Diễn đàn lý luận

Lỡ đò - Đọc lại truyện ngắn "Đò ơi" của Nguyễn Quang Lập

Hải Thanh
Tác phẩm và dư luận
21:23 | 10/07/2024
Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập đặt ra vấn đề tìm cách chữa lành những chấn thương trong tâm hồn, thể hiện hi vọng đầy tính nhân văn về một tương lai tốt đẹp.
aa

Xuất hiện trên văn đàn từ giữa thập niên 80 của thế kỉ trước, Nguyễn Quang Lập được Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là “người thuốc thang cho vết thương chiến tranh”. Vừa bước qua tuổi ba mươi và cũng chỉ có vài năm trải qua cuộc sống quân ngũ nhưng những truyện ngắn về đề tài chiến tranh của ông lại thể hiện một cái nhìn sâu sắc, đầy những suy tư, trăn trở về những góc khuất của quá khứ. Truyện ngắn Đò ơi, theo lời tâm sự của chính chủ, ra đời vào đêm giao thừa năm 1985 (tháng 2 năm 1986), là một trong hai truyện ngắn hiếm hoi được hoàn thành nhanh chóng trong hai tiếng đồng hồ, được gợi cảm hứng từ hình ảnh túp lều lá mía bỏ hoang ở bên triền sông.

Lỡ đò - Đọc lại truyện ngắn
Nhà văn Nguyễn Quang Lập - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

1. Truyện mở đầu bằng cảnh chạng vạng, một bên “dải nước sáng vàng lấp loáng”, bên kia “sẫm màu hoàng hôn”, điểm vào đó tiếng bìm bịp cất tiếng gọi bạn là âm thanh “duy nhất trường tồn trên bến sông này” dễ khiến người ta mủi lòng. Giữa khung cảnh ấy là hình ảnh:

Người lái đò đó leo lên bờ, đứng trên một mô đất cao, chống nạnh ngó trân trân về phía bên kia bờ sông. Ông đứng yên như­ một pho tượng đúc sẵn hàng giờ liền. Và khi nắng tắt hẳn, dòng sông trở lên phẳng lặng, chuyển sang mầu nâu nhạt thì ông lẫn vào hàng trăm cây bần mọc rậm rạp ở đây. Đến gần có thể nhầm đó là một cây bần chết, rụng lá đã lâu ngày.

[…] Đã mười sáu năm, không sót một buổi chiều nào ông không chôn chân mình nơi mô đất quen thuộc đấy.Và cũng chỉ một dáng dấp, một hướng nhìn đau đáu mong chờ, thấp thỏm ấy, mười sáu năm rồi không đổi.

Lựa chọn bắt đầu câu chuyện bằng thời điểm chuẩn bị kết thúc một ngày với những hình ảnh tĩnh, gam màu trầm và thêm lời nhấn mạnh về sự lặp đi lặp lại cái tư thế của ông lái đò trong suốt mười sáu năm, “không sót một buổi chiều nào”, Nguyễn Quang Lập khiến người đọc cảm nhận một không khí ngột ngạt, ngưng đọng. Càng bức bối hơn nữa khi câu chuyện được kể bằng lối hồi cố, dồn nén hồi ức của cả một đời người trong thời gian chưa đầy một đêm với bối cảnh duy nhất là khúc sông với túp lều lá mía cũ kĩ, xiêu vẹo. Theo dòng suy tư của ông lái đò, những sự kiện trong quá khứ không ngừng dồn dập hiện về, những mốc thời gian dường như hỗn loạn, chồng chéo lên nhau...

Kí ức lật giở lại ba mươi năm về trước, ông lái đò - khi ấy chỉ là cậu bé mười ba tuổi đã phải trải qua một biến cố kinh khủng khi sự bình yên của làng chài trở thành điều vô lý, chọc giận toán lính Pháp đang hậm hực vì bại trận. Cuộc chiến tranh ghê gớm nhất nửa bán cầu xộc đến, kịp cướp đi ba trăm nhân mạng xưa nay chỉ biết cắm cúi làm ăn. Không trúng một viên đạn nào nhưng từ buổi chiều đó, cậu thanh niên làng chài chỉ còn lại một mình trên đời, không còn ai thân thích. Cũng từ thời điểm ấy, cậu chuyển sang làm nghề lái đò, trở thành “bác lái đò” khi vẫn còn là một chàng trai lực lưỡng.

