Diễn đàn lý luận

HUY CẬN VỚI TÂM NGUYỆN LÀM BỤC NHẢY ĐƯA SỰ SỐNG LÊN CAO

Chân dung văn học
09:22 | 05/06/2019
Kể về nền thơ đương đại Việt Nam, người ta không quên nhắc đến Huy Cận. Nhắc đến Huy Cận người ta không quên nhớ đến Lửa thiêng. Nhớ đến Lửa thiêng ai cũng bảo đó là thế giới của nỗi buồn. Với nỗi buồn ấy Huy Cận đã góp phần đưa Thơ mới lên đỉnh cao và kết thúc trên cái đỉnh cao đó.
aa
Kể về nền thơ đương đại Việt Nam, người ta không quên nhắc đến Huy Cận. Nhắc đến Huy Cận người ta không quên nhớ đến Lửa thiêng. Nhớ đến Lửa thiêng ai cũng bảo đó là thế giới của nỗi buồn. Với nỗi buồn ấy Huy Cận đã góp phần đưa Thơ mới lên đỉnh cao và kết thúc trên cái đỉnh cao đó. Từ Hoài Thanh cho đến hôm nay, nhận định đó được coi như "chúng khẩu đồng tử". Và chính Huy Cận đã xác nhận:

Chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm

Gió trăng ơi! Nay còn nhớ người chăng

Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng

Nỗi hưu quạnh của hồn buồn không cớ

(Mai sau)

Sáng ngày 30/5/2019, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ, nhà văn hóa Cù Huy Cận (31/5/1919-31/5/2019). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.

Ðến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Vũ Ðức Ðam, ủy viên trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ, ủy viên trung ương Ðảng, Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện các cơ quan Bộ Văn hóa, Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tĩnh (quê hương nhà thơ)... cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, và đại diện gia đình nhà thơ Huy Cận.

Nói không cớ là một cách nói cho phù hợp với bối cảnh văn học công khai lúc bấy giờ. Thật ra thì có rất nhiều cớ, mà cái cớ lớn nhất phủ chụp lên toàn cảnh đất nước, xã hội ta lúc bấy giờ là cánh cửa sắt của thực dân Pháp đã đóng sập xuống sau vài năm thắng thế của Mặt trận Bình dân. Chiến tranh thứ hai bùng nổ. Phát xít Nhật sau khi tấn công Trung Quốc đang ngấp nghé tìm đường tràn xuống Đông Dương. Đảng rút lui vào hoạt động bí mật trước sự lùng sục, khủng bố gắt gao và đàn áp dã man trên quy mô lớn của bọn xâm lược và bè lũ tay sai. Trong không khí ngột ngạt đó, người ta tìm đến Lửa thiêng. Vì vậy nỗi buồn của Lửa thiêng là nỗi buồn mang tính đại diện. Đại diện cho một thế hệ, một tầng lớp, một thực trạng. Và chính Huy Cận cũng cho ta biết nguồn gốc của nỗi buồn đó: lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa/ cùng đất nước và nỗi buồn sông núi (Mai sau). Bởi, ở vào cái thực trạng như vừa nói ở trên, thì không ai là người có thể vui được - Không ai, trừ những kẻ cố tình quay lưng lại với dân tộc. Nhưng dù nỗi buồn có được chia sẻ đến đâu cũng chưa đủ làm nên giá trị đích thực của Lửa thiêng, một hiện tượng thơ ca có tiếng vang lớn vào năm 1940. Hẳn còn có một cái gì đó. Cái gì đó, chính là Hồn Việt. Hồn dân tộc trong Lửa thiêng rạo rực, đằm thắm, tha thiết bao nhiêu ở trong điệu cảm, trong cảnh vật, trong ngôn ngữ. Huy Cận xuất thân Tây học, được đào tạo rất cơ bản để trở thành một trí thức Tây, một ông quan Tây nếu ông muốn. Ở trong khung cảnh đó, ông bị làn sóng Âu hóa tác động mạnh nhất. Và cái nguy cơ bị đánh bật khỏi cội nguồn văn hóa xô đẩy từng ngày. Nhưng Huy Cận vẫn sau trước nặng lòng với cố quận, đến mức chỉ cần ông nhắc đến một tiếng gà, một ngọn khói, một bến đò là lập tức gợi lên biết bao xao động trong lòng bạn đọc về quê hương, đất nước. Chúng ta gọi Huy Cận là nhà thơ lớn là ở cái công nuôi dưỡng và truyền lại cho chúng ta chất Việt sâu thẳm đó. Lửa trở nên thiêng là vì vậy. Đó là ngọn lửa của lòng yêu nước.

