Bởi đêm qua nằm một mình trên chiếc giường rộng thênh nhưng ông không sao chợp được mắt, dù cho phố thị lúc ấy tất cả mọi người đều đã ngon giấc trong cái không khí se lạnh của tiết trời cuối thu. Dưới ánh đèn ngủ hình như sáng hơn, ông nhìn thấy rất rõ bức ảnh bà Liên - người vợ quá cố trên bàn thờ. Vẫn mái tóc uốn khéo chải lệch; vẫn ánh mắt đằm thắm nhìn ngang; vẫn đôi môi chúm chím cười thầm; vẫn cái cổ cao ba ngấn trên đôi vai xuôi tròn…
…Tôi thật có lỗi với mình! đã gần một năm rồi kể từ ngày thay áo xây mộ cho mình, tôi quên không lau chùi bức ảnh. Đến nỗi khói hương, bụi thời gian làm mờ tạo thành một bức màn ngăn cách giữa tôi với mình. Mình tha thứ cho tôi nhé! Ông giáo xếp gọn ấm chén, mở tủ lấy chiếc khăn bông mới nhẹ nhàng lau từ trong ra ngoài, đến lần thứ ba, bức ảnh thờ bà Liên trông như mới.
Thắp xong ba nén hương, châm lại ngọn nến cũ, trong khói hương thơm và lung linh ánh nến, ông thốt khe khẽ hai tiếng “Mình ơi!” rồi mới xuống ghế, đến bên chiếc đi văng nằm. Quá khứ gần bốn mươi năm trở về làm trái tim ông trở lại lúc xuân thời. Ngày ấy ông đang say sưa đứng trên bục giảng nói về sách lược “vừa đánh vừa đàm” tại hai mặt trận quân sự trên chiến trường miền Nam và trên mặt trận ngoại giao tại Pari cho bọn học sinh cuối cấp nghe thì ông thấy choáng váng trong đầu, mắt hoa lên. Ông vội ngồi xuống ghế, gục đầu trên giáo án. Bọn học sinh hốt hoảng, đứa thì gọi thầy ơi, đứa chạy về báo cáo với nhà trường; bọn con gái chẳng biết làm gì ngồi khóc như ri. Người ta khẩn trương mang một chiếc võng đay đã cũ mượn của nhà trẻ hợp tác xã, một đoạn tre dài làm đòn, thay nhau khiêng ông đến bệnh viện. Ông bác sĩ trưởng khoa nội và cô y sĩ Liên đều chẩn đoán ông bị xuất huyết dạ dày cấp. những ngày điều trị ở bệnh viện huyện, ông được các bạn và đám học trò thường xuyên tới thăm, nhưng đặc biệt nhất vẫn là cô y sĩ Liên hiền dịu. Ngoài quy định của một y sĩ điều trị, cô còn có sự quan tâm đặc biệt với ông, chẳng kém gì sự quan tâm của người vợ đối với người chồng khi ốm đau. Chẳng hạn khi bệnh tình đã ổn định, ông được ăn cháo thì người xúc những thìa cháo cho ông, động viên ông ăn hết chính là cô. Ăn xong, cô còn lấy khăn bông nhúng nước ấm lau mặt lau mồm lau tay cho ông, rồi nhẹ nhàng đỡ đầu ông, đỡ lưng ông nằm xuống gối. Mỗi sáng đến thăm hỏi bệnh tình, giao thuốc và hướng dẫn cách dùng, bao giờ cô cũng mang đến cho ông một chiếc cốc thủy tinh có nước trong vắt, cắm một vài nhành hoa dại, đặt trên một chiếc tủ nhỏ cạnh giường. Hôm ra viện, khi tiễn ông qua cổng cô chủ động nắm lấy tay ông rõ lâu và nói: “Anh Hoằng, à quên thầy Hoằng về nhé! Cố giữ gìn sức khỏe, hôm nào rảnh việc em sẽ xuống thăm anh, à quên thăm thầy”. Chính những cử chỉ đó, lời nói đó của cô đã khiến chiếc thuyền tình đang bị chao đảo của ông rẽ sang một bến bờ mới. Sau hơn một phần ba thế kỉ sống chung cùng, với biết bao dằn vặt, gian khổ nhưng cũng đầy ắp trìu mến, thân thương. Kết quả là ông đã cùng Liên sinh ra cô con gái Liên Phương xinh đẹp, học giỏi, có hiếu với cha mẹ. Giờ đây nó đã khôn lớn, có công ăn việc làm hẳn hoi, có gia đình riêng, nhà cửa đàng hoàng trên thành phố Thái Nguyên. Vợ chồng nó còn sinh cho ông cháu Phương Nga kháu khỉnh. Con bé càng lớn càng giống mẹ, giống bà ngoại đến thế?. Giá mà gia đình nó ở gần, giá mà bà ngoại nó sống thêm mươi năm nữa thì ông hạnh phúc biết bao?. Ông giáo Hoằng vừa nghĩ đến thế thì ngoài cổng có tiếng còi xe máy. Ông vội đứng dậy ra cổng đón khách. Đúng là thiêng thật! vừa nghĩ đến mẹ con nó, mẹ con nó đã về. Chưa để con, cháu kịp chào, ông đã chào trước: “Ông chào cháu ngoại Phương Nga của ông! Bố chào con gái của bố!”…
