Trước bối cảnh nhiều khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự bùng nổ của số hóa cùng công nghệ, thì tìm kiếm sự thư thái bên trong, trải nghiệm giá trị con người, đặc biệt thông qua nghệ thuật là cách tốt nhất để tĩnh tại, chiêm nghiệm. Cuộc trò chuyện chân tình với nghệ sĩ Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ không chỉ đưa ra những thông điệp ý nghĩa, tầm quan trọng của nghệ thuật sân khấu trong đời sống mà còn làm nổi bật vai trò quan trọng của kịch nói trong sự phát triển ngôn ngữ và văn hoá.
Nghệ sĩ Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ |
* Với vai trò là Giám đốc Nhà hát và trong tâm thế của một người nghệ sĩ, ông đánh giá tầm quan trọng của nghệ thuật sân khấu kịch như thế nào trong đời sống con người, cũng như giá trị xã hội?
- Ngược dòng lịch sử thì chúng ta đều biết kịch nói đã có từ cách đây hàng ngàn năm và du nhập vào Việt Nam hơn một trăm năm nếu tính từ sự kiện vở diễn Chén thuốc độc của Vũ Đình Long. Thông qua nghệ thuật kịch nói, chúng ta thấy được sự phát triển của ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể và điều quan trọng hơn nữa kịch nói góp phần vào dòng chảy nghệ thuật đương đại. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong đời sống xã hội, chúng ta đều thấy kịch nói đã góp phần tích cực trong việc xây dựng nhân cách con người thông qua ngôn ngữ đối thoại, ở đó chúng ta nhận ra vẻ đẹp trong ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo giúp tăng giá trị đời sống sân khấu và xã hội.
* Việc chọn lựa kịch bản và định hình phong cách nghệ thuật thể hiện nhằm phản ánh đa dạng xã hội, cũng như tạo sự khác biệt để thu hút khán giả đến rạp, có thể nói là một trong những vấn đề sống còn của các sân khấu. Riêng đối với Nhà hát Tuổi Trẻ, ông sẽ nói gì về điều này?
- Nhà hát Tuổi Trẻ với 45 năm hình thành phát triển dựa trên tiêu chí phục vụ khán giả trẻ với hai đoàn biểu diễn là Đoàn kịch và Đoàn ca múa nhạc, điều đó phần nào khẳng định tính riêng có của đơn vị. Cũng vì vậy việc lựa chọn kịch bản và các tác phẩm trình diễn cũng cần được cân nhắc hơn các đơn vị khác. Gần đây Nhà hát phát động sáng tác kịch bản dành cho trẻ em với chủ đề Câu chuyện của Việt Nam chạm tới thế giới, với mong muốn làm giàu thêm hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè Quốc tế, thông qua nghệ thuật biểu diễn - đó cũng là sứ mệnh cao cả mà 45 năm qua Nhà hát Tuổi Trẻ dày công vun đắp và lan tỏa tình yêu nghệ thuật trong giới trẻ, góp phần định hướng và nâng cao nhận thức thẩm mỹ, nhất là trong giới trẻ.
* Thời đại số hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ, ông có cho rằng đây là một trong những rào cản khán giả đến rạp? Và ông nghĩ sao về việc chuyển đổi số trong nghệ thuật sân khấu kịch vốn rất truyền thống?
- Trong thời gian đại dịch Covid hoành hành, các hoạt động tập trung đông người trên toàn thế giới và Việt Nam đều không thể diễn ra, cùng với đó việc số hóa các hoạt động giải trí gần như bùng nổ… đó là một giai đoạn thực sự khó khăn đối với những người nghệ sĩ biểu diễn. Đó chắc hẳn là một phép thử không nằm trong dự liệu của nhiều người bởi chúng tôi phải đóng cửa đầu tiên, mở cửa cuối cùng và các hoạt động chuyển đổi số vẫn diễn ra. Tuy nhiên, sân khấu đã hồi sinh trở lại mạnh mẽ sau dịch, bởi nhu cầu đến với nhà hát hoặc gặp gỡ kết nối với cộng đồng xã hội là một nhu cầu có thật của con người. Chúng ta không thể mãi ở trong căn phòng của riêng mình, cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh hay một phương tiện khác để kết nối với mọi người qua bàn phím được… Nhà hát là một phần thu nhỏ của xã hội, nơi đó các nghệ sĩ bằng hơi thở, bằng ngôn ngữ cơ thể và tiếng nói của mình sẽ đưa khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc chân thực khác nhau thông qua các vở diễn và vai diễn. Đó là điều khác biệt mà chúng ta không thể số hóa chúng được.
Một chương trình của Nhà hát Tuổi Trẻ. |
* Thách thức nào lớn nhất khi quản lý một nhà hát với sứ mệnh giáo dục và giải trí như Tuổi Trẻ?
