Nhà văn Vũ Tú Nam, một tên tuổi văn xuôi nổi bật. Nhưng, Vũ Tú Nam cũng là một nhà thơ. Thời trai trẻ, khi tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, ông có truyện vừa Bên đường 12 (1950, tác phẩm đầu tay) được Trại Văn nghệ Lam Sơn (Văn nghệ Liên Khu Bốn) tặng Giải Nhất về văn xuôi. Đấy có thể xem là sự kiện đầu tiên thuộc 5 sự kiện trong đời văn của Vũ Tú Nam. Bốn sự kiện tiếp theo là: Truyện Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công (dành cho thiếu nhi, 1963), gặp “tai nạn nghề nghiệp” do bị hiểu lầm là “ám chỉ” nhưng mau chóng được dư luận bỏ qua; Bài thơ Trăm hoa (1966) hay, nhưng tác giả lại ghi là ca dao sưu tầm; tập truyện Sống với thời gian hai chiều (1983, in báo 1982) được dư luận hoan nghênh; cuốn Hồi ức tình yêu (2015) công bố 500 bức thư của vợ chồng hai nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương gửi cho nhau khi xa cách, được nhiều người tìm đọc.
Như vậy, một trong 5 sự kiện trong đời văn của Vũ Tú Nam là thơ - bài thơ Trăm hoa.
Nhà văn đến với thơ
Sự kiện Trăm hoa chỉ là một ngẫu hứng “lộ mặt” và không thuộc số những bài thơ đầu tiên của ông. Trăm hoa được viết tháng 6 năm 1966, in báo Văn nghệ cùng năm (ngày 19 tháng 8, trong mục Vốn cổ ghi tên Bài ca Trăm hoa, ca dao do Tú Nam sưu tầm). Sau đó khoảng chục năm, tác giả có lời nói lại trên báo rằng đó là thơ của ông sáng tác.
Thật ra, ngay từ nhỏ, cậu bé Vũ Tiến Nam (tên khai sinh) đã ham đọc thơ. Ông chịu nhiều ảnh hưởng của người anh cả - nhà thơ Vũ Cao. Vũ Tú Nam làm thơ từ năm hai mươi tuổi. Sinh thời, Xuân Diệu có khuyến khích ông, gọi ông là “nhà thơ nghiệp dư”. Sau này, nhà văn cho biết ông “chỉ làm thơ khi thật sự có cảm hứng và không thể thể hiện bằng văn xuôi”.
Vũ Tú Nam rất chịu khó học hỏi, ghi chép về thơ. Ông cũng có một số bài báo nhận xét về nghệ thuật thơ, dạng trao đổi kinh nghiệm sáng tác hoặc giao lưu với bạn đọc. Có thể nhà văn Vũ Tú Nam xem sáng tác thơ chỉ là nghề “tay trái” của mình, nhưng ông vẫn hướng đến thơ một cách có ý thức kỹ càng về tính chuyên nghiệp. Ông có dịch thơ và công bố một tập sách.
Vũ Tú Nam in sách thơ muộn và ít đăng báo khiến không nhiều bạn đọc để tâm đến thơ của ông. Từ điển văn học (bộ mới), tại mục tác giả Vũ Tú Nam, không nhắc đến thơ của ông. Thật ra, nhà thơ Vũ Tú Nam sáng tác đến trăm bài thơ, đã có 5 tập thơ. Sau tập đầu tiên Gửi em (1991) là 4 tập do Nxb Hội Nhà văn công bố: Người và gió (1996), Trái chín (2000), Chào tiễn thế kỷ 20 (2003) và Túc tắc (2009).
Trăm hoa và những vẻ đẹp khác
Trăm hoa là một bài thơ dài, gồm 34 cặp lục bát (68 dòng thơ) viết theo kiểu dân gian, kể chuyện, hỏi đố, giải đáp về 47 loài hoa thiên nhiên cây cỏ và kết thúc bằng một loài hoa đặc biệt, khác thường: Trăm hoa anh đã dẫn em xem/ Nhưng hoa nào đẹp bằng em - hoa Người/ Hoa Người đẹp nhất em ơi/ Không hương sắc lại bằng mười sắc hương.