- Sóng vỗ tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi mục cành khô lạc mấy dòng

(Tràng giang)

- Người xa, buồn lại gần

Tai nặng lời giao thân

Ngã ba tà áo lặn...

Dặm trường thương cố nhân.

(Tiễn đưa)

- Sắc trời trôi dạt dưới khe

Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng

Sầu thu lên vút song song

Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu

(Thu rừng)

Đọc thơ, ta đi tìm cái đặc sản tâm hồn của thi nhân. Tâm hồn Huy Cận thuần khiết phương Đông, thấm đẫm văn hóa Việt. Tâm hồn ấy, văn hóa ấy đan dệt nên biết bao thổn thức, rợn ngợp, bàng hoàng, tê tái trong lòng người. Nhà thơ không phải vẽ lên một bức tranh mà treo hồn ông lên đó. Nhà thơ không phải làm một bản nhạc, ông đang tấu lên mọi cung bậc của nỗi niềm. Rồi câu, rồi chữ, rồi tưởng tượng tất cả tinh luyện thành một nỗi buồn cổ kính, vảng vất, thắt buộc ta không rời. Ta bỗng lạc vào một thế giới Huy Cận lúc nào không biết. Ta thành người đồng điệu với ông. Rồi có thể ta theo Huy Cận thành một người khác, nhưng những gì mà ông đã gieo vào hồn ta thì luôn được cất dấu trong sâu thẳm đời người. Sự thần tình trong thơ Huy Cận là như thế.

Mặc dù nỗi buồn đã trở thành kết luận thành văn cho một nhận định, nhưng cách nay gần 20 năm, trong một bài viết trên báo Văn nghệ, Hoàng Ngọc Hiến muốn tiếp cận Lửa thiêng theo một cách nhìn khác. Ông bảo Lửa thiêng có vẻ đẹp âm tính. Vẻ đẹp âm tính là gì? Tiếc rằng ông mới đưa ra nhận định độc đáo rất Hoàng Ngọc Hiến như vậy mà chưa kịp giải thích thêm. Tuy vậy nhận xét đó cứ đeo bám tôi mãi, buộc phải ngồi lại đọc kỹ Lửa thiêng trong suốt những ngày qua. Trong ngữ cảnh của bài viết của Hoàng Ngọc Hiến, nếu mọi sắc độ của niềm vui, của bừng khởi, của khí chất mạnh mẽ, của niềm hân hoan trong hành động được gọi là dương tính thì tất cả những gì ngược lại đều được xem là âm tính. Và theo luật âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, thì trong Lửa thiêng không chỉ có nỗi buồn mà còn có nhiều thứ khác. Tất cả những thứ khác đó tạo thành cái mầm của dương tính rồi sẽ trở thành chủ thể trong thơ Huy Cận sau này. Huy Cận ý thức được nỗi buồn, và ông đã sớm nhận ra không để ngập lụt trong nỗi buồn mãi. Ông huy động tài năng để tạo ra nỗi buồn rồi lại đem sự tỉnh táo để vượt qua cái nỗi buồn ấy. Mâu thuẫn chăng? Vâng, thật là mâu thuẫn. Chính mâu thuẫn ấy là động lực giúp thơ Huy Cận đổi thay. Nếu ta không hiểu điều này thì để oan cho Huy Cận quá. Hãy nghe một tiếng gọi khẩn thiết muốn rũ bỏ muốn đi cùng cảm động biết bao:

Chiều ơi! Hãy xuống thăm ta với

Thiên hạ lìa xa, đời trống không

(Tâm sự)

Trong bài thơ Vỗ về, ta bắt gặp một quyết tâm tự thức tỉnh, tự vượt thoát, đầy nghị lực:

Tỉnh dậy lòng ơi, ê chề hãy tỉnh

Gà gáy mai, đem sức lại cho đời

Quen chua cay hãy tỉnh lại lòng ơi

Chớ ảo não, chán chường, không phải lẽ.