Ở một thời điểm không rõ ràng, một đêm nào đó vào giữa năm 1968 - dấu mốc quan trọng của lịch sử dân tộc, một chiến công đã đưa ông lái đò trở thành “người anh hùng trên sông nước”, “người lái đò kiên cường”, và thậm chí “người đảng viên trung kiên”... Người ta “vớt” tên của ông lên đặt trang trọng trên các mặt báo, từ trung ương đến địa phương - Bùi Việt Pháo - cái tên bị chìm lấp dưới đáy sông được nhắc đến kèm với câu chuyện về chuyến đò phi thường, đưa một vị tướng và đoàn sĩ quan trung cao cấp qua sông. Ai cũng sẽ tin chắc câu chuyện đó là sự thật cho đến khi người kể chêm vào một ý lấp lửng: “Không biết câu chuyện hư­ thực ra sao. Cũng có thể đó chỉ là một trong rất nhiều huyền thoại về ông”. Nhưng sự thật là khi chiến tranh qua đi, không còn ai nhắc đến tên thật của ông nữa, ông trở lại làm bác lái đò.

Thời gian như ngưng đọng lại khi ông lái đò nhớ về mười sáu năm về trước, cũng trong một đêm mưa gió bão bùng. Trong cơn say men và say những kí ức thời hoa niên, ông lái đò lao vào người nữ hành khách đang trong giấc ngủ nơi góc lều dột nát chờ qua đò. Hành động bản năng trong lúc mơ hồ ấy đã làm tan nát thanh danh của một người phụ nữ và cũng là nguyên cớ khiến ông lái đò mắc kẹt mãi trong nỗi ăn năn, day dứt suốt mười mấy năm trời.

Biến cố đầu tiên đã cho thấy hình ảnh ông lái đò với tư cách là một nạn nhân của chiến tranh. Nó là khởi điểm nhưng không phải là điều quyết định cho cuộc đời cô độc của ông. Huyền thoại về chuyến đò nửa đêm năm 1968 khoác lên cho con người bình thường ấy tấm áo choàng của người anh hùng, dù sau đó, rất nhanh chóng, chỉ còn là xã viên hợp tác xã H. Như thế, trong bối cảnh chiến tranh, thân phận của ông lái đò là nạn nhân hoặc là người hùng, kẻ đáng thương hoặc là người đáng kính. Nhưng đó chỉ là hình ảnh ông lái đò trong mắt người đời. Còn trong dòng hồi tưởng của chính ông lái đò, những sự kiện ấy chỉ lướt qua rất mau với thái độ bình thản, giống như cách ông nghĩ về cái chết: “Đối với ông, cái chết chẳng có nghĩa lý gì. Sở dĩ ông dầm trong sóng nước và bom đạn mà không chết chỉ vì người đời còn cần đến ông. Chừng nào ông chỉ là thằng vô tích sự thì ông sẽ chết, chết một cách lặng lẽ như­ mảnh ván thuyền chìm xuống đáy sông này”. Chỉ có chuyện xảy ra trong túp lều rách vào đêm mưa gió mười sáu năm về trước mới là điều ám ảnh tâm trí ông lái đò. “Ông cho đó là tội ác ghê tởm nhất mà tổng số những điều thiện ông có không sao bù đắp nổi”. Sự kiện ấy đã trình hiện một ông lái đò ở phía khuất tối, bản năng. Có thể biện minh rằng hành động cưỡng đoạt là do tác động của men rượu, của kỉ niệm xa lắc thời hoa niên khiến ông nhầm lẫn người khách trú mưa với cô gái “có khuôn mặt trắng hồng, mái tóc dày buông xuống quá gấu áo, đôi mắt tươi sáng” và “nụ cười làm cho ngực ông nhói lên”. Không thiếu lí do để ông lái đò tự vỗ về, tự tha thứ cho bản thân. So với năm mươi hai năm sống lương thiện, tội lỗi trong một giờ thật chẳng đáng kể. Huống chi sự việc chỉ có hai người trong cuộc biết rõ. Người đàn bà ấy đã biệt tích, nếu ông lái đò không nói ra, nó sẽ trở thành bí mật bị chôn vùi mãi mãi. Và quả thực, ông đã im lặng suốt mười sáu năm kể cả khi nghe được tin chị đã bồng con trở về và bị chồng dắt ra khỏi ngõ... Cũng nhiều khi, ông lái đò khao khát cái chết như một sự giải thoát: “Đôi khi ông cầu trời cho một mảnh bom nào đó cắm sâu vào ngực”.

