Chuyên đề

Thơ ca làm nên cốt lõi tâm hồn dân tộc

Câu chuyện văn hoá 09:16 | 10/02/2023
Sáng ngày 5/2/2023, tại hội trường của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – 19C Hoàng Diệu, Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm về thơ với chủ đề “Thơ hiện nay với hôm nay”. Buổi tọa đàm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức để mở màn cho chuỗi hoạt động của ngày hội thơ lần thứ 21 được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long, sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19
aa

NHỊP ĐIỆU MỚI TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 21

Sáng ngày 5/2/2023, tại hội trường của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – 19C Hoàng Diệu, Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm về thơ với chủ đề “Thơ hiện nay với hôm nay”. Buổi tọa đàm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức để mở màn cho chuỗi hoạt động của ngày hội thơ lần thứ 21 được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long, sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19.

Tới dự buổi tọa đàm có Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang là cố vấn cho Ban chấp hành Hội, Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật trung ương, Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng các thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam, đông đảo người yêu thơ, các phóng viên báo đài…

Điều khiển buổi tọa đàm là Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà lý luận phê bình văn học Văn Giá.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm Ảnh: Hữu Đố

Mở đầu buổi tọa đàm, Nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã lên phát biểu, khẳng định giá trị của thơ ca trong đời sống từ ngàn đời nay. Trong suốt chiều dài lịch sử của thơ ca, nhân loại vẫn miệt mài đi tìm lời giải cho hai câu hỏi: Thơ là gì? Thơ có giá trị gì? Hai câu hỏi này đã vang lên khi câu thơ đầu tiên xuất hiện trong đời sống con người và hai câu hỏi sẽ chỉ biến mất khi trên thế gian này không còn có các nhà thơ. Mỗi bài thơ ra đời có thể được xem như câu trả lời cho hai câu hỏi trên. Mỗi bài thơ có thể được xem như một tiểu định định nghĩa về thơ. Mỗi một thời đại của thơ ca được xem như đại định nghĩa về thơ. Tuy nhiên, cho dù là tiểu định nghĩa hay đại định nghĩa thì cũng chỉ là một định nghĩa tương đối, nó có giá trị cho một con người, một đời sống, một hoàn cảnh, một xã hôi, hay một thời đại mà thôi. Chính vì vậy những vần thơ vẫn tiếp tục ra đời với tất cả tình yêu, đam mê, lẽ sống như để tiếp tục đi tìm lời giải cho hai câu hỏi trên.

Thơ ca giống như một điều kiện cần để duy trì thế đứng của con người trong thế giới này. Vạn vật trên thế gian này dường như vẫn đẹp, nhưng thế gian này không còn long lanh, không còn kì ảo, không còn đáng yêu như trước nữa bởi sự ích kỉ đã bao trùm lên nhãn quan của con người. Vậy thơ ca có thể trở thành một liều thuốc chữa lành cho thế giới này, có thể xé rách cái màn thực dụng, ích kỉ của con người để thế giới này lại long lanh, kì ảo, đáng yêu như nó vốn có và cần phải thế hay không, đó chính là một vấn đề, một câu hỏi đặt ra cho thơ và cho người cầm bút.

Văn học nghệ thuật chính là tâm hồn của một dân tộc và thơ ca chính là cốt lõi. Xã hội chuyển biến thì tâm hồn con người chuyển biến. Tâm hồn chuyển biến thì thơ ca cũng chuyển biến. Thời đại sang trang thì thơ ca cũng sang trang. Vậy thơ ca bây giờ đang ở đâu, phát triển ra sao, hình dáng diện mạo, sức vóc như thế nào? Thơ đang mở rộng địa giới của mình hay đang bị thu hẹp lại. Thơ đang quần chúng hóa, đang câu lạc bộ hóa, hay thơ đang khu biệt hóa, đang thần bí hóa, hay cả hai hướng đều được phát triển, và điều ấy là tốt hay không tốt. Thơ ngày hôm nay khác ngày hôm qua ở cái gì? Đó là một trong những kì vọng, mong mỏi mà ban tổ chức hy vọng có được phần nào câu trả lời trong cuộc tọa đàm này, đến từ các nhà thơ, bạn đọc tham dự.