Không ai nhìn rõ Huy Cận hơn Huy Cận. Cho nên nhận ra mình là tự phát hiện ra khả năng tự điều chỉnh. Trong đoạn thơ trên, ta nhận ra sự thành thực của nhà thơ và tiếng nói sắc sảo, thuyết phục của một nhà phê bình. Ở một bài thơ khác, bài Xuân, thì tinh thần gia nhập trở nên vồ vập, thiết tha, náo nức biết bao.

- Ồ những người ta đi đón xuân

Cho tôi theo với, kéo tôi gần

Rộn ràng bước nhịp hương vương gót

Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân

(Xuân)

Và một sự quả quyết:

- Tôi sẽ giang tay đón rước Đời

Đón giúp cho tôi, tay ngắn chơi vơi

(Lời dịu)

Đọc tới đây, chúng ta hẳn đã nhận ra một sự đổi khác, một mầm sống mạnh mẽ, một bước sang trang sáng láng trong hồn Huy Cận. Bước chuyển ấy thể hiện thật hào sảng, mạnh mẽ, nồng nàn trong Kinh cầu tự, một bài thơ văn xuôi, một bút ký triết học và cũng có thể xem là tuyên ngôn nghệ thuật của Huy Cận sẵn sàng "làm cái bục nhảy cho sự sống lên cao". Nhà thơ tuyên bố "Trong bóng tối mênh mông lòng ta đã hóa một tiếng gà, mà thức tỉnh mây trời, gọi dồn ánh sáng. Hỗn độn đã thua rồi". Trong lúc từ ngục tù thực dân Pháp Tố Hữu giục giã:

Dậy mà đi. Dậy mà đi

Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi

thì giữa lòng Hà Nội, Huy Cận đáp lại:

"Chúng tôi, những hạt bụi nằm trong sự vô tri đã quá lâu rồi, chờ đợi đã lắm, xin gọi chúng tôi về với sự sống, reo vui, tưng bừng"

Trong văn học công khai hồi ấy, có hai chữ tuyệt nhiên không được nhắc đến, nhưng tinh thần, ánh sáng thì thấp thoáng ẩn hiện đầy rạo rực trong Kinh cầu tự. Hai chữ đó là Cách Mạng. Chúng ta nhớ lại.

Năm 1940, Lửa thiêng ra đời

Năm 1942, Huy Cận tham gia Mặt trận Việt Minh

Năm 1943, Kinh cầu tự xuất bản.

Trong Nhật ký song đôi, Huy Cận tự hào là thi sĩ Thơ mới sớm nhất tham gia Cách mạng. Với Huy Cận tham gia cách mạng là giải thoát cho anh cái bi kịch xã hội "hướng lạc phương mờ" đồng thời cũng là sự giải thoát cho nghệ thuật. Đây, tiếng nói của người vừa thoát khỏi sự giam cầm của bóng tối: "Tả sự sống không cần mấy. Tạo thêm sự sống mới là tối cần thiết, mới là nghệ thuật cao đẳng. Văn minh không phải cố làm cho cuộc đời thêm phiền phức mà tạo thêm sức sống cho con người. Văn minh, ấy là kiến thiết lòng người theo một kiến trúc luân chuyển. Cho nên mỗi công trình sáng tạo đều mang dấu hiệu của một niềm chung vui, của tiếng gọi đàn." Những suy nghĩ của Huy Cận trong Kinh cầu tự có rất nhiều điểm gần gũi với "Văn chương và hành động" của Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều. Điều thú vị là, cả ba tác giả này rồi sẽ gặp nhau trên các ngả đường của Cách mạng và Kháng chiến.

Huy Cận tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh và được phân công nhiệm vụ vận động trí thức và thanh niên ở Hà Nội. Tháng 8 năm 1945, ông được cử đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào, được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng. Sau cách mạng tháng 8 Huy Cận là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, được tin cậy giao nhiều trọng trách trong Chính phủ và là vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thứ ba sau Nguyễn Tuân và Đặng Thai Mai. Ông cũng là một trong số rất ít văn nghệ sĩ được trao tặng những vinh dự đặc biệt nhất.