2. Nhưng cũng chính vì im lặng mà chừng ấy năm, ông lái đò mắc kẹt trong kí ức và mặc cảm tội lỗi của chính mình. Sự việc diễn ra trong đêm mưa gió mười sáu năm về trước đã như một nhát dao chia đôi cuộc đời ông lái đò. Bề ngoài, ông vẫn là một anh hùng trên sông nước, những năm chiến tranh, người đã cứu thoát cho biết bao sinh mạng, “hàng ngàn người đang sống cùng thời với ông mang ơn ông”; thời bình, ông là người đàn ông hiền lành, cần cù, không vợ con, không họ hàng thân thích, được mọi người đùm bọc, yêu thương. Nhưng mỗi đêm, khi rút sào neo thuyền, trở về với căn lều lá mía, ông trở lại là kẻ tội đồ đang từng ngày sám hối cho sai lầm trong quá khứ. Suốt mười sáu năm, chiều nào cũng hóa tượng trong tư thế ngóng trông một ai, ngóng trông một cái gì; và đêm nào cũng vậy, “khi tất cả âm thanh của cuộc sống dã hòa tan trong sóng nước, khi một mình ông đối diện trong tĩnh lặng u buồn và ngọn đèn dầu đỏ quạch thì tiếng chửi của người đàn bà tội nghiệp kia ở đâu đó lại dồn về”... Đó là tiếng chửi của người đàn bà hay chính là ông lái đò đang tự ý thức về sự khốn nạn của mình trong quá khứ? Cuộc đời ông trở thành một vòng lặp vô tận cho đến tận đêm nay, lại một đêm mưa gió y như mười sáu năm về trước, khi ông có cơ hội để giải thoát khỏi những ám ảnh quá khứ. Quyết định ấy đến không hề dễ dàng. Tin người chồng của người đàn bà kia trở về đặt ông lái đò vào tình thế phải lựa chọn: liều mạng đến tự thú hoặc im lặng. Nếu tự thú, biết đâu ông sẽ biết được tin tức về nạn nhân tội nghiệp của mình và cả đứa con chưa từng thấy mặt nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả mọi người sẽ biết đến chuyện của ông, coi ông là một thằng khốn nạn. Lựa chọn danh dự hay sự thanh thản cho tâm hồn chưa bao giờ là điều dễ dàng. “Những xáo trộn ghê gớm” đang diễn ra khiến cho ông lái đò dù uống rượu nhiều hơn mọi đêm mà vẫn không thấy say. Chỉ khi kí ức hàng đêm dội về, khuôn mặt nhăn nhó của người đàn bà hiện lên, “đôi mắt của chị đỏ rực dữ tợn, man dại”, tiếng chửi và hành động quyết liệt của chị bỗng biến thành tiếng gọi đò trong tâm tưởng, thôi thúc ông nhảy lên thuyền, hối hả chèo đi. Nửa mơ nửa tỉnh, ông lái đò “lảo đảo xiêu vẹo như một kẻ trọng thương sắp ngã gục” trước ngôi nhà của ông Tâm phó chủ tịch huyện, “nghiến răng đập cửa”. Lương tâm đã chiến thắng trong cuộc tranh đấu với lòng sĩ diện, tính háo danh. Có lẽ, đó là hành động dũng cảm nhất trong cuộc đời của ông lái đò. Cũng như người họa sĩ trong truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, sau những giây phút trốn tránh cuối cùng cũng quay trở lại tiệm cắt tóc của anh lính “thồ tranh” khi còn trong chiến trường, ngồi yên trên ghế gỗ, tự thú với chính mình. Tuy nhiên, người họa sĩ của Bức tranh còn có cơ hội đối mặt với người cựu binh năm xưa, và dù không có cuộc đối thoại chính thức nào, ta vẫn tin rằng cuối cùng ông cũng được tha thứ và trút bỏ gánh nặng của mặc cảm tội lỗi. Còn ông lái đò, bi kịch thay, khi ông muốn lên tiếng thú tội thì không có ai lắng nghe.