Trong lúc ông cháu còn đang ríu rít thì người con gái của ông đi thẳng vào phòng ngủ của ông. Trước mắt cô: một chiếc giường đôi rộng thênh trải ga trắng phẳng lì, một chiếc gối bông căng phồng chồng lên trên chiếc chăn len Liên xô gập vuông vức. Trên chiếc bàn nhỏ đặt đầu giường có một chiếc đài bán dẫn cỡ bằng bao thuốc lá, một cặp kính lão cổ lỗ, một quyển “Đội gạo lên chùa” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh… Tất cả đều sạch sẽ gọn gàng ngăn nắp, đúng là sự cẩn thận của một nhà giáo già, nhưng thiếu một cái gì bừa bộn của người đàn bà, một sự tùy tiện của lũ trẻ nhỏ… làm cô liên tưởng tới phòng ngủ của một yếu nhân trong nhà tưởng niệm nào đó. Một luồng gió heo may thổi qua cửa sổ khép hờ, khiến căn phòng càng trở nên lạnh lẽo. Cô khẽ rùng mình rồi đi vào căn bếp mở tủ lạnh, thấy rỗng tuyênh. Ngoài ba quả trứng vịt xanh lè, một túi cá khô nhỏ như ngón tay, một mớ hỗn độn cà chua, hành ta, xu hào đã úa vàng… Cô mở nồi cơm điện, đáy nồi áng chừng còn hai bát cơm nguội. Nếu mẹ con cô không về thăm, chắc trưa nay bố hâm lại chỗ cơm đó để dùng bừa cùng với con mèo già. Nước mắt cô bỗng tuôn trào…
![]() |
Ảnh: Shutterstock |
Chợ búa, nấu nướng mãi đến mười hai giờ trưa, mâm cơm nóng sốt mới được cô con gái dọn ra. Một bát canh cá chép nấu với khế chua, một đĩa thịt lợn ba chỉ áp chảo cháy cạnh, một đĩa đậu rán sốt cà chua và vài ba quả cà pháo... Ba bố con ông cháu quây quần bên bàn ăn rất vui vẻ. Người con gái gắp thịt, gắp đậu cho bố; người ông gỡ từng chiếc xương răm trong cá cho cháu. Đã lâu lắm rồi ông giáo Hoằng mới được ăn một bữa cơm ngon miệng đến thế!. Ông phải buột miệng thành lời: “Con gái của bố nấu ăn khéo hơn cả mẹ con đấy. Từ ngày mẹ con mất đến giờ, chưa bao giờ bố ăn quá hai lưng. Lần này bố ăn được hơn.
Trước lúc lên đường về, Liên Phương đến bên bàn thờ mẹ. Cô châm ba nén hương, thắp ngọn nến mới và chắp tay cúi đầu kính cẩn lạy mẹ ba lần. Cô khấn những gì không biết, chỉ biết thời gian cô đứng trước ảnh mẹ lâu lắm và hình như cô còn sụt sịt khóc nữa. Ông giáo cũng cảm động bảo: “Cháu Phương Nga đâu?. Ra vái lễ bà ngoại đi. Bà đang nhìn cháu đấy!”. Khấn vái mẹ xong, Liên Phương quay lại, một tay để lên vai bố, miệng nói: “Bố ơi! Con đã thưa hết chuyện với mẹ con rồi. Hình như mẹ khẽ gật đầu, thế nào mẹ cũng báo mộng cho bố. Bố già rồi, cần có người sống bên cạnh lắm đấy. Về phần gia đình con, con sẽ năng về thăm bố luôn. Con cũng sẽ bảo chị Bạch Yến của con tác động nữa”. Nói đến đây cô òa khóc như một đứa trẻ. Ông giáo chỉ biết ôm lấy đầu đứa con gái áp vào bộ ngực lép của mình, nói trong sự nghẹn ngào: “Cảm ơn con, bố sẽ làm như mẹ con báo mộng cho bố. Còn như chị Bạch Yến của con sẽ tác động cái gì thì bố chưa hiểu?”. Liên Phương lại rúc đầu vào ngực bố nói: “Rồi bố sẽ hiểu tất cả. Dầu sao chị ấy cũng là con đẻ của bố, chị gái cả của con cơ mà?”.
