Từ ngày khai sinh nước Việt Nam mới, dân tộc Việt Nam có thêm nhiều lễ hội mới, được toàn dân quan tâm hưởng ứng chẳng kém gì những lễ hội truyền thống bao đời.
Đó là những nghi thức sinh hoạt cộng đồng, được Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, hoặc các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức định kỳ; nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, phát huy truyền thống cách mạng, phát động phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa mới… Có những lễ hội mang tầm quốc gia, như: Tết Độc Lập (2/9), Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12)… Có những lễ hội do các ngành, đoàn thể hoặc địa phương tổ chức, như: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), rồi Festival Huế, Lễ hội hoa Đà Lạt v.v… Đó là những lễ hội tuy chỉ mới xuất hiện từ sau năm 1945 đến nay, thậm chí có những lễ hội chỉ mới xuất hiện trên dưới chục năm nay, nhưng đã sớm định hình trong đời sống xã hội và tâm thức nhân dân, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa mới. Một trong những lễ hội mới có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm. Đó là ngày lễ tri ân, đền ơn đáp nghĩa những người đã hy sinh một phần xương máu hoặc tính mạng vì nền độc lập - tự do của đất nước và hạnh phúc của nhân dân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nhân nghĩa của dân tộc.
Ảnh minh họa bài viết. Nguồn Iternet |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề xướng và chỉ đạo những hoạt động đầu tiên của Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Bác, ngay từ năm 1946, Trung ương đã quyết định lấy ngày 27/7 hằng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc. Trong bức thư của gởi cho thương binh, Người viết: “... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ...”. Quan điểm trên đây được Người nhắc lại trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng đầu năm 1960: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...”.
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Thương binh - Liệt sĩ, toàn Đảng, toàn dân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Nghị quyết các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng đều nhấn mạnh việc quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ một số nội dung cụ thể: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”. Theo thống kê của ngành chức năng, kể từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có hơn 1.400 văn bản về ưu đãi các đối tượng chính sách. Gần đây nhất là Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đặc biệt là Pháp lệnh số 02/2020/PL- UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về Ưu đãi người có công. Hiện nay, cả nước đang có hơn 2 vạn thương binh nặng, 6 vạn người là bố mẹ liệt sĩ già yếu cùng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước chu cấp và các cơ quan, đoàn thể phụng dưỡng suốt đời. Hàng triệu đối tượng chính sách khác, như: Lão thành cách mạng, vợ con liệt sĩ - thương binh, cựu Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, nạn nhân chất độc da cam/dioxin… được trợ cấp khó khăn, ưu tiên về nhà ở, học hành, việc làm, bảo hiểm y tế… Đặc biệt những năm gần đây, cùng với các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được xã hội hóa thành những phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được những kết quả to lớn.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng kể trên đây, nhưng chắc chắn từ người dân bình thường đến cán bộ các cấp đều không ai có thể hài lòng thỏa mãn, bởi sự tri ấn đối với những người có công là không bao giờ đủ. Mặt khác, thời gian ngày càng lùi xa, việc giải quyết những tồn đọng do chiến tranh để lại ngày càng khó khăn phức tạp; chưa kể việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đây đó đôi khi còn cứng nhắc, tắc trách, chưa thấu lý đạt tình. Tạp chí Văn Nghệ Hòa Bình tháng 7/2022, có bài viết như sau: Bà S và anh T ở huyện Lạc Sơn kết hôn năm 1976. Năm 1978 anh T nhập ngũ khi vợ chồng chưa có con và hy sinh ở chiến trường K năm 1982. Chị S tiếp tục nuôi dưỡng bố mẹ chồng. Đến năm 1988 mẹ chồng mất, chị S xin phép về quê (cùng huyện) và tái giá với một người đàn ông bị tật bẩm sinh. Năm 2018, bà S làm đơn xin hưởng chế độ “vợ liệt sĩ tái giá”, nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng vì hồ sơ thiếu “biên bản đồng ý của gia tộc”. Bà S hiện tại phải đi làm thuê chăm sóc chồng bệnh tật, các con thất học, thất nghiệp… Dư luận địa phương rất thương cảm hoàn cảnh bà S và rất mong ngành chức năng các cấp căn cứ thực tế đối tượng và đặc điểm địa phương để giải quyết chính sách cho bà. Nhiều Cựu chiến binh đã lên tiếng ủng hộ và trực tiếp gặp gỡ các cơ quan thẩm quyền để “bênh vực” bà S. Trong đó có đồng chí cựu bí thư Đảng ủy xã và đồng chí Cựu bí thư huyện ủy đều là người cùng xã và là bạn thân của Liệt sĩ T. Tuy nhiên sự việc đến nay vẫn bế tắc vì phải theo… quy tắc (!)
Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ qui định “Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác, thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng một lần mức chuẩn”. Đây là một nét mới so với các qui định về đối tượng thụ hưởng chính sách trước đây. Việc ngành chức năng yêu cầu thêm thủ tục phải có xác nhận của gia tộc là đối tượng có “nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống” là nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước chặt chẽ hơn, chính xác hơn. Tuy nhiên đôi khi thủ tục này cũng gây thêm phiền toái do nhiều nguyên nhân, cản trở việc thực hiện một chính sách hết sức nhân văn, mà trường hợp của bà S nêu trên chỉ là một ví dụ. Vì vậy, cùng với việc nghiêm túc và khẩn trương khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong thực thi các chính sách hiện hành, Nhà nước và toàn dân cũng rất cần đổi mới hình thức và nội dung các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm đạt hiệu quả thiết thực và hợp lý hơn nữa.
Ngày nay nền kinh tế đã phát triển hơn trước, đời sống chung của toàn dân đã được cải thiện, thì mức trợ cấp của Nhà nước và số lượng, chất lượng những món quà tình nghĩa cũng cần được nâng tương xứng. Chẳng hạn: Mẫu nhà tình nghĩa từ những năm cuối thế kỷ trước và những cuốn sổ tiết kiệm dăm bảy trăm ngàn đồng, thậm chí vài triệu đồng, thì hiện nay cũng không còn phù hợp. Đặc biệt, hiện nay giá cả tăng mạnh, các khoản phụ cấp ưu đãi cũng rất cần được điều chỉnh “cập nhật” để bảo đảm đời sống tương đối cho các đối tượng chính sách. Và nữa, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, Nhà nước cũng cần mở rộng diện trợ cấp, ưu đãi cho các đối tượng đã có những đóng góp nhất định trong kháng chiến nhưng chưa được hưởng chính sách ưu đãi, hoặc đã được ưu đãi nhưng còn ở mức thấp…
Giải quyết tồn đọng chiến tranh là công việc lâu dài và phức tạp; phải không ngừng đổi mới, năng động, linh hoạt, tránh rập khuôn cứng nhắc. Thực tế đã có không ít trường hợp phải linh hoạt, “đặc cách” trên cơ sở “thấu tình đạt lý” để bảo đảm công bằng cho người có công. Và đó cũng là cơ sở thực tiễn để hệ thống chính sách ưu đãi người có công của Đảng và Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn, nhân văn hơn…
Bùi Đức Thọ