Văn học mạng có thể nói đã tồn tại cùng với đời sống trực tuyến của người Việt Nam, kể từ khi Internet được phổ biến rộng rãi tại nước ta. Sáng tác là một thú vui, một nhu cầu của con người văn minh qua nhiều thế hệ, và luôn luôn có nhiều người đang viết hơn so với mức chúng ta có thể quan sát được.
Vậy là không gian mạng trở thành một công cụ đăng tải sáng tác, tương tác với độc giả và hi vọng tới những cơ hội tốt hơn đối với một người viết. Theo nghĩa này, kì thực văn học mạng chỉ như một kênh tiếp thị mà các đơn vị chính thống thường chẳng bao giờ để mắt tới. Nhưng câu chuyện chưa bao giờ chỉ như vậy, và giờ lại càng không là như vậy. Đã có những giai đoạn trong dòng chảy văn chương đương đại, văn học mạng trở thành một hiện tượng, và bắt đầu đòi hỏi người ta phải định nghĩa, nhìn nhận lại nó.
Nhà văn Trang Hạ từng đưa ra cách nhìn về văn học mạng: “Tác phẩm được coi là văn học mạng khi được sáng tác từng phần trên mạng, quan trọng hơn là phải được độc giả tham gia vào quá trình sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu nội dung, văn phong của tác phẩm. Ở đó tác giả xây dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, nhận những lời phẩm bình của độc giả để thay đổi tác phẩm của mình. Chính độc giả mới là người khai sinh tác phẩm văn học mạng chứ không phải nhà văn mạng. Sự đón nhận, truyền bá của bạn đọc mới biến một văn bản mạng thành một tác phẩm văn học mạng.” Cũng chính nhà văn Trang Hạ, ở những năm 2010, đưa ra một nhận xét chát chúa: “Trên mạng đầy rẫy chữ. Hay thì gọi là văn, còn lại toàn rác.” Vẫn biết mạng internet đã là một công cụ đắc dụng, đưa nhiều tác giả từ vô danh đến với công chúng, thậm chí là tiến gần tới với giới văn chương chính thống, song với nhiều cái tên ở thời kì trước như Gào, Hồng Sakura, Nguyễn Ngọc Thạch…, văn học mạng, tác giả mạng vẫn cứ là một nhãn dán mang lại ít nhiều hoài nghi, thậm chí là kì thị, từ giới hàn lâm. Nhưng câu chuyện của ngày hôm nay lại còn “khủng khiếp” hơn thế nữa. Bởi vì đã một văn học mạng rất khác rồi.
Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử, những người viết lộ diện dày đặc như ngày nay. Chỉ cần để ý lướt trên các trang mạng xã hội một chút, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp rất nhiều những group, những cộng đồng người sáng tác, ở đủ các thể loại, đề tài, đủ các mức độ chất lượng. Những người viết trên mạng này thường là rất trẻ, có những bạn còn đang là học sinh cấp hai. Niềm yêu thích viết của họ tới từ sự đọc, và đọc gì thì viết nấy, bản năng và ít nhiều tuỳ tiện. Phần nhiều tác phẩm được đăng tải sẽ rơi vào những hạng mục mà giới chuyên môn chẳng bao giờ để vào mắt và có vẻ như chẳng đáng để mang ra bàn ở một buổi toạ đàm, hội thảo nào. Nhưng cá nhân tôi vẫn luôn quan sát dòng chảy ấy, vì một nguyên do rất cụ thể: Ngày xưa mình cũng như vậy.
Văn học mạng ở giai đoạn này có gì khác với văn học mạng của thập kỉ trước, ở thời của những Trang Hạ, Gào, Nguyễn Ngọc Thạch…?
Thời của truyện dài
Nếu như ở những giai đoạn trước của văn học mạng, ta thấy được sự đa dạng về thể loại, Gào với truyện ngắn, Anh Khang, Hamlet Trương với tản văn, Nguyễn Phong Việt với thơ… thì giờ đây trong tầm quan sát của tôi, truyện dài đang là thể loại chủ lưu của những sáng tác mạng. Các bạn trẻ ngày nay đọc nhiều các tiểu thuyết mạng của Trung Quốc, hay truyện tranh của Nhật Bản - các tác phẩm chẳng bao giờ là ngắn cả. Đọc gì viết nấy, việc bước chân đầu tiên của các bạn trên đường sáng tác là truyện dài cũng là điều hết sức hiển nhiên. Bản thân tôi ban đầu cũng đúng là như vậy.
