Diễn đàn lý luận

Đò ơi - Tiếng gọi từ tâm thức

Trần Vân
Tác phẩm và dư luận
19:30 | 11/07/2024
"Đò ơi" của Nguyễn Quang Lập góp thêm một góc nhìn khác về chiến tranh; về những hậu quả, những thương tổn mà chiến tranh để lại cho con người khi nó đã đi qua.
aa

Một người lái đò đã cần mẫn, kiên cường như “người anh hùng trên sông nước” nhưng lại mắc kẹt trên chuyến đò lương tâm của chính mình, mãi lỡ chuyến đò đưa bản thân qua đến bên kia bờ của sự thanh thản... Đó chính là ấn tượng đầu tiên mà Đò ơi của Nguyễn Quang Lập mang đến cho người đọc.

Tác phẩm mở ra không gian buổi chiều tà, khi nắng chưa tắt hẳn, chỉ còn vương vài giọt nắng lay lắt bấu víu trên ngọn cây bần. Trên một mô đất bên sông, mười sáu năm trời, người lái đò đứng chôn chân đau đáu ngóng trông về một phương hướng, dễ khiến người ta liên tưởng đến một bức tượng sống đã bị bụi thời gian phủ mờ. Thời gian chạng vạng lúc chuyển giao, không gian tù túng và tĩnh lặng, hành động lặp lại trong quãng thời gian dài khiến không khí bị bao trùm trong sự ngột ngạt. Mười sáu năm một hành động trông ngóng, một ánh nhìn đau đáu mong chờ! Truyện cũng khơi gợi được sự tò mò của người đọc, mong muốn đi tìm hiểu lí do xem vì sao nhân vật lại có hành động lặp lại trong vô thức như thế? Nhân vật được nhắc đến đó chính là người lái đò với những chiến công đáng nể trên “mặt trận” sông nước, một người anh hùng bình dị trong thời chiến đã đưa biết bao người qua sông an toàn, cứu vớt hàng ngàn sinh mạng. Nhưng người anh hùng ấy lại hàng ngày, hàng giờ sống trong trăn trở, dằn vặt tội lỗi, bị trừng phạt bởi tòa án lương tâm của chính mình, mắc kẹt trong chuyến đò tâm trí mà không thể cập bến thanh thản được. Chọn lựa đề tài chiến tranh với việc đi sâu vào những góc khuất trong nội tâm của con người, mặt trái của hào quang, của vinh dự… từ đó khai phá mảng đề tài này một cách đa diện, triệt để và thêm giàu sức tố cáo; Nguyễn Quang Lập đã mang đến một truyện ngắn nhiều dấu ấn.

Người anh hùng bình dị

Bùi Việt Pháo là cái tên khai sinh của ông. Ông không biết mình là một người may mắn hay bất hạnh. May mắn vì bom đạn chiến tranh không chạm đến chéo áo của ông, cái chết dường như bỏ quên ông. Khi tất cả ba trăm người thân, bạn bè, dân làng xóm chài xung quanh bỏ mạng vì bị xả súng trong một cơn cuồng nộ sau thua trận của giặc, thì ông “không hiểu vì sao mình không trúng một viên đạn nào”. May mắn vì “suốt tám năm chiến tranh phá hoại” sống trên quãng sông mang danh bị bắn phá ác liệt nhất thời bấy giờ với tên “tọa độ lửa” thì ông vẫn “không hề bị một vết xước”. May mắn thật khiến người ta phải cảm thán!

