Sáng ngày 8/3, Hội nhà văn Việt Nam,gia đình nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày nhà văn, nhà báo hy sinh tại chiến trường miền Nam 8.3.1969
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Lễ tưởng niệm. Ảnh: Hữu Đố |
Tại lễ tưởng niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: Hơn nửa thế kỷ qua tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã đi vào văn học sử Việt Nam dương đại như một trong những tấm gương cao đẹp và trong sáng nhất về nhân cách nhà văn và người phụ nữ Việt Nam.
Phút thắp hương tưởng niệm. |
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, nên Dương Thị Xuân Quý đã sớm có chí hướng. Tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ và trở thành sinh viên trường Báo chí Trung ương, sau này công tác tại báo Phụ nữ Việt Nam. Khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mở rộng ra Miền Bắc, cây bút của nhà báo Dương Thị Xuân Quý trở nên rất xông xáo, có mặt ở những điểm khó khăn, ác liệt nhất. Qua những chuyến đi, Dương Thị Xuân Quý đã chuyển hoá chất liệu báo chí thành chất liệu văn chương như một lẽ tự nhiên. Và trên văn đàn khi ấy, người ta thấy xuất hiện những truyện ngắn với một tên tuổi mới mang bút danh Dương Thị Xuân Quý. Sau đó không lâu, những sáng tác ấy được in trong tuyển tập truyện ngắn đầu tay: Chỗ đứng, được xuất bản năm 1968.
Sau “ Chỗ đứng”, Dương Thị Xuân Quý tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Tại đây, nữ nhà văn, nhà báo đã chiến đấu như một người lình thực thụ và những sáng tác mới, những bài báo chuyển tải những gì chân thực nhất của cuộc chiến tranh đã ra đời và đến với bạn đọc.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc khẳng định, ông đã giữ trọn lời hứa "sống trọn những gì em chưa kịp sống / Yêu trọn những gì em chưa kịp yêu” |
Sự năng nổ, nhiệt huyết, đi đến tận cùng mọi ý nghĩ của mình có lẽ với Dương Thị Xuân Quý vừa là ưu điểm nhưng cũng vừa là nhược điểm khiến cho nữ nhà văn, nhà báo đã phải dừng bước khi mới 28 tuổi.
Ghi nhận những đóng góp của nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý cho nền văn học Việt Nam, Đảng Nhà nước đã trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhà văn, và tới đây Hội nhà văn Việt Nam, Quân khu V ( đơn vị chịu trách nhiệm quản lý), các đơn vị liên quan sẽ sớm hoàn tất hồ sơ, tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý.
Sau phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, các nhà văn nhà thơ và gia đình nhà thơ Dương Thị Xuân Quý cũng đã ôn lại những kỷ niệm về nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý qua những tâm sự của những nhà văn - bạn bè cùng thời như Ngô Thảo, Phan Thị Thanh Nhàn. Tôn Phương Lan., Đặng Hiển, Thanh Thảo…
Đáp lại những tình cảm của Hội Nhà văn Việt Nam, bạn bè đồng nghiệp, nhà thơ Bùi Minh Quốc, thay mặt gia đình đã nói lời cảm tạ đến Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm trang trọng và ấm cũng. Ông cũng cho biết, sau khi nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý mất, ông đã nguyện sống đẹp đễ xứng đáng với sự hy sinh của Dương Thị Xuân Quý, để “ sống trọn những gì em chưa kịp sống / Yêu trọn những gì em chưa kịp yêu”. Và đến hôm nay, ông đã giữ đứng được lời hứa ấy.
PV