Bài thơ "Phan Thiết có anh tôi" của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Phải chăng, có sự kết nối kỳ lạ và cao đẹp giữa tác giả, biển và người anh để rồi trong đời thơ mình, Hữu Thỉnh viết nhiều về biển. Ngoài một số bài lẻ về biển đảo, ông có Trường ca biển...

PHAN THIẾT CÓ ANH TÔI

HỮU THỈNH

Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ

Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ

Đất và trời Phan Thiết có anh tôi.

Chính ở đây anh thấy biển lần đầu

Qua cửa hầm

Sau những ngày vượt dốc

Biển thì rộng căn hầm quá chật

Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai.

Trong căn hầm mùi thuốc súng, mồ hôi

Tim anh đập không sao ghìm lại được

Gió nồng nàn hơi nước

Biển như một còn tàu sắp sửa kéo còi đi.

Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya

Những người lính mở đường đi lấy nước

Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp

Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi

Biển ùa ra xoắn lấy mọi người

Vì yêu biển mà họ thành sơ hở

Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ

Mất chỉ còn cách nước một vài gang.

Anh ở đây mà em mãi đi tìm

Em hy vọng để lấy đà vượt dốc

Tân Cảnh

Sa Thầy

Đắc Pét

Đắc Tô.

Em đã qua những cơn sốt anh qua

Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp

Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết

Em một mình đứng khóc ở sau xe.

Cánh rừng còn kia trận mạc còn kia

Vài bước nữa thì tới đường số Một

Vài bước nữa

Thế mà

Không thể khác

Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi.

Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì

Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng

Anh chưa biết đã tan cơn báo động

Chưa biết tin nhà không nhận ra em.

Không nằm trong nghĩa trang

Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ

Cỏ ở đây thành nhang khỏi của nhà mình

Đồi ở đây cũng là con của mẹ.

Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em

Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm

Đèn thành phố soi người đi câu cá

Anh không ngủ người đi câu không ngủ

Biển đêm đêm trò chuyện với hai người.

Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi.

1981

LỜI BÌNH

Nhắc đến Phan Thiết có anh tôi, hầu hết những tác giả thơ, nghiên cứu - phê bình thơ cùng bạn đọc đều biết đó là sáng tác của nhà thơ Hữu Thỉnh. Bởi đó là thơ hay, thơ viết về liệt sĩ, thêm nữa, lại nói đến người anh ruột của tác giả.

Bài thơ
Biển Cổ Thạch - Phan Thiết. Ảnh Du lịch biển

Đây là một trong số ít bài thơ mà Hữu Thỉnh viết về người thật, việc thật của chính gia đình mình. Người anh yêu kính của tác giả cũng là bộ đội, ông đã hy sinh trước ngày ký hiệp định Paris về việc ngừng bắn ở Việt Nam. Sau ngày 30-4-1975, người em trai mới vào thăm được. Tác giả hình dung về khoảnh khắc trước khi hy sinh của người anh qua lời kể và ông kể lại một lần nữa bằng thơ. Yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình diễn ra đồng thời.

Người chiến sĩ hy sinh trong một hoàn cảnh, tình huống khá đặc biệt. Về thời gian, chỉ ít ngày nữa thôi, sẽ ngừng bắn. Về không gian, người lính cùng đồng đội đi lấy nước trong đêm. Ấy là dịp may mắn: Chính ở đây anh thấy biển lần đầu/ Qua cửa hầm/ Sau những ngày vượt dốc. Và tiếp theo, một đoạn thơ khá tinh tế: Trong căn hầm mùi thuốc súng, mồ hôi/ Tim anh đập không sao ghìm lại được/ Gió nồng nàn hơi nước/ Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi. Quả đúng là tâm trạng người lính từng ở rừng, ở hầm, đánh trận, quê miền trung du, khao khát biển. Và Gió nồng nàn hơi nước. Chỉ người nào yêu biển, từng sống ở biển mới có cảm giác ấy, chỉ người nào khát khao mong được gặp biển một cách sớm nhất, lại rất sợ mất cơ hội, mới cho rằng Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi.