Ông mang sự may mắn ấy vào công việc chèo đò của mình. Những năm tháng chiến tranh, ông trở thành một “anh hùng trên sông nước”, đã được vinh danh trang trọng trên các trang báo trung ương và địa phương, thậm chí người ta còn tung hô ông là một “người đảng viên trung kiên” trong khi ông không phải là thành viên của một tổ chức đoàn thể nào. Hàng ngàn người sống cùng thời với ông mang ơn ông vì đã đưa họ qua tọa độ lửa một cách an toàn. Cũng nhờ sự phán đoán, hiểu biết của ông về quãng sông, về thói quen ném bom của giặc Mỹ và thêm một chút may mắn; ông đã lập được chiến công lớn khi đưa được chuyến đò gồm “một vị tướng cùng một đoàn các sĩ quan trung cao cấp” qua sông an toàn vào đâu đó khoảng giữa năm 1968. Ông không màng đến lời ngăn cản, chỉ huy của vị tướng và thái độ của những người khách qua sông khi gặp phi công Mỹ ném bom, vì ông biết rằng “không ai hiểu quãng sông này bằng ông”, không ai hiểu quy luật ném bom của giặc bằng người đã gắn bó với khúc sông này từ bé như ông, không ai biết về những “điểm mù” của phi công Mỹ khi ném bom từ trên cao xuống mặt sông như ông… Và có lẽ, không ai đưa khách qua sông trong tâm thái “không màng sống chết” như ông. Tất cả những điều đó làm nên một “người anh hùng bình dị”, người lái đò kiên cường vùng sông nước với những chiến công đáng nể trên khúc sông này.

Nguyễn Quang Lập viết về một người anh hùng bình dị, khác biệt so với hình tượng những người anh hùng khác mà ta thường thấy trong dòng văn học chống Mỹ. Người anh hùng của ông rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, là một con người thầm lặng như bao gương mặt khác trong chiến tranh. Thầm lặng đến mức khi người ta vinh danh thì tên ông cũng chỉ sáng trên mặt báo được ở thời điểm đó, còn sau đó lại nhanh chóng trở lại với biệt danh “bác lái đò”. Anh hùng được mệnh danh “anh hùng” nhưng chiến công được kể đếm cũng rất mông lung, chỉ như là những giai thoại “nghe đâu đó” chứ không có quãng thời gian cụ thể, số lượng cụ thể... Anh hùng đó không mang trong mình những vết tích của chiến tranh, vì ông may mắn đến không ngờ, trải qua bằng ấy năm và bom đạn liên tục nhưng thân thể không có một vết xước nào. Anh hùng đó không thuộc một tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội nào. Anh hùng đó sẵn sàng bật lại một vị tướng lĩnh cấp cao, không tuân thủ mệnh lệnh. Anh hùng đó cũng không được xây dựng với những hình ảnh đẹp về mục đích chiến đấu, lí tưởng sống. Nếu như những người chiến sĩ – nông dân của Chính Hữu trong kháng chiến chống Pháp bỏ lại ruộng nương ra đi vì lí tưởng; những chiến sĩ tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật mang theo “một trái tim” vì chí hướng chung; hay những chàng trai cô gái trong thơ Tố Hữu, các cô gái thanh niên xung phong trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, truyện ngắn Lê Minh Khuê; các chàng trai cô gái ra đi vì lí tưởng trong dòng nhật kí chiến tranh… thì “người anh hùng” trong Đò ơi chỉ có một tâm thế: đó là sự bất cần, không màng sống chết, có thể gói gọn trong một chữ “liều”! Sự khác biệt đó để lại dấu ấn riêng của Nguyễn Quang Lập với độc giả. Những người dân bình dị, thầm lặng và anh hùng như thế có lẽ có mặt khắp nơi trên đất nước Việt Nam những tháng ngày bão lửa, đã đóng góp theo cách rất riêng của mình vào công cuộc đấu tranh chung.

