Sự kiện & Bình luận

Để phát huy sức mạnh văn hóa Bạc Liêu sau sáp nhập

Phan Trung Nghĩa
Tiếng nói nhà văn 08:00 | 08/05/2025
Baovannghe.vn - Muốn có mô hình phát triển bền vững thì phải nhìn rõ tiềm năng lợi thế của từng vùng. Trong bài báo này tôi xin được nói đến tiềm năng lợi thế đặc biệt của Bạc Liêu.
aa

Dự kiến hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu sẽ sáp nhập mang tên tỉnh Cà Mau, trung tâm tỉnh lị đặt tại Cà Mau.

Tại Hội nghị toàn quốc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói đại ý: Sáp nhập các tỉnh, không chỉ là để tinh gọn bộ máy mà các địa phương phải tính đến xác lập các mô hình phát triển như thế nào trong điều kiện dư địa mới, không gian phát triển mới.

Dự kiến tỉnh Cà Mau mới sẽ tổ chức Đại hội tỉnh Đảng bộ trong thời gian tới, nhiệm vụ của Đại hội lần này là phải có một Nghị quyết phát triển khai thác hết tiềm năng lợi thế của Cà Mau và Bạc Liêu. Và tất nhiên Nghị quyết sẽ định dạng các mô hình phát triển cho tỉnh mới Cà Mau.

Muốn có mô hình phát triển bền vững thì phải nhìn rõ tiềm năng lợi thế của từng vùng. Trong bài báo này tôi xin được nói đến tiềm năng lợi thế đặc biệt của Bạc Liêu.

Để phát huy sức mạnh văn hóa Bạc Liêu sau sáp nhập
Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Bạc Liêu là đất có lý lịch khai phá hơn 300 năm, tính từ khi người Việt đến. Hơn 300 năm lao động khai phá, ba tộc người đã đoàn kết sáng tạo ra nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần. Từ đầu thế kỷ 20, Bạc Liêu là một trung tâm kinh tế đô thị lớn trong tốp bốn của Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng thời kỳ này báo giới và người bình dân gọi Bạc Liêu là tỉnh lúa, tỉnh muối. Quá trình 300 năm ấy nhiều thứ đã kết tinh thành văn hóa.

Tôi xin chứng minh những biểu thị chiều sâu văn hóa của Bạc Liêu như sau: Bạc Liêu có 55 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, Nhà nước công nhận. Trong đó hai di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Bạc Liêu có 13 di tích cấp Quốc gia và 40 di tích cấp tỉnh, có 5 bảo vật Quốc gia được Thủ tướng công nhận. Bạc Liêu có một di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận và một di sản Quốc gia là Nghề làm muối Bạc Liêu. Ngoài ra Bạc Liêu còn có 70 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang kiểm kê trong giai đoạn 2021-2025 và 28 công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích được đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh.

Nhắc đến Bạc Liêu là người ta nhớ đến ngay bài Dạ cổ Hoài Lang, Vọng cổ và bác Sáu Lầu, quê hương của chiếc nôi Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ; nhớ ngay đến Công tử Bạc Liêu. Bạc Liêu có đến 12 điểm du lịch văn hóa tiêu biểu, nhiều so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Văn hóa là bảo vật vì nó có sức mạnh của một vùng đất trong vận động phát triển. Tư duy lý luận gần đây nhất của Đảng ta là “văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực trực tiếp của phát triển”. Tư duy này được tổng kết từ thực tiễn. Ở Bạc Liêu có một thực tiễn vô cùng sinh động. Khi thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015 Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có chủ trương huy động văn hóa làm nguồn lực cho phát triển, thời ấy gọi tắt là “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Trong 5 năm ấy Bạc Liêu đã tìm sâu tận gốc rễ hồn cốt tinh hoa trong quá khứ, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước mà xây dựng nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, như nhà Ba nón lá mà mới đây Hội Kiến trúc sư Việt Nam bình chọn là công trình tiêu biểu 50 năm thống nhất đất nước; Khu lưu niệm Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Cao Văn Lầu; Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới; Căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh. Rồi làm bia, tượng, sửa chữa các di tích, làm rõ các giá trị văn hóa phi vật thể… để xây dựng con người, sức hút cho Bạc Liêu. Trong 5 năm đó Bạc Liêu như thoát thai một hình hài rất khác, khắc đậm hơn hình ảnh một vùng đất giàu văn hóa, giàu bản sắc và tâm hồn Bạc Liêu. Trong giai đoạn đó Bạc Liêu thu hút đầu tư nhiều, kinh tế du lịch phát triển, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn đó cũng tăng.

Để cho khách quan tôi xin liệt kê vài nhận xét của những người am hiểu và có trách nhiệm về văn hóa. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, trong chuyến khảo sát địa điểm tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia năm 2014 đã nói: “Thực tiễn phát triển văn hóa ở Bạc Liêu rất sinh động, mới mẻ cần phải được tổng kết như một hình mẫu.”

Sau đó, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ năm 2007 đến năm 2016, đã nói: “Thực tiễn phát triển văn hóa ở Bạc Liêu đã làm phong phú, sinh động thêm thực tiễn xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc…”

Ngoài ra, theo đề nghị cho ý kiến, đánh giá về thực tiễn “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, một số nhà văn hóa, lý luận chính trị như: PGS.TS Hồng Vinh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, GS.TS Phùng Hữu Phú, cơ bản đồng thuận đây là cách làm mới, phù hợp với chủ trương đường lối xây dựng phát triển văn hóa của Đảng ta, cần được tổng kết nhân rộng.

Tôi viện dẫn hai điều trên để chứng minh rằng Bạc Liêu là một vùng đất có tiềm năng văn hóa vô cùng to lớn mà không phải ở đâu cũng có được. Hai là Bạc Liêu có thực tiễn huy động văn hóa làm nguồn lực phát triển. Tóm lại đó là thế mạnh đặc biệt của Bạc Liêu và nó cũng sẽ là thế mạnh của tỉnh mới nếu Cà Mau, Bạc Liêu hợp nhất. Cho nên trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải nhận diện đầy đủ nguồn lực này để nó được phát huy tốt hơn trong không gian phát triển mới. Nếu trường hợp lợi thế đặc biệt của Bạc Liêu chưa quan tâm đúng mức thì sao? Tôi xin nêu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong một bài tham luận gửi cho Hội thảo khoa học do Bạc Liêu tổ chức, cách đây ít ngày:

“Chiến lược và văn hóa thì cái nào quyết định cái nào? Chắc hẳn là văn hoá. Nhà tư tưởng quản trị có ảnh hưởng của thế kỷ 20 Peter Drucker nói: ‘Văn hoá xơi tái chiến lược trong một bữa sáng.’”

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một chiến lược phát triển mà dựa trên văn hoá thì chắc sẽ thành công, một chiến lược không dựa trên văn hoá thì thường thất bại. Văn hoá thì khác biệt và không thể học nhau được. Các thứ khác thì có thể học nhau được. Chiến lược phát triển của một quốc gia hay một địa phương hay một doanh nghiệp đều phải dựa trên sự khác biệt. Sự khác biệt là lợi thế cạnh tranh. Văn hoá tạo ra sự khác biệt bền vững và vì thế, tạo ra sự phát triển bền vững. Bác Hồ nói, sự phát triển phải có tính dân tộc - đó là sự khác biệt văn hoá.

Bạc Liêu phát triển dựa trên sự khác biệt văn hoá là sự phát triển bền vững, là con đường tạo ra giá trị dài hạn. Đờn ca tài tử (bản sắc nghệ thuật, tâm hồn sâu sắc, sự lãng mạn), tính cách người Nam Bộ (rộng rãi, hào hiệp, cởi mở, chơi tới nơi nhưng cũng làm tới nơi), tinh thần khai mở của đất phương Nam là “dấu vân tay” của người Bạc Liêu, là sức mạnh nội sinh, nuôi dưỡng bản lĩnh và định hình con đường riêng của Bạc Liêu trong thời đại mới. Không có gì quý giá hơn là sự phát triển và giữ được bản sắc văn hoá của xứ mình. Phát triển mà không còn cái gốc của mình thì có đáng không?”

Ý kiến Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói thay tôi kết luận về văn hóa Bạc Liêu. Vấn đề còn lại là thiết kế mô hình phát triển trên cái nền văn hóa đặc biệt ấy.

Chúng ta đều biết văn hóa được sinh ra từ một cộng đồng có tên gọi. Tên gọi ấy ăn sâu bám rễ trong văn hóa và trong tâm thức cộng đồng. Thí dụ người ta gọi văn hóa công tử Bạc Liêu chứ không ai gọi là văn hóa công tử Cà Mau. Nếu lấy “râu ông này cắm cằm bà kia” thì văn hóa mai một, lụi tàn. Khi đó bản sắc vùng đất sẽ mất. Mất bản sắc thì dễ bị đồng hóa.

Văn hóa, thế mạnh của bạc Liêu đang đối diện với thực tế là nếu sáp nhập về Cà Mau, cơ quan quản lý chuyên ngành về văn hóa cấp tỉnh sẽ di dời về Ca Mau, cấp huyện thì kết thúc nhiệm vụ. Liệu chức năng, nhiệm vụ, quản lý địa bàn của cấp xã, phương có đủ đảm bảo bảo tồn phát triển văn hóa không?

Chính vì thế tôi xin kiến nghị sau sáp nhập, tỉnh Cà Mau mới sẽ có chính sách để gìn giữ, phát huy văn hóa Bạc Liêu với những thế mạnh vốn có. Có thể hình thành các trung tâm kinh tế, chính trị… ở tỉnh mới sáp nhập, và nên chăng hình thành trung tâm văn hóa Bạc Liêu.

Nếu Bạc Liêu được xác định là một trung tâm văn hóa của tỉnh mới, chúng ta sẽ giữ được phong độ, sức hút đầu tư, sức thu hút du lịch và điều quan trọng là giữ gìn bản sắc, thế mạnh văn hóa là nguồn lực của tỉnh mới hơn cấp phường. Đồng thời nó cũng giữ được dư địa, không gian phát triển mới cho một khu vực mà dân số có đến 1 triệu người. Cái không thể không lưu ý nữa là chúng ta sẽ khai thác được hạ tầng dôi dư ra khi sáp nhập tỉnh. Trên cơ sở xác định trung tâm, chúng ta sẽ thiết kế mô hình phát triển, ví dụ mô hình phát triển du lịch văn hóa tâm linh kết nối với du lịch sinh thái, tự nhiên của Cà Mau…

Để phát huy sức mạnh văn hóa Bạc Liêu sau sáp nhập
Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu. Ảnh Internet.
"It Was Just an Acciden" đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78

"It Was Just an Acciden" đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78

Baovannghe.vn - Liên hoan phim Cannes lần thứ 78 khép lại khi đạo diễn người Iran Jafar Panahi được trao Cành cọ vàng cho bộ phim “It Was Just an Accident”. Đây cũng là chiến thắng Cành cọ vàng thứ sáu liên tiếp của nhà phát hành Neo.
"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" được công chiếu tại 12 quốc gia

"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" được công chiếu tại 12 quốc gia

Baovannghe.vn - Nhà phân phối 3388 Films cho biết Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, sẽ được chiếu ở 12 rạp trên thế giới, hứa hẹn mang về doanh thu kỷ lục.
Sở VHTT TP Huế lên tiếng về Ngai vàng Triều Nguyễn bị xâm hại

Sở VHTT TP Huế lên tiếng về Ngai vàng Triều Nguyễn bị xâm hại

Baovannghe.vn - Sáng 25/5, thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với lực lượng chức năng và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành xác minh vụ việc ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) nghi vấn bị du khách xâm hại
Bộ VHTT&DL: Thêm chế tài xử lý quảng cáo sai sự thật

Bộ VHTT&DL: Thêm chế tài xử lý quảng cáo sai sự thật

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành văn bản số 2258/BVHTTDL-VHCSGĐTV, yêu cầu triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên môi trường số.
Hội Nhà văn Việt Nam: Ra mắt tập sách “Khát vọng hòa bình”

Hội Nhà văn Việt Nam: Ra mắt tập sách “Khát vọng hòa bình”

Baovannghe.vn - “Khát vọng hòa bình” là tập sách được Nhà nước đặt hàng, Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện. Đây là tuyển tập thơ, văn với 38 tác giả tham gia.