Chuyện kể rằng thời thiếu nữ ôm giấc mộng văn chương, nhiều say mê, Hoàng Việt Hằng đã từng gửi những bài thơ đầu tiên đến tòa soạn và chẳng may “va phải” Xuân Diệu – một người thẩm thơ khắt khe có tiếng của làng thơ đương thời.
Ông hoàng thơ tình, nhà thơ sáng giá nhất của thi đàn 1932-1945 phán rằng: “thơ mới được tám phẩy năm citimet, bao giờ đủ một mét sẽ in”… Hai năm sau, chị đã có thơ đăng trên tờ Văn nghệ quyền uy, danh giá và Hoàng Việt Hằng lại “bỏ thơ đi lấy chồng và đi chợ”… Nhưng rồi những vui buồn của duyên phận, của cuộc đời lại dắt tay chị về phía thơ. Cuộc tái giá đầy cảm xúc đó đã làm nên sự nghiệp và đưa tên tuổi của Hoàng Việt Hằng đến với đời sống thi ca những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu XXI. Với 8 tập thơ viết trong vòng nửa thế kỷ, Hoàng Việt Hằng thực sự là một gương mặt thơ có cá tính sáng tạo, dấu ấn và giọng điệu riêng nhiều khác lạ giữa không gian giàu hương sắc của thơ nữ Việt Nam hiện đại và đương đại.
Trong số các cây bút nữ cùng thời, Hoàng Việt Hằng là người đã có những phát ngôn thơ sâu sắc và ám ảnh. Những cảm nghiệm về một thân phận đã nếm trải đủ ngọt ngào và cay đắng nhưng luôn đặt lòng tin vào sự thiện lành, tâm đức con người được chị gửi gắm, chia sẻ hết sức thành thật trong thơ: Tôi sống cuộc đời vất vả/ Có đau khổ lớn hơn cả đau khổ/ Nỗi buồn sao không thể khác đi?; Đời người se chỉ luồn kim/ Chị đành khâu những lặng im đời mình; Cánh cửa anh mở ra ánh ngày/ Cánh cửa em khép vào chập tối/ Không rõ tình yêu… nào có lỗi; Một mai góc biển chân trời/ Viết nuôi con lớn nên người mới xong/ Một mai trăng sáng thong dong/ Mình em khâu những mùa đông đời mình …
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng |
Viết về tình yêu, dễ nhận thấy Hoàng Việt Hằng đã gom hết yêu thương, nhớ tiếc, xót đau… của một đời làm vợ ngắn ngủi để nói về chồng mình – nhà văn Triệu Bôn. Đó là một cuộc hôn nhân chất chứa yêu thương của hai tâm hồn đồng điệu, nhưng cũng nhiều sóng gió, “muối mặn gừng cay” và sớm gánh chịu nỗi đau “giữa đường đứt gánh”. Tuy nhiên, như nhiều nhà thơ nữ khác, Hoàng Việt Hằng cũng đã đi qua mối rung động đầu đời tươi trẻ, phơi phới sáng trong: Gặp nhau em chỉ biết cười/ Nói gì anh với mảnh trời cuối đông/ Nắng khô làm má em hồng/ Mỏng như chớp mắt là lòng anh thương/ Ai đi tung muối vào sương/ Cho tình yêu mặn trên đường có anh/ Xuân về nên màu trời xanh/ Anh muốn cắt mảnh may dành cho em (Một chiều xuân). Nhưng dư vị/ hình ảnh của một thứ tình yêu nhẹ nhàng tươi sáng đó sớm bị thay thế bởi một mối lương duyên đa đoan, éo le, trắc trở. Chị giãi bày tâm tình như một lựa chọn tiền định/ không thể khác, như tự nói với chính mình, tự xoa dịu nỗi đau của mình mà có sức lay động mạnh mẽ đến tâm trí người đọc:
Em khâu lá rụng như thêu
Khâu cay đắng với trớ trêu mỉm cười
Em khâu tóc trắng thay lời
Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau
Con chồng, vợ cũ, đồng sâu
Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng
(Một mình khâu những lặng im)