Đọc Kinh cầu tự với những lời giục giã rạo rực và sôi nổi, chúng ta tưởng tượng ra một mùa bội thu mới của Huy Cận đang đến gần với những chùm trái ngọt trước tầm tay. Nhưng không, điều chúng ta mong đợi phải 15 năm sau mới tới. Điều đó nói lên cái quy luật khắt khe của lao động sáng tạo. Trong một cuộc phỏng vấn, Huy Cận rất vui tự nhận mình là người có năng suất cao so với các nhà thơ cùng thế hệ. Quả là ông đi nhiều, viết nhiều. Ngoài thơ ngắn ông còn viết truyện thơ Cô gái Mèo, trường ca Người Mèo ta, viết kịch thơ lịch sử: Họp mặt thiếu niên nhi đồng, thơ thiếu nhi, thậm chí ông viết cả ca dao phục vụ kháng chiến, khi cần. Trong các sáng tác sau Cách mạng, Huy Cận đã thực hiện tốt nhất quan niệm thơ của ông ngay từ khi mới cầm bút. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa Vũ trụ và Nhân sinh. Và dấu ấn Huy Cận rõ rệt và đặc sắc nhất trong nền thơ hiện đại của chúng ta chính là ở sự kết hợp đó.

Thơ ơi chiếc võng ta treo

Đầu theo vũ trụ, đầu theo loài người

Và ta nhớ, trước Cách mạng, Huy Cận có cả một tập thơ với cái tên Vũ trụ ca. Nghe cái tên ấy, lúc đầu tôi cứ tưởng Huy Cận chỉ dành riêng ca ngợi thiên nhiên, trời đất, và mượn trời đất, thiên nhiên làm cớ để đẩy cái tinh thần lãng mạn, thoát ly đi xa nữa. Nhưng, rất may là không phải vậy. Vũ trụ ca có nói đến sông, đến suối, đến đảo, đến lượng vui, đến Bến lạ, đến vô định, nhưng sâu đậm nhất vẫn là chuyện đời, hay đúng hơn là sự giao hòa con người và trời đất. Có lúc Huy Cận thả hồn lên chót vót, cho tới khi lên tới đình cao chót vót ấy thì hóa ra lại bắt gặp trần gian. Bắt gặp trần gian là bắt gặp những câu hỏi bức thiết của trần gian, những câu hỏi thổn thức, đeo bám, truy đuổi, buộc thi nhân phải lên tiếng. Đời hỏi gì ta trên đảo vắng? Đời hỏi gì ta trên biển nắng? Đời hỏi gì ta trong ánh ngày? Cứ thế, câu hỏi thu hẹp dần vào cõi người, vào kiếp người. Qua những dòng thơ sau đây, chúng ta thấy Huy Cận đang mở lòng với cuộc sống với một tinh thần đối thoại rất cao. Và qua cuộc đối thoại ấy, ta nhận ra một cuộc lên đường sắp sửa.

Ánh sáng thầm vang ta lắng nghe

Âm binh rên khóc giữa trưa hè

Quay tròn giọt lệ ba nghìn hướng

Đời hỏi gì ta sau bánh xe?

Đời hỏi gì ta trong gió mạnh?

Đời hỏi gì ta trên biển đầy?

Mắt đời nhìn hỏi nhiều khi lạnh

Thế cục vang lừng hạt máu say

(Đời hỏi gì ta)

Đời hỏi gì ta, bài thơ Huy Cận làm vào mùa hè năm 1941, sau này ta còn bắt gặp những câu hỏi ấy trong bài Các vị La hán chùa Tây Phương: Một câu hỏi lớn. Không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau/ Hóa ra có bao nhiêu câu hỏi của kiếp người không thể trả lời xong trong một lúc. Nhưng theo dõi hành trình thơ Huy Cận, chúng ta thấy: từ Chiều tê cúi đầu trong Lửa thiêng 1940 đến Thế cục vang lừng hạt máu say trong Vũ trụ ca, 1941, Huy Cận đã chuyển. Bước chuyển ấy thể hiện thăng hoa và tưng bừng trong Kinh Cầu tự như đã nói ở trên.

