Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2 diễn ra từ ngày 17/4 đến 15/5 với chủ đề Sách cho mọi nhà. Tại sự kiện này, lần đầu tiên sàn giao dịch bản quyền sách được đưa vào hoạt động với sự tham gia của 50 nhà xuất bản trong và ngoài nước. Đây được xem là bước chuẩn bị cần thiết để Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự thảo nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Hình thành tư duy mới trong quản lý quyền tác giả, quyền liên quan
Hội sách năm nay huy động được 70 đơn vị nhà xuất bản, cung cấp trên 20.000 tựa sách với trên 30.000 bản sách phục vụ bạn đọc, trong đó có nhiều ấn phẩm được bạn đọc quan tâm trong 3 năm trở lại đây. So với hội sách lần thứ I được tổ chức vào năm 2020, hội sách năm nay có nhiều cải tiến về giao diện, tạo thuận lợi cho độc giả trong việc tương tác và mua sách trên 5 bloc, tương đương với 5 sàn giao dịch, gồm: sàn thông tin chung, sàn sách in, sàn sách điện tử, sàn sự kiện và sàn giao dịch bản quyền sách. Đây là năm đầu tiên hội sách đưa vào hoạt động sàn giao dịch bản quyền sách với sự tham gia của 50 nhà xuất bản trong và ngoài nước. Ban Tổ chức cho biết, sáng kiến này không chỉ giúp các đơn vị kết nối, từng bước hình thành sân chơi sòng phẳng về chất lượng và giao dịch bản quyền quốc tế mà còn từng bước, hình thành tư duy mới trong quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.
Công bằng mà nói, chưa bao giờ vấn đề bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ đối với sách lại thu hút được sự quan tâm của dư luận như hiện nay. Một mặt do sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó phải kể đến sự góp mặt đắc dụng của các nền tảng trực tuyến đã đưa sách trở về vị trí xứng đáng là kho tàng tri thức của nhân loại. Mặt khác, ở gó độ hẹp hơn, văn hóa đọc trong nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ sau ngày 24/2/2014, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nhờ đó, Ngày hội đọc sách, Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc... lần lượt ra đời và được nhân rộng trên phạm vi cả nước. Từ hội sách được tổ chức trực tiếp, chuyển sang trực tuyến và kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến nhằm phục vụ tối đa nhu cầu đọc của độc giả. Những hoạt động sôi động của thị trường sách đã tiếp tục khẳng định và nâng tầm quan trọng của sách trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là thúc đẩy văn hóa đọc, tạo điều kiện cho các nhà xuất bản, các nhà văn, thơ và tác giả viết sách có thể sống được bằng tác phẩm của mình, thì nạn ăn cắp bản quyền cũng phát triển mạnh mẽ hơn, thậm chí trở nên khó kiểm soát trên nền tảng trực tuyến, đe dọa sự tồn vong của nhà xuất bản, các công ty sách và bản thân tác giả viết sách.
Theo Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), chỉ trong quý I của năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng đơn vị cũng đã phải tiếp nhận lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan khá lớn lên đến hàng trăm đơn thư trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó là sự góp ý bằng văn bản về quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Cho thấy mối quan tâm hiện nay của các đơn vị, tổ chức, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan và những căn cứ pháp lý giúp đơn vị quản lý - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Thông tin & Truyền thông hoàn thiện Luật sở hữu trí tuệ đang rất được chú trọng.
Đưa ra quan điểm về bản quyền trên nền tảng trực tuyến, ông Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục Bản quyền, cho biết, Bộ đang gấp rút xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh đó là tiếp tục số hóa hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2011-2018 (theo Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025). Những động thái này được xem là cần thiết, cho thấy Bộ đã có những bước đi đầu tiên, đúng hướng trên con đường phát triển nền công nghiệp văn hóa.
