Trong giảng dạy Ngữ Văn, giáo viên không chỉ truyền thụ tri thức về tác giả, thể loại, nội dung, nghệ thuật văn bản mà còn cả tri thức về văn hóa dân tộc, qua đó bồi đắp tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho người học.
Tạo ra những thử thách
Tạo thử thách cho học sinh THCS là cách dễ dàng nhất để giải quyết những mâu thuẫn tâm sinh lí lứa tuổi đang có. Vì qua những thử thách, các em sẽ dần hoàn thiện bản thân hơn, học nhiều hơn những gì giáo viên kì vọng! Các hoạt động tạo thử thách trong học tập cho học sinh có thể được vận dụng đó là biến các em thành “chuyên gia” trong một vấn đề. Các em sẽ cảm thấy hứng thú và có trách nhiệm, và đây cũng là một cách hay để bạn làm mới chương trình học và tạo sự thú vị cho buổi học…
Khuyến khích học sinh làm việc theo nhóm. Trong môn học Ngữ văn, người giáo viên cần tạo điều kiện cho người học có sự cạnh tranh nhất định khi học tập. Chẳng hạn như thảo luận nhóm và tích điểm thưởng cho mỗi cá nhân để từ đó nêu lên nhận xét, đánh giá chung cho từng nhóm, từng cá nhân. Trong hình thức này, cần cố gắng hạn chế nêu khuyết điểm của học sinh ngay trên lớp hay trên điểm chấm, trừ trường hợp tái phạm nhiều lần cần nghiêm khắc. Giáo viên cần linh hoạt trên từng đối tượng cụ thể, tránh tình trạng mất niềm tin và nghị lực phấn đấu do quá nhiều sai phạm.
Để học sinh có thái độ tốt, trước hết, bản thân giáo viên cần có những định hướng hoạt động giúp các em hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân trong tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái. Một trong những cách thức dễ dàng để người giáo viên thực hiện đó là cung cấp sự lựa chọn cho học sinh. Học sinh sẽ có động lực hơn nếu được lựa chọn trong quá trình học.
Tạo sự yêu thích thông qua các dự án học tập. Ở môn Ngữ văn, việc thực hiện dự án học tập này khá thuận lợi bởi có thể đa dạng hóa sản phẩm. Có thể là một bức tranh, một bài thơ, một sơ đồ, một đoạn phim ngắn hay cả một chương trình thực nghiệm trong cuộc sống. Để hướng dẫn một dự án học tập cho học sinh có hiệu quả cao, người giảng dạy cần thực hiện theo một số bước cơ bản: chuẩn bị rất kĩ về kế hoạch bài dạy, kế hoạch dự án, các thang bậc đánh giá và chi tiết hóa các hoạt động cụ thể; cần theo sát học sinh thông qua hình thức trực tiếp hoặc online. Vừa quan sát, nhận xét và định hướng cho người học; bên cạnh đó cũng có thể sử dụng một số biện pháp phổ biến khác lồng vào nhau, như: tổ chức trò chơi, sử dụng mindmap trong dạy học…
Đa dạng hóa hoạt động dạy học
Song hành với việc đa dạng hoá hoạt động dạy học trên, chúng ta còn phải thay đổi triệt để phương cách hoạt động dạy học. Điều này, các nhà giáo dục đã và đang dành nhiều sự quan tâm. Từ trước đến nay, giáo viên thường là người làm chủ sân khấu kiến thức văn học. Chúng ta hãy đổi vai, chỉ làm người chỉ dẫn, cố vấn, định hướng, tổ chức các hoạt động chiếm lĩnh tri thức của các em học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên phải năng động, sáng tạo, linh hoạt trong việc định hướng, khuyến khích cho các em hoạt động trước ở nhà rồi đến lớp tổ chức để các em thực hiện hầu hết các hoạt động trong một giờ học, tiết học là tốt nhất.
Khi các em trở thành chủ thể trung tâm của mọi hoạt động dạy học, các em được lôi cuốn vào guồng học tập thì bản thân các em sẽ chiếm lĩnh được các tri thức một cách chủ động, nhanh nhạy và hiệu quả nhất.
Dạy tích hợp trong văn chương
Khi dạy Ngữ văn, một nguyên tắc cơ bản cũng hết sức quan trọng là chú ý tính tích hợp ngay trong môn học hoặc với những môn khác. Chẳng hạn khi tìm hiểu về truyện Lão Hạc ở chương trình Ngữ văn lớp 8 của tác giả Nam Cao giáo viên liên hệ đến tác phẩm sẽ được học ở chương trình Ngữ Văn 11. Khi dạy Chuyện người con gái Nam Xương ở chương trình Ngữ văn lớp 9 giáo viên liên hệ Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ ở chương trình Ngữ văn 10 sau này để học sinh mở rộng, khắc sâu kiến thức.
Thiết nghĩ môn Ngữ văn không chỉ dạy được “chữ”, dạy được “nghĩa” mà còn dạy được cách thức tư duy, cách thức hoạt động, làm việc… Từ đó, người học văn không chỉ có kiến thức phong phú, tâm hồn cao đẹp mà còn có khả năng ứng biến nhanh và có kỹ năng sống tốt trong cuộc đời.