Một mặt, điều đó thể hiện sự thiếu kĩ năng, kinh nghiệm, khi các bạn luôn cần quá nhiều cho một câu chuyện, như bê một tảng đá thôi. Mặt khác, ta cũng thấy được ở đó là những nỗ lực trường kì, là sự tập trung rèn luyện nghiêm túc.
Nếu nhìn vào sâu hơn nữa, ta sẽ bắt gặp rất nhiều mảng đề tài lớn trong các tác phẩm nghiệp dư của văn học mạng, như là giả tưởng hậu tận thế, kì ảo sử thi… Sự thoát li hiện thực tất yếu của tác giả trẻ, cộng với một cộng đồng đã không còn ngại đọc dài, không ngại chờ đợi, cho chúng ta hi vọng về một thế hệ người viết mới sẽ mang tới những tác phẩm có thể đã lỗi thời đối với thế giới, nhưng lại là một bổ sung cần thiết cho nền văn học Việt Nam.
Đề cao tính hệ thống
Điều này trước hết có lẽ do chịu ảnh hưởng từ các nền tảng, các sáng tác của Trung Quốc. Sự sáng tác của các bạn trẻ trên không gian mạng ngày nay hoàn toàn thiếu đi sự tự do, phóng khoáng của thế hệ trước. Các tác phẩm thường được các bạn gắn mác rất cụ thể, không chỉ là thể loại, đề tài, mà còn là một số khung cốt truyện đã được quy ước từ trước, ví dụ như tổng tài (có nhân vật nam chính thành công, giàu có), đam mĩ (truyện tình yêu đồng tính nam), bách hợp (đồng tính nữ), cường công nhược thụ (truyện tình yêu giữa một người mạnh mẽ và một người yếu đuối)… Ngay cả trong những thể loại thuộc về trí tưởng tượng như kì ảo hay khoa học giả tưởng, hệ thống của các bạn cũng đòi hỏi những nhãn mác rất cụ thể, như tiên hiệp, tu tiên, huyền huyễn, hard sci-fi, soft sci-fi… Điều này vô hình trung tạo ra một sự hạn chế trong quá trình sáng tạo, khu biệt các dòng sáng tác, đôi khi là cảm giác khá tù túng. Mặt khác, hệ thống này buộc người viết phải có hiểu biết ít nhiều về các dòng văn học và có sự định hướng rõ ràng cho từng tác phẩm của mình.
Một khía cạnh nữa của yếu tố hệ thống là ngôn ngữ và văn phong. Ở đây chúng ta thấy rõ được sự ảnh hưởng của văn học dịch, cả chính thống lẫn phi chính thống, lên các bạn viết trẻ. Các bạn đòi hỏi một sự định hình rất tường minh về ngôn ngữ và văn phong, dựa trên một ngôn ngữ khác, ví dụ như Việt văn, Trung văn, Âu văn, Nhật văn… Điều này nghe thì thật là nực cười, bởi vì tất cả chúng ta đều đang viết và đọc bằng tiếng Việt, nhưng tính chất nêu trên kì thực chỉ là định kiến mà các bạn có được do quá trình tiếp nhận văn học dịch (mà nhiều khi là trôi nổi) mà thôi. Và đây cũng có lẽ là một nhắc nhở tới các dịch giả trẻ trong khi làm công việc của mình.
Đương nhiên, hiện tượng này trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây cũng xuất phát từ tính chất quyền lực ảo, từ những phản ứng thái quá của cộng đồng trước những thể nghiệm, dần tạo nên tâm lí dè dặt và phân mảnh trong các bạn viết trẻ. Đối chiếu với nhiều sự kiện trong làng văn vài năm nay, ta thấy rằng rốt cuộc ở giai tầng nào thì người viết cũng phải chịu áp lực vô lí cả thôi.
