Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã trở thành nhà văn đồng hành với bạn đọc tuổi nhỏ, tuổi hoa, tuổi mộng và tuổi trẻ. Hơn ba thập kỷ dày công dành tâm huyết cho đối tượng bạn đọc đặc biệt này, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành nhà văn được mong đợi nhiều nhất, được chờ đón nồng nhiệt nhất trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Sáng tác của ông tác động mạnh mẽ tới cảm xúc và cuộc sống của bạn đọc tuổi học trò và gần đây, những sáng tác viết về người trẻ trên hành trình tìm mình, hiểu người của nhà văn cũng nhanh chóng chinh phục trái tim bạn đọc. Cuối năm 2020, cuốn Con chim xanh biếc bay về của nhà văn vừa ra mắt đã nhanh chóng được độc giả đón nhận nồng nhiệt (với 150.000 bản in, trong đó có 130.000 bản bìa mềm và 20.000 bản bìa cứng đặc biệt chỉ in một lần). Tác phẩm là cuốn sách đẹp về ý và tình, đồng thời còn là một phát hiện về chất thơ ẩn giấu trong đời sống bộn bề của nhà văn. Tiếp nối những câu chuyện tình ngọt ngào của tuổi mới lớn từng in đậm trong ký ức nhiều thế hệ bạn đọc như Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Ngày xưa có một chuyện tình, Ngồi khóc trên cây... câu chuyện được kể từ Con chim xanh biếc bay về gợi ra hành trình đi tìm mình của những người trẻ tuổi trong không gian của thành phố đầy biến động của xã hội hiện đại.
![]() |
Bìa cuốn sách "Con chim xanh biếc bay về" bản đặc biệt, in một lần duy nhất năm 2020 - Ảnh: NXB Trẻ |
Với một nhan đề bay bổng, giàu chất thơ: Con chim xanh biếc bay về, nhưng Nguyễn Nhật Ánh lại mang tới cho người đọc nhiều bất ngờ trong tác phẩm. Nhà văn không xây dựng một bối cảnh rộng mở với khu rừng quê hương đầy sim tím như trong Mắt biếc, vườn ổi ngọt ngào, con suối lãng mạn (Ngày xưa có một chuyện tình), hay cả một thung lũng mộng mơ (Ngồi khóc trên cây) để các chàng trai, cô gái đang độ tuổi mới lớn thỏa sức tưởng tượng và dệt những giấc mộng tình yêu. Thay vào đó, từ đầu tới cuối tác phẩm, dường như không có chi tiết nào cho thấy các nhân vật ngước mắt lên để nhìn ngắm bầu trời, cũng không có chú chim thật nào xuất hiện và cất cánh để in lên da trời một màu xanh biếc. Thay vào đó, nhà văn “đập thẳng” vào bạn đọc hiện thực đời sống của một Sài Gòn không hoa lệ cũng chẳng mộng mơ. Một Sài Gòn của những người lao động vất vả, bận rộn trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt. Trong bối cảnh thành phố bụi bặm và chật chội, ngột ngạt, hai nhân vật chính xuất hiện trên chiếc xe cup 81 cà tàng. Đó là Khuê, một cô gái xinh đẹp vừa tốt nghiệp đại học ngành Tài chính, chưa xin được việc làm nên làm thêm ở một quán ăn để có thể trả nốt tiền học phí còn nợ và trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Chủ nhân của quán ăn Khuê làm thêm tên là Sâm, một chàng trai không nhiều tuổi nhưng ít nói, lầm lỳ và kỹ tính. Hằng ngày, Sâm chở Khuê đi chợ để mua thực phẩm về cho quán. Cùng với sự dịch chuyển của Sâm và Khuê, Sài Gòn hiện ra chủ yếu qua hoạt động bán mua của các chợ như Nguyễn Tri Phương, An Đông, Bà Hoa, Bến Thành, Hòa Bình... Bên cạnh đó, nhà văn cũng ghi lại những câu chuyện về bán mua, giá cả lên xuống thất thường của thị trường, những vất vả, cực nhọc của các tiểu thương gắn mình với chợ. Những trang viết mở ra một Sài Gòn đời thường, tất tả, cực nhọc trong chuyện mưu sinh, không chỉ với Sâm, với Khuê mà với phần lớn những người lao động bình thường.
