Mỗi lần đi qua khu tập thể cũ, tôi vẫn thường tự hỏi điều gì cứ níu chân tôi ghé lại hiệu sách của cô Viên. Gọi hiệu sách có vẻ hơi to tát bởi hơn hai mưới năm qua, đó chỉ là một căn gác nhỏ với rất nhiều sách và tạp chí cũ. Cô Viên người nhỏ nhắn, gầy guộc nhưng tốt bụng, hiền hòa, thường lấp ló sau mấy chồng sách cao thấp, đầy vơi. Một trưa tháng tám còn ngả nghiêng nắng, tôi dừng xe bước vào hiệu sách của cô, cảm xúc lại bồi hồi như là tôi của ngày hôm qua, hôm kia, tôi của hai mươi năm về trước…
![]() |
Ảnh minh họa của Norbert Toth/Unsplash. |
Hiệu sách nhỏ này cô Viên mở ra từ năm 2000. Ngày ấy, sách cũ bắt đầu xuất hiện nhiều ở thành phố nhỏ quê tôi. Cái ngày mà Internet vẫn còn xa lạ với lũ học trò tỉnh lẻ, thì đọc sách, truyện là một niềm yêu thích có phần hơi “xa xỉ”. Những cô cậu học trò nghèo thường có thói quen nhịn quà sáng để dành mua sách. Con phố nhà tôi ngày ấy được gọi là “phố sách” của tỉnh, bởi lẽ ở đây những hiệu sách cũ, mới mọc lên ngày một nhiều hơn. Giữa những cửa hiệu rộng rãi, đa dạng các loại sách, tạp chí, kết hợp với đồ dụng học tập, quà lưu niệm… thì hiệu sách của cô Viên nhỏ bé, khiêm nhường ở góc phố, chỉ bán mỗi sách cũ, mộc mạc như một mầm cây âm thầm lớn lên, không phô trương, không ồn ã.
Hiệu sách tuy nhỏ và cũ kỹ nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng. Cô Viên phân loại và sắp xếp cẩn thận và nâng niu khác hẳn với những cửa hàng sách cũ khác thường để búa xua, ít phân loại, mua bán theo cân. Truyện thiếu nhi thường được cô để ở những kệ thấp vừa tay với của trẻ con. Những cuốn sách giáo khoa cô luôn soạn thành từng bộ, để ngay ngắn theo từng lớp và cấp học. Đặc biệt là, góc cao nhất, cô đóng một chiếc tủ có cửa kính, trong đó để những cuốn sách hay, sách quý mà cô tìm mua được. Cuốn nào cũ quá, gáy bìa bong tróc đều được cô cẩn thận dán lại bằng băng keo rồi đặt ngay ngắn, chỉn chu với sự trân trọng, yêu thương. Tôi đã quá quen với những góc nhỏ ấy như một phần hoài niệm những ngày tuổi thơ thật đẹp và mơ mộng của tôi.
Cô Viên ít nói, chỉ hay cười, nụ cười hồn hậu mỗi lần có khách bước vào hiệu sách. Thường sau cái gật đầu chào thì cô chủ và khách đều đắm chìm vào một góc của riêng mình. Anh sinh viên nghèo ngẩn ngơ rất lâu trước cuốn sách mình yêu thích, lật xem giá phía sau, tiếc nuối: có bán 50% giá bìa vẫn chưa thể đủ tiền mua. Như đọc được suy nghĩ ấy, cô Viên mỉm cười đưa cho anh cái ghế nhỏ: “Cháu đọc đi, cuối tuần nghỉ cứ qua đây ngồi đọc sách.” Cô từng kể với tôi rằng cô thích sách nhưng ngày đi học, sách vở ít lắm, nhà nghèo lại đông anh em nên cô học hết phổ thông là nghỉ đi làm. Cô luôn mong có một hiệu sách như thế này để thỏa mong ước được đọc mỗi ngày. Ở chung phố, tôi và những bạn hàng xóm thường được cô cho mượn sách đọc và dặn dò “Không được nhịn ăn sáng nghe chưa cháu!” Con bé tôi ngày ấy cũng chưa hiểu được nhiều sự quan tâm tinh tế của người lớn dành cho mình nhưng cảm nhận rõ tình yêu của cô Viên dành cho lũ trẻ. Chẳng biết cái nghề này lời lãi nhiều không mà ở phố mở nhiều hàng bán sách thế nhưng cô Viên bán khá rẻ, hiệu sách của cô như thế giới mơ ước của tuổi thơ chúng tôi; cô luôn bớt ít bớt nhiều nhất là lúc nhìn thấy sự hân hoan của lũ học trò lục tìm cả buổi giữa bao nhiêu chồng sách ngổn ngang để tìm một cuốn mình thích nhất. Anh sinh viên xa lạ kia vài lần đến cũng được cô cho mượn sách mang về, dù cô không biết anh ở đâu, học trường nào, thậm chí chẳng biết anh tên gì, bao nhiêu tuổi. Đáp lại những thắc mắc trong lòng tôi cô thủ thỉ: “Đọc thì sách cũng có mòn đi đâu, cô vẫn bán lại được.” Sao tôi nghe nhẹ nhàng như một tiếng sáo… Bởi cuộc sống mưu sinh của người dân quê tôi những năm ấy còn nhiều khó khăn, vợ chồng cô trông vào hiệu sách nhỏ này nuôi ba người con ăn học. Nên đôi lúc, trước sự phóng khoáng của cô Viên, chồng cô càm ràm “buôn bán như bà.” Cô Viên cười, nụ cười làm mát rượi trưa nắng hè, làm lắng đi nhưng vất vả, lo toan, nụ cười gồng gánh hết thảy những vui buồn…
