Sự kiện & Bình luận

Phong tục mừng tuổi lì xì ở Trung Quốc

Tô Như
Đời sống
10:37 | 24/01/2025
Tục thưởng tiền cho trẻ con tương truyền xuất phát từ thời Đường Huyền tông. Bấy giờ An Lộc Sơn biết Huyền tông sủng ái Dương Quý phi, liền tôn bà làm mẹ nuôi (dù An Lộc Sơn hơn Dương thị tới hơn mười tuổi).
aa

Năm Thiên Bảo thứ 10 (751), ngày mùng 3 tháng Giêng là sinh nhật của An Lộc Sơn, Huyền tông và Quý phi tặng cho lễ vật rất trọng, lại theo tập tục thời cổ, trẻ con vào ngày thứ 3 sau khi sinh thì được làm lễ tắm gội cho, gọi là Tẩy tam. Nên ba ngày sau sinh nhật của “chàng con nuôi”, Dương Quý phi sai người đặt An Lộc Sơn vào bồn, tự tay tắm rửa sạch sẽ rồi bọc vào cái tã “siêu to khổng lồ”, còn Huyền tông thì dùng vàng bạc chế thành đồng tiền để ban thưởng cho An Lộc Sơn, gọi là Tẩy nhi tiền (tiền tắm trẻ). Từ đó, cung nhân hay tặng nhau “Tẩy nhi tiền” với hàm ý chúc nhau được nhận ân sủng. Dần dần Tẩy nhi tiền trở thành tập tục thưởng tiền cho trẻ con vào đầu năm mới, tức lì xì.

Phong tục mừng tuổi lì xì ở Trung Quốc
Tục thưởng tiền cho trẻ con tương truyền xuất phát từ thời Đường Huyền tông. Ảnh: internet.

Lì xì (tức Lợi thị) thì quá quen thuộc rồi, nhưng Lợi thị mang nghĩa... lì xì là tương đối gần đây, chứ thời cổ không dùng chữ ấy để riêng chỉ tiền mừng tuổi. Tục mừng tuổi đầu năm thường gắn với những chữ như Hồng bao, Hồng phong bao và tiền mừng tuổi còn gọi là Tùy niên tiền, Áp túy tiền, Áp kinh tiền, Áp tuế tiền, Yết niên tiền,...

Tùy niên tiền là cách gọi thời Tống, mang ý nghĩa phát tiền vào thời điểm năm cũ qua năm mới tới, lại có nghĩa là tùy theo độ tuổi của trẻ con mà phát tiền. Hoàng thất nhà Tống lại có tục gần tới cuối năm, hậu phi chuẩn bị xâu 120 tiền tặng cho hoàng tử, công chúa treo tại đầu giường để trừ tà, lại hàm ý sống lâu 120 tuổi, gọi là “ngật bách nhị”.

Tương tự ý nghĩa trên, lại có tục Áp Túy, cuối năm, người lớn tặng cho trẻ con xâu 100 đồng tiền gọi là Áp túy tiền, dùng xâu tiền để trừ tà và ngụ ý sống lâu trăm tuổi; hoặc tặng nhau mâm bánh kẹo gọi là Áp túy bàn, hay đem mấy loại hoa quả như quít, vải đặt dưới gối gọi là Áp túy quả tử. Tới đêm Giao thừa thì lấy ra ăn cho may mắn cả năm.

Tại sao lại có tục dùng xâu tiền để trừ tà? Truyền thuyết dân gian thời cổ có một loại tiểu yêu gọi là Túy, loại yêu ma này mỗi vùng gọi một khác, có nơi gọi là Tịch (nên đêm Giao thừa còn gọi là Trừ Tịch); có nơi gọi là Túy nên với con nít gọi là Áp túy tiền; có nơi lại gọi là Niên, mình đen tay trắng, cứ đêm Giao thừa lại đi tới đầu giường con nít lấy tay sờ soạng đứa nhỏ từ đầu tới chân. Đứa nhỏ sợ phát khóc, sau đó phát sốt mấy ngày mới khỏi, nhưng không hồi phục mà thành đứa bé ngớ ngẩn. Thế là mỗi vùng một tục để xua đuổi tà ma. Có nơi đốt pháo, bắn pháo bông; có nơi cắt cử người lớn thức trắng đêm trông trẻ gọi là “Thủ Túy”; có nơi dùng tiền để “hối lộ” yêu ma thì gọi là Áp Túy tiền. Lại có nơi đặt hồng bao đựng 8 đồng tiền ở đầu giường trẻ con, với hàm ý 8 đồng tiền do bát tiên biến hóa thành, dọa cho Túy phải chạy, gọi là Bát bảo tiền. Lại có nơi dùng xâu tiền kết thành hình con rồng treo ở chân giường hoặc đặt trên đỉnh màn để dọa yêu ma. Dù theo thuyết nào đi nữa thì việc dùng tiền để “xử lý” yêu quái có vẻ khá thông dụng ở Trung Quốc.

