Chờ gà trong hang Khỉ gáy dồn thì Ynh và hai con xuống núi. Vùng cao vẫn nói gà trống là thần may mắn chọn giờ đẹp để may ra hết nghèo. Hai con, thằng Ngô mười tuổi, thằng Sắn chín tuổi nghe mẹ nói dụi bếp đứng lên. Ynh lưng khoác gùi tay dắt con nghéo cổng xuống cầu thang.
Phía sau hang Khỉ sương đùn lên từng lớp, lùm cây co ro tê cóng bên đường. Đường bản loét nhét bùn phân ba mẹ con nhắm mắt bước liều. Đến gốc quéo già đầu bản, Ynh lấy áo cho hai con mặc thêm. Ngước lại nhà cũ đã lấp trong lớp sương bạc, đi lần này chẳng biết bao giờ về. Dân bản nói cây già có ma, gái đẹp có chủ, Ynh chưa biết mình đẹp thì đã có chủ. Mười lăm tuổi chủ của Ynh là chồng bây giờ, cái thằng hút thuốc lào nằm. Khi biết chồng nghiện thì cái thai trong bụng bằng bắp ngô. Rồi thêm một đứa nữa tòi ra, hai năm hai con mắn đẻ nhất bản. Đến tuổi bầu cử thì Ynh thành gái sề. Người Thái nói lấy chồng nghiện như cổ đeo tổ ong. Cổ mẹ đeo tổ ong hai con cũng đeo tổ ong. Bố nghiện hành tỏi cả ba người. Thằng Sắn đi đâu về chê bố hút thuốc lào nằm bị tắm một gáo nước sôi. Gần đây bố bắt thằng Ngô đi cắm thuốc phiện ghi sổ, nó về tay không bị cắn rách tai… Ynh choáng váng một buổi chiều ba mẹ con đi nương về đã thấy chồng sốc thuốc nằm bên gốc me. Gọi mãi bố không biết nghe, vẫn bỏ ba mẹ con ra rừng ma mà đi, bỏ luôn ma túy.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Hôm cúng rước ma lên nhà xong, ông trưởng họ Cầm bảo Ynh:
- Mẹ con cháu bây giờ phải gồng lên mà sống. Ông đã xin cho thằng Ngô, Sắn vào trại mồ côi học rồi, còn cháu đi làm thuê nuôi lợn rừng cho bạn ông ở bản Thái. Mường ta rừng rộng suối sâu, làm gì chẳng có miếng ăn. Dừng nghĩ làm thuê là nhục, mình vắt sức kiếm cơm nuôi con. Chỉ lo đi làm ăn xa cốt giữ hai chữ “côn đìn” (người tốt) khi về bản ngẩng đầu lên là được.
Ynh mừng lắm đào hang tìm tê tê đã túm được đuôi, cô gật đầu luôn. Duyên mẹ mắc chồng nghiện, cố nuôi con mà không xuôi. Nay đời bố nó trót cưỡi lợn, mong đời con cưỡi ngựa. Để mai sau hai đứa lên ngôi xứng với cái họ Cầm danh giá của chúng, xưa có câu “họ Cầm vác gươm gác mường còn gì”. Chứ một nách hai con, nợ nần ngập đầu chết đói trước khi chết nhục...
Vừa tự vấn vừa leo, vượt lên lưng đèo đã thấy nắng loe khắp rừng thưa nương bằng. Khí trời vùng cao lạ thế, sáng xuân, trưa hạ, chiều thu và tối đông, một ngày đủ bốn mùa. Ynh cõng gùi. Thằng Ngô khoác tay nải mồ hôi mướt lưng, cái tai rách bắt nắng ửng lên. Trời gần đến ngọ. Chỉ vài con dao quăng là đến trường rồi… Bỗng Ynh mặt rạng ngời trỏ tay về hàng cây xa xa, mấy ngôi nhà màu sáp ong vàng rộm lên. Ớ trường đây! Hai đứa chạy như bay đến đó.