Hai cặp câu sáng bừng giữa bài thơ tôn vinh vẻ đẹp của người cùng với hoa và nhan sắc của tình yêu: Má em như thể bông sen/ Ngón tay hoa huệ, miệng em - hoa hồng/ Anh yêu em, yêu nhất hoa hồng/ Để cho anh bế anh bồng trên tay.
Thơ Vũ Tú Nam thiên về cái nhìn duy mỹ, trước tiên là bề ngoài, sau đó vào sâu qua mặt phẳng đời sống. Cái đẹp ấy đã vượt thoát khỏi bao gian truân, bao suy ngẫm, là cái đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên đất nước, quê nhà, cái đẹp của tâm hồn người Việt.
Vũ Tú Nam là một trong những nhà thơ viết hay về mùa thu. Đọc thơ ông, người ta thấy không chỉ vẻ đẹp của mùa thu, của đất trời thiên nhiên, mà còn thấy phía trong, phía sau là vẻ đẹp của con người, của tâm hồn trong suốt, giàu nhạy cảm của tác giả. Thơ về mùa thu của ông tinh tế, ảo diệu, mềm như lụa. Cảm hứng thi ca về mùa thu thường đi liền với cảm hứng về thời gian vũ trụ và cảm hứng về tình yêu.
Xin mời bạn đọc thưởng ngoạn trọn vẹn bài Thu I: Yên tĩnh nghe gió ru/ Yên tĩnh nghe lá thở/ Tiếng chim hót đong đưa/ Trời xanh màu men sứ./ Lặng lẽ hoa ngợp nắng/ Lặng lẽ mây giăng hàng/ Đời bộn bề náo động/ Chìm vào thu dâng tràn./ Yên tĩnh nghe lá ru/ Yên tĩnh nghe đất thở/ Bây giờ là bao giờ/ Nghe thời gian ngưng tụ.
Tác giả mời độc giả bay vào, chìm vào không gian - thời gian bất tận với sắc màu và âm thanh ảo diệu.
Tình yêu và hạnh phúc gia đình
Khác hẳn thơ của nhiều tác giả, người tình trong thơ Vũ Tú Nam trùng khớp trăm phần trăm với người yêu - người vợ trong đời sống vật chất và tinh thần của chính tác giả. Năm trăm bức thư đằm thắm yêu thương của hai anh chị, sau này là hai ông bà - gửi cho nhau, cũng là hình bóng của thơ ca với tính trữ tình hồn nhiên, không son phấn. Trong thơ ông, tình yêu nam - nữ thuần túy mau chóng chuyển sang tình yêu - hạnh phúc với gắn kết sâu nặng, chân thành, bền bỉ, và cứ thế mà diễn tiến cho đến hôm nay. Dù nói gì, dù trực tiếp hay gián tiếp, gần gũi hay xa xôi, từ việc bé đến việc lớn, loanh quanh lại là hình ảnh người vợ mến thương. Năm 1968, sau khi có bài thơ Trăm hoa, ông viết: Anh yêu em. Một đời người - chẳng đủ/ Hẹn cùng em sống tiếp những đời sau/ Ừ em nhỉ, ta yêu đời, cũng thế/ Dẫu trăm năm nào có thấm vào đâu! (Bài Gửi em, hai khổ cuối).