Cửa vẫn đóng kín mít. Trong kia, mọi người đang ngủ say. Họ mơ hồ nghe tiếng đập cửa nhưng không ai chịu trở mình. Có lẽ họ cho rằng đó là tiếng của những ngọn gió ngoài bờ sông, thỉnh thoảng vẫn dội về...

3. Trên trang cá nhân, khi đăng tải lại truyện ngắn này và trả lời bình luận của người đọc, nhà văn có lấp lửng về chi tiết cuối truyện, liên quan đến ông phó chủ tịch xã N. tức là chồng của người đàn bà năm xưa. Trong dòng độc thoại nội tâm của ông lái đò, người đọc biết được người phụ nữ ấy đã bị anh chồng đẩy ra khỏi ngõ và trong sự ăn năn, ông đã mường tượng ra việc “chị đã bị bao nhiêu nước bọt của người đời phỉ nhổ vào mặt”. Đúng mười sáu năm sau, anh chồng của chị trở về thị trấn B., “anh ấy tên là Tâm, trước làm chủ tịch xã N. nay về làm phó chủ tịch huyện” và ông lái đò bỗng lại le lói hi vọng tìm được tung tích về người đàn bà ấy “nếu ông tự thú”. Sự trùng khớp về mặt thời gian khiến người đọc có thể hi vọng về một diễn biến đầy tính nhân văn: những năm vừa qua, anh chồng cũng biệt tích. Sự trở về của anh, trùng hợp thay lại cùng ngày ông lái đò nghe thấy tiếng gọi đò của người đàn bà trong quá khứ giữa cơn mê sảng như là “dư vang ký ức đau buồn của ông vọng về”. Và họ - những người say ngủ bên trong căn nhà của ông phó chủ tịch huyện - những người không chịu trở mình, coi tiếng đập cửa của ông lái đò như “tiếng của ngọn gió ngoài bờ sông, thỉnh thoảng vẫn dội về...” “Họ” là những ai? Liệu có khả năng nào anh chồng sau biến cố kinh khủng ấy đã lựa chọn tha thứ cho vợ và làm lại cuộc đời ở một vùng đất xa lạ, đến nay mới trở về. Những bất hạnh trong quá khứ, với họ chỉ như tiếng những ngọn gió ngoài bờ sông, thi thoảng dội về như nhắc nhở, nhưng không đủ để phá tan giấc ngủ bình yên trong căn nhà ấm cúng? Còn những người ngoài cuộc, không ai còn nhắc đến câu chuyện ấy nữa. So với những chuyển vần vĩ đại của vận mệnh dân tộc, câu chuyện ấy chỉ như một thứ “tai biến nhỏ nhoi trong chiến tranh”, không đáng, không cần phải nhớ. Chỉ còn duy nhất kẻ tội đồ là ông lái đò còn mắc kẹt - người lái đò đưa biết bao người qua sông nhưng lại không thể hoàn thành chuyến đò quan trọng nhất của đời mình.

Viết về chiến tranh ở thời điểm đất nước đang đã hòa bình, Nguyễn Quang Lập cũng như nhiều nhà văn cùng thế hệ quan tâm nhiều hơn đến những chấn thương hậu chiến, những thương tổn trong tinh thần của con người sau khi khói lửa đạn bom đã im tiếng. Và không chỉ dừng lại ở việc cất lên tiếng nói phản chiến, những truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập đặt ra vấn đề nhìn nhận con người một cách đa diện, ở những tầng sâu khuất lấp, không chỉ để tìm cách chữa lành những chấn thương trong tâm hồn mà còn thể hiện hi vọng đầy tính nhân văn về một tương lai tốt đẹp. Để làm được điều đó, cần có sự can đảm, hướng thiện của cá nhân mỗi con người và hơn thế, cần có sự lắng nghe, thấu cảm từ những người xung quanh.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Đò ơi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập Đọc và đọc lại bài thơ Không chồng mà chửa của Hồ Xuân Hương Đọc lại những trang ghi chép … Đọc lại Xuân Diệu, nghĩ về thơ tình hiện nay Đọc lại Minh Đức Hoài Trinh
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.