Theo đó, nội dung văn bản nêu rõ: 1/7/2025 là ngày đầu tiên các địa phương trên cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau sắp xếp. Đây là một dấu mốc trọng đại trong tiến trình phát triển và hội nhập, đánh dấu bước chuyển mình của dân tộc hướng đến một tương lai phồn vinh, thịnh vượng.Với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, Ban thường trực Hội đồng trị sự đề nghị Ban trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử ba hồi chuông, trống bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hôn thiêng sông núi đất nước Việt Nam.
![]() |
Nghi thức cử hành chuông trống Bát nhã . Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đúng 6h sáng 1/7, các chùa trên cả nước đồng loạt cử hành trang nghiêm nghi lễ nói trên.
Theo Phật giáo, tiếng trống hay tiếng chuông trong thiền môn khi đánh lên đều ngầm có ý là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành. Chuông trống bát nhã rất quan trọng trong thiền môn. Chuông trống bát nhã thường đánh lên vào những buổi lễ pháp sự đặc biệt.
![]() |
Được biết, khi tiếng chuông trống bát nhã vang lên, người ta thường cảm nhận được sự thanh tịnh, sáng suốt, và tĩnh lặng. Điều này tạo ra một cảm giác thoải mái và yên bình trong tâm hồn con người.
Tiếng chuông trống Bát nhã không chỉ làm cho con người cảm thấy yên bình mà còn kêu gọi họ thức tỉnh và khám phá trí tuệ bên trong. Nó giúp sáng tỏ con đường dẫn đến giải thoát và đánh thức tinh thần lương thiện. Âm thanh của chuông trống bát nhã có khả năng động viên tâm hồn, đánh thức lương tri, và là ngọn nến soi sáng trong bóng tối của sự vô minh.
Trước đó, thông tin từ Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, theo tinh thần các nghị quyết và thông tư hướng dẫn từ Trung ương, kể từ ngày 1/7/2025, toàn bộ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp quận, huyện trên cả nước sẽ chính thức ngừng hoạt động.
Thay vào đó, hệ thống Ban Trị sự cấp tỉnh/thành phố sẽ được kiện toàn thông qua việc sáp nhập các đơn vị hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, phát huy sức mạnh nội lực và tinh thần đoàn kết toàn diện.
Từ 63 Ban Trị sự cấp tỉnh, cơ cấu tổ chức mới sẽ chỉ còn 34 đơn vị cấp tỉnh, thành phố. Như vây, việc tổ chức lại cơ cấu không đơn thuần là gộp tên hành chính mà là kết quả của một quá trình hiệp thương dân chủ, khảo sát kỹ lưỡng và đồng thuận cao giữa các Ban Trị sự địa phương với Trung ương Giáo hội.
Nhân sự các Ban Trị sự mới sẽ được giới thiệu từ cơ sở, trải qua quá trình tham vấn chặt chẽ và được Hội đồng Trị sự chuẩn y theo đúng Hiến chương Giáo hội.