Có một tứ tuyệt tài hoa, chẳng kém là bao so với thơ của một bậc thầy nào đó:
Thu - Đêm
Trong đêm mơ anh đắp áo cùng em
Gió bổi hổi - em nhìn anh náo nức…
Gió xô cửa. Một mình anh chợt thức
Xa thật xa đơn chiếc mảnh trăng vàng. (1980)
Trong tập thơ thứ 5 (2009 - thơ chọn), có 38 bài thì hơn một phần ba nói đến tình yêu đối với vợ, hoặc gián tiếp có hình ảnh người vợ. Và khi ông bà đã cùng tuổi 75 (năm 2004), mà nhà thơ vẫn có những lời gan ruột đến mức không thể hơn, tạo nên thi ảnh đáng chú ý:
Hai trong một
Nằm cùng giường mà vẫn mơ thấy vợ
Nhớ em đâu cứ lúc xa em
Từng miếng ăn, bước đi, giấc ngủ
Ta là hoa trong một linh hồn.
Đời người, thời gian và nỗi niềm chia sẻ yêu thương
Lẽ thường, trong thơ văn, hầu hết mọi tác giả đều khắc ghi vào tác phẩm của mình cảm xúc buồn tiếc, xót nhớ khi thời gian trôi qua. Đối với Vũ Tú Nam thì ngược lại. Bài Thời gian viết khi đã 56 tuổi cho thấy tác giả bình thản, quý trọng quá khứ, vui vẻ với hiện tại và tin tưởng vào tương lai: Đánh giá thời gian - một việc làm chẳng dễ/ Tuổi ấu thơ xa lắc vẫn như gần/ Mỗi xuân tới, ngỡ mình còn trẻ/ Chợt thấy tháng năm qua giương mặt người thân// Thời gian. Thời gian. Chia tay và hò hẹn/ Miệng em cười làm nhẹ bẫng âu lo.
Đối với Vũ Tú Nam, thời gian luôn luôn liên quan, ràng buộc với tình yêu - hạnh phúc. Ông vật thể hóa thời gian là con tàu, để rồi lại ví: Trên giường/ như trên con tàu thời gian (…) Cánh tay anh cánh tay em làm gối/ Chúng ta trôi trôi mãi trên tàu/ Hai mươi lăm năm, các con lớn cả/ Quay trái/ đụng tường/ Quay phải/ gặp em! (Con tàu thời gian).
Vũ Tú Nam từng tâm sự: “Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý trọng sự trung thực và lòng nhân hậu” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2010). Bởi thế, trong thơ Vũ Tú Nam, thời gian trôi qua trong yêu thương và nỗi niềm san sẻ. Nói khác là, đối với ông, nỗi niềm yêu thương, ý thức sẽ nhân hậu luôn luôn tồn tại trong thời gian bất kể là những tháng năm đã qua hay hiện tại. Tình yêu - hạnh phúc của ông rất riêng, nhưng lại có phần chung rộng lớn với cộng đồng, nhân dân, đất nước. Phải chăng, ký ức tươi đẹp về những năm tháng chiến tranh và hòa bình trước kia (Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng - Tố Hữu) vẫn khắc ghi sâu đậm trong đời sống và tâm hồn ông hôm nay, khiến ông, dẫu sâu sắc thêm lên đến bao nhiêu đi nữa, thì vẫn sáng trong như buổi ban đầu? Trong bài Gửi em viết năm 1968, đưa vào tập thơ đầu tiên năm 1991, ông đã tâm sự với vợ: Em nhỉ, hạnh phúc chúng ta hưởng/ Là đem cho, mãi mãi đem cho… Ở một bài khác: Niềm vui lẫn trong cái thường ngày bận rộn/ Được cùng mọi người mãi mãi đem cho… (Thời gian). Ông nói với người bạn đời: Nợ trời nợ đất nợ em/ Anh còn mang nợ tới nghìn năm sau (Mắc nợ). Ngày mưa, gọi điện thoại thăm bạn bè, ông buồn nẫu ruột bởi nhiều số máy đã thay hoặc chủ máy đang ốm hoặc