Chuyên đề

Con đường hoa dã quỳ

Văn học nhà trường
08:38 | 29/07/2019
Con đường trải nhựa dài chừng bảy cây số, tính từ khu trung tâm Trường cấp Tiểu học & Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo xã Al Bă, huyện Chư Sê tới làng Blut Grieng. Khi những cơn mưa cuối mùa theo đám mây trắng bay về phía Tây núi Hàm Rồng, nhường không gian lại cho một mùa khô mới, thì hai bên đường hoa dã quỳ nở vàng rực. Tiết trời bắt đầu se lạnh và ở điểm trường xa xôi nhất xã Al Bă này, lũ trò nghèo đã lác đác bỏ lớp. Cô giáo Phó Hiệu trưởng của trường có cái tên thật mộc mạc dễ mến là Phan Thị Chín kể với tôi rằng, cô đã từng nhiều lần đi trên con đường đầy hoa dã quỳ đó, hồi còn là giáo viên chủ nhiệm. Đoạn đường trải nhựa lâu lắm rồi, không còn nhớ là năm nào, nay bong tróc, lở lói nhiều chỗ.
aa

Con đường trải nhựa dài chừng bảy cây số, tính từ khu trung tâm Trường cấp Tiểu học & Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo xã Al Bă, huyện Chư Sê tới làng Blut Grieng. Khi những cơn mưa cuối mùa theo đám mây trắng bay về phía Tây núi Hàm Rồng, nhường không gian lại cho một mùa khô mới, thì hai bên đường hoa dã quỳ nở vàng rực. Tiết trời bắt đầu se lạnh và ở điểm trường xa xôi nhất xã Al Bă này, lũ trò nghèo đã lác đác bỏ lớp. Cô giáo Phó Hiệu trưởng của trường có cái tên thật mộc mạc dễ mến là Phan Thị Chín kể với tôi rằng, cô đã từng nhiều lần đi trên con đường đầy hoa dã quỳ đó, hồi còn là giáo viên chủ nhiệm. Đoạn đường trải nhựa lâu lắm rồi, không còn nhớ là năm nào, nay bong tróc, lở lói nhiều chỗ.

Trường TH & THCS Trần Hưng Đạo năm học vừa qua có 1500 học sinh, thì có tới 1100 học sinh là con em dân tộc thiểu số, với 10 điểm trường lẻ phân bố trong 6 làng. Một địa bàn quá rộng và phức tạp. Ban Giám hiệu 4 người cùng với 70 giáo viên, cán bộ phải căng mình lên làm việc, để đảm bảo tiến độ giảng dạy cho mỗi niên học. Với Phó Hiệu trưởng Phan Thị Chín thì công việc vất vả gấp nhiều lần, khi Hiệu trưởng và một phó Hiệu trưởng bận đi học trung cấp lý luận chính trị. Một phó Hiệu trưởng tăng cường cho Phòng giáo dục huyện. Mọi việc hầu như dồn lên vai cô. Công tác quản lý, kiểm tra cả 10 điểm trường lẻ đã mệt bã người, chưa kể hàng ngày cô phải dậy sớm, lo ăn sáng cho ba người con, rồi nấu ăn trưa luôn cho chúng. Con gái lớn học lớp 12, hai cậu trai sinh đôi học lớp 10. Các con đi học về nhà cũng trưa trật, sẵn cơm mẹ nấu cho ăn. Còn bà mẹ thì trực ở trường từ sáng đến chiều, có việc gì gấp là phải chạy ngay xuống các điểm lẻ. Năm học vừa rồi, có hơn 10 học sinh bỏ lớp. Tuy các cô chủ nhiệm có trách nhiệm tìm và vận động học sinh của mình, nhưng cũng có điểm trường số lượng trò bỏ học cao, cô Chín phải trực tiếp xuống giải quyết.

Con đường đầy hoa dã quỳ nở, những cánh hoa vàng cúi đầu vẫy chào cô giáo. Từ nhà cô tới làng Păng Roh xa 20 cây số. Đó là điểm xa nhất, còn tới làng Blut Grieng thì 12 cây số thôi. Dù có xa bao nhiêu thì cũng phải đi. Cô thương lũ học sinh nghèo đến nỗi đêm mất ngủ. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở huyện Yên Thành (Nghệ An), cô Chín thấu hiểu nỗi xót xa vì khó khăn, thiệt thòi của trẻ em nghèo. Cũng như hoàn cảnh của cô, người cha vội vã rời trần thế lúc con gái út mới 2 tuổi. Nhà tới 5 anh em nên nghèo càng nghèo thêm. Năm Chín học lớp 5, mẹ cô lại mất nốt, bỏ lại mấy anh em côi cút. Trầy trật mãi, năm lên tám tuổi, cô bé Phan Thị Chín mới vào được lớp Một, tốt nghiệp THPT thì đã là cô thiếu nữ hai mươi. Cô theo anh chị vào Gia Lai. Ước mơ trở thành cô giáo nung nấu suốt mấy năm học cấp ba, nên cô quyết tâm xin thi vào trường Cao đẳng sư phạm. Tốt nghiệp rồi cô ở lại vùng đất cao nguyên, để cái duyên của cô giáo trẻ gắn bó với các học trò người Gia Rai; Ba Na đến bây giờ. Trước khi làm công tác quản lý, cô Chín đã có 17 năm làm chủ nhiệm lớp. Cái tâm lý thấp thỏm, lo âu vì trò bỏ lớp còn ám ảnh đến giờ. Khi mỗi sáng tới lớp, thấy thiếu vắng học sinh là vội chạy xe vô làng tìm kiếm, chở chúng ra lớp cho kịp 7 giờ trống báo học tiết đầu. Những nỗi buồn, thất vọng khi có buổi kiếm khắp làng mà chẳng thấy trò của mình đâu. Nỗi đau lòng khi thấy các trò nghèo tới lớp mà đi chân đất, áo không đủ ấm và chắc chắn trong bụng chúng đang bị đói, mà bản thân cô không giúp gì được nhiều cho chúng. Bởi cô cũng một mình vất vả nuôi ba người con ăn học. Rồi cô chạnh lòng nhớ lại tuổi thơ của mình, càng thấy thương các em hơn.

