Ở thời đương đại, vị trí, vai trò của văn học thiếu nhi được quan tâm hơn bao giờ hết và cũng có những yêu cầu mới được đặt ra cho các tác giả.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đối tượng mà văn học thiếu nhi hướng đến là trẻ em và những tác phẩm được viết với mục tiêu phục vụ độc giả nhỏ tuổi, từ lứa tuổi mầm non đến thanh thiếu niên. Nội dung tác phẩm phản ánh cuộc sống, tâm lý, ước mơ, trí tưởng tượng và những vấn đề trẻ em quan tâm, lồng ghép vào đó những bài học về đạo đức, tình yêu thương, tình bạn, lòng nhân ái, trí tuệ và sự sáng tạo. Đây là những quan niệm mang tính kinh điển về văn học thiếu nhi. Song nhìn từ góc độ đối tượng độc giả, văn học thiếu nhi không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn có giá trị đối với người lớn, vì nó phản ánh những điều đẹp đẽ, trong sáng của tâm hồn trẻ thơ, điều mà người lớn đã từng trải qua. Thông thường, người ta hay nghĩ theo một lối mòn tư duy là tác phẩm dành cho các em nhỏ thì chỉ bó hẹp trong đối tượng đó. Nhưng đó là một suy nghĩ có phần đơn giản và một chiều. Đối tượng độc giả của văn học dành cho các em nhỏ rộng lớn hơn nhiều. Bất cứ bậc phụ huynh nào có trách nhiệm và thầy cô giáo tận tụy với nghề, cũng phải đọc trước những tác phẩm văn chương như là sự thẩm định chất lượng, rồi sau đó mới yên tâm và chủ động giới thiệu cho các bạn nhỏ. Do vậy, viết như thế nào, với chất lượng ra sao để người lớn hài lòng và giới thiệu cho con em mình, cũng là một vấn đề khiến cho các nhà văn phải lưu tâm và thêm phần trách nhiệm với những tác phẩm của mình.
Mặt khác, sự tác động của đời sống đương đại và những dấu ấn của nó đối với tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của những độc giả văn học thiếu nhi là điều mà các nhà văn cũng phải nắm bắt được và vận dụng phù hợp trong tác phẩm của mình. Thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ, khoa học kỹ thuật, thời đại của internet, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo (AI)… Nhà văn cũng phải cập nhật kiến thức, hướng đến những đề tài gần gũi và có sức thu hút độc giả.
Văn học Việt Nam nói chung từ xưa đến nay thường thiên về các yếu tố tự sự, kể và mô tả hiện thực cuộc sống. Những tác phẩm mang yếu tố lãng mạn vốn không nhiều. Những tác phẩm mang yếu tố kỳ ảo hay khoa học viễn tưởng, trinh thám, kinh dị thì lại càng ít. Điều này có một phần nguyên nhân là do hoàn cảnh lịch sử, xã hội của đất nước trong suốt hơn một thế kỷ qua. Do tình hình đặc thù, nên những tác giả văn chương đã ưu tiên dành những trang văn của mình để phục vụ cho đất nước, con người Việt Nam trong một thời kỳ đầy ắp những sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc. Mặt khác, các yếu tố quan trọng của văn chương như tính triết lý, sự hư cấu, tưởng tượng vốn cũng rất thiếu vắng trong văn học Việt Nam hiện đại và đương đại, trong đó có văn học thiếu nhi.
