Ngày 26/6, Tòa án Quận Liên bang Hoa Kỳ tại San Francisco đã đưa ra phán quyết có lợi cho Meta Platforms trong vụ kiện bản quyền do nhóm 13 tác giả – trong đó có Sarah Silverman và Ta-Nehisi Coates – đệ trình. Các nguyên đơn cáo buộc Meta vi phạm luật bản quyền khi sử dụng trái phép sách của họ để đào tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) LLaMA. Tuy nhiên, thẩm phán Vince Chhabria cho rằng phía nguyên đơn không cung cấp đủ bằng chứng về việc hành vi này gây tổn hại đến thị trường cho tác phẩm của họ.
Vào năm 2023, một nhóm gồm 13 tác giả, trong đó có Sarah Silverman và Ta-Nehisi Coates, đã đệ đơn kiện Meta (công ty mẹ của Facebook) lên Tòa án Liên bang Hoa Kỳ tại San Francisco. Họ cáo buộc Meta đã sử dụng trái phép các bản sao lậu sách của họ để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) LLaMA mà không xin phép hoặc trả thù lao. Đây là một trong những vụ kiện bản quyền AI đầu tiên tại Mỹ, mở đầu cho làn sóng tranh tụng giữa các nhà sáng tạo nội dung và các tập đoàn công nghệ trong bối cảnh AI phát triển nhanh chóng. Vụ kiện đặt ra câu hỏi trọng tâm: Việc dùng tác phẩm có bản quyền để huấn luyện AI có phải là hành vi "sử dụng hợp lý" hay không? |
Phán quyết được cho là một thắng lợi quan trọng đối với ngành công nghiệp AI, nhưng bản thân thẩm phán Chhabria đã khẳng định rõ: “Phán quyết này không ủng hộ đề xuất rằng việc Meta sử dụng các tài liệu có bản quyền để đào tạo các mô hình ngôn ngữ của mình là hợp pháp. Nó chỉ ủng hộ đề xuất rằng những nguyên đơn này đã đưa ra các lập luận sai và không phát triển hồ sơ để hỗ trợ cho lập luận đúng”.
Đáng chú ý, ông Chhabria không phủ nhận khả năng hành vi sử dụng tác phẩm có bản quyền để huấn luyện AI có thể là vi phạm pháp luật trong nhiều trường hợp khác. Ông nhấn mạnh: “Cho dù đào tạo LLM có mang tính biến đổi đến đâu thì cũng khó có thể tưởng tượng rằng việc sử dụng sách có bản quyền để phát triển một công cụ kiếm được hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ đô la là hợp lý, đồng thời cho phép tạo ra một luồng tác phẩm cạnh tranh vô tận có thể gây hại đáng kể cho thị trường sách đó”.
Phán quyết của Chhabria cũng thể hiện sự đối lập về quan điểm với Thẩm phán William Alsup trong vụ kiện tương tự với công ty Anthropic. Trong khi Alsup thiên về tiêu chí “tính chuyển đổi” của nội dung AI, Chhabria đặt trọng tâm vào yếu tố “gây tổn hại cho thị trường”, xem đó là điều kiện then chốt để xác định tính hợp lý của việc sử dụng tác phẩm có bản quyền.
![]() |
Mark Zuckerberg giới thiệu Meta AI được hỗ trợ bởi các mô hình LLaMA 4 trong một buổi ra mắt. Ảnh: techi. |
Các luật sư của nguyên đơn tại công ty Boies Schiller Flexner khẳng định không đồng tình với phán quyết này. Họ cho rằng Meta đã có “thành tích không thể chối cãi” trong việc vi phạm bản quyền một cách “chưa từng có trong lịch sử”. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng đây không phải là vụ kiện tập thể nên phán quyết chỉ giới hạn trong phạm vi 13 tác giả, không bao hàm tất cả những người bị ảnh hưởng khác.
Về phía Meta, người phát ngôn Thomas Richards bày tỏ sự hoan nghênh quyết định của tòa, nhấn mạnh rằng “việc sử dụng hợp lý tài liệu bản quyền là một khuôn khổ pháp lý quan trọng để xây dựng công nghệ AI mang tính chuyển đổi”.
Dù phán quyết lần này chưa khẳng định rõ ràng tính hợp pháp của việc đào tạo AI trên nền tảng dữ liệu có bản quyền, nó lại cho thấy tòa án Hoa Kỳ đang có xu hướng yêu cầu bên nguyên đơn phải cung cấp bằng chứng cụ thể hơn về tổn hại thị trường. Nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá đây là tiền lệ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các vụ kiện bản quyền AI trong tương lai – nơi mà tranh luận về “sự pha loãng thị trường” sẽ ngày càng trở thành trọng tâm.
Trong khi đó, các vụ kiện khác chống lại OpenAI, Microsoft và Anthropic vẫn đang diễn ra và thu hút sự quan tâm từ cả giới công nghệ lẫn cộng đồng sáng tạo. Cuộc tranh luận về ranh giới giữa đổi mới công nghệ và quyền lợi tác giả sẽ còn tiếp tục, và không dễ dàng đi đến hồi kết.