không còn nữa trên đời. Nghĩ tới một khía cạnh của Hạnh phúc, ông chạnh lòng: Ở đời này, may mắn được sống hạnh phúc/ như là tội lỗi/ Bởi bao người còn đang khổ đau. Khi đến tuổi bảy lăm, Vũ Tú Nam vẫn giữ được thái độ sống trầm tĩnh, an nhiên, sáng tươi của một người nhiều trải nghiệm, có bản lĩnh vững vàng. Ông tự nhủ bản thân và san sẻ với bạn bè, cộng đồng: Lứa ta như trái chín/ Biết khi nào rụng rơi/ Giữ trái tim nồng ấm/ Ủ mầm thương cho người/ Ừ buồn sao được nhỉ/ Khi cây đời chen vui (Trái chín). Bài Túc tắc và bài Gửi lại là những lời tự bạch và nhắn nhủ. Túc tắc sống, túc tắc yêu, túc tắc viết, túc tắc đọc. Túc tắc là từ láy đôi vừa tượng thanh vừa tượng hình nói về cách sống cần cù, kiên nhẫn, tự tin mà khiêm nhường (con gà mổ thóc, bới rác tìm thức ăn, con chim bay nhảy trong khóm cây tìm sâu bọ, đôi chân túc tắc đi, thư thả, âm thầm trong nghĩ ngợi…). Sống chậm, nghiền ngẫm, xa lánh ồn ào mà khiêm nhường, đầy nặng yêu thương, ân nghĩa sẻ chia, đó là nguyên tắc sống và viết của Vũ Tú Nam.
Giản dị, truyền thống mà hiện đại, tài hoa
Thơ Vũ Tú Nam giản dị nhưng không thật thà. Tác giả hồn nhiên trong tâm hồn nhưng khi viết ra lại có chọn lọc. Ông tài hoa một cách tự nhiên, nhưng phía sau mặt chữ là trải nghiệm về nghề thơ. Thơ ông có vẻ như kể chuyện, tâm sự nhưng lại có nhiều tứ hay, nhiều bài hoàn chỉnh. Khó có thể chữa, thay, bổ sung một chỗ nào. Bài nào ra bài ấy, câu nào, đoạn nào ra câu, đoạn ấy, chữ nào cũng đầy lẳn, không non lép. Những trang thơ của Vũ Tú Nam có vẻ phẳng phiu, không cộm “sốc” mà lại dẫn người đọc vào chiều sâu, nhiều khi day dứt không yên… Thơ ông thường có tứ lạ và ngộ, mang tính triết lý về đời sống đã góp phần ghi nhận trình độ sáng tác của tác giả. Đó là những bài: Hoa quỳnh (trót ngủ quên, bỏ qua thời khắc hoa nở) - Quỳnh gửi lại đâu đây/ một thoáng hương dịu mảnh/ Như ranh giới giữa thực và hư/ giữa mơ và tỉnh; bài Người và gió: Gió vô hình, ta dễ dàng hiểu gió/ hơn hiểu người nghìn nỗi nông sâu; bài Mượn hồn (đôi tình nhân - vợ chồng mượn hồn lẫn nhau, cùng lấy con thuyền làm vỏ, bềnh bồng trên biển, mượn cả hồn thiêng trời đất); bài Mài dao đây (chuyện hóm hỉnh về một người mài dao); bài Con giống cha của cha (sự tiệm tiến các thế hệ gia đình); bài Chim cánh cụt (nỗi đời trái khoáy); bài Văn xuôi về đôi mắt (Có khi thấy rõ kỹ quá/ Lại làm mất cái tươi đẹp cũng nên); bài Cơ nhỡ (phải chăng con ong cùng hoa đào đã thề nguyền, cho nên ong cứ quẩn quanh bên cành hoa đã bị quăng đi sau tết); bài Con tàu thời gian như cái giường chở vợ chồng đi qua bao năm tháng.
San sẻ nỗi niềm về bản thân và tình yêu đằm thắm của riêng mình, gia đình mình với cộng đồng một cách chân thành và giản dị trên cơ sở lòng nhân ái và niềm tin, đó là tư tưởng nghệ thuật, là cái đẹp cao cả và vĩnh hằng của thơ Vũ Tú Nam.
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020