*
Gửi hai con xong, giờ chỉ còn một mình Ynh rảnh rang xuống suối rửa mặt, tiếng thác đổ ùm ùm điểm nhịp tiếng giã gạo nương thì thụp dưới suối làm Ynh thấy nhẹ tênh. Cô cởi áo cóm, dây xạ tích, thả tẳng cẩu cất vào gùi. Diện áo váy mới, ngó mình trên mặt nước lưng eo mặt thon lá trầu, tự khen: “Mình là con Kinh rồi, thả tóc mượt thành gái non”. Trong bản nhiều cô đi công nhân về đều hóa trang Thái thành Kinh, mốt mới cứ đi xa về ăn cơn tẻ thành phố là nom người mượt mà hơn… Ynh nhón bước lên bờ đi hỏi thăm trang trại nuôi lợn rừng. Cô choáng ngợp trước cơ ngơi bao la nào đồi khe xanh mướt trải dài hút mắt. Thấp thoáng mấy dãy nhà lợp tôn xanh, tường xám xây cao ngợp đầu, trên giăng thép gai treo vỏ bia, nước ngọt lanh canh. Ngay trước mắt Ynh cổng sắt to khóa kín. Khi thấy trụ đá khắc đồng ghi “Trang trại nuôi lợn rừng” thì Ynh mới biết là không nhầm. Chào Ynh là tiếng tru rợn gáy của đàn chó săn lai sói nhảy lên trước cửa sắt cào tóe lửa, làm cô giật lùi. Mấy mắt camera móc thịt nhìn người lạ chăm chắm. Chợt nghe ba tiếng chuông kính cong, kính cong đàn chó dữ như có điều khiển bằng điện, những cái đuôi đang phất lên cụp xuống tức thì, không một tiếng tru. Người đàn bà tuổi xồn xồn lé mắt qua cửa sắt, đút chìa vào ổ, cánh cổng hé hỏi:
- Hỏi gì?
- Noọng tìm việc.
Người đàn bà gật đầu, Ynh vào theo.
Trước ngôi nhà sàn ông chủ đang ngồi cổ đeo dây xích bạc, bụng phưỡn như cóc, da vàng như lợn lép tô đang uống rượu suông. Trỏ ghế dưới tán cây cho Ynh ngồi. Khơi mào lạt như nước ốc, chủ nói:
- Tưởng Thái lại Kinh. Ông họ Cầm xi nhan là Thái cơ mà, me mại (chồng chết) có hai con đúng không.
Thì ra chủ đã nắm trích ngang từ trước, ông thích Thái thì Thái đây, Ynh phát dài tiếng Thái:
- Tay hau ớ, noọng là người Tay họ Cầm, bản Hang Khỉ. Ờ, noọng me mại mí hai lụ (Người Thái bản Hang Khỉ, vâng em chồng chết có hai con).
Ông ngó lại Ynh mặt thon lá trầu, tóc thả mượt sơ mi hồng xooc bò xanh giầy cao giót, thoáng ngỡ ngàng:
- Đi chăn lợn hay là cô đi múa xòe?
- Hôm nay ra mắt ông chủ là gái Kinh - Ynh bẻn lẽn - Mai em lại biến thành gái bản xịn cho ông xem.
- Mặc váy hay quần xooc, tằng cẩu rồi hạ cẩu, ai biết Kinh hay Thái? Ớ, có phải cô là Cầm thật không. Nếu họ Cầm thì cùng họ với tôi, tôi là Cầm Linh. Ai hạch giấy tờ thì khai cháu ngoại ông Linh.
Ông chủ lững thửng bỏ đi lẩm bẩm: “Cứ lộn cả lên, đúng là đồ khỉ cái”. Ynh thì ngớ người ra: Sao lại nhiều khỉ thế, ông chủ là Linh tiếng Thái là khỉ lại nuôi nhiều khỉ. Bản Ynh ở cũng là Hang Khỉ. Đúng là đi đâu cũng gặp khỉ ngày đầu đi làm có xúi xẻo không? Cô định hỏi lương thưởng thế nào thì ông Linh nói luôn:
- Cơm nuôi năm củ.
- Còn công việc hàng ngày?
- Chăn đàn khỉ cho tôi, nuôi thêm mấy chục con lợn rừng. Ngoài ra, khách đến thì được thưởng nóng. Khen chê cũng tùy mình, phải làm sao cho khách lột ví ra... Khỉ cái nha.
Bản Ynh ở ngay Hang Khỉ, nhiều vụ tai nạn do khỉ gây nên, sợ nhất gái tơ gặp khỉ độc trong rừng sâu thì mờ đời. Biết loài khỉ cuồng dâm cô hỏi:
- Chuồng trại có chắc không, em sợ khỉ lắm?