-Thấy các em khổ, thương lắm ạ! Tuy Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho học sinh người dân tộc thiểu số, nhưng với các em học sinh nghèo, hình như chưa bao giờ là đủ.

Giọng Nghệ An của cô trầm xuống. Ý nghĩ của cô là làm sao kêu gọi được các mạnh thường quân chung tay giúp nhà trường hỗ trợ học sinh nghèo. Việc này được Ban giám hiệu bàn bạc và thực hiện tích cực, nên hàng năm, số quà của các nhà hảo tâm tới khá nhiều. Riêng cô Chín thì có cách làm riêng, là tận dụng các mối quen biết để "xin" cho học trò nghèo. Năm ngoái, những người đầu tiên cô hướng tới là các văn nghệ sỹ, nhà báo trong tỉnh.

- Cô giáo Chín cũng là hội viên chuyên ngành thơ của Hội ta, không ủng hộ sao được!

Anh chị em trong Hội VHNT tỉnh nói với nhau như vậy. Thế rồi họ xắn tay áo lên vận động lẫn nhau. Giày dép, quần áo, đồ dùng học tập. Giá trị chỉ hơn 8 triệu đồng, nhưng tình cảm thật đáng trân trọng. Năm nay, cô Chín lại sang Sở tài chính "xin". Kết quả thật đáng mừng, món quà 20 triệu đồng gồm áo lạnh, mì tôm, là tấm lòng của cán bộ nhân viên Sở tài chính được chuyển tới cho học sinh nghèo. Xúc động lắm! Xúc động rơi nước mắt. Những thùng mì tôm đối với người ta thật chẳng giá trị gì, nhưng với các trò nghèo người dân tộc thiểu số thì lại khác. Nó đáng quý ở chỗ là đảm bảo cho sĩ số các em tới lớp đông đủ. "Có thực mới vực được đạo", trò no bụng thì mới đi học được. Cô hồi tưởng lại những năm học cấp ba. Trường xa nhà nên phải trọ học cùng các bạn. Một chủ nhật các bạn kéo về nhà cô chơi, họ thật bất ngờ thấy hoàn cảnh nghèo khó của Chín, càng cảm phục hơn sự chăm học và kết quả năm nào cũng là học sinh giỏi của bạn mình. Từ hôm ấy, các bạn nhất định không nhận số gạo, ngô ít ỏi của Chín nữa, mà cả nhóm nấu cơm chung, bao luôn Chín. Những ân tình ấy, giờ đây cô giáo Chín đang tìm cách trả lại cho học trò nghèo của mình.

Nhân một lần trao đổi với cô giáo Chín về những tiêu cực đang xảy ra trong ngành giáo dục. Những áp lực về bệnh thành tích, về quan hệ không tốt giữa thầy-trò. Cô có vẻ bức xúc, nụ cười duyên dáng trên môi chợt tắt:

- Em không nhất trí với những nhận xét phiến diện của xã hội, nhất là những người trong ngành. Họ cứ la ầm lên, hùa nhau kêu than trách móc Nhà nước. Nếu ai kêu khổ thì bỏ nghể, chuyển sang làm việc khác đi.

Chúng tôi thống nhất với nhau là có ba đối tượng đang "chửi bới" ngành giáo dục. Một là phản động, hai là bất mãn xã hội, ba là dốt nát. Tại sao lại có những cô thầy vi phạm đạo đức với học sinh, đánh đập học sinh, ăn tiền của phụ huynh học sinh để chạy điểm, chạy trường? Là vì xã hội còn những người tiêu cực, họ vì lợi ích cá nhân mà làm hỏng giáo viên, mà những thầy cô đó lại chưa tự tu dưỡng để dễ bị sa ngã trước cám dỗ vật chất. Một số khác không chịu chia sẻ, xây dựng với Nhà nước, với ngành Giáo dục, suốt ngày lu loa, đưa một số tiêu cực ra làm xấu cả hình ảnh của ngành. Cứ như ở Chư Sê, hay nhỏ hơn là tại Trường Trần Hưng Đạo này, các thầy cô giáo cưng học sinh như cưng trứng. Lo cho chúng còn hơn cả cha mẹ học sinh. Ở đây, nếu chương trình học tập của trò chưa hoàn thành vì lý do nào đó, tới hè, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phụ đạo cho các em xong mới thôi. Chứ đừng nghĩ tới chuyện dạy thêm thu tiền.