Trong lòng của Sài Gòn, hiện ra quán ăn của Sâm, nơi Khuê vừa đến xin làm việc. Quán không rõ tên gọi, không được miêu tả kỹ về nội thất, cũng không có điểm nhấn nào đặc biệt. Trong quán có khu A và khu B, có cau kiểng trồng trong chậu, giàn huỳnh anh “hoa rụng tơi bời” (tr.37) trước cửa. Một quán ăn có lẽ không lớn, không nhỏ, dễ lẫn với bất cứ quán ăn nào đó trong thành phố. Nhân viên của quán phần lớn là sinh viên các trường đại học làm việc bán thời gian, hoặc có người đã tốt nghiệp nhưng chưa xin được việc làm như Khuê. Truyện còn mở ra không gian phòng trọ của Khuê và một cô bạn gái tên Tịnh, không gian của một quán bán đồ nướng nơi Khuê và Lương ghé ăn. Những không gian tuy khác nhau nhưng kết nối bởi có chung sự chật chội, thiếu gần gũi với thiên nhiên và gắn liền với nỗi vất vả mưu sinh của người dân thành phố. Đó là “không gian kiếm sống”, nơi Khuê nhận ra “cả thành phố tối mặt kiếm sống chứ không phải riêng tôi” (1). Tác phẩm vắng bóng trời đất, cỏ cây, hoa tím, dòng suối, con sông, cánh rừng... vốn là những chất liệu quen thuộc trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh khi xây dựng những câu chuyện tình lãng mạn. Không gian của Sài Gòn đô thị vốn đặc trưng bởi sự hạn chế, chia cắt trong tác phẩm tiếp tục bị thu hẹp từ góc quan sát và miêu tả của nhà văn khi hướng tầm nhìn của người đọc vào không gian nhỏ hơn: quán xá, phòng trọ, những quầy hàng trong chợ thành phố. Lựa chọn không gian hẹp, đậm chất bụi bặm của đời sống này, Nguyễn Nhật Ánh liệu có làm “khó” mình khi chọn đây là bối cảnh để nảy nở một tình yêu?
Mẫu số chung thường thấy với các nhân vật nam trong những câu chuyện tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh là dáng vẻ thư sinh, biết đánh đàn, sáng tác nhạc, làm thơ và rất mực si tình như Ngạn (Mắt biếc), Thư (Cô gái đến từ hôm qua), Vinh còm (Ngày xưa có một chuyện tình), Đông (Ngồi khóc trên cây)... Tuy nhiên, nhân vật nam chính của Con chim xanh biếc bay về lại mang tới một sự phá cách độc đáo. Sâm là một chàng trai cục mịch, ít nói, có phần thô mộc, đang làm chủ một quán ăn trong thành phố. Nhà văn không có chút ưu ái nào cho nhân vật quan trọng này từ hình thức tới tính cách. Một chàng trai tuổi còn trẻ nhưng mang dáng vẻ nghiêm túc, cẩn trọng của người đứng tuổi. Sâm đơn giản, tuềnh toàng trong trang phục nhưng lại chi li, tính toán quá mức trong mua bán, chi tiêu ngoài chợ. Tất cả những điều này đều trở thành điểm trừ cho nhân vật và đẩy nhân vật nam chính ra khỏi mọi bảng xếp hạng của các soái ca hay lãng tử thường thấy trong đời sống và văn chương. Sâm có mái tóc xoăn, nụ cười nửa miệng như chế nhạo, trang phục từ sáng đến tối lúc nào cũng là “bộ quần tây vải mềm ống suông, áo sơ mi màu nhạt không họa tiết”, tay “luôn đeo đồng hồ” (tr.15), giống hệt một “thầy giáo làng sắp nghỉ hưu” (tr.45). Không ấn tượng về ngoại hình, thiếu ga lăng về tính cách, điểm trừ nặng khiến