Ông Linh cười to:
- Nằm sát Hang Khỉ mà sợ khỉ à? Trang trại đây khỏi chê, không sợ đâu. Nhưng mà yêu ghét do mình cả, người yêu vật thì vật quý. Ngược lại lắm khi mất mạng như chơi. Ra chuồng thì biết, thử coi luôn.
Vừa lúc người đàn bà đã hé cổng cho Ynh vào, bà ta tên Lả mặc váy ngắn xộc xệch, cúc bướm cài lệch vẹo xương lưng gánh đầy măng, ngô, sắn tới chuồng lợn mồm kêu: “Bơ… bơ… nờ…” (gọi lợn ăn) đổ tất vào máng, đàn lợn gầy giơ xương răng ranh cong như câu liêm thi nhau đớp.
Thoáng cái bà Lả vượt qua con suối sâu đến bụng, chân lại vượt qua thác nước đổ gầm gào. Lả băng nương xoài, nương nhãn lá rụng bốc mùi ngai ngái. Đã nghe chi choe của đàn khỉ chờn chợn dưới chân đồi. Trại khỉ đây. Chuồng đầu tiên toàn khỉ to tới vài ba chục con đực lẫn cái, béo gầy đủ dạng nhưng con nào lông he vàng. Những con đực mắt gằm ghè với nhau rồi lại chờn vờn quanh mấy ả khỉ dậy thì; bên kia chuồng khỉ mẹ đang bắt rận cho hai chú khỉ con bé bằng chó con nằm tênh hênh khoe cả chim cò; bên kia nữa chuồng dành khỉ đẻ. Khỉ mẹ ôm con vừa mới lọt lòng ngồi trên sạp hai lớp, lớp trên đan bằng tre, phía dưới là những tấm ván khum khum lòng máng. Ông Linh sáng chế ra sàn hai tầng để hứng huyết khỉ sinh nở đọng lại đợi khô thu về gọi làm huyết linh. Thợ săn huyết linh trong núi cũng lần theo đàn khỉ mà tìm máu khô dính vào vách đá, dưới hốc cây vét cả đem về làm thuốc chữa bách bệnh…
Lát sau bà Lả lại khệ nệ kéo ra một bao ngô, cất tiếng kêu rất giống khỉ: “Tô linh, tô linh ớ” chưa dứt. Đàn khỉ điên loạn từ trên cây dưới đất nhào tới. Con nào con nấy nhe răng, chìa tay dài tranh cướp đồ ăn chí chóe. Chúng thi nhau nuốt như lũ cuốn. Một lát đàn khỉ đã nghiến hết cả bao ngô, rồi từ tốn nhai lại ngon lành… Dưới gốc si già âm u lạnh lẽo, một mái chòi lợp cọ, liếp đan tre. Ngay giữa nền cắm cọc bằng gỗ đinh hương rất chắc cao đầu người màu nâu đỏ nhơm nhớm như xoa mỡ. Trên nền cái bàn mộc và mấy ghế cắt bằng gốc cây choán gần hết lối đi. Giữa bàn chỉ có bộ cốc nhựa màu da lươn, không ấm không chén. Vách nứa dây dớt nhiều vết loang đỏ chắc nhiều ngón tay ai quệt vào. Ba bốn con dao cán ngắn to bản sắc như nước cắm trên vách. Cạnh đó treo cuộn dây cước màu xanh lẫn đỏ lem nhem. Chung quanh chòi sặc mùi tử khí hơn cả lò mổ. Vào sâu trong gốc si một bếp củi than cháy không ngớt, một nồi quân dụng sôi xình xịch, nước ngầu bọt tràn xuống ba đầu rau kêu xèo xèo, cạnh một nồi khác để chế nước sôi. Người đàn ông có tên là Hỏa câm lặng như gã canh nghĩa trang, thấy Ynh ngó sang cũng chẳng nhìn chẳng hỏi. Chỉ lừ đừ hớt bọt đổ vào một chậu nhựa, lại chế thêm nước sôi vào. Mùi khét xương khô lẫn mùi thuốc phiện, gừng khô, mùi sa nhân vương vín khó tả như mùi kho cá, lại nghe như măng khắm.
Cho đàn khỉ ăn xong bà Lả vội vã xách thùng múc nước suối đổ đầy tràn bể chứa cho thú uống và chơi bời. Xem chừng việc vãn, ông Linh nhìn Ynh nói: “Xem thế đã chưa”. Ynh cười: “Có gì mà không làm được”.
Ông Linh về nhà trước, Ynh bước sau thả ý nghĩ linh tinh ông này đa mưu. Chuồng trại thiết kế thời chiến khu. Lợn rừng khoe tênh hênh phía trước, còn trại khỉ thì giấu tịt mít dưới thác nước xa xa có động là thả vào rừng - công an, kiểm lâm liên ngành có đến cũng chịu thua. Lại cái giường khỉ đẻ hai tầng tận thu đặc sản… Lại cái chòi ma ám, cái cọc gỗ dựng lên như trong pháp trường… Lại cái nồi quân dụng to lửa than không ngớt như lò luyện đan của Tần Thủy Hoàng. Phà ối, người giàu quá hóa cuồng đổ tiền vào những trò chơi của quỷ… Bỗng ông Linh chờ Ynh đến gần khoát tay một vòng quanh núi:
- Rừng nhà đấy. Rừng nuôi khỉ, khỉ nuôi người vòng quay ảo diệu. Đúng là trò khỉ. Rừng là chõ nếp tan mùa nào thức ấy. Ớ, tôi bảo, khách Thái thì diện Kinh, Kinh thì diện Thái cái lạ bằng tạ cái quen. Nhớ chưa khỉ cái.
Ynh gật đầu. Ông Linh dẫn cô vào mấy phòng nhỏ nói: Nghỉ đây một mình một mường, khỉ cái sướng chưa. Đến tối bà Lả bưng mâm cơm cùng Hỏa và Ynh ngồi ăn. Mâm cơm khá tươm măng đắng, canh chân trâu, thịt trâu nướng, cóm khẩu đầy ú xôi. Ba người mỗi người có một thìa, bát đũa. Vừa gắp vừa múc vừa bốc ngon lành nhưng không nói. Ngước lên sập đinh hương, ông Linh trơ khấc một mình một cỗ, không thấy vợ con. Ưu tiên ông một bát tô tiết canh trâu màu đỏ, một cốc rượu nửa lít cũng đỏ như tiết canh một bát nậm pịa xanh rì. Sau này Ynh biết gia cảnh ông tiền đông nhưng neo người. Đứa trai con bận buôn gỗ lậu bên Lào, bà vợ bị con khỉ độc hiếp đến chết khi bà ra mở chuồng cho khỉ ăn, nó phát cuồng cách ly nhà khỉ quá lâu. Bà chủ chết củi thiêu, khỉ cho vào nấu cao, đời người đời khỉ chẳng khác mấy…
Sáng sương giăng giăng bốn bề trang trại, ông Linh kéo ghế nhựa ngồi vắt vẻo trước sân súc miệng bằng cốc nhựa nửa lít rượu huyết đinh màu đỏ, lè nhè phân việc: “Quan tâm đàn khỉ cho tao lãi nhiều hơn thuốc phiện. Măng sắn đầy núi lôi về cho khỉ xơi. Này Hỏa à, nồi cao đốt bảy ngày đêm, nay ngày cuối chắt ra chảo mà cao. Còn cái Ynh - ông kiểm lại trang phục đầu tẳng cẩu, áo cóm, váy chàm - đúng Thái xịn rồi. Khoán cho mày vào rừng bẻ măng và đào củ mài đúng nửa tạ. Trước khi kết ông bê cốc dốc vào mồm nhai một câu ai cũng biết: “Khỉ cái, khỉ đực đi làm đi”. Mọi người ngậm tăm ai vào việc ấy. Đầu mùa mưa măng mọc như chông, lưng lửng buổi Ynh đã lấy được bao măng đầy căng kéo xuống chân núi. Quẩn quanh mấy bước đã thấy dây leo quanh cây lúc lắc lá xanh tựa trầu không. Củ mài đây, giống này củ mọc thẳng càng sâu càng mập. Có người đào mãi lộn cổ chết trong hố. Lão này dùng củ mài làm thuốc chữa bệnh vàng da khó tiêu chăng? Chồng Ynh cũng dùng thuốc, ông lang bản gọi là hoài sơn, hay hoài núi gì đấy nhưng chẳng được người đâu… Cô quen tay cào như nhím. Quá trưa Ynh khoác về một gùi đầy ự nào măng đắng, củ mài. Ông Linh trong nhà bê bụng phệ mặt vàng bước ra cười mãn nguyện. Ynh lại chạy nhanh ra chuồng dọn dẹp. Ờ ba mẹ con khỉ biến mất một con, chỉ còn mẹ ôm con, đang run như sốt rét. Ngó sang chòi, nghi án vẫn còn máu đỏ lẫn óc trắng đọng trên bàn. Sát khí nặng nề chưa thoát khỏi tán cây si. Hẳn là sáng nay có khách giết khỉ ở đây.