Mặc dù con gái đang cảm sốt, nội dung chuẩn bị cho giáo viên của trường thi tìm hiểu về "tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" còn dở dang, cô Chín phải khóa cửa phòng làm việc đi xuống điểm trường lẻ tại làng Blut Roh. Ông Siu Bêu, phó thôn đang chờ cô.

- Ồ! Cô Chín tới đây rồi! Đi đường có mệt không?

- Có bảy cây số thôi mà Siu Bêu! Giờ đưa tôi tới nhà học sinh đi!

Ông phó thôn diện bộ quân phục cũ bạc màu, dắt chiếc xe của cô giáo dựng vào gốc cà phê cho mát,, rồi tất tả đi trước. Lối mòn vương vãi phân heo, cỏ đuôi chồn loe hoe mọc. Nhà Rlan Grang cửa khép hờ, trước sân bầy gà đang bới tung tóe vạt đất mới cuốc.

-Nhà nó lên rẫy hết rồi! Muốn kiếm con nó phải lên rừng thôi.

Nhà Siu Amin cửa mở toang, nhưng cũng không có ai ở nhà. Đi chừng nửa giờ nữa thì tới nhà Rơ Chăm Thơch. Người phụ nữ da sạm nâu nằm trên chiếc võng mắc giữa hai gốc xoài.

- Con gái mình theo ba đi kiếm củi rồi! Mình bị sốt nên không đi được.

Đó là một trong bao nhiêu lần cô không nhớ, khi mang nỗi buồn từ buôn làng về trường, vì không tìm được học sinh để gọi các em tới lớp. Hôm chủ nhật, cô quyết định xuống làng Blut Grieng. Dưới điểm trường báo lên, số học sinh bỏ lớp đã lên trên con số 10. Đội nắng chạy tới nơi, gặp lúc dân làng đang cúng Giàng. Mọi người tụ tập trước nhà rông, che một tấm bạt rộng và uống rượu, ca hát, nhảy múa. Già làng bước ra đón cô giáo, thanh niên, phụ nữ, các phụ huynh học sinh vui mừng nắm tay, vuốt tóc cô giáo. Một ca nhựa xanh đầy rượu được đưa tận tay cô.

- Mời cô giáo! Cám ơn cô đã đến thăm buôn làng.

Cô Chính nhắm mắt, cố giữ vẻ cười tươi, uống một ngụm rượu cay xè. Tiếng vỗ tay râm ran. Một thanh niên làng mời cô giáo hát. Bây giờ dịch vụ karaoke di động có sẵn, hễ chỗ nào có đám cúng giàng, đám giỗ, đám cưới là họ kéo ngay tới phục vụ tận tình. Men rượu làm đỏ bừng đôi má, cô giáo bước vào cuộc vui, cất tiếng hát. Các chàng trai, cô gái trong làng đứng dậy, nhún nhảy nhịp múa phụ họa. Phải đến giữa trưa, cuộc vui mới vãn, là lúc để cô giáo cất lời với bà con, hãy tạo điều kiện cho con em họ tới lớp thường xuyên. Với bà con dân tộc ở đây, đừng nói những ước mơ cao sang như học để làm cán bộ, làm kỹ sư, bác sỹ. Chỉ cần nói, hãy cho trẻ đi học, để chúng biết đọc tờ báo, cuốn sách cho người già nghe, cho em bé ru ngủ.

Già làng cảm động, rớm nước mắt:

- Dân làng nghe thấy chưa? Cô giáo Chín từ miền ngoài vô đây lập nghiệp, mang cái chữ tới cho con em chúng ta. Bữa nay cô lại chịu cực đội nắng từ nhà vô làng, gọi con em ta đi học. Các nhà nhớ đây! Từ sau ráng lo cho con ăn đủ no, không để chúng theo lên nương lên rẫy. Hãy bảo chúng đừng ham vô rừng bắt con cheo, con chồn, đừng ham lấy măng ,tìm chim nữa, hãy tới trường với cô giáo Chín.

Dân làng lặng im, rất nhiều nụ cười hưởng ứng bừng lên trên mỗi khuôn mặt sạm nắng. Cô Chín ra về, niềm vui lâng lâng, bật lên thành lời ca nho nhỏ. Hai bên ven đường lầm đất bụi, những nụ hoa dã quỳ đã chúm chím vàng. Một mùa hoa dã quỳ nữa đang đến, trên miền đất Chư Sê xa xôi.

Nguồn Văn nghệ số 30/2019


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...