Để cho văn học thiếu nhi phong phú hơn, đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu đọc của nhiều độc giả thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, các nhà văn viết cho tuổi nhỏ cần có những tác phẩm phản ánh chân thực đời sống, tâm lý, ước mơ của trẻ em ngày nay. Nội dung các tác phẩm cần đa dạng, không chỉ tập trung vào truyện cổ tích hay bài học đạo đức, mà còn mở rộng sang các thể loại mới như khoa học viễn tưởng, phiêu lưu, trinh thám, hài hước, lịch sử hư cấu… Khi sáng tác, cần tạo ra những nhân vật ấn tượng, đáng nhớ, giúp trẻ em dễ dàng đồng cảm và học hỏi. Tác phẩm không chỉ tập trung vào những bài học đạo đức hay truyền thống văn hóa, gia đình, tình bạn mà còn cần mở rộng sang các chủ đề về môi trường, công nghệ, ước mơ, khám phá thế giới… Xu hướng khai thác các thể loại mới như khoa học viễn tưởng, fantasy (kỳ ảo), trinh thám thiếu nhi… ngày càng rõ nét. Trẻ em ngày nay không chỉ muốn đọc truyện về cuộc sống đời thường mà còn hứng thú với những thế giới kỳ ảo, những chuyến phiêu lưu, khám phá vũ trụ… Các tác phẩm cũng cần phản ánh chân thực cuộc sống đương đại của trẻ em, từ áp lực học tập, mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô đến các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, bảo vệ thiên nhiên…
Viết cho tuổi nhỏ ngày nay, các nhà văn cần sử dụng ngôn ngữ hiện đại, dễ tiếp cận nhưng vẫn giàu giá trị nghệ thuật. Văn phong tự nhiên, sinh động, phù hợp với tâm lý và ngôn ngữ của trẻ em. Tránh cách viết khô khan, giáo điều, thay vào đó là những câu chuyện kể hấp dẫn nhưng vẫn lồng ghép bài học nhân văn. Nhà văn cần đổi mới trong cách kể chuyện và ngôn ngữ, theo xu hướng kể chuyện hiện đại, trẻ trung, giàu tính tương tác với độc giả. Ngôn ngữ văn chương nên gần gũi với trẻ em thời nay, tự nhiên, linh hoạt, có yếu tố hài hước, đôi khi pha trộn cả từ ngữ internet, tiếng Anh… hoặc cách nói chuyện đời thường của trẻ em.
Việc thúc đẩy văn học thiếu nhi phát triển không chỉ là trách nhiệm của các nhà văn, mà các nhà xuất bản, công ty sách cũng đóng vai trò quan trọng. Việc đầu tư vào hình thức sách thiếu nhi cần được chú trọng. Tác phẩm nếu có tranh minh họa sinh động, sáng tạo, sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Chất lượng in ấn tốt, đa dạng hình thức sách (sách bìa cứng, sách pop-up là loại sách có các hình ảnh hoặc mô hình giấy 3D bật lên khi mở từng trang, tạo hiệu ứng chuyển động hoặc không gian ba chiều, sách song ngữ, sách tô màu...) cũng làm cho tác giả và độc giả thêm hào hứng với văn học thiếu nhi. Đặc biệt, truyện tranh và sách tranh minh họa ngày càng được ưa chuộng với hình thức đẹp, màu sắc sinh động, giúp trẻ em dễ tiếp cận hơn.
Việc ứng dụng công nghệ và đổi mới cách tiếp cận độc giả nhỏ tuổi cũng là một hướng đi cần thiết. Cần kết hợp với nền tảng kỹ thuật số (sách điện tử, sách nói, ứng dụng tương tác, phim hoạt hình chuyển thể từ sách...). Tạo ra các dự án sách có kèm hoạt động tương tác như kể chuyện trực tuyến, giao lưu tác giả, sân khấu hóa tác phẩm… Đa dạng hóa các kênh phát hành sách, không chỉ ở nhà sách mà còn trên các nền tảng số, thư viện trường học, chương trình tặng sách… Việc tạo ra các quỹ hỗ trợ sáng tác và xuất bản sách thiếu nhi cũng là những hoạt động hữu ích cho việc phát triển văn học thiếu nhi. Việc dịch thuật sách văn học thiếu nhi các nước và ở chiều ngược lại, cần giới thiệu những tác giả Việt Nam với quốc tế, cũng là một động lực giúp cho dòng văn học thiếu nhi phát triển.
Ở thời đương đại, nhà văn viết cho thiếu nhi cần có sự đổi mới trong cách viết, thích ứng với môi trường, hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, những điều cốt yếu để làm nên thành công của nhà văn viết cho thiếu nhi, bên cạnh nội dung tác phẩm và tư duy sáng tạo, thì vẫn là tình yêu thương dành cho lứa tuổi nhỏ, những cảm xúc chân thật, trí tưởng tượng và hư cấu giàu sức lôi cuốn, tinh thần nhân văn, ý nghĩa giáo dục toát lên trong từng câu chữ.
Đường dẫn bài viết: https://baovannghe.vn/thoi-dai-moi-va-nhung-yeu-cau-moi-cho-van-hoc-thieu-nhi-viet-nam-20024.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://baovannghe.vn/ All right reserved.