Trở lại câu chuyện thơ Huy Cận sau Cách mạng. Vẫn theo tinh thần, giao hòa vũ trụ và con người, thì trời mỗi ngày lại sáng là để soi rõ mặt người chứ không phải soi sáng thêm các vì tinh tú. Sẵn một cách nhìn, cách cảm ấy, đối với Huy Cận, chuyện một anh Tài Lạc bị giặc bắn, một anh Điều mù thổi sáo Tiến quân ca, một anh Phòng đấu tranh, Năm cô gái trẻ hoạt động bí mật bị địch thủ tiêu bằng cách đút vào bao tải, đèo thêm đá quẳng xuống biển là cả một vũ trụ đau đớn bi thương, sát kề, khiến chúng ta không thể quay mặt.

Đấy mới thực là vũ trụ không bao giờ cũ. Và mọi sự quên lãng phải được xem là sự tiếp tay cho tội ác.

Vẫn trên hành trình thơ Huy Cận, có một nỗi băn khoăn đã được nêu ra trong tinh thần học thuật, nay thu hẹp lại trong trường hợp cụ thể, đi với Cách mạng và kháng chiến, anh có phải hy sinh gì không? Có, anh có hy sinh. Hơn nữa, anh tự nguyện hy sinh. Hy sinh cái sầu não, cái quạnh hưu, cái vị đời thoáng vị cơm ôi, hy sinh cả cái bệnh không bị đánh mà tự khóc, để mà được, và được rất nhiều. Trước hết là Tổ quốc và nhân dân. Thế còn nghệ thuật? Ô hay! Thế cái quan niệm Vũ trụ và Nhân sinh giao hòa ấy, có từ thời anh mới bắt đầu cầm bút có ai bắt anh phải hy sinh? Mà cần gì phải hy sinh? Anh không hy sinh mà thay đổi và phát triển, không thay đổi và phát triển là cằn cỗi. Mà cằn cỗi là một nỗi nhục, thậm chí là cái nhục tột cùng như anh đã lên án trong Kinh Cầu tự.

Thu tới ngoài kia

Nghe nhân thơm trong trái nặng

Nghe nhựa ấm trong cành thưa

Nghe đu đẩy tiếng gió ru lúa chín

Xôn xao cuống lá rụng thay mùa

Vẫn là Huy Cận, nhưng "xôn xao cuống lá rụng thay mùa" thì đã có sự thay đổi nhiều lắm, thay đổi theo cái hướng "nhựa mạnh tuôn trao tưởng dính chân" trong Lửa thiêng hồi nào. Đấy là trong đời sống, còn trong cõi riêng tư, thơ tình, ta cũng luôn thấy có sự thay đổi theo biến chứng của đời sống. Vẫn là câu chuyện anh ngồi canh cho em ngủ. Ngày xưa thì:

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ

Hồn anh đã chín mấy mùa thương đau

Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

Ngày nay thì:

Biển lặng em nằm trong gió êm

Anh là bóng thức của hồn em

Ngoài kia sao cũng từng đợi sáng

Từng cặp nhân vàng trong trái đêm

Vẫn là tình yêu, nhưng tình yêu xưa kia và tình yêu hôm nay khác nhau biết chừng nào.

*

Nỗi buồn lớn nhất của thi nhân xưa nay là lo hậu thế không hiểu mình. Vĩ đại như Nguyễn Du cũng còn viết:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Huy Cận không chỉ được hiểu mà được tôn vinh ngay khi ông còn sống.

Mở đầu với Lửa thiêng, kết thúc với Cha ông nghìn thuở, sự nghiệp của ông in dấu trên một thế kỷ đầy giông bão. Đời thơ của ông cũng giống như người thợ đúc chuông ở phường Ngũ Xã, nơi mà ông đã đến thăm và làm bài thơ Đúc chuông vào năm 1998. Hậu thế chắc sẽ còn nghe mãi những tiếng ngân, những lời gửi gắm, sâu xa của Huy Cận.

Chuông an ủi những lòng tuyệt vọng

Chuông gióng cao mở trời lồng lộng

Tiếng chuông vang hội tụ trăng sao

Nhắc con người nhớ trước nhớ sau

Sinh thời Huy Cận rất ung dung. Người có thực tài bao giờ cũng ung dung. Ông như quả chuông treo một chỗ mà tiếng ngân cứ vang xa, vang xa mãi.

29/5/2019


Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn
Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương