Dường như đọc tác phẩm của những nhà văn thực thụ bao giờ chúng ta cũng dễ nhận ra, mỗi người có một chủ đề chính mà họ theo đuổi suốt cả cuộc đời. Đối với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, chủ đề ấy là nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn có nhiều trạng thái. Đó là sự hoài nhớ khi xa quê cũ, người thân. Đó là nỗi bơ vơ trong “trời đêm cõi người”, là sự lẻ loi “bên bờ sông vắng”, là nỗi quạnh hiu khi con tàu đưa người yêu đi xa “bỏ quên tôi dưới mưa và bóng tôi” giữa sân ga cuộc đời, là sự trơ trọi khi một mình trong thăm thẳm thời gian, trong xô bồ cuộc sống để “mình tôi ngồi lại cùng tôi giao thừa”. Có phải cô đơn quá, thấy thương mình quá, nên Nguyễn Ngọc Hạnh trở về bên dòng Vu Gia để cúi hôn mình trên sông, hôn nỗi cô đơn lặng thầm của đứa con xa quê trong nỗi nhớ mưa nguồn.