Đọc đến đây, các tầng, lớp của bài thơ đã dần dần được mở ra. Trước tiên là mối quan hệ thân thiết, từng nóng lòng mong đợi giữa những người lính với biển: Những người lính mở đường đi lấy nước/ (…) Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi/ Biển ùa ra xoắn lấy mọi người/ Vì yêu biển mà họ thành sơ hở/ Mất chỉ còn cách nước một vài gang. Như vậy, thân thể bề ngoài của bài thơ là tiếng nói nghệ thuật về một tấm gương liệt sĩ, cụ thể là hình ảnh người lính với sự việc khiến anh hy sinh. Nếu chỉ vậy thôi, hoặc có thêm những câu thơ xót xa nữa, thì cũng rất đáng được trân trọng, nhưng không phải là thơ Hữu Thỉnh. Hình ảnh biển đã đi vào bên trong tâm hồn tác giả, đi vào bên trong tâm hồn người anh. Vì thế mà thân thể bên trong của bài thơ phải làcảm thức về biển Tổ quốc. Hai anh em nhà Hữu Thỉnh đã “gặp nhau” ở biển. Đó là một nhánh tư tưởng nghệ thuật của bài thơ. Nhánh thứ hai được thể hiện ở những câu thơ: Cánh rừng còn kia, trận mạc còn kia/ Vài bước nữa thì tới đường số Một/ Vài bước nữa/ Thế mà/ Không thể khác/ Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi. Biển là lãnh hải, tượng trưng cho Tổ quốc, đường số Một tượng trưng cho chiến thắng, thống nhất đất nước. Sau những tháng ngày ở rừng, ở hầm, đánh trận, người lính khát khao trở về với biển, mong ước được đi trên đường lớn số Một nối liền Nam - Bắc. Đó làcảm thức về ngày chiến thắng. Nhưng những khát khao, mong ước ấy đã chưa trở thành hiện thực đối với người chiến sĩ khi anh còn sống. Oái oăm thay, nhiều người lính như anh cũng ngã xuống vào dịp sát ngày ký hiệp định Paris hoặc sát ngày, trong ngày 30/4.

Trong trường hợp này, nhà thơ, nhà nghiên cứu - phê bình Hoài Anh đã có ý kiến rất xác đáng rằng: “Bài thơ có một ý hay: Người liệt sĩ hy sinh có khi chỉ cách chiến thắng một gang tay về mặt không gian, nhưng để đến đích cả dân tộc đã phải đi một thời gian hàng trăm năm. Không gian tưởng chừng không thay đổi bao nhiêu, nhưng thời gian đã trôi qua rất nhiều, hình ảnh người liệt sĩ như vẫn sừng sững giữa không gian, dằng dặc với thời gian”.

Viết về người liệt sĩ chính là anh ruột mình chưa kịp làm thân với biển, chưa kịp ra đến đường số Một sau những năm tháng tham gia các trận đánh - cũng tức là chưa tận hưởng niềm vui được sống với một phần giang sơn Tổ quốc, chưa được hưởng ngày chiến thắng - và hình ảnh đường số Một gắn liền với hình ảnh biển đã làm nên sự khác biệt giữa Phan Thiết có anh tôi với những bài thơ khác cùng viết về đề tài này.

Phải chăng, có sự kết nối kỳ lạ và cao đẹp giữa tác giả, biển và người anh để rồi trong đời thơ mình, Hữu Thỉnh viết nhiều về biển. Ngoài một số bài lẻ về biển đảo, ông có Trường ca biển (1981 - 1994) được viết đồng thời và ngay sau khi viết Phan Thiết có anh tôi. Người anh chưa kịp ra đến đường số Một, thì người em viết hay như thế nào để bù đắp lại trong trường ca Đường tới thành phố, đồng thời, hình ảnh người anh (thông qua hình ảnh người chị dâu) đẹp như thế nào trong trường ca này, hẳn độc giả đã biết.

Lẽ ra bài bình có thể dừng ở đây. Nhưng vì tác giả bài thơ đã thêm vào 5 câu ở cuối bài do các lần in đầu ông đã bỏ sót, thì người bình cũng xin viết thêm. Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng: “Bài thơ đáng lẽ kết ở đó thì vừa, nhưng tác giả lại “kết luận” thêm mấy câu, như để cho “tròn cái tứ”, đâm ra đoạn kết bài thơ bị giãn ra (…), thơ “nói hết khi nó nói chưa hết” (Tạp chí Kiến thức ngày nay, 10-12-1999). Ý kiến của Thanh Thảo rất đúng, và có thể nói là khá tinh tường khi nhìn vào cấu tạo văn bản tác phẩm thơ. Tuy nhiên: có lẽ Hữu Thỉnh cũng biết như thế từ trước. Bài thơ này được viết sau trường ca Đường tới thành phố, khi tác giả đã vững tay nghề. Có lẽ vì quá thương anh, tác giả muốn “đầy đủ” cho anh. Hữu Thỉnh phải hy sinh nghệ thuật thơ đi một chút, để được cái lớn hơn trong trường hợp này. Nhà thơ tránh chăm chút quá nhiều về nghệ thuật, kỹ thuật khi viết về người thân, nhất là trước sự mất mát quá lớn đối với gia đình và chính mình. (Nói thế không có nghĩa là mọi bài thơ hay, rất hay viết về nỗi đau riêng tư đều có nhược điểm). Thanh Thảo đứng ở góc độ lao động thơ mà nói vậy, chứ anh vẫn khẳng định đây là “một trong những bài thơ làm đứng được” tập thơ Thư mùa đông.

Phạm Đình Ân

Đường dẫn bài viết: https://baovannghe.vn/bai-tho-phan-thiet-co-anh-toi-cua-huu-thinh-20743.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://baovannghe.vn/ All right reserved.