Đàm đạo ở Quán thơ. Ảnh: Hữu Đố.

Phần lớn tham luận của các nhà thơ đều đưa ra vấn đề thơ ca đang dần mất đi chỗ đứng trong đời sống, thơ đang ngày càng mất bạn đọc, trong khi số lượng người làm thơ ngày càng nhiều. Các bản tham luận đều chỉ ra một nguyên nhân chính, đó là thơ đang bị quần chúng hóa. Điều này dường như lỗi nằm ở các cơ quan xuất bản, các cơ quan truyền thông. Một dân tộc có nhiều người yêu thơ đó là điều đáng mừng, có nhiều người làm thơ cũng là đáng mừng. Nhưng để định hướng giá trị của thơ ca lại thuộc về hệ thống các cơ quan nhà nước, trong đó có vai trò của các cơ quan quan lý văn hóa, văn học nghệ thuật, các cơ quan báo chí xuất bản. Chúng ta đã quá dễ dãi trong việc quản lý, định hướng hoạt động cho các câu lạc bộ thơ, quá dễ dãi trong việc in ấn xuất bản, phổ biến tác phẩm thơ ra với công chúng. Sự dễ dãi này khiến cho thơ bị tầm thường hóa và bị bạn đọc quay lưng.

Ngoài nguyên nhân do chúng ta đang quần chúng hóa thơ ca còn có các yếu tố khác mà một số tham luận đã chỉ ra, đó là xã hội hiện đại đang chạy theo giá trị vật chất, dần quên đi vẻ đẹp tâm hồn, cũng như những điều cốt lõi để làm nên vẻ đẹp tâm hồn, trong đó có thơ ca. Đời sống hưởng thụ vật chất khiến con người trở nên tham lam và ích kỉ, suy thoái về văn hóa, suy thoái về tình người, điều đó dẫn đến việc thơ ca bị xem thường. Bên cạnh đó còn có một yếu tố chủ quan đến từ chính những người cầm bút, họ chưa trả lời được câu hỏi làm thơ vì mục đích gì? Bời có không ít người làm thơ vì một sự háo danh tầm phào. Họ làm thơ vì một danh xưng nhà thơ, vì một danh xưng hội viên của một câu lạc bộ, tổ chức hội, thậm chí là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, họ vì những sự tung hô cho những đầu sách đang được in ấn một cách dễ dãi… Chính những người cầm bút như thế đang làm tầm thường hóa chính mình, tầm thường hóa cho công việc mình đang làm với danh nghĩa đam mê.

Đông đảo đọc giả với Đường sách. Ảnh: Hữu Đố

Làm thế nào để thơ ca đến được với đông đảo bạn đọc trong thời buổi thị trường cũng là một vấn đề được các tham luận đưa ra. Trong thời buổi cơ chế thị trường chúng ta cũng có thể xem văn chương như một thứ hàng hóa đặc biệt. Điều này giúp cho người cầm bút phải nâng cao giá trị đời sống cho tác phẩm của mình. Bạn đọc muốn thấy hình ảnh của mình trong tác phẩm đó, thấy được cuộc đời mà mình đang sống ở trong tác phẩm đó. Tuy nhiên chúng ta có thể xem văn chương là môt thứ hàng hóa nhưng cũng không thể làm thương mại hóa văn chương, như một nhà văn nào đó đã nói không thể biến văn chương thành thứ bồi bàn, bưng bê đến tận miệng các thực khách. Đối với mỗi người cầm bút, hãy luôn tự đặt cho mình những câu hỏi: Viết văn để làm gì? Viết cho ai? Anh có dửng dưng trước những thân phận trong cuộc đời này không? Anh có dửng dưng trước những vận mệnh mà dân tộc anh đang đối mặt không? Anh có bận lòng trước những khái niệm, những giá trị của đời sống đang bị đánh tráo không?… Có hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi như thế đang đặt ra cho những người cầm bút và hãy trả lời những câu hỏi đó để rồi quyết định mình nên tiếp tục cầm bút hay gác bút…