Ngược dòng lịch sử, Áp Túy tiền sơ khai đã có từ thời Hán với tên gọi Áp thắng tiền hoặc Yếm thắng tiền, là những đồng tiền được chế riêng dành cho việc trừ tà (ngoài hoa văn đồng tiền có thêm hoặc đồ hình như long, phượng, quy, xà, song ngư, thất tinh, bát quái, bảo kiếm, thần tiên, tăng nhân, đạo sĩ... để trừ tà), hoặc chúc phúc với các câu “cát ngữ” như “Thiên thu vạn tuế”, “Thiên hạ thái bình”, “Khứ ương trừ hung”, “Trường mệnh phú quý”, “Kim ngọc mãn đường”, “Gia quan tiến lộc”, “Phúc thọ diên trưởng”,... Tiền này được người ta đeo bên mình hàng ngày như trang sức.

Với tiền mừng người cao tuổi, Áp Túy tiền được đọc chệch sang thành Áp tuế tiền, với ý nghĩa tiền dùng để trấn áp “sự già đi”, “sự thêm tuổi”, chúc cho người già trường thọ.

Dần dà, cách gọi hài âm Áp tuế trên trở nên thông dụng, với tiền mừng tuổi người già hay trẻ con, đều gọi là Áp tuế tiền, hiểu theo nghĩa bình an vượt qua một năm, hoàn toàn không còn mang ý nghĩa tránh tà trừ ma nữa.

Thời trước, tiền mừng tuổi không mang nặng ý nghĩa về số lượng, mà hàm ẩn việc cầu chúc. Ví như hồng bao để 100 đồng tiền thì mang nghĩa “trường mệnh bách tuế”; hồng bao để 1 đồng bạc thì mang nghĩa “nhất bản vạn lợi”, hoặc số đồng tiền gắn với số 8 (phát), số 6 (lục) và tuyệt đối kiêng số 4 (tử). Ngày nay với sự thông dụng của tiền giấy nhiều mệnh giá, thì có tục tặng phong bao đựng nhiều tờ tiền mệnh giá liền nhau ngụ ý “liên tục phát tài”, “liên tục thăng chức”.

Một số quy định về lì xì không nên bỏ qua:

1. Hồng bao tên cũng như ý nghĩa, lên dùng màu đỏ tượng trưng cho sức sống, may mắn. Không được xài hồng bao cũ (hàng tồn của những năm trước vì... xúi quẩy, năm mới dùng bao mới. Đặc biệt tuyệt đối kiêng dùng bao có chữ và hình của năm cũ, vì như vậy là “úm” người nhận trắng tay một năm. Lại kiêng tái dụng bao do người khác lì xì mình để lì xì người khác vì như vậy vận may sẽ theo đó mà trôi đi.

2. Chữ trên hồng bao phải phù hợp với người, tỉ như mừng tuổi các cụ thì không được xài bao có chữ “hay ăn chóng lớn”, mà lì xì con nít thì không xài “sống lâu trăm tuổi”.

Phong tục mừng tuổi lì xì ở Trung Quốc
Hồng bao là để chúc nhau may mắn, thuận lợi nên dán miệng bao sẽ trở thành “phong khẩu” khiến cho tài khí không được lưu thông. Ảnh: internet.

3. Số tiền trong mỗi hồng bao không nên là số lẻ (số lẻ thường dùng bỏ phong bao đám ma, và bỏ cả số 4). Quy ước này hơi khó thực hiện ở ta ngày nay vì đơn vị tiền tệ tiêu xài là nghìn, chục nghìn thậm chí trăm nghìn. Đại để tùy quan điểm và điều kiện kinh tế mỗi nhà. Những con số được yêu thích là:

- 2 tượng trung phúc lộc song hỉ.

