướng phát triển phù hợp cho các nghệ sĩ và toàn xã hội.
|
Trước hết tính chất “đặc thù nhạy cảm, tinh tế của VHNT” trong lí luận văn học quốc tế có thể được hiểu qua ba khía cạnh chính: 1) nhạy cảm là thông qua đọc những mô tả tinh tế về cuộc sống và cảm xúc con người trong tác phẩm nghệ thuật, người đọc hình thành khả năng thấu hiểu và tác động sâu sắc lên cảm xúc và tư tưởng người khác; 2) tinh tế là sự biểu đạt gián tiếp qua hình tượng và biểu tượng nghệ thuật, cho phép người đọc tự khám phá các tầng ý nghĩa ẩn chứa bên trong tác phẩm; 3) đặc thù là khả năng tạo dựng các không gian tưởng tượng cho người đọc, mà chỉ có ở đó thì các chuẩn mực xã hội được khám phá, phê phán và làm mới một cách tự nhiên, không dễ bắt gặp. Khái niệm “tính đặc thù nhạy cảm, tinh tế” của VHNT đã được nhiều nhà lí luận trên thế giới quan tâm và giải thích qua các phương diện khác nhau.
Trong lí luận của Aristotle, văn học là “mimesis” - sự bắt chước, phản ánh hiện thực một cách độc đáo và có chiều sâu, giúp người đọc không chỉ thấy mà còn cảm và hiểu các khía cạnh phức tạp của đời sống. Từ đây, tính nhạy cảm được xác định là khả năng của văn học trong việc truyền tải các giá trị xã hội một cách tinh tế, gián tiếp, thông qua hình tượng và biểu tượng nghệ thuật. Trong phân tâm học văn học của Freud, nhạy cảm của văn học còn được thể hiện qua khả năng tác động vào vô thức, khơi gợi và phản ánh những ham muốn, nỗi sợ hãi, xung đột ẩn sâu trong tâm trí con người. Freud lí giải rằng văn học có thể diễn đạt các trạng thái cảm xúc phức tạp mà không bị giới hạn bởi ngôn ngữ lí trí, và nhờ đó, tính nhạy cảm trong văn học không chỉ đến từ việc phản ánh hiện thực, mà còn từ việc khơi gợi và giải phóng cảm xúc tiềm ẩn của con người.
Ở mặt xã hội, tính nhạy cảm trong VHNT xuất phát từ chính năng lực cảm nhận, phản ánh các trạng thái cảm xúc và hiện thực xã hội một cách sâu sắc và chân thực. Nhà lí luận Mikhail Bakhtin cho rằng văn học có tính đối thoại, tức là khả năng tương tác và phản ánh một cách đa chiều giữa các tiếng nói và ý tưởng khác nhau trong xã hội. Qua đó, văn học không chỉ là nơi diễn ra những suy tư cá nhân của tác giả, mà còn là một không gian nơi các quan điểm xã hội giao thoa, mâu thuẫn, tạo nên sự phản ánh tinh tế và nhạy cảm với những thay đổi trong xã hội. Tính nhạy cảm còn có chức năng khác là khả năng văn học tác động sâu sắc lên người đọc, qua đó khơi dậy các cung bậc cảm xúc phong phú và giúp công chúng hình thành ý thức nhân văn. Trong quyển The Mirror and the Lamp (gương và đèn) nhà lí luận M.H. Abrams đã lí giải rằng văn học, đặc biệt là văn học lãng mạn, không chỉ là tấm gương phản chiếu hiện thực mà còn là “ngọn đèn” soi sáng và biến đổi thực tại, khơi dậy những cảm xúc cao đẹp và làm giàu có thêm tâm hồn người đọc.
Từ góc độ lí luận cho thấy VHNT có khả năng chuyển tải các tư tưởng phức tạp và tinh tế thông qua hình tượng, biểu tượng mà không cần sử dụng những lí luận, lập luận thẳng thừng. Trong tác phẩm Literature and the Taste of Knowledge, nhà phê bình Harold Bloom cho rằng văn học có cách thức riêng để truyền tải tri thức, nhưng tri thức này không phải là sự mô tả trực tiếp, mà là sự thấu hiểu sâu sắc những cảm xúc, ý tưởng tiềm ẩn qua hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật. Truyện ngắn Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp mang nhiều biểu tượng về khát vọng của con người trong hành trình đi tìm lại cái đẹp thiên lương bị khuất lấp do áp lực cuộc sống. Nhiều độc giả sẽ tìm thấy tiếng nói lương tri từ hành động của nhân vật chính rằng: mỗi sinh vật đều có giá trị tự thân; con người đang lợi dụng trí tuệ và sức mạnh văn minh để áp đặt và làm chủ thiên nhiên; và nhớ rằng, con người đang được hưởng lợi ích của các sinh vật nhưng không đồng nghĩa với việc chúng chỉ tồn tại vì lợi ích của chúng ta. Theo Bloom, sức mạnh của văn học không nằm ở việc lí giải cụ thể một khái niệm, mà ở khả năng gợi mở, khơi dậy những suy nghĩ, cảm xúc sâu xa thông qua hình ảnh, biểu tượng đa nghĩa. Nhiều tác phẩm nghệ thuật có sức hiệu triệu quần chúng rất lớn.
