Chị gục đầu vào cây cơm nguội, đây là cây cơm nguội thứ bốn chín, kia là lối rẽ trái của người đàn ông, một lối mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo xuống dòng sông đang chảy...
"Đò ơi" của Nguyễn Quang Lập góp thêm một góc nhìn khác về chiến tranh; về những hậu quả, những thương tổn mà chiến tranh để lại cho con người khi nó đã đi qua. Những thương tổn về xác thịt có thể được chữa lành; những mất mát hi sinh có thể được vinh danh; nhưng những dằn vặt về tội lỗi, về góc khuất của con người, về ám ảnh quá khứ... thì có lẽ không gì có thể hàn gắn được.
Truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập đặt ra vấn đề nhìn nhận con người một cách đa diện, ở những tầng sâu khuất lấp, không chỉ để tìm cách chữa lành những chấn thương trong tâm hồn mà còn thể hiện hi vọng đầy tính nhân văn về một tương lai tốt đẹp.
Bây giờ chiến tranh qua lâu rồi, chẳng ai nhắc đến cái tên Bùi Việt Pháo nữa, người ta trở lại cái tên nguyên thủy của ông: Bác Lái Đò. Chiến tranh càng lùi xa về dĩ vãng thì tên thật của ông càng chìm sâu khuất lấp dưới đáy sông. Nhưng đối với ông, điều đó thực chẳng có ý nghĩa gì hết.