Hướng đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Thống kê của Cục Bản quyền cho biết, chỉ trong quý I, Cục đã cấp 1879 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; 548 hồ sơ chưa đến hạn giải quyết cũng đã được xem xét trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất bản có liên quan trực tiếp đến vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, nhu cầu về đăng ký bản quyền và được bảo vệ quyền tác giả đối với cá nhân, tổ chức thực tế lớn hơn rất nhiều do có sự thay đổi hình thức xuất bản, chuyển từ xuất bản truyền thống (in, đóng xén tại nhà in) sang xuất bản trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức/ tác phẩm (sách văn học, công trình nghiên cứu…) tạo ra kẽ hở cho nạn ăn cắp bản quyền phát triển mạnh mẽ. Có thể dẫn ra đây một số ví dụ điển hình cho nạn ăn cắp bản quyền như trường hợp của Nhà xuất bản Giáo dục. Chỉ tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, bản thân Nhà xuất bản và các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 600.000 bản sách lậu, ước tính lên tới hàng chục tấn; Công ty First News - Trí Việt cũng có khoảng 700 đầu sách bị vi phạm bản quyền, trong đó có gần 200 đầu sách của đơn vị bị làm giả và bán trên trang thương mại điện tử trong nhiều năm, gây thiệt hại cho công ty này hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Những vụ vi phạm bản quyền về sách đang ngày một gia tăng và trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết trên nền tảng trực tuyến khi dịch Covid-19 hoành hành. Do giãn cách xã hội, sách không phải là mặt hàng thiết yếu được giao dịch trực tiếp nên chuyển sang hình thức trực tuyến, kéo theo thói quen đọc sách trực tuyến của người đọc. Nhiều nền tảng trực tuyến đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh kho dữ liệu số hóa tác phẩm của mình, bất chấp vấn đề bản quyền thông qua hình thức Thư viện khẩn cấp. Không bàn đến mức độ thiệt hại của các nhà xuất bản khi đã mua bản quyền tác phẩm, công trình nghiên cứu, mà chỉ cần nhìn vào số lượng các vụ vi phạm gia tăng ngay cả trong nước và quốc tế không chỉ cho thấy mối nguy hại của nạn ăn cắp bản quyền mà còn hình thành thói quen đọc Chùa của lượng lớn độc giả. Cả hai vấn nạn này sẽ khiến cho các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học... mất dần và không còn cảm hứng sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tới đây Bộ sẽ chỉ đạo Cục Bản quyền tiếp tục thiện hồ sơ đề xuất gia nhập Hiệp ước WCT, Hiệp ước WPPT. Đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, chuẩn bị triển khai Hiệp định RCEP... một cách bài bản, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Việt Nam đang hội nhập một cách sâu rộng với thế giới, nên những thói quen và những lợi ích cá nhân sẽ buộc phải nhường chỗ cho sự tiến bộ của cộng đồng và vì mục đích chung của cộng đồng. Sẽ không có chỗ cho sự vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Do đó rất cần phải rà soát lại những điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, xem nội dung nào hợp lý, nội dung nào bất hợp lý và cần phải bổ sung. Trong sân chơi này, Việt Nam cần hội nhập một cách chủ động, bài bản. Những căn cứ pháp lý được xem là nền tảng để Việt Nam có thể phát triển nền công nghiệp văn hóa, không chỉ phù hợp với xu hướng thế giới mà còn cho thấy dư địa của ngành xuất bản vẫn còn rất lớn và cần sự phối hợp của các Bộ, ngành. Bởi ngành xuất bản, hay bản thân mỗi nhà xuất bản, cá nhân... không thể đơn thương độc mã trong đấu tranh chống xâm phạm bản quyền.
Quay trở lại với Hội sách trực tuyến “Sách cho mọi nhà” được tổ chức song song với hàng loạt hoạt động quảng bá, thúc đẩy văn hóa đọc trên cả nước trong những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm để thấy, văn hóa đọc không chỉ là nét đẹp giúp mỗi người trong quá trình thu nhận kiến thức, còn cho thấy sự văn minh trong quyết định trở thành người đọc sách thông thái khi nói không với sách lậu, sách nhái vi phạm quyền tác giả, nhất là trên nền tảng số, khi những nguyên tắc về cho mượn sách điện tử có kiểm soát còn chưa thực sự rõ ràng. Những thách thức này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có sự thông tuệ trong luật pháp, am hiểu các văn bản luật để đưa ra những chế tài đủ mạnh nhằm lập lại trật tự trong in ấn, phát hành sách nhất là trên nền tảng trực tuyến còn hết sức mới mẻ hiện nay.
Nguồn Văn nghệ số 17/2021