Ngày thứ ba ông Linh giao Ynh tay hòm chìa khóa, đúng ra là mở khóa cổng. Nghe thiên chức thì hay nhưng mỏi cẳng, mỏi tay mỏi mồm cứ nghe chó sủa là sấp ngửa ra vào không biết bao nhiêu lần. Khách Kinh, khách Thái, khách Mèo đều đông lắm. Sáng, khuya đều chó sủa, khách hỏi mua huyết linh, mua cao khỉ chữa bệnh nặng tứ chứng nan y.
Khách huyết linh vừa khuất thì người đòi mua cao khỉ lại thập thò. Chủ khách yên vị trên sập cao, khách đòi cao khỉ xịn nhưng lăn lăn chưa tin. Ông Linh múc một cốc rượu trong hũ sành đen nhưng nhức thơm mùi xương, khách nhấp nhấp vài ngụm gật gật đầu khen mùi khỉ tê đầu lưỡi. Ông Linh lại cho khánh ra vườn xem công xưởng chế cao. Vào nhà thì thầm to nhỏ hồi lâu, chủ mở tủ lấy gói to bọc báo bằng nửa viên gạch, cứng khừ đen lánh, cấu một tẹo cho mồm nhấm nhi đã nghe mùi khỉ bốc lên não. Chủ nói đúng cao khỉ cốt một trăng phần trăng theo kiểu người Mèo. Khách ưng rút ví xòe tiền mười củ năm lạng. Xong cáo lui, ra cổng khách gặp Ynh cho một tờ đỏ chót. Khách vừa ra khỏi cổng ông Linh cười như ma: “Xương nào chẳng thành cao? Thích khỉ có khỉ, thích voi có voi. Cao nhà ông có cả tạ. Tối nào thằng Sương cũng tha về một bao. Khỉ, trâu hay chó? Lò luyện đan đun cạnh chuồng khỉ, gia giảm thuốc phiện gừng khô đẳng sâm, khách sở thực thị tin sái cổ.”
*
Nửa đêm trại lợn ngủ say, chẳng nghe chó sủa chỉ tiếng đạp cổng thình thình. Ynh cầm đèn pin lò dò mở cổng. Đàn chó săn lai sói mất vía im re nép dưới cổng sắt. Hai gã người rừng xuất hiện. Khiêng một hòm sắt kín bưng nghe bên trong lịch kịch nhe nhoe. Gã đi trước mặt vượn lông lá lồi mắt xanh lè, è cổ khiêng đòn càn. Gã đi sau mặt phẳng không mũi, khoác súng kíp dài đến kheo cũng cong lưng ì ọp thở. Trong sân ông Linh chân dép chân đất nhào ra:
- Thế nào, thế nào?
Người mặt phẳng:
- Suýt nữa mất khỉ đực, con này ngu chết gia đình khỉ.
- Hai mẹ con khỉ sập bẫy, khỉ bố đến giải cứu đều vào rọ tất.
- Thần rừng ỉa vào chõ xôi của chúng mày rồi còn gì.
- May mắn con khỉ, ông xem mắt mũi chúng tôi chẳng ra người chẳng ra quỷ, bạc nhất là cái nghề săn khỉ. Người khôn thì khỉ ranh, nó cào xé mất mũi, mất má, thế mà hàng năm bản chỉ xếp cho chúng tôi công dân hạng bét.
- Nhiễu sóng. Cái gì mà chẳng trả giá chúng mày làm tiền tao chứ gì?
- Ải ơi, rình khỉ cả tháng trời trong rừng sâu thêm cho tấn ngô xếp ơi.
- Đâu vào đấy, cho vào chuồng đi.
Ông Linh dọi đèn cho hai gã khiêng hòm vào trại khỉ, Ynh vội vàng khóa cổng vào sau. Đến chuồng hai gã chống gối đặt hòm. Một gã giật tấm vải đen ném đi, trong hòm khỉ mẹ ôm con nép sát thùng run bần bật, cứt đái nhoe nhóe. Khỉ bố nằm im bất động không thấy thở. Chợt gã mặt vượn kêu lên:
- Mất toi mấy chục củ.