Mặc cảm bơ vơ, đơn côi, ngay giữa gia đình chồng ở những giờ phút đau thương nhất đã ăn sâu vào tâm khảm, suốt đời không thể nguôi ngoai qua những câu thơ như được “chiết xuất” từ “kinh nghiệm đau thương”, từ nỗi buồn tê tái: Một mai cơn gió se se/ Buông xuôi anh nỡ vội về chốn quê/ Thấy đông con cháu bạn bè/ Mà em đơn lẻ, mà em thu vàng (Một mình khâu những lặng im)… Song, nhìn từ phía khác, cuộc hôn nhân chưa trọn vẹn, đầm đìa nước mắt của người góa phụ trẻ chính lại là những năm tháng hạnh phúc và có nhiều ý nghĩa trong cuộc đời nhà thơ. Bản năng giới/ thiên tính nữ tràn trề của chị được biểu lộ qua nỗi say mê đắm đuối tổ ấm gia đình, chồng con, nhất là khi tình yêu đã đơm hoa kết trái bằng sự hiện diện của quý tử bé bỏng. Niềm vui làm mẹ vỡ òa lần đầu tiên con trai cất tiếng:
Mấy chiếc răng thưa nhoẻn cười tập nói
Con gọi “mẹ”con ơi
Mẹ hẫng hụt cả người
(Viết cho con trai một tuổi)
Tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười sau rất nhiều chông gai nhưng rồi chị phải hứng chịu thêm một đòn giáng của số phận: người chồng thân yêu lâm trọng bệnh, rời bỏ dương gian và ra đi mãi mãi… Giữa đau đớn, tuyệt vọng, Hoàng Việt Hằng tìm đến thơ như một cứu cánh:
Tôi tựa vào câu thơ
Đứng vững trên đất đá
Tôi tựa vào dịu dàng
Để vượt qua những gì không thể vượt qua
(Những dấu lặng)
Để có được những thời khắc hạnh phúc, bản thể nữ trong Hoàng Việt Hằng đã phải chịu đựng hy sinh, đôi khi quên rằng mình là phái yếu, miễn là “có lứa, có đôi” nhưng cái kết của hành trình tìm kiếm vắt kiệt sức lực ấy quá đau xót, buồn bã: Em vẫn biết/ Hạnh phúc là leo dốc/ Và em đã leo dốc/ Vượt dốc những mùa xuân/ Bên nhau/ Lẻ nhau (Bên nhau và lẻ nhau). Dù có gồng mình thay chồng làm trụ cột thì gánh nặng cuộc đời cũng đủ để làm “lệch bờ vai ngang” của người phụ nữ. Thay vì có một bờ vai vững chãi để nương cậy, người đàn bà làm thơ ấy đã phải một mình đương đầu với giông bão và với cả những yếu mềm của lòng mình:
Thoắt mà biền biệt thu đi
Mười năm có lẻ nẻo quê sương mờ
Bao lần em đếm bơ vơ
Con thì nhỏ dại nhà xơ xác nhà
Em ngồi với bóng trăng già
Nuôi con với muối xát qua nỗi buồn
Mười năm không khóc tủi hờn
Chỉ mong không ngã đường trơn mấy lần.
(Xòe bàn tay bấm ngón tay)
Từ nỗi đau, sự đơn độc của thân phận, Hoàng Việt Hằng đã tìm đến yếu tố tâm linh ngõ hầu làm sống lại thời gian đã mất, xua vợi đi nỗi lạnh giá vì thiếu vắng một nửa của đời mình. Rất nhiều lần chị đã kết nối hai cõi âm – dương, “em” và “anh”, “thế giới bên này” và “thế giới bên kia” bằng những giấc mơ:
Anh vẫn ngồi pha trà chỗ cũ
Vẫn cắm cúi bên trang giấy ngả vàng
(Chiêm bao)
Anh vẫn ngồi như dấu chấm than viết ngược
Trong gió mưa giông bão dội về …
(Dấu chấm than viết ngược)
Một cơn mưa ngâu, một chiếc lá vàng thu, một làn gió heo may tràn về… cũng gợi lên hình bóng người đã khuất. Thậm chí cả những cảnh ngộ, những giằng xé tâm can chứa nghịch lý của cuộc hôn nhân thì Hoàng Việt Hằng vẫn không né tránh, không chôn vùi theo thời gian để kiếm chút thanh thản cho hiện tại. Chị đã khơi lại nỗi đau riêng của chồng với rất nhiều thương cảm xen ít tủi hờn: Trong quán cà phê một chiều trở gió/ Em ngồi một mình nghe tiếng vỡ thủy tinh/ Ngỡ trái tim lâu ngày ngủ quên/ Trước nỗi đau như vết thương khép kín/ Ngỡ thời gian nhạt nhòa/ Như mưa xóa vết chân đổ trên cát ấm…/Ngày ấy/ Em không biết anh nhớ con riêng và ngôi nhà cũ/ Anh đau xót/ Và ghi thành chữ/ Bây giờ những dòng di cảo/ Chỉ mình em đau xót/ Trái tim em co ro… (Tiếng vỡ của thủy tinh).