Lại tiếp tục nhìn sâu hơn một chút nữa, tính hệ thống này được xây dựng theo cả một quá trình, chứ không đơn thuần là học theo một bề nổi của nền tảng ngoại quốc. Ở đó, các tác giả và độc giả đã cùng với nhau kiến tạo những khối, những dòng. Một số đề tài đã được công thức hoá, một số motif được tiếp thu và phát triển từ tác giả này tới tác giả khác, từ độc giả của dòng này sang độc giả dòng khác. Văn học mạng của giai đoạn này hoàn toàn không phải là sự manh mún. Mạng xã hội, trong văn chương cũng như trong hầu hết các lĩnh vực khác, đang dần trở thành một hệ thống “dân gian” mới, cập nhật nhanh hơn và lan truyền rộng hơn, mà trong đó, sẽ có những điều ở lại và đóng góp vào bức tranh văn hoá chung của cả một dân tộc, cũng như cách mà dân gian đã vận hành hàng ngàn năm nay. Cũng từ đó mà chúng ta có thể trông đợi sự tựu hình của một “vũ trụ văn chương”, những hệ thống được đóng góp bởi nhiều tác giả qua nhiều thời kì rồi trở thành những cái nền của nhiều tác phẩm khác, tương tự như vũ trụ kì ảo mà J.J.Tolkien đã phát triển tới gần như hoàn chỉnh từ các tư liệu dân gian mà vẫn còn được ứng dụng cho tới tận thế kỉ này.
Viết theo đơn đặt hàng
Viết theo đơn đặt hàng, hay commission theo cách gọi của các bạn viết trẻ, có lẽ xuất phát từ các cộng đồng người hâm mộ một tác phẩm có sẵn nào đó, gọi là fandom, có mong muốn đọc thêm những tác phẩm phái sinh với ý tưởng cụ thể, có thể bám theo, mở rộng hay sửa đổi nguyên tác. Để dễ hình dung, chúng ta có thể liên tưởng tới các bản phim điện ảnh phái sinh từ cốt truyện Tây du kí mà các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn cho ra đời một năm vài ba bộ.
Hình thức này về sau còn mở rộng tới nhu cầu được đọc thứ mình nghĩ ra, khi không có thời gian hay khả năng viết. Người viết có thể nhận triển khai thành tác phẩm hoàn chỉnh từ nguyên liệu đầu vào ở nhiều cấp độ: kịch bản, khung cốt truyện, hệ thống nhân vật… Các tác phẩm đầu ra này thường chỉ được giữ đọc riêng, đăng trên một số nền tảng với đầy đủ xi-nhê, truyền tay trong các cộng đồng rất nhỏ. Chi phí thực hiện cũng không hề đáng kể, ở mức xung quanh 100.000 đồng/ 1000 chữ.
Theo một nghĩa nào đó, hoạt động này chẳng khác gì chắp bút, ghost-writing đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, ở quy mô và đẳng cấp này, nó lại mang một bản chất hoàn toàn khác. Phần lớn khách hàng tìm đến với commission chỉ với mục đích thoả mãn bản thân. Ấy là sự thoả mãn nhu cầu đọc, nhu cầu thưởng thức, nhu cầu tái hiện tưởng tượng. Theo nghĩa này, đọc và viết cùng một nghĩa như nhau và nhắc ta nhớ về bản nguyên động cơ của người viết. Trước tất cả, ấy là mong muốn trải nghiệm một câu chuyện của chính mình.
Các nền tảng sáng tác định kì trực tuyến
Lại là một ánh xạ khác của những gì đã có từ lâu trong xã hội ta trên không gian mạng. Từ xưa xửa xừa xưa rồi, các báo và tạp chí đã xuất bản từng kì những tác phẩm dài hơi, và trả nhuận bút theo từng kì đó. Rất nhiều tên tuổi lớn của văn học thế giới đã đi cùng độc giả ở nhiều giai đoạn như thế, điển hình như Sir Arthur Conan Doyle và Kim Dung. Tiểu thuyết dài kì đăng báo từ lâu đã vắng mặt trong nền văn học của chúng ta. Và rất hiển nhiên, cái gì thực mà thoái trào thì cái ảo sẽ thế vào đó.