Mồm nói, đầu gã mặt vượn thò hẳn vào hòm nghiêng tai xem khỉ đực còn thở không. Chợt kêu “choe” con khỉ đực như có điện chồm lên, hai hàm răng trắng nhỡn như gọng kềm, kẹp chặt cổ họng gã mặt vượn du cả người lên cấu xé. Cả khỉ và người quấn vào nhau kêu la giẫy dụa dưới vũng đất lềnh máu.
Gã mặt phẳng không mũi, sau phút bàng hoàng một tay rút dao mèo bên sườn cạy mồm khỉ, một tay bóp dái mềm nhũn. Con khỉ há mồm, co háng buông đối thủ, không kịp kêu nhảy đứng lên mái nhà biến vào rừng sâu đêm. Gã mặt vượn giẫy giụa máu từ cổ họng phun phè phè… Ông Linh tái mặt kinh hãi hét toáng lên: “Xương ớ, lấy xe máy chở nạn nhân đi trạm xá cấp cứu bị… chó săn tấn công nguy lắm”.
Vụ khỉ đực ám hại gã mặt vượn, Ynh nhầm phải nói chó săn lai sói tấn công chết người. Ông Linh dặn kỹ mọi người như thế, gã mặt phẳng cũng đồng tình như thế. Gã còn tinh ranh giải thích: “Chó nhà cắn người là bình thường, khỉ móc họng thợ săn thì vừa sạt nghiệp vừa ngồi tù. Cái tội săn bắt thú hoang dã có mà bóc lịch cả xấp. Kể cả người làm thuê cũng bị ghép vào tội đồng lõa”. Mọi người nghe không dám cãi nửa câu. Không tin thì hỏi đàn chó và đàn khỉ. Chó khỉ có biết nói đâu.
Chuyện chó hay khỉ gây chết người sớm chìm đi cũng như màn sương mù giăng mắc quanh trại lợn. Mỗi sáng ông Linh vẫn vắt vẻo trước sân súc miệng một cốc nhựa nửa lít rượu huyết linh màu đỏ, lè nhè phân việc cho những con khỉ đực khỉ cái. Sáng. Ynh sắp khoác gùi lên rừng thì ông Linh gọi giật lại:
- Đến chòi cây si dọn dẹp sạch sẽ thơm tho vào. Bày ghế, thìa cốc đầy đủ cho bốn thằng “Keo nhé”. Đi lấy con dao chuôi ngắn bản to mài bén cho tao.
Ynh nghe chờn chợn sống lưng mài dao làm gì đành “ừ” cụt lủn cho xong thì Linh cáu, tiếp khách Kinh phải “vâng ạ”. Đồ khỉ.
Vừa xong, bốn người trung niên đi ô tô đến trại quần áo toàn đồ hiệu. Một người áo đỏ choét tay đút túi quần mở cửa xe xuống trước. Hai người đàn ông áo trắng dìu người phụ nữ gầy nhom thở hắt ra cùng vào trại khỉ. Ynh vào nhà thay đổi sắc phục đựng tẳng cẩu, áo cóm cúc bướm, eo đeo xạ tích lấp lánh mời khách đến chòi ngồi uống nước nấm dương ngọc cẩu. Ông Linh, Xương cùng bước vào chuồng khỉ. Ông Linh vẫy tay hỏi khách:
- Ra coi, thích con nào?
Để người đàn bà ở lại trong chòi, người áo đỏ choét cùng hai người áo trắng đến sát chuồng soi xét hai mẹ con khỉ, nói:
- Đúng khỉ rừng thứ thiệt thì xử, bây giờ khỉ ăn cám cò không thiếu. Bọn tôi tin trại khỉ nhà ông, trèo đèo lội suối hơn trăm cây số mới đến đấy.