nhân vật “rớt giá” tiếp tục được nhà văn tô đậm qua chi tiết hằng ngày, anh hướng dẫn Khuê đi chợ, chọn trứng, mua rau, lựa cá... tỉ mỉ, cầu toàn hệt một bà nội trợ đảm đang. Câu chuyện giữa Sâm và Khuê - một chàng trai và một cô gái tuổi ngoài đôi mươi, oái oăm thay chủ yếu xoay quanh giá cả lên xuống, lựa chọn bạn hàng, tranh cãi về con cá, lá rau... Mọi chi tiết lãng đãng, mộng mơ nhằm tạo ra những dây tơ hồng kết nối tình yêu như thường thấy trong những câu chuyện tình quen thuộc bị “hất đổ”, không có bất cứ cơ hội nào xuất hiện trong tác phẩm Con chim xanh biếc bay về. Vì thế, có thể xem, tác phẩm là một bứt phá mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật và trong kết cấu tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn đã “bẻ lái” để chuyện tình yêu mà không hề có mộng mơ, ngược lại bụi bặm, đời thường, đậm màu sắc của cuộc sống hằng ngày. Nhà văn dường như đã “đập vỡ” những câu chuyện quen thuộc về tình yêu vốn giàu mộng ước của tuổi trẻ để chỉ ra: Cuộc sống là vậy, trước khi nghĩ đến tình yêu và những điều mơ mộng, ai cũng cần phải sống, phải lo được cơm áo gạo tiền, phải trang trải các món nợ và phụ giúp được gia đình khốn khó. Sài Gòn náo động, phồn hoa nhưng Sài Gòn cũng khắc nghiệt, ngạt thở muôn nỗi mưu sinh, nhất là với những chàng trai, cô gái vừa bước chân vào đời.
Tình yêu bắt nguồn từ sự thấu hiểu tới chia sẻ và yêu thương nên có hương vị mặn mòi của đời sống. Không thơ mộng, không lãng đãng mà gắn kết bởi vất vả, nhọc nhằn nên Sâm và Khuê dần hiểu rồi thương rồi yêu nhau. Như nước mát lặng thấm vào mặt đất khô hạn, cây hạnh phúc của hai người trẻ ấy được sự thấu hiểu tưới tắm nên đơm hoa và tỏa ngát hương thơm. |
Khuê là một cô gái đẹp nhưng kín đáo, kiệm lời. Ngày mới vào làm ở quán ăn, cô ghét Sâm thậm tệ: “Nguyên tắc, nguyên tắc, nguyên tắc. Sao tôi ghét cái gọi là nguyên tắc đến thế! Sao chuyện gì Sâm cũng giữ gìn, cũng biến mọi thứ thành gông cùm?” (tr.45). Nhưng sau mỗi lần va vấp khi có chuyện, cô lại nhận ra sự ấm áp, chân tình, sự toan lo đầy hy sinh của “ông thầy giáo” Sâm. Khi đã hiểu và thương thì đó là lúc những cảm xúc rất thơ xuất hiện: “Lúc này, hai đứa chúng tôi đang đứng trước cửa quán, tắm mình trong cái nắng chói chang phản chiếu từ mái tôn nhà đối diện nhưng tôi không thấy nóng dù mồ hôi đã đẫm lưng áo” (tr.24). Nắng chói, mồ hôi đẫm lưng áo, trước cửa quán đông người, vậy mà “tôi không thấy nóng”, bởi “tôi” xúc động trước lòng tốt của Sâm. Trong sự khắc nghiệt của mưu sinh và cái nắng chói chang của Sài Gòn, chất thơ được “bật lên” từ hoàn cảnh không có bất cứ yếu tố nên thơ nào. Thì ra, từ những gì không nên thơ nhất chất thơ vẫn có thể nảy nở nếu tâm hồn mỗi người biết ngân rung thổn thức trước lòng tốt giản dị, chân thành. Đó có lẽ mới là chất thơ tinh khiết, được chưng cất từ đời sống thực, từ những giọt mồ hôi mặn mòi mà không phải ai cũng có thể phát hiện ra.
![]() |
Cuốn sách "Con chim xanh biếc bay về" - Ảnh: NXB Trẻ |
Và khi chất thơ được khơi nguồn từ sự hiểu biết và thương yêu, san sẻ thì dù chỉ nhớ một câu chọc ghẹo, gán ghép của bạn bè cũng khiến Khuê “cảm thấy trong ngực mình có con chim gì đang hót”, trên đường ra bến xe về quê, cô “thấy nắng trên những ngọn cây bỗng vàng hơn” (tr.61). Sâm không chỉ tốt với Khuê mà còn tốt thầm lặng, chân thành với bạn hàng. Từng việc anh làm, đằng sau những nguyên tắc tưởng vô tình lại là sự đồng cảm chân thành với những người bạn hàng vất vả. Khuê cứ dần hiểu ra, dần cảm phục và rồi hoàn toàn bị “đánh gục” bởi một chàng trai có ngoại hình khiêm tốn và tính cách khó gần. “Sâm luôn khoác một vẻ mặt lạnh lùng, sử dụng một thứ ngôn ngữ còn lạnh lùng hơn, nhưng càng ngày tôi càng cảm nhận được ngọn lửa ấm nồng lặn sâu bên dưới cái bề mặt băng giá đó” (tr.42). Tình yêu bắt nguồn từ sự thấu hiểu tới chia sẻ và yêu thương nên có hương vị mặn mòi của đời sống. Không thơ mộng, không lãng đãng mà gắn kết bởi vất vả, nhọc nhằn nên Sâm và Khuê dần hiểu rồi thương rồi yêu nhau. Như nước mát lặng thấm vào mặt đất khô hạn, cây hạnh phúc của hai người trẻ ấy được sự thấu hiểu tưới tắm nên đơm hoa và tỏa ngát hương thơm.
Nguyễn Nhật Ánh đặt nhan đề tác phẩm là Con chim xanh biếc bay về - một nhan đề đậm chất thơ. Nhưng không gian và những sự kiện liên tiếp trong tác phẩm lại thấm đẫm chất đời sống, bụi bặm như một “phản ứng” ngược chiều. Rồi giữa đời sống bụi bặm, chật vật bởi mưu sinh ấy, nhà văn lại khiến người đọc bất ngờ khi phát hiện ra những điều nhỏ bé, nên thơ và những vần thơ lại được vang lên từ những nhân vật phụ trong tác phẩm. Đó là Lương, cô bé sinh viên kiêm phụ bàn ở quán ăn, bạn của Khuê. Sau khi thất bại trong tình trường, Lương tự nhiên biết làm thơ. Thơ của một cô gái thất tình nhưng lại dịu dàng, hiền hậu bởi khao khát hạnh phúc: Dạ dày dù đói củ khoai/ Tay em vẫn cứ no hoài tay anh (tr.51); bởi suy tư: Lẫn trong tình yêu một chút gì tính toán/ Lẫn trong vàng một sắc đồng pha/ Lẫn trong thủy chung một hạt mầm phản bội/ Trong trăng non người lẫn chút trăng tà (tr.168); bởi tiếc nuối: Trong hồn tôi hoa trái rụng âm thầm/ Khu vườn cũ ong thôi về làm tổ (tr.139); bởi nhung nhớ: Tôi nhớ một người không nhớ tôi?/ Tôi yêu một kẻ hết yêu rồi (tr.140); bởi tiếc nuối: Có người ngủ suốt mùa mưa/ Tỉnh ra mới biết mình chưa có gì... Đan xen những vần thơ ngân nga trong tác phẩm, từ một nhân vật phụ, cũng là cách Nguyễn Nhật Ánh tạo sự cân bằng cho mối tình của hai nhân vật chính vốn mộc mạc, hướng nội và dường như thiếu vắng chất thơ.
![]() |
Postcard (thơ Nguyễn Nhật Ánh, minh họa Hoàng Tường) được tặng kèm sách "Con chim xanh biếc bay về" bản in năm 2020 - Ảnh: NXB Trẻ |
Chất thơ còn kết hợp hài hòa với chất triết lý ở nhiều đoạn “trữ tình ngoại đề” mà Nguyễn Nhật Ánh rất tự tin đặt vào tác phẩm. Triết lý về tình yêu của Lương: “Khi trái tim nhúng vào tình yêu, nó sẽ lên men và làm con người ta ngây ngất say” (tr.38), triết lý về mối tình của hai cô chú khách quen: “Khi yêu người ta nhìn đâu cũng thấy toàn một màu hồng. Qua tấm giấy kính màu đó, họ thấy đời người đẹp hơn và người đời dễ thương hơn. Lòng họ trở nên bao dung và tràn ngập sự biết ơn” (tr.38), triết lý của Khuê khi nghĩ về mình: “Từ khi quen Sâm, trái tim tôi giống như chiếc máy bay đi qua vùng thời tiết xấu, không ngừng rung lắc và cuối cùng thay vì hạ cánh xuống đường băng lại đáp xuống ruộng lúa mấp mô, lồi lõm” (tr.145), bởi “một cuộc tình thực sự thì không thể tạo ra từ một phía, cũng như một nụ hôn không thể được thực hiện chỉ bởi một người”... Lối triết lý thông qua hình ảnh, đầy ắp hình ảnh này khiến mọi vấn đề trở nên giản dị, đời thường và đó cũng là cách kết nối với chất thơ, làm giàu thêm chất thơ cho tác phẩm khá độc đáo của Nguyễn Nhật Ánh.