Tuy vậy, bên cạnh đó có nhiều người làm thơ đang miệt mài tìm tòi với những con chữ, mong muốn đem lại một giá trị nghệ thuật, một sự tìm tòi mới cho thơ, nhằm nâng tầm vóc của thơ ca, làm thay đổi sự phát triển của thơ ca, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức thơ của người đọc. Họ đang ngụp lặn vào trong đời sống xã hội, đi sâu vào nội tâm con người, để giá trị nghệ thuật của thơ ca không xa rời với giá trị đời sống. Điều này đã được đề cập đến trong tham luận của nhà thơ Trần Anh Thái, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

Ngoài các tham luận, buổi tọa đàm còn lắng nghe ý kiến của các khách mời, trong đó có ý kiến đáng lưu ý của nhà thơ Trang Thanh, đó là người cầm bút cần phải có sự ẩn nhẫn, sự cô độc trong không gian sáng tạo của riêng mình.

Trong thời gian hơn 2 tiếng đồng hồ, tọa đàm đã lắng nghe tham luận của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học: Vũ Quần Phương, Nguyễn Hiếu, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Văn Mật và ý kiến phát biểu của một số bạn đọc tham dự buổi tọa đàm.

Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, khi phát biểu kết thúc tọa đàm tỏ vẻ thích thú vì buổi tọa đàm có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cùng chung một mục đích để làm sao nâng tầm vóc của thơ ca trong đời sống xã hội. Mỗi người viết cần phải có văn hóa ưng xử, trách nhiệm với cộng đồng khi cầm bút, có như vậy chất lượng của thơ ca mới ngày một nâng lên.

Mỗi con người là một thế giới độc lập nhiều màu sắc. Mỗi con người là một nguồn năng lượng sáng tạo đầy tiềm năng. Vậy làm sao để khai quật nguồn năng lượng đó, luôn là một câu hỏi khó. Thôi thì hãy sống đến tận cùng với những đam mê của mình, với khát khao sáng tạo, tận cùng với những bản năng tốt đẹp trong ta, tận cùng với tình yêu dành cho con người, dành cho dân tộc, cho thiên nhiên. Hãy dám là chính mình để được cống hiến cho cuộc đời.

Trần Vũ An

Nguồn Văn nghệ số 6/2023


Ký tự trắng - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Ký tự trắng - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Baovannghe.vn- Có những suy tư bên ngoài câu chữ/ có những khổ đau không nói thành lời
Kẻ cam phận. Truyện ngắn của Claire Castillon

Kẻ cam phận. Truyện ngắn của Claire Castillon

Baovannghe.vn - Tôi không hiểu tại sao con gái tôi lại trở nên hung tợn. Tôi cố hẹn gặp nhóm tư vấn để trình bày tháng sau tôi mới có thể gặp được họ.
Lời khuyên tinh tế từ các nhà văn kì cựu quốc tế cho viết lách

Lời khuyên tinh tế từ các nhà văn kì cựu quốc tế cho viết lách

Baovannghe.vn - Tại Paris - thủ đô văn chương, hiệu sách huyền thoại Shakespeare and Company vẫn là biểu tượng của giấc mơ viết lách. Tuyển tập phỏng vấn các tác giả từng xuất hiện tại đây mang đến cái nhìn sâu sắc và sống động về nghề viết, như một cuộc trò chuyện kéo dài mãi giữa văn chương, ý tưởng và sáng tạo.
Khởi động vở nhạc kịch “Café bánh mì”

Khởi động vở nhạc kịch “Café bánh mì”

Baovannghe.vn - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025), Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với các các nghệ sỹ Hàn Quốc thực hiện vở nhạc kịch “Café bánh mì” – thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước.
Chính phủ: Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Chính phủ: Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Baovannghe.vn- Sáng 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.