- Gần đây, việc đưa các tác phẩm văn học và sân khấu có giá trị vào nội dung học phần của học sinh ở các cấp học phổ thông, đồng thời nhà trường có những kế hoạch trải nghiệm các tác phẩm đó thông qua các hình thức sân khấu hóa đã tạo ra một diện mạo mới cho khán giả trẻ ở từng cấp học khác nhau. Tôi là người đã trực tiếp trao đổi với một số giáo viên dạy bộ môn văn ở một số trường và các thầy cô đều cho rằng đây là một hoạt động thực tế tích cực, bởi từ nhân vật văn học được xuất hiện trên sân khấu đã kích thích trí tưởng tượng cho khán giả. Nhà hát Tuổi Trẻ là nơi có nhiều điều kiện để hiện thực hóa những ước mơ và trí tưởng tượng bay bổng cho con trẻ, chúng tôi có những vở diễn dành cho khán giả từ 4 - 5 tuổi.
* Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng có thể đóng góp như thế nào vào việc giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn của người trẻ, theo quan điểm của ông?
- Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới thì việc nuôi dưỡng và giáo dục tâm hồn và hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp luôn là một sách lược quan trọng và việc này làm càng sớm càng tốt. Sân khấu hay các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất trong việc tiếp cận đối tượng quan trọng này, nếu việc này chúng ta làm một cách bài bản, có định hướng thì trong tương lai chúng ta sẽ nhận được những chùm quả ngọt bởi chính họ với sự hiểu biết của mình, đồng thời sẽ là chủ nhân tương lai trong gia đình và xã hội sẽ viết tiếp những câu chuyện có ý nghĩa.
* Ông tâm đắc với những dự án nghệ thuật nào gần đây của Nhà hát?
- Suốt hơn bốn chục năm qua, các thế hệ nghệ sĩ đã cùng nhau vun đắp cho tên tuổi và thương hiệu một nhà hát dành cho thanh thiếu nhi với hàng trăm vở diễn và hàng ngàn vai diễn có ấn tượng khác nhau dành cho khán giả trẻ. Gần đây chúng tôi đã có những hướng tiếp cận khán giả theo những mùa diễn như Mùa kịch Lưu Quang Vũ, Mùa hè yêu thương… các dự án này tập trung vào các vở diễn có phân khúc tương đồng nhằm tạo thuận lợi cho việc truyền thông quảng bá. Tuy nhiên, có một dự án mà tôi cho rằng đã đánh thức được suy nghĩ của những người trẻ tuổi trong giai đoạn hiện nay đó chính là vở kịch Sống mãi tuổi 17 của tác giả Lưu Quang Vũ. Chuỗi tác phẩm “Đời cười” vẫn ở trong lòng khán giả yêu mến hài kịch, trong nhiều năm, và Nhà hát vẫn tiếp tục gửi đến khán giả những vở kịch ngắn như vậy. Kỳ vọng rằng chúng tôi vẫn sẽ được đón nhận tình yêu của khản giả dành cho các chương trình hài kịch chuẩn bị ra mắt năm 2024.
* Mục tiêu dài hạn của ông trên chặng đường sắp tới cho Nhà hát Tuổi Trẻ là gì, và ông dự định làm thế nào để đạt được?
- Chúng tôi luôn ý thức về trách nhiệm với đối tượng phục vụ của mình, từng bước Nhà hát sẽ cùng đội ngũ sáng tạo sẵn sàng tiên phong trong lĩnh vực sân khấu dành cho tuổi trẻ. Chúng tôi mong muốn gửi những thông điệp ý nghĩa đến với cộng đồng. Tình yêu nghệ thuật, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ và khát vọng cống hiến sẽ là đòn bẩy để chúng tôi có những sáng tạo chân thực, ý nghĩa, giúp bắt kịp xu thế phát triển sân khấu theo từng giai đoạn phát triển của đời sống xã hội, từng bước hội nhập với quốc tế.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Sĩ Tiến!
Cùng với hành trình chinh phục và đánh dấu những mốc son trên mỗi chặng đường thành công, sân khấu Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục đưa khán giả chìm đắm trong những trải nghiệm ý nghĩa, thụ hưởng giá trị tinh thần thông qua sự sáng tạo trong nghệ thuật. Với tầm nhìn và khát vọng cống hiến của nghệ sĩ Sĩ Tiến, chúng ta bước sang năm mới với lòng tin, nghệ thuật tiếp tục là nguồn động viên tinh thần, là nguồn định hình cuộc sống đồng hành với khán giả qua mọi thách thức và hạnh phúc thường ngày.
Minh Hằng (Thực hiện)
Nguồn Văn nghệ số 4/2024