Tính đặc thù của VHNT thể hiện ở khả năng tạo ra các “thế giới nghệ thuật” riêng biệt, nơi các chuẩn mực và giá trị được khám phá và tái hiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Trong tác phẩm S/Z, Roland Barthes cho rằng văn học không chỉ là sự miêu tả, mà là hành động tạo ra một thực tại mới thông qua các mã nghệ thuật. Barthes cho rằng “tính đặc thù” của VHNT nằm ở khả năng biến đổi hiện thực thông qua các thủ pháp nghệ thuật, làm cho văn học trở thành một không gian đa nghĩa và đa tầng, nơi công chúng có thể tự do khám phá và suy ngẫm. Từ góc độ xã hội học, nhà lí luận Pierre Bourdieu nhận định rằng tính đặc thù của VHNT còn được thể hiện qua khả năng định hình và tái định hình các giá trị xã hội. Ông nhấn mạnh rằng các tác phẩm văn học không chỉ phản ánh thực trạng xã hội mà còn đóng vai trò kiến tạo, truyền bá những giá trị văn hóa, thúc đẩy thay đổi tư duy và ý thức xã hội. Điều này cho thấy rằng VHNT là một lĩnh vực đặc biệt trong việc tạo dựng các không gian tưởng tượng, mang lại cho người đọc trải nghiệm sâu sắc và nhận thức mới mẻ. Đọc tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới biển: Du hành vào thế giới dưới nước, chúng ta mới thấy thán phục trước trí tưởng tượng của nhà văn và sức mạnh của ngôn từ qua việc miêu tả cuộc phiêu lưu của tiến sĩ Pierre Aronnax, người bạn đồng hành Conseil và một ngư dân tên Ned Land. Họ được mời tham gia cuộc săn tìm một sinh vật bí ẩn dưới biển, mà người ta cho là một con quái vật biển, thực ra là chiếc tàu ngầm Nautilus do thuyền trưởng Nemo chỉ huy. Sự độc đáo của cuốn tiểu thuyết nằm ở việc những mô tả tàu “Nautilus” của nhân vật thuyền trưởng Nemo đã được coi là đi trước thời đại, vì nó mô tả chính xác các đặc điểm trên tàu ngầm hiện đại, trong khi thời kì cuốn sách được viết ra mới chỉ có những chiếc tàu ngầm rất sơ khai. Tác phẩm không chỉ mang tính phiêu lưu mà còn chứa đựng nhiều triết lí sâu sắc về con người, tự do, và mối quan hệ với thiên nhiên.
Những đặc tính trên cho thấy VHNT là một lĩnh vực văn hóa với khả năng đặc thù, là cầu nối tinh tế giúp truyền tải các giá trị tư tưởng và khát vọng chân - thiện - mĩ của con người. Trong nhiều Nghị quyết, Đảng ta đã khẳng định rằng VHNT không chỉ là phương tiện giải trí mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vun đắp tư tưởng, nhân cách, đạo đức và bản lĩnh cho các thế hệ người Việt Nam. Sự tinh tế của VHNT không chỉ thể hiện qua sức mạnh biểu đạt cảm xúc mà còn thông qua khả năng tác động đến nhận thức và thẩm mỹ của công chúng, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí cộng đồng. Điều này càng đặc biệt nhạy cảm và đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc từ phía các cơ quan quản lí nhà nước, đặc biệt là khi VHNT đối diện với các xu thế sáng tạo đa dạng trong xã hội hiện đại.
Mặc dù VHNT đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế. Sự phát triển của các loại hình VHNT không đồng đều và đôi khi chịu ảnh hưởng quá lớn từ các xu thế thương mại hóa. Một số tác phẩm chạy theo thị hiếu nhất thời, xa rời các vấn đề lớn của dân tộc, làm mất đi tính định hướng và chức năng giáo dục. Đáng chú ý là tình trạng một số tác phẩm phản ánh một chiều về các hiện tượng xã hội, tập trung tô đậm các yếu tố tiêu cực, thậm chí bóp méo, xuyên tạc lịch sử, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lí và tư tưởng người dân. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, khả năng tiếp cận và thụ hưởng VHNT vẫn còn hạn chế, gây khó khăn trong việc đồng bộ hóa sự phát triển văn hóa trên cả nước. Ngoài ra, các vấn đề như nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận lãnh đạo, đầu tư chưa tương xứng, chậm trễ trong thể chế hóa các định hướng phát triển, và thiếu cơ chế khuyến khích sáng tạo là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và số lượng của các tác phẩm VHNT.
Trong thời kì Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của VHNT, giúp văn nghệ sĩ có điều kiện thể hiện rõ nét các giá trị truyền thống song song với việc tiếp thu, sáng tạo, phát triển toàn diện về phương diện nội dung và hình thức tác phẩm. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X cũng nhấn mạnh rằng phát triển VHNT là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, với bản chất nhạy cảm, VHNT cần được quản lí linh hoạt, khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ nhưng phải đảm bảo không làm sai lệch định hướng văn hóa của đất nước. Kết luận 84 cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác văn học, nghệ thuật. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thể chế hoá chủ trương của Đảng về văn học, nghệ thuật”.
Để thực hiện được mục tiêu này, hệ thống các hội VHNT địa phương và chuyên ngành ở Trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng và phát triển tài năng trẻ, là cầu nối giữa nghệ sĩ và các cơ quan quản lí. Tính đặc thù của VHNT đòi hỏi các hội nghệ thuật không chỉ tạo điều kiện sáng tạo mà còn thực hiện tốt công tác định hướng tư tưởng, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và yếu tố tư tưởng trong tác phẩm. Bên cạnh đó, công tác lí luận và phê bình VHNT cần được quan tâm sâu sắc, nhằm đưa ra các đánh giá khách quan và kịp thời về tác phẩm, từ đó định hướng thẩm mĩ cho công chúng và khích lệ những tác phẩm có giá trị. Đội ngũ các nhà lí luận, phê bình và những nhà báo có trách nhiệm với xã hội cần đóng vai trò dẫn dắt dư luận, góp phần lan tỏa các giá trị tích cực trong VHNT, phê phán kịp thời những hiện tượng phản văn hóa. Trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội đang ngày càng phát triển, sự tham gia của các nhà lí luận, phê bình trên các phương tiện truyền thông hiện đại là rất cần thiết để định hướng thẩm mỹ và nhận thức cho cộng đồng. Một trong những vấn đề cần phải lưu ý đến tính đặc thù của VHNT là hiện tượng VHNT của một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Vì lịch sử nên có những lúc, cách đánh giá của người Việt trong nước đối với bộ phận văn học này có phần khắc khe và dựa trên yếu tố giai cấp nhiều hơn đặc trưng văn nghệ. Theo Nguyễn Đăng Điệp(2) trong một bài giảng tập huấn thì, trong diễn ngôn phê bình văn học của người Việt ở nước ngoài, nổi lên ba khuynh hướng tư tưởng chính. Thứ nhất, một số nhà phê bình có cái nhìn cực đoan, thiếu thiện chí khi đánh giá đời sống văn học và văn hóa Việt Nam, cho rằng nền văn học nước nhà lạc hậu, trì trệ và thiếu dân chủ. Thứ hai, có nhóm phê bình cởi mở hơn, ghi nhận những đổi mới trong sáng tạo và phê bình văn học trong nước nhưng vẫn giữ thái độ hoài nghi về thành tựu của văn học cách mạng Việt Nam. Nhóm này đặc biệt đề cao văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, xem văn học miền Bắc chỉ là công cụ phục vụ chính trị, dẫn đến đánh giá còn phiến diện. Thứ ba, nhóm tư tưởng cầu tiến và hòa hợp thể hiện sự công nhận những thành tựu của văn học Việt Nam hiện đại, mong muốn đối thoại và hợp tác nhằm thúc đẩy hòa hợp, giao lưu giữa văn học trong và ngoài nước.
Cũng theo tài liệu trên, để phát triển nền văn học dân tộc và đẩy mạnh hòa giải, hòa hợp, chúng ta cần chú ý một số giải pháp quan trọng như: quán triệt tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, thúc đẩy sự hiểu biết qua giao lưu và đối thoại, xây dựng mục tiêu chung vì đất nước và một xã hội dân chủ, văn minh; khuyến khích các văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, phát huy tối đa tài năng, tránh các áp đặt hành chính và kì thị; xây dựng chính sách hợp lí để thực sự hỗ trợ nghệ thuật phát triển, tạo môi trường lành mạnh cho sáng tạo. Tuy nhiên cũng cần đấu tranh với những tư tưởng thù địch gây chia rẽ, đồng thời khuyến khích và bồi dưỡng tài năng bằng cơ chế hỗ trợ nhân tài và hệ thống giải thưởng uy tín. Việc xây dựng một đội ngũ phê bình văn học chất lượng, có khả năng dẫn dắt và định hướng dư luận cũng là rất quan trọng để ngăn chặn sự thương mại hóa trong nghệ thuật, góp phần phát triển văn học nước nhà bền vững và ý nghĩa.