- Chuồng này có khỉ rừng mới bắt được một tuần nay, khỉ đồng trinh hẳn hoi - Chỉ vào con khỉ nhỏ: “Chú này chim còn nguyên bao quy đầu, tin đi có duyệt không. Tôi cuội các ông làm gì, sáu tỉnh Tây Bắc ai chẳng biết, nhiều người sắp mổ não sợ quá đến trại tôi mua khỉ ăn về khỏe như vâm… Còn tiền thì đúng năm mươi củ, bắt được khỉ rừng đôi khi phải trả bằng máu, các xếp ơi”. Lầm nhẩm một tẹo tay áo đỏ choét móc ví đưa tiền cho ông Linh: “Trảm ngay tại chỗ”. Như nghe được tiếng “trảm” hai mẹ khỉ nhảy lùi “kịch” một tiếng khô khốc vào thanh sắt lưng tóe máu, nhìn ông Linh chắp tay cuống quýt, nước mắt chảy ròng ròng khóc líu lưỡi. Ông Linh mặt tỉnh bơ mở chuồng chụp lưới điện khua khoáng “tách” một nhát. Khỉ đồng trinh đã giẫy đạp điên loạn trong lưới bị kéo ra ngoài. Khóa ngay chuồng, chỉ còn mẹ khỉ khóc chóe chóe không thôi. Ông Linh và Xương xách khỉ con đến chòi kẻ đè đầu gối, kẻ giữ chân để cho người kia trói nghiến tứ chi. Chú khỉ con bất động mắt tóe lửa thiêu đốt những bộ mặt có cùng họ hàng. Bỗng xương hàm gồng lên, khỉ con nghiến mạnh: “Cấc, cấc cạnh, cạnh” như súng liên thanh, từng cái răng đạn trắng lẫn máu đỏ phun khỏi miệng khỉ bắn tứ tung trên bàn. Cứt đái dưới hậu môn cũng phụt lênh láng.
- Sẵn sàng chưa - đồ khỉ? - Ông Linh điên tiết mắt đỏ, da vàng rất giống màu lông khỉ nhu nhú con dao sắc lẹm hỏi thực khách.
- Xong!
Ba vị khách nam đã yên vị vây chặt chú khỉ non, tay cầm cốc rượu to, tay lăm lăm cầm thìa. Vị khách nữ mặt không còn giọt máu, vớ lấy thìa tay lóng ngóng. Ông Linh mồm đếm: “bốn, ba, hai…”, tay khua dao loang loáng trên bốn cái đầu hai thứ tóc và một cái đầu non hơn lông vàng như tơ: “Ch… e… o…” chưa dứt, đám lông vàng bay ra chỏm đầu khỉ văng vào tấm liếp khô khốc:
- Múc, múc nhanh khi khỉ đang giẫy bệnh não mới khỏi.
Bọn khách đều bị u não, nặng nhẹ tùy người thi nhau múc óc múc máu nhắm rượu mạnh. Ba cái mồm mở hết công suất nuốt sống óc khỉ đồng trinh. Duy khách nữ lấy hết can đảm cầm thìa múc óc trượt mấy lần. Bỗng cái thìa văng vách, khách nữ mắt trợn ngược ôm nghì não gục ngay cạnh cái đầu khỉ cụt chóp. Ynh ngồi bên chưa rót được cốc nào đã đánh rơi chai. Cô bịt mồm nhưng không ngăn được dịch vị dạ dày phun xối xả như người uống thuốc diệt cỏ.
Như tên bay, như đạn bắn khỉ mẹ bằng sức không tưởng bùng lên như thùng thuốc súng xé toang lưới B40 phi thẳng bàn tiệc não. Tứ chi, ngực bụng và đầu khỉ mẹ phập phòi ôm riết khỉ con. Cùng tiếng “cốc” như pháo nổ đập đầu vào cọc đinh hương hai mẹ con khỉ chết tươi.
Ynh xiêu đảo lao khỏi cổng sắt. Cô dông thẳng lên núi, bỏ cả tư trang. Hình ảnh gã mặt vượn bị khỉ cắn cuống cổ họng đến chết, khỉ mẹ ôm khỉ con cụt đầu trộn óc cùng máu… làm Ynh suýt loạn thần. Hai con đơn côi trên đường đẫm sương núi đang vẫy Ynh. Thốt nhiên Ynh kêu lên thành tiếng:
- Ngô, Sắn ớ, bản Hang Khỉ ơi, mẹ vẫn giữ “côn đìn” về bản - Lời ông chủ họ Cầm váng vất bên tai: “Mường ta rừng rộng suối sâu, cứ gồng lên làm gì chẳng có miếng ăn nuôi nhau”.
Nguồn Văn nghệ số 34/2022