Khách của hiệu sách nhiều những bác lớn tuổi, những thầy giáo già về hưu, cả những cụ già nhưng mê đọc sách, thường nhờ cô Viên tìm giúp những cuốn sách cũ, hiếm gặp, hoặc không còn tái bản. Cô luôn cẩn thận chép tựa sách vào sổ tay, ghi nhớ rồi dành thời gian tìm kiếm, cất để dành cho khách quý. Tôi nhớ cô nói, từ khi tiếp xúc nhiều với sách, cô luôn được gặp những người cô thích. Bất giác, hình ảnh hiệu sách hiện lên trước mắt tôi thật giống khung cảnh trong những câu truyện cổ tích. Có ông bụt, dù không có phép thuật nhưng những câu chuyện xưa ông kể luôn khiến lũ trẻ con quấn quýt xung quanh. Có cô tiên, dù thiếu chiếc đũa thần, nhưng cô mang tặng chúng tôi một bản đồ kho báu sách, chỉ cần chịu khó tìm là ai cũng sẽ thấy món quà dành riêng cho mình.
Thời gian trôi qua, thấm thoắt đã hơn hai mươi năm, khu phố nhỏ ngày ấy giờ đã quá nhiều đổi thay. Giờ có lẽ chẳng ai còn gọi đây là phố sách nữa. Đường xá đã mở rộng gấp đôi. Nhà cao tầng, những cửa hàng thời trang, thẩm mỹ viện, siêu thị, cả showroom ô tô dần thay thế hết các cửa hàng nhỏ. Một hai năm trở lại đây, còn có một siêu thị sách năm tầng mọc lên ở đầu phố với không chỉ sách còn có tổ hợp giải trí: khu vui chơi trẻ em, siêu thị mini, quán cà phê, nhà hàng… Phố hiện lên trong tôi với một diện mạo mới, lộng lẫy và hiện đại. Nhưng, phía cuối đường, sau cây bàng già bao mùa thay lá, hiệu sách cũ của cô Viên vẫn ở đó, tĩnh tại, thân thuộc, và bình yên trước những đổi thay hào nhoáng. Tôi tin đó luôn là một may mắn dành cho mình bởi mỗi lần bước vào, tôi dù mười lăm hay đã ba lăm vẫn thấy được đón chào với tất cả sự yêu quý, thân thương. Mấy cuốn sách cô Viên tặng kèm theo nụ cười quen thuộc “Chắc là cháu thích, mang đi mà đọc”, làm tôi thấy mát lành, đầy đủ như thể tuổi thơ tươi đẹp của tôi vẫn còn đó. Chuyến thăm ngắn ngủi thôi, nhưng hành trang tôi mang về không chỉ đầy ăm ắp những hoài niệm còn thêm những niềm vui bé nhỏ, thật thà. Tôi bất ngờ khi cô Viên báo tin em Tuấn, con trai út của cô mới đỗ chuyên toán. Là chuyên toán trường Lam Sơn, mơ ước của tất cả học sinh xứ Thanh tôi đó.
Niềm vui bình dị ấy theo tôi lên cả chuyến xe khách trở lại Hà Nội.
“…Tôi vẫn thích viết về những người tốt. Có điều những người đó sẽ không được sung sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời rủ nhau sống tốt hết rồi.” Tôi lật trang đầu cuốn “Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư” mà cô Viên tặng, tác giả đã viết như thế ở lời tựa. Điều đó có thể không sai, nhưng tôi luôn cho rằng, hạnh phúc dù lớn lao hay bé nhỏ cuối cùng sẽ đến với những người biết tin vào sự vĩnh viễn của những điều tử tế và tốt đẹp. Hình ảnh câu ca xưa mà bác khách tặng cô Viên những ngàyđầu cô mở hiệu sách lại hiện lên trong tôi như một định nghĩa về sự đủ đầy của tâm hồn mà tôi luôn theo đuổi:
“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng
Cũng không bằng kinh sử một vài pho.”
Đường dẫn bài viết: https://baovannghe.vn/hieu-sach-co-vien-tan-van-cua-phuong-nguyen-20767.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://baovannghe.vn/ All right reserved.