Những câu thơ trên dù buồn nhưng là âm thanh mang tín hiệu của sự sống. Đi qua nỗi biệt ly sinh – tử, có thể đó cũng là cách để nhân quỹ thời gian, thể hiện quyền/ khát vọng được sống, được hạnh phúc và quan niệm về tình yêu, đời tư mang giá trị bản thể giới trong thơ Hoàng Việt Hằng.
Là một tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ và hậu chiến, bên cạnh những vấn đề riêng tư, đời sống cá nhân, thơ Hoàng Việt Hằng còn chứa đựng tình yêu thương sâu nặng đối với quê hương, đất nước, con người. Đi qua những khốc liệt của chiến tranh, nỗi gian khó, thiếu thốn, nhọc nhằn thời hậu chiến, qua ốm đau, dịch bệnh, qua mồ hôi và nước mắt tìm kế mưu sinh của phận người nhỏ bé, Hoàng Việt Hằng đã tạo được mối cộng sinh sâu sắc/ bền vững giữa các cung bậc xúc cảm của chủ thể với nhịp đập, thanh âm của đời sống thường hằng. Đã hơn một lần chị bày tỏ hết sức chân thành, giản dị suy nghĩ chín chắn của mình, nó như là dấu hiệu trưởng thành của người cầm bút: Em sâu sắc sau những ngày nông nổi/ Để yêu anh, yêu đất nước, con người. (Người ra đi ở chiến trường gặp gỡ).
Ý thức đó đã được người viết đẩy xa hơn về phía cộng đồng, về một miền thơ bao la rộng mở:
Đi ngộ ra nỗi đau riêng rất nhỏ
Trên ngàn cây số phía sau lưng…
(Bấm chín đốt ngón tay)
Hình ảnh quê hương, đất nước, con người được hiển thị trong thơ Hoàng Việt Hằng qua những nét vẽ ấm áp, thân thương, gần gũi:
Ôi những ngõ của người nghèo Hà Nội
Tôi thương yêu bạc tóc lúc nào (Ngõ xuân)
Và không chỉ Hà Nội – thành phố quê hương, nơi “chôn rau cắt rốn” mà theo bước chân nhà thơ, mỗi miền quê trên dải đất hình chữ S dường như đều có linh hồn và màu sắc riêng… Không gian thơ của nữ tác giả ham đi ấy còn đến tận những phương trời xa lạ khác như Trung Hoa, Ấn độ, Nepal, Cămpuchia… Những chuyến đi mải miết ấy vừa “làm đầy” vốn sống, vừa mang đến sự nhạy bén, thấu thị cho nhãn quan hiện thực của người cầm bút. Mang trong mình một trái tim có nỗi “đau khổ lớn hơn cả đau khổ” và một tâm hồn nhạy cảm với mất mát, rủi ro, thua thiệt của số phận, cảm quan về đời sống xã hội và con người của Hoàng Việt Hằng, vì vậy, thiên về phía nước mắt. Mỗi vùng đất trong thơ chị đều gắn với những con người mang nỗi buồn thân phận, đó là cậu Nghẹo tàn tật, bà “Còm” bán bánh bông lan ở chợ Cái Nước, là bé gái ở phiên chợ người Trung Hoa, là người mẹ nghèo ở buôn làng Tây Nguyên, là Mạ ở Gio Linh, Quảng Trị v.v… Bằng sự chân thành, ấm áp, từng trải, chị “đọc” và nắm bắt rất nhanh những tổn thương, bất hạnh không thể bù đắp của đời người, nhất là phụ nữ. Nỗi ưu tư cứ ngấm vào câu chữ và lan sang núi đồi, cây cỏ: Đỉnh núi mỗi ngày vẫn chan đầy sương/ Em gái Hà Nhì má hồng đang hát/ Làm mẹ tuổi mười lăm, học tiếng Kinh lớp Một/ Vừa đánh vần vừa sẩy đỗ đem phơi/ Mai vào rừng lại nhặt quế, hoa hồi/ Người lẫn trăng ngày tỏ mờ cùng núi…/ Tôi lên núi Muối mà không nhặt muối/ Chỉ nhặt sắc xuân đang cuộn bên trời/ Nhặt phận người đọc chữ giữa bờ môi (Sắc xuân ở Kỳ Quan San)
Hòa vào bầu sinh quyển trong lành của nhịp sống thảo dân, kết hợp với nguồn kinh nghiệm thẩm mỹ quý giá được chắt lọc từ đời sống cá nhân, Hoàng Việt Hằng đã tạo lập được một tiếng thơ mang âm hưởng nữ giới dịu dàng mà mạnh mẽ, u hoài mà thẳng thắn, dứt khoát qua bức thông điệp giàu tình thương và lòng nhân ái:
Mai mua vé tàu nhanh tay nải rỗng
Đi về phía đàn cừu ngơ ngẩn, thong dong
Tôi thuộc phía bầy cừu và váng cỏ
Lững đững chiều tôi khóc với cơn mưa
(Không đề của đối thoại)
…
Với thơ, điều quan trọng nhất sau màn trình hiện các không gian văn hóa đó vẫn là khả năng khắc họa chân dung cái tôi, là sự soi rọi nhiều chiều biểu đồ tâm trạng của chủ thể trữ tình. Từ góc nhìn đó, rất dễ nhận thấy cảnh sắc thiên nhiên trong thơ Hoàng Việt Hằng được khúc xạ qua đời sống nội tâm, là môi trường gợi dẫn dòng hồi tưởng, ký ức, hoài niệm:
Quán nước trà vương vãi hoa sấu non
Những hạt gạo rơi như rắc muối
Vị sấu non nhắc ngày nào yếu đuối
Run rẩy bước qua hồ nước trong ngần.