Quản lí VHNT không thể dựa trên các quy định cứng nhắc mà cần có sự phân tích, đánh giá và cân nhắc kĩ lưỡng để dung hòa nhu cầu tự do sáng tạo và nhiệm vụ định hướng tư tưởng. Cơ chế quản lí nhạy bén sẽ không chỉ góp phần bảo vệ tính chất đặc thù của VHNT mà còn tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát huy được khả năng sáng tạo, phản ánh sâu sắc các vấn đề xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa bền vững. Tuy nhiên trong thực tế, cách ứng xử của chính quyền với hội VHNT các địa phương có sự khác biệt. Có nơi thì tận dụng tối đa các đặc điểm văn học để phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương, nhưng có tỉnh lại xem nhẹ VHNT, quy thành nhóm các “hội đoàn”, có tính phong trào, xem nghệ sĩ như là những hội viên bình thường, có thể điều chỉnh bằng chính sách.
Để VHNT có thể phát huy tối đa vai trò đặc thù, Nhà nước và các hội văn nghệ địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo về tầm quan trọng của VHNT trong công tác tư tưởng, văn hóa. Trong thời kì mới, các cấp quản lí cần xây dựng cơ chế mở cho phép tự do sáng tạo nhưng có sự giám sát hợp lí, ngăn ngừa các khuynh hướng tiêu cực và phản văn hóa. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra rằng phát triển văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội và đất nước. Các tác phẩm VHNT không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng mà còn là công cụ đắc lực trong việc xây dựng con người Việt Nam giàu bản sắc, có tinh thần yêu nước và ý chí tự cường. Đứng cạnh văn học, báo chí và truyền thông có vai trò không thể thiếu trong việc lan tỏa các giá trị VHNT, giới thiệu những tác phẩm xuất sắc, phê phán các hiện tượng lệch lạc. Các phương tiện truyền thông cần phối hợp với các cơ quan quản lí văn hóa, hội nghệ thuật để tăng cường các nội dung mang tính định hướng tư tưởng cho công chúng. Trong việc đào tạo sinh viên ngành báo chí và truyền thông, cần nhấn mạnh giáo dục tư tưởng và trách nhiệm xã hội, xây dựng đội ngũ phóng viên có khả năng phân tích, đánh giá tác phẩm VHNT một cách khách quan, sâu sắc.
VHNT là một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và tinh tế, cần được quản lí bằng sự thấu hiểu và nhạy bén, để phát huy trọn vẹn tiềm năng sáng tạo, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mác và Ăngghen từng xem “văn học nghệ thuật có tác dụng với đời sống xã hội và người nghệ sĩ không thể đứng trung lập, tách ra khỏi mọi quan hệ xã hội”(3). Để thực hiện và phát huy được sứ mệnh đó ở đội ngũ văn nghệ sĩ, Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các hội VHNT Trung ương và địa phương, xây dựng và phát triển cơ chế chính sách hỗ trợ sáng tạo, đồng thời đảm bảo sự quản lí linh hoạt và sâu sát trong việc đánh giá, nhận xét và xử lí các hiện tượng VHNT, nhất là trong thời địa toàn cầu hoá với sự góp mặt không nhỏ của mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo. Khi VHNT thực sự là một công cụ hữu hiệu trong công tác tư tưởng của Đảng, nền VHNT Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
..........................................................
(1) Kết luận số 84-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới”.
(2). Nguyễn Đăng Điệp (2024), “Văn học Việt Nam ở nước ngoài với sứ mệnh hàn gắn, kết nối và quảng bá các giá trị văn hoá Việt Nam”, Tập Đề cương chuyên đề Hội nghị tập huấn công tác lãnh đạo quản lí văn hoá văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển: thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm, Tài liệu tham khảo cho học viên- sử dụng nội bộ của Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, tháng 8-2024 tr.51-60
(3). Hà Minh Đức (2014), “Quan niệm của Mác - Ăngghen về văn học nghệ thuật, vận dụng trong hoàn cảnh hiện nay”, báo Nhân dân (bản điện tử), xuất bản ngày 11/09/2014 - 19:05, truy cập tại địa chỉ: https://nhandan.vn/quan-niem-cua-mac-ang-ghen-ve-van-hoc-nghe-thuat-van-dung-trong-hoan-canh-hien-nay-post213011.html
Đường dẫn bài viết: https://baovannghe.vn/ve-tinh-dac-thu-nhay-cam-tinh-te-cua-van-hoc-nghe-thuat-19909.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://baovannghe.vn/ All right reserved.