Tạo tâm thế học tập cho học sinh
Tạo tâm thế học tập là một điều cần thiết giúp người dạy dễ dàng đạt được mục tiêu giảng dạy cần đạt nếu thực hiện thành công bước này. Điều đó có nghĩa là người giảng dạy tạo ra sự đam mê, óc tò mò, tư thế vững vàng, tâm lí thoải mái, một cảm xúc mãnh liệt muốn tìm đến với kiến thức mới, chẳng hạn như: một bài thơ, một tác phẩm truyện …
Để tạo tâm thế tốt cho người học trong môn Ngữ văn nói riêng, quan trọng hơn hết, người giáo viên cần gạt bỏ đi những cảm xúc riêng của bản thân trước khi bước lên bục giảng. Và trong giờ “Văn”, giáo viên phải dìu dắt người học đến với những vương quốc của cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố của văn chương, của nghệ thuật ngôn từ. Ở đó, những số phận, những nhân vật, những độc đáo trong việc sử dụng ngôn từ… đều được bóc, vỡ ra từng mảnh rõ rệt, khiến người học hiểu sâu sắc, nhớ kĩ càng về những vấn đề đã được người dạy hướng dẫn tìm hiểu.
Có rất nhiều cách thức để tạo tâm thế học tập giờ Ngữ văn. Chúng ta có thể hát một câu hát, câu hò; kể một câu chuyện ngắn; chia sẻ những cảm xúc của bản thân… liên quan đến chủ đề bài học sắp giảng dạy. Những hoạt động khởi động ấy như một chất xúc tác giúp học sinh đi vào bài học khá dễ dàng.
Vận dụng
Khi yêu cầu thực hiện dự án dạy học như: “An toàn đến trường” của học sinh lớp 6 thông qua hệ thống kiến thức “Ôn tập kể chuyện”, học sinh có thể chọn nhóm bạn thực hiện, chọn cách thức thực hiện, chọn loại sản phẩm thực hiện và cách trình bày. Từ đó, tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn rất nhiều, không còn khô khan, giáo điều, lí thuyết nữa.
Khi dạy văn bản nhật dụng lớp 6, văn bản Sông nước Cà Mau, giáo viên nên giới thiệu cho học sinh biết một vài nét đặc trưng của văn hóa vùng miền này, như: môi trường thiên nhiên phóng khoáng, nhiều sông ngòi kênh rạch, vì thế người dân nơi đây thường có rất nhiều hoạt động giao lưu, buôn bán diễn ra ngay trên sông. Đây là những nét văn hóa riêng, được tạo nên từ những đặc điểm môi trường.
Hay trong những văn bản trong kí trong chương trình Ngữ Văn 7: Một thứ quà của lúa non - Cốm, giáo viên có thể cho học sinh thiết kế thành dự án nhỏ, tự tìm hiểu về cốm, về qui trình làm cốm, cách thưởng thức cốm... Qua đó, giáo viên giúp học sinh mở rộng và nhận thức sâu sắc hơn về một nét đẹp trong văn hóa của người Hà Nội…
Văn bản Mùa xuân của tôi, tác giả Vũ Bằng mang tới cho người đọc những rung cảm sâu sắc về tiết trời của miền Bắc, của Hà Nội trong tháng Giêng. Nếu chỉ dừng lại ở việc khám phá nghệ thuật viết kí và tình cảm của Vũ Bằng gửi gắm thì quả là thiếu sót. Học sinh sẽ được cảm nhận sâu sắc và thú vị hơn rất nhiều nếu giáo viên cung cấp cho các con kiến thức về văn hóa. Người Hà Nội hay người miền Bắc, trong khoảng thời gian mới ra Tết thường có những thói quen gì trong cuộc sống. Chính đặc điểm khí hậu đã tạo ra cho con người những thói quen, và chính thói quen đó hằn sâu trong kí ức tác giả khiến ông có sự rung cảm và nỗi nhớ đặc biệt khi xa quê hương, khi đón Tết ở miền Nam.
Kết luận
Khơi dậy sự yêu thích môn Ngữ văn đối với học sinh không phải là chuyên ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Nếu bạn có phương pháp giảng dạy đúng hướng sẽ mang lại hiệu quả lớn đối với quá trình học tập của các em. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo điều kiện quan tâm trang bị cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, hướng dẫn phụ huynh về việc định hướng mục đích học tập đúng đắn cho con em mình, về đường lối phương pháp giáo dục xã hội nhằm tạo ra môi trường giáo dục thống nhất.
Đồng thời, người giáo viên phải luôn học hỏi nâng cao trình độ, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức một cách kịp thời, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng quy trình hoá việc chuẩn bị và tiến hành dạy học nhằm tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, tránh tâm lí mệt mỏi, thụ động và gây ra những ấn tượng mới hợp lí, tạo nên sự hứng thú, ham học và huy động tính tích cực tự học của học sinh ở mức độ tối đa, đạt hiệu quả học tập cao nhất.
Nguồn Văn nghệ số 29/2020