(Hoa sấu non lưu trữ)
Hoặc biến thực thể thiên nhiên thành chướng ngại vật như một ẩn dụ về những vấp váp, bất lực và yếu đuối của bản ngã cá nhân trong hành trình đương đầu với số phận: Tôi bước trượt trên rêu mà không ngã/ Sau nhiều lần trả giá/ Những bước trượt trên đường không có rêu/ Tôi vấp ngã hết tuổi xuân/ Qua trưa/ Sang chiều/ Giờ đi trên rêu/ Rùng rình/ Chân trần không dễ trượt/ Sau rất nhiều mất được/ Khi viết hết nỗi buồn/ Rùng Rình/ Tôi – rêu phủ/ Trượt ngã vào cô đơn (Đỉnh Rùng Rình).
Cảnh quan thiên nhiên trong thơ Hoàng Việt Hằng được phác thảo từ rất nhiều chuyến đi của người cầm bút nên có sự lặp lại chính mình (Hoa sấu non lưu trữ và Mùa lá đỏ, Thơ viết cho cậu Nghẹo và Một mình khâu những lặng im)… Nhưng khi không quá lệ thuộc vào chất liệu đời sống thực, trí tưởng tượng được khai phóng, Hoàng Việt Hằng có được những câu thơ thật đẹp, bay bổng và vô cùng lãng mạn:
Đám mây như chiếc khăn màu
Bay hồng cả nỗi nhớ nhau lưng đèo
(Qua Đèo Nai)
Cùng với thời gian, Hoàng Việt Hằng có lẽ cũng đã nhận thức được rằng việc một mình “gặm nhấm” nỗi đau, mãi than thân trách phận kiểu: Phận như con kiến bên đời; Phận người như ngọn rau răm bên trời… rất dễ lâm vào cảnh ngộ bế tắc, tự thương nên chị đã sống chậm hơn, đã nương vào thiên nhiên để thanh lọc tâm hồn, để cầu mong trút bỏ phần nào gánh nặng cuộc đời:
Ước gì xuống núi thảnh thơi
Nỗi buồn núi giữ niềm vui đem về
(Lên núi Thạch Lâm ước)
Tôi ký gửi mất mát
Nhờ dòng thác xóa đi
Tôi ký gửi nước mắt
Nửa cuộc tình chia ly (Thác)
Chị tâm sự cùng trăng thay dòng độc thoại nội tâm để giãi bày tâm tư, làm vợi nỗi đau và sâu xa hơn là tìm kiếm nguồn năng lượng sống tích cực cho bản thân: Số phận cho tôi gánh gồng nhẫn nại/ Để đi biển rộng sa mạc cát dài/ Để hiểu không thể tựa vào ai/ Ngoài bờ vai của mình! (Cùng nửa ánh trăng trong). Đặc biệt là khi đời sống tâm hồn/ tâm linh đã được “mặc khải”, tri nhận, người đàn bà làm thơ ấy đã minh định con đường và lẽ sống của đời mình:
Tôi cầu tôi bớt đa đoan
Barie có chắn ngang đường đời
Chỉ xin một bình yên thôi
Để đi, để viết, để đời câu thơ.
(Chùa Một Mái)
Có thể khẳng định, sau tất cả, xác quyết “tái giá cùng thơ” đã mang đến thành tựu, niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa cao quý cho hành trình sống/ viết đầy đam mê và sáng tạo của Hoàng Việt Hằng. Bên cạnh thơ, với bút lực dồi dào, sắp tới, chị có thể tạo thêm một bước đột phá cùng sức hấp dẫn mới từ “không gian vẫy gọi” của thể loại tiểu thuyết.
Lý Hoài Thu
Nguồn Văn nghệ số 3/2024