Kẻ tội đồ lương tâm

Cuộc đời của người lái đò bình dị, thầm lặng ấy có lẽ sẽ yên ả trôi qua như bao người khác, nếu không có cái đêm mưa gió định mệnh ấy. Như chính lời nhân vật phán xét: “Ông có năm mươi hai năm sống lương thiện và một giờ gây tội ác”. Năm mươi hai năm sống lương thiện, ông là một nạn nhân của chiến tranh với nỗi đau đớn mất mát quá lớn khi chỉ còn một mình không người thân thích. Năm mươi hai năm sống lương thiện, ông là một người hùng trong mắt người đời, lập được nhiều chiến công, được vinh danh, được ca ngợi. Đó là mặt phải - là mặt được người đời biết đến. Nhưng chỉ một phút giây không thể kiểm soát bản năng nguyên thủy của con người, một giờ gây tội ác, ông đã tàn phá cuộc đời của một người đàn bà, và tàn phá cả cuộc đời của chính ông! Để rồi cả quãng thời gian sau đó, ông sống trong dằn vặt, day dứt, bị trừng phạt bởi tòa án lương tâm của mình, trở thành kẻ tội đồ mãi mãi không thể có được sự thanh thản, mãi mãi mắc kẹt trong quá khứ tội lỗi. Ông dành cả quãng đời còn lại của mình để chuộc lỗi, nhưng vì “Ông cho đó là tội ác ghê tởm nhất mà tổng số những điều thiện ông có không sao bù đắp nổi”, nên chiều chiều, lúc hoàng hôn khi gần tắt nắng, trên mô đất quen thuộc, ông lại đau đáu trông chờ, mong ngóng và tự biến mình thành một bức tượng sống bị lớp bụi thời gian bám vào, ngày càng già nua, ngày càng dằn vặt và day dứt với tội lỗi của mình...

Tác giả Nguyễn Quang Lập đã dồn nén những lớp kí ức của nhân vật, đồng hiện thời gian quá khứ, hiện tại; chọn lựa những lát cắt, những khoảnh khắc sắc nét để tạo điểm nối tiếp trong việc tái hiện các chi tiết, sự việc. Có thể nói, những thủ pháp, kĩ xảo của điện ảnh được tác giả vận dụng rất sắc sảo, tạo hiệu ứng chồng lớp, tung hỏa mù. Vì thế, khi chắp nối các sự kiện xảy ra trong cuộc đời nhân vật, chính độc giả cũng có lúc như mê man, không biết đâu là hiện tại, đâu là quá khứ. Cũng giống như cảm giác của nhân vật người lái đò khi không biết câu chửi là của người đàn bà trong quá khứ hay của hiện tại, không biết lời hát ngọt ngào là thực hay mơ, không biết gương mặt cười của người phụ nữ là của người khách lái đò hay là cô gái ngọt ngào trong quá khứ; không biết cái giật mình thảng thốt và đau đớn khi nghe tiếng gọi “Đò ơi” là của hiện tại hay quá khứ... Chỉ có túp lều lá mía tồi tàn ven sông là không thay đổi, cùng với tiếng bìm bịp đập với tiếng sóng ngày ngày qua tháng khác, đều đều, sầu não như nhắc nhở về tội lỗi, “làm cho ông mỗi ngày mệt mỏi, rã rời”.

Có thể nói, sự tù túng, ngột ngạt trong không gian; sự dồn nén đồng hiện của thời gian và sự chồng chéo của các lớp kí ức càng đẩy những dằn vặt tội lỗi trong tâm tưởng nhân vật nhân lên gấp bội, khắc sâu thêm sự trả giá với tội lỗi mà ông lái đò đã gây ra. Cuộc đấu tranh giữa phần dũng cảm và phần hèn nhát trong con người ông lái đò chưa bao giờ ngừng lại trong suốt cả quãng đời cô độc và dằn vặt của ông sau cái đêm mưa gió ấy. Cuộc chiến giữa một bên là người hiền lành, cô đơn, đáng thương, nhiều chiến công, được mọi người nể phục và một bên là “một thằng khốn nạn”, hèn nhát không dám thừa nhận tội lỗi của mình, không dám đứng lên đối mặt và sửa chữa lỗi lầm… là cuộc chiến không hồi kết, mà bên nào chiến thắng cũng mang lại những hậu quả đáng buồn. “Người anh hùng” chiến thắng thì mãi mãi tòa án lương tâm không bao giờ tha thứ, ông sẽ mang theo niềm day dứt tội lỗi xuống mồ. “Kẻ khốn nạn” chiến thắng thì ông sẽ phải chịu sự dè bỉu, phỉ nhổ của người đời, xổ toẹt những gì ông đã gây dựng được trước đó. Vì thế, chiến tranh kết thúc đã lâu mà dư âm chiến tranh vẫn đeo bám ông lái đò; ông vẫn không thể tự thoát ra khỏi cuộc chiến nội tâm của mình!