- 6 (lục) tượng trưng lục lục đại thuận (đôi khi gọi tắt thành lục thuận). Dân mình thường hiểu nhầm hài âm “lục” thành “lộc”. Thực ra lục lục là chỉ ngày mùng 6 tháng Sáu nông lịch, là lời chúc phúc cho các nông gia. Đó là thời điểm lúa mạch đã gặt xong, người người nhàn hạ nên qua lại thăm hỏi nhau. “Lục lục đại thuận” lại hài âm “Lộ lộ đại thuận”, chúc nhau đường xá thuận lợi, sau này được hiểu thành lời chúc quan lộ thuận lợi, cuộc sống thuận lợi.

- 8 (bát) hài âm “phát”, chúc nhau phát tài.

- 100/1.000 chúc nhau sống lâu trăm tuổi.

- 120/1.200 - ngật bách nhị.

4. Không được dán miệng hồng bao. Bởi vì hồng bao là để chúc nhau may mắn, thuận lợi nên dán miệng bao sẽ trở thành “phong khẩu” khiến cho tài khí không được lưu thông. Tương tự vậy, không được gập đôi tờ tiền vì sẽ làm tài khí hỉ khí khuất khúc, đình trệ. Phong bao mừng cưới (hồng bao) thì phải dán miệng, tỏ ý phu thê chỉ cưới một lần này. Và phong bao đi đám tang (bạch bao) cũng phải dán miệng để tỏ ý việc xui chỉ có một lần này.

5. Tiền mừng tuổi bậc trưởng bối (ông bà cha mẹ...) năm sau phải cao hơn năm trước. Bởi đó là Áp tuế tiền, năm sau cao hơn năm trước tỏ ý chúc ông bà cha mẹ mỗi năm lại thêm trường thọ, khang kiện.

6. Tiền lì xì cho trẻ con nên bằng nhau. Để tỏ ý người lớn không thiên vị, tránh cho trẻ con so bì tỵ nạnh.

7. Tiền (bậc cha mẹ) lì xì cho trẻ con (bậc con cháu) nhất thiết phải nhỏ hơn mừng tuổi bậc trưởng bối (bậc ông bà) để tỏ ý kính trọng tôn ti.

8. Tuyệt đối không được mở hồng bao trước mặt trưởng bối, như vậy là bất kính.

9. Nhận hồng bao phải dùng cả hai tay, không được đưa một tay nhận. Khi nhận hồng bao và lời chúc thì nên chúc lại.

10. Khi cầm hồng bao thì phải dựng phần miệng lên trên, nếu quay ngược xuống là tượng trưng cho đánh rơi tiền tài vận may.

11. Sau khi nhận hồng bao thì không nên rút tiền ra mà để nguyên dưới gối để Áp túy/Áp tuế. Qua ngày mùng 5 Tết (hoặc qua rằm) mới tổng kết. Nếu đánh rơi mất hồng bao thì cũng bị coi là đen đủi, như đánh rơi tài lộc vận may.

12. Ngoài loại hồng bao hình phong dọc (trực), chúc cho người nhận sự nghiệp chính thuận lợi, thì còn có loại hồng bao hình ngang (hoành), để chúc cho người thuận lợi các nghề tay trái.

Nhà văn Mick Herron giành giải thưởng thành tựu trọn đời Diamond Dagger

Nhà văn Mick Herron giành giải thưởng thành tựu trọn đời Diamond Dagger

Baovannghe.vn- Đây là giải thưởng của Hiệp hội nhà văn chuyên viết về tội phạm (CWA) để tôn vinh nhà văn vì những đóng góp với thể loại này.
Triển lãm ảnh “95 năm - Tự hào Đảng ta”

Triển lãm ảnh “95 năm - Tự hào Đảng ta”

Baovannghe.vn - Sáng 24/1/2025, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc Triển lãm ảnh chủ đề “95 năm - Tự hào Đảng ta.”
Sắp công bố cơ cấu tổ chức các bộ, ngành của Chính phủ

Sắp công bố cơ cấu tổ chức các bộ, ngành của Chính phủ

Baovannghe.vn - Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ sẽ công bố các Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành
Bản tin Văn nghệ ngày 24/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 24/1/2025

Baovannghe.vn - Lễ khai ấn Đền Trần không chỉ mang đậm giá trị văn hoá truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Thổ Tang vươn mình cùng dân tộc

Thổ Tang vươn mình cùng dân tộc

Baovannghe.vn - Thị trấn Thổ Tang từ lâu được biết đến là một địa phương có hoạt động thương mại, dịch vụ năng động, có truyền thống văn hóa đặc sắc, lâu đời.