Dù tác phẩm mở ra một hiện thực không thơ, những số phận và chuyện đời cũng không thơ nhưng Nguyễn Nhật Ánh lại là người “chưng cất” chất thơ đặc biệt từ đời sống bình thường đó. Nhà văn đã cho thấy một quan niệm mới về “chất thơ” trong tác phẩm của mình. Chất thơ đích thực không lệ thuộc vào những điều kiện vật chất bên ngoài đủ giàu có và lãng mạn; cũng không phụ thuộc vào những chàng trai, cô gái đẹp như giai nhân, tài tử. Chất thơ nếu có thực, sẽ nảy nở bất chấp những vụn vặt, tầm thường của đời sống, cũng như có thể vút bay trong tan vỡ để hứa hẹn hồi sinh những hạt mầm hạnh phúc ở tương lai.
Nguyễn Nhật Ánh đã khắc họa sức trẻ của một thành phố sôi động qua hình tượng những người trẻ nỗ lực trên hành trình sống và theo đuổi những giá trị riêng. Vì thế, Con chim xanh biếc bay về không chỉ dừng lại ở một chuyện tình, nó còn là câu chuyện về việc những người trẻ tìm lối đi và trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” theo cách riêng của họ. |
Con chim xanh biếc bay về tập trung khắc họa những tìm kiếm lối đi và băn khoăn trăn trở về việc Tôi là ai của những người trẻ trong thành phố. Nhà văn không chú tâm kể câu chuyện duy nhất về tình yêu mà thông qua những lát cắt đời sống, qua tâm trạng, số phận của các nhân vật ở tuổi mới bước vào đời sống để dựng nên bức tranh tâm hồn những người trẻ đô thị nhiều ước vọng, khao khát nhưng cũng có cả bế tắc và muôn nỗi băn khoăn. Họ băn khoăn về việc tôi là ai, tôi cần phải sống ra sao, tôi tìm kiếm gì, cần làm gì giữa cuộc đời này. Người trẻ đó là Lương sẵn sàng bỏ một năm học ngành Giáo dục chính trị để thi sang ngành Ngữ văn “tại em yêu văn chương” và không hề tiếc nuối vì “mất một năm nhưng được nhiều thứ khác”, và “quan trọng là em được học ngành mình thích” (tr.13). Là Tịnh, bố mẹ giàu có nhưng sống giản dị và chăm chỉ đi làm thêm ở phòng khám tai mũi họng với đồng lương ba cọc ba đồng. Là Sâm trung thành với sự kỹ lưỡng khắt khe, trung thành với niềm tin “nếu mình không làm điều gì trái với lương tâm thì chẳng có lý do gì mình phải sống một cách rụt rè” (tr.52). Là Khuê nỗ lực từng ngày nhưng cũng đầy băn khoăn: “Thật ra, tôi đang quan tâm đến điều gì? Tôi đang theo đuổi những giá trị nào trong cuộc sống? Tôi đến thành phố này, chịu đựng vất vả suốt một thời gian dài, rốt lại là vì điều gì hay vì ai?” (tr.96). Là Quyền, tưởng hư hỏng, bất trị nhưng rồi khi lớn khôn đã chăm chỉ làm việc, đã lặng thầm giúp đỡ cha ruột và Sâm. Nguyễn Nhật Ánh đã khắc họa sức trẻ của một thành phố sôi động qua hình tượng những người trẻ nỗ lực trên hành trình sống và theo đuổi những giá trị riêng. Vì thế, Con chim xanh biếc bay về không chỉ dừng lại ở một chuyện tình, nó còn là câu chuyện về việc những người trẻ tìm lối đi và trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” theo cách riêng của họ. Qua cách sống của Khuê, Sâm, Lương, Quyền, Tịnh, áo pull xanh, áo pull đỏ... bạn đọc có thể tìm thấy sự đồng cảm và cả những gợi ý về việc lựa chọn lối đi cho chính bản thân mình.
Không có lựa chọn duy nhất, lối đi duy nhất, cũng như không có câu trả lời duy nhất cho mọi cá nhân. Mỗi người trẻ tuổi, trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho bản thể, buộc phải va chạm sâu sắc với đời sống, với những cá nhân xung quanh để khám phá thêm sự thực về chính bản thân mình. Lựa chọn nào, tìm kiếm nào khi tìm “thấy” đều không tránh khỏi đổ vỡ và gây đau. Nhưng những cơn đau “xé rách” đó là điều tất yếu và cần thiết để tạo sinh những nhận thức mới và giúp mỗi cá nhân bước ra khỏi vùng ảo vọng về bản thân mình cũng như hiểu sâu hơn về bản chất đời sống. Tuy nhiên, với biểu tượng “con chim xanh biếc”, Nguyễn Nhật Ánh cũng gợi ra điểm chung trên hành trình tìm kiếm mà mỗi người trẻ tuổi, nếu sẵn sàng tin yêu và tha thiết sẽ thấy, sẽ gặp. Đó là việc ai cũng có thể mất và cũng có thể tìm lại được “con chim xanh biếc” của cuộc đời mình.
![]() |
Bìa cuốn sách "Con chim xanh" của nhà văn Maurice Maeterlinck - Ảnh: NXB Kim Đồng |
Trong văn chương, từ lâu, cánh chim vốn là biểu tượng của niềm vui (chim khách), của hạnh phúc (chim bồ câu), của khát vọng (kim ô)... Hình ảnh “con chim xanh” thường được xem là biểu tượng của hạnh phúc hay chuyện đi tìm hạnh phúc, hình tượng này gắn liền với vở kịch Con chim xanh, một kiệt tác của nhà văn Maurice Maeterlinck. Ông là nhà văn người Bỉ nói tiếng Pháp và đã nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1911 (2). Dường như được gợi dẫn từ hình tượng quen thuộc này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tìm thấy “con chim xanh biếc” riêng trong sáng tác của ông. Đó là một chú chim không có thật, nó xuất hiện trong thơ Lương khi cô gái bị người yêu đột ngột nói lời chia tay: Con chim xanh biếc/ Đậu hờ trên tay?/ Yêu anh đến thế?/ Mà thành mây bay. Bất ngờ bị “chia tay”, vậy mà Lương, trong tan vỡ và đau đớn lại viết thành thơ. Vần thơ viết về tình yêu, về chia xa mà không chút hằn học, đau xót hay trách cứ. Ngược lại, nó nhẹ buồn, dịu như một áng mây xa. Hình ảnh “con chim xanh” chính là biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc, “xanh biếc” nhấn mạnh vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu và hạnh phúc mà tuổi trẻ khao khát hướng tới. Hạnh phúc không còn cũng như con chim ấy đã cất cánh bay đi. Viết được những câu thơ như thế, phải chăng cô gái trẻ sớm nhận ra: Người yêu có thể mất, tình yêu với một người có thể không còn, như con chim xanh biếc đã cất cánh bay đi. Nhưng tình yêu đích thực thì không thể mất, không bao giờ mất. Nó nhất định có thật, và sẽ trở về vào một ngày nào đó không xa. Nhất định, ai rồi cũng sẽ hạnh phúc nếu biết sống nhân ái, bao dung và giàu có yêu thương. Con chim xanh biếc luôn có mặt với tất cả, ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai dù bạn thiếu may mắn và thua thiệt nhất, cục mịch, thô mộc nhất, con chim ấy nhất định sẽ trở về nếu bạn sống nhân ái và luôn sẵn lòng tin. Đó là thông điệp đầy tính nhân văn mà Nguyễn Nhật Ánh có lẽ muốn gửi gắm qua tác phẩm.
Con chim xanh biếc bay về nằm trong mạch những câu chuyện tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh dành cho lứa tuổi chớm bước vào đời như Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây, Cô gái đến từ hôm qua, Ngày xưa có một chuyện tình... Phần lớn những mối tình trong truyện đều xuất phát từ rung động thời thơ bé, rồi những biến cố khiến các cô bé cậu bé hôm qua từng yêu mến, gắn bó phải xa nhau. Số phận, bằng một cách nào đó, đã đưa họ trở lại tìm thấy nhau khi bước vào tuổi trưởng thành. Xây dựng những mô típ chuyện tình như vậy, nhà văn cho thấy sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa tình cờ và tất yếu, giữa xa lạ và thân thuộc... tạo thành đường dây liên hệ giữa con người hôm qua và hôm nay, vừa lạ và quen. Chuỗi truyện này thường sử dụng kết cấu cổ điển với mâu thuẫn, thắt nút, cởi nút, cách kể chuyện tâm tình, đi sâu miêu tả tâm lý nhân vật.
Con chim xanh biếc luôn có mặt với tất cả, ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai dù bạn thiếu may mắn và thua thiệt nhất, cục mịch, thô mộc nhất, con chim ấy nhất định sẽ trở về nếu bạn sống nhân ái và luôn sẵn lòng tin. Đó là thông điệp đầy tính nhân văn mà Nguyễn Nhật Ánh có lẽ muốn gửi gắm qua tác phẩm. |
Tuy nhiên, tác phẩm Con chim xanh biếc bay về lại có thể xem như một thể nghiệm mới cho ngòi bút giàu sức sáng tạo của Nguyễn Nhật Ánh. “Đập vỡ” những chi tiết giàu mơ mộng, lãng mạn vốn gắn liền với những câu chuyện tình mang đậm phong cách Nguyễn Nhật Ánh, “đập vỡ” không khí cổ tích vốn lãng đãng trong hầu hết các tác phẩm, nhà văn đưa người đọc bước thẳng vào đời sống bộn bề, bức bối, với các nhân vật không được “tô vẽ” mà giản dị, thô mộc như đang sống ở đâu đó quanh ta. Nhận diện vẻ đẹp ẩn sâu trong đời sống mưu sinh chật vật, để tình yêu “cất cánh” giữa cơm áo gạo tiền là một “phép thử” đầy dũng cảm của nhà văn. Với Con chim xanh biếc bay về, người đọc ngỡ ngàng trước một sắc diện mới, vừa hiện thực vừa mộng mơ, vừa sâu thẳm nỗi đau lại chan chứa yêu thương, nhân hậu. Câu chuyện cũng chính là “con chim xanh biếc” đẹp cả ý và tình mà nhà văn đã tặng cho bạn đọc, để nhắc nhở rằng “trái tim trong lồng ngực mỗi người như chiếc đồng hồ đỏng đảnh, dù thỉnh thoảng tỏ ra mệt mỏi, biếng lười nhưng rồi nó cũng sẽ tích tắc chạy lại khi thần tình yêu đã lên dây” (tr.387). Ở Con chim xanh biếc bay về, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một điều kỳ diệu khi chưng cất thành công tiếng hót trong vắt của loài chim xanh biếc, tiếng hót ngợi ca tình yêu từ những cuộc sống lầm bụi của phố phường.
1. Nguyễn Nhật Ánh, Con chim xanh biếc bay về, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr.45. Các trích dẫn trong bài đều theo sách này.
2. Vở kịch Con chim xanh được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát nghệ thuật Moscow năm 1908 và nhanh chóng trở thành một kiệt tác của sân khấu đương thời. Vở kịch Con chim xanh sau này được nhiều nhà hát và các đoàn nghệ thuật trên khắp thế giới dàn dựng và trình diễn nhiều lần, trở thành một tác phẩm tiêu biểu dành cho thiếu nhi trên thế giới. Vở kịch cũng được dựng thành phim với nhiều phiên bản khác nhau. Đặc biệt, kiệt tác này cũng đã “tới” Việt Nam, Con chim xanh được công diễn vào ngày 11 và 12/5/2017, trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.
Theo Khánh Huyền, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở kịch thiếu nhi “Con chim xanh”, truy cập ngày 10/5/2017.
Bài đã in trong sách: Nhiều tác giả (2025), Nguyễn Nhật Ánh, người giữ lửa cho văn học thiếu nhi, NXB Trẻ. |