Cuộc đấu tranh giành giật lại bản ngã và lương tri ấy của ông lái đò được tác giả khép lại bằng hành động “nghiến răng đập cửa” nhà ông Tâm phó chủ tịch huyện - chồng người phụ nữ tên Túc đã bị ông lái đò hại đời năm đó - trong một đêm nửa mê nửa tỉnh, dội lại “tiếng gọi đò trong vắt của một phụ nữ trẻ” trong tâm thức ông lái đò. Tiếng gọi đò hay cũng chính là tiếng gọi của lương tâm thức tỉnh? Tưởng chừng sẽ có một cái kết có hậu, sau cả một chuỗi ngày tháng dằn vặt mệt mỏi, sau những hành động sửa chữa lỗi lầm trong yên lặng nhằm cứu vớt sự bình an trong tâm hồn của ông lái đò. Nhưng đáng tiếc cho ông lái đò, “cửa vẫn đóng kín mít” và mọi người vẫn đang ngủ say, không ai để ý đến hành động chuộc lỗi của ông. Ông lái đò đã từng vọng ngóng bên sông mười sáu năm đằng đẵng, từng nghe ngóng thông tin về người phụ nữ, từng lặn lội cất công đi tìm người đàn bà tên Túc qua ba mươi nông lâm trường để tìm thông tin về hai mẹ con... Những hành động đó chỉ nhằm cứu rỗi sự yên bình trong tâm hồn ông mà thôi. Nhưng khi ông gom góp chút dũng cảm cuối cùng, ông được tiếng gọi “Đò ơi” thức tỉnh để đến mong được “tự thú”, được chuộc lỗi thì lại không ai quan tâm đến ông! Có lẽ chăng, có những lỗi lầm không thể tha thứ được, và con người sẽ mãi mãi phải mang theo nỗi đau đớn, dằn vặt để trả giá cho tội lỗi mà mình đã gây ra?

Đò ơi của Nguyễn Quang Lập góp thêm một góc nhìn khác về chiến tranh; về những hậu quả, những thương tổn mà chiến tranh để lại cho con người khi nó đã đi qua. Những thương tổn về xác thịt có thể được chữa lành; những mất mát hi sinh có thể được vinh danh; nhưng những dằn vặt về tội lỗi, về góc khuất của con người, về ám ảnh quá khứ... thì có lẽ không gì có thể hàn gắn được. Những con người may mắn bị bom đạn chiến tranh bỏ quên, lành lặn về thân thể nhưng lại không thể may mắn chiến thắng được lương tâm của chính mình. Đi sâu vào cuộc đời của ông lái đò, khai phá mặt trái của hình tượng người anh hùng thời chiến và cuộc đấu tranh nội tâm không hồi kết của ông trong những tháng năm dài đằng đẵng; Đò ơi không tập trung tố cáo tội ác của chiến tranh, nhưng những ám ảnh của một người mắc kẹt trong tội lỗi quá khứ lại chính là lời lên án chiến tranh một cách mạnh mẽ và đanh thép nhất.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Đò ơi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập Lỡ đò - Đọc lại truyện ngắn "Đò ơi" của Nguyễn Quang Lập Hải âu lạc lõng - Truyện ngắn của Đào Quốc Minh Rừng tối - Truyện ngắn của Châu Sa Đêm chiến tranh - Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.