Theo nhiều nghĩa, quá trình sáng tác tiểu thuyết dài kì mang nhiều đặc điểm tương đồng với tính chất văn học mạng, khi mà tác giả sáng tác từng phần, có sự tương tác và tiếp thu từ độc giả, và tác phẩm đi tới bản sách in thường đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa. Sự khác biệt chính yếu nằm ở nhuận bút. Nếu như ở thời kì trước của văn học mạng, các tác giả thoạt đầu sáng tác cho vui, rồi mong đợi một cơ hội in sách để có thể nhận nhuận bút thì giờ đây, các nền tảng sáng tác và đăng tải trực tuyến đã bắt kịp báo chí truyền thống khi có cơ chế nhuận bút tức thời cho tác giả.
Đương nhiên, do không có quá trình thẩm định chặt chẽ, không đòi hỏi đãi cát tìm vàng, sàn chất lượng tác giả, tác phẩm thấp trong khi tác phẩm tràn lan, mức nhuận bút ở các nền tảng này cũng thuộc dạng chẳng thấm vào đâu. Mức nhuận bút của các nền tảng này thường từ 50.000 đồng/ 1000 chữ và tăng thêm khi tác phẩm được đăng tải đều, nhanh, được gọi là thưởng chuyên cần và thưởng tiến độ. Trung bình các tác giả cần viết 2000 chữ mỗi ngày, 60.000 chữ cả tháng để đạt mức nhuận bút 4000.000 đồng. Con số kì cục tới không thể tin nổi, trong khi phần nhiều trường hợp khi đã kí hợp đồng, các nền tảng số sẽ giữ bản quyền tác phẩm trong một vài năm. Vậy nên cũng chẳng sai lắm khi mà ta nghĩ về các tác phẩm này như những “tiểu thuyết ba xu” đúng nghĩa.
Nhưng các nền tảng này cũng không hoàn toàn chỉ là chỗ chơi vui cho các bạn trẻ tập tành. Nhà văn Hồ Thuý An, người đã từng xuất bản tập truyện ngắn Đuôi trắng trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ V, cũng đang chọn các nền tảng này như một nguồn thu nhập bổ sung, và có lẽ phần cũng là luyện tay, giữ lửa sáng tác. Con số ít ỏi mới nói ở trên đôi khi cũng là mơ ước của các bạn trẻ ở độ tuổi 15, 20 muốn kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ niềm yêu thích của mình.
Ở đây, chúng ta cũng có thể nhận ra một hệ luỵ mà có thể trở nên cực kì nguy hiểm tới nhẹ thì nền văn học, nặng là cả nhận thức xã hội. Một vòng luẩn quẩn của nhuận bút thấp, tác phẩm thiếu đầu tư, độc giả dễ dãi…, và vòng lại. Một vòng xoáy đi xuống có thể ảnh hưởng tới thẩm mĩ văn học của người trẻ.
Nền văn học của chúng ta ngày nay đang thiếu đi rất nhiều mảng miếng, những thể loại, đề tài đã từng được coi là cận văn học, hay á văn học, mà văn học mạng lại đang bổ sung vào cho chúng ta những điều ấy. Những tuyên ngôn đao búa, cao vời đang đẩy đại chúng, đặc biệt là người trẻ, ra xa hơn khỏi văn chương. Chúng ta đang tự cắt đi mối liên kết của mình với người đọc phổ thông, bất kể ta có viết ra những tác phẩm sâu sắc, phản ánh xã hội chân xác như thế nào. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, khi mà mạng xã hội không chỉ là mạng xã hội mà đã kiến tạo ra cả một xã hội mạng, chúng ta cần có cách tiếp cận không chỉ cởi mở hơn mà còn phải chủ động hơn trên không gian mạng. Ta cần nhìn nhận các bạn viết trẻ ấy, những người cũng như chúng ta, là những người viết, người kể truyện, tìm cách biểu đạt mình bằng con chữ, ta cũng có thể chủ động dẫn dắt họ, từng bước giúp các bạn nâng cao năng lực cũng như nhận thức sáng tác, mà không phải bằng giáo điều. Điều này đòi hỏi kiên nhẫn và bao dung. Thành tựu và cống hiền trong nghề văn là tùy thuộc cái duyên của mỗi người, nhưng nếu như tôi đã thấy quá khứ của mình trong các bạn ấy, thì tại sao không để họ thấy tương lai của mình trong chúng ta?
Nhật Phi
Nguồn VNQĐ