*
Cũng vào một buổi sáng mùa thu, khí trời trong trẻo lạ thường nhưng gió lại hơi hơi lành lạnh, khiến ông giáo Hoằng phải mặc thêm chiếc áo len, cũng là cho nó tư thế, phong độ thêm một chút, bởi đêm qua trong giấc mộng, bà Liên hiện về nhắc ông giữ gìn sức khỏe. Thấu cảnh cô đơn của chồng nhưng cũng còn chút tự ái ghen tuông nên bà chỉ khẽ nói: “Trẻ quyền cha già quyền con, anh nhé!”. Chưa kịp ngắm mình trước tấm gương soi, đã có người gọi cổng: “Cha ơi! Mở cổng cho con cho cháu về thăm cha thăm ông đây này”. Ông giáo chạy nhanh ra mở cổng. không phải là mẹ con Liên, mà là mẹ con cái Bạch Yến – đứa con gái đầu lòng của ông với người vợ trước. Gia đình nó hiện nay sinh sống và làm việc mãi tận trong thành phố Đà Lạt xa xôi. Vả lại nó ở với mẹ nó từ thuở còn thơ ấu theo phân xử của Tòa, thành ra gia đình nó ít khi về thăm ông. Hỏi có gì vui hơn không?. Cũng lại bữa cơm đầm ấm! Cũng lại những lời hỏi han tâm tình giữa cha con ông cháu sau bao tháng ngày xa cách ! Mà sao cái Bạch Yến nó giống ông như thế? Còn thằng Hoàng Anh lại giống mẹ nó như đúc? Ông cứ phải đưa tay giữ ngực trái mỗi khi nhìn vào mặt mẹ con nó!... Vậy nhưng, mẹ con nó không thể ngủ lại dù chỉ là một đêm. Vì tối nay mẹ con nó phải ra sân bay kịp giờ Hoàng Anh đi Mỹ du học. Lúc sắp chia tay, ông xoa đầu thằng cháu ngoại: “Cháu ơi! Sang bên đó nhớ giữ gìn quốc thể và học hành cho tốt nhé! Nhớ gửi tin về cho bố mẹ, ông bà các bên nghe chưa? Ông chúc cháu chân cứng đá mềm. Ông đón chờ tin vui của cháu!”. Rồi hôn nhẹ vào trán cháu mấy cái. Thằng bé chỉ biết khẽ khàng đáp lại: “Cháu xin nhớ lời ông dặn. Chúc ông mạnh khỏe sống lâu. Sáu năm nữa cháu sẽ về trình ông kết qủa học tập”. Riêng Bạch Yến lại kéo tay cha lui vào trong, chỗ có chiếc đi văng ngồi. Hai tay cô run run đưa ra một gói giấy báo. Nhìn quanh một lượt thấy không có ai, cô mới khẽ nói: “Trước lúc lên xe hoa lần thứ hai, mẹ con mới chịu đưa cho con cái bọc này và dặn: Một là: Không ai được mở cái bọc này kể cả con gái của mẹ. Người được mở được xem được lưu giữ duy nhất chỉ là người chồng đầu tiên của mẹ, cha của con ấy mà! Hai là, nếu cha của con đã mất và mẹ của con đây cũng không còn, con phải đốt nó đi ngay lập tức! Nay cha vẫn khỏe và mẹ vẫn còn xuân và đều sống trong cảnh cô đơn, em Liên Phương cũng đã bàn nhiều với con rồi. Giờ là lúc con phải trao cái bọc này cho cha…”.
Có tiếng còi tắc xi ở ngoài cổng và thằng Hoàng Anh cũng khẽ nhắc: “Mẹ ơi! Xe của Hàng không đã đến đón!”. Bạch Yến vội rúc đầu vào nách cha, bịn rịn thưa: “Cha ơi! Con và cháu phải ra xe rồi. Cha nhớ bảo trọng sức khỏe cha nhé!”. Từ lúc ngồi nghe người con gái nói đến giờ ông giáo cứ như người lơ lửng trong mây, chỉ đáp lại: “ừ, mẹ con đi kẻo chậm. Chúc mẹ con mọi sự an bằng!”. Rồi bâng khuâng tiễn con và cháu qua cổng.
*
Ngày ấy, sau khi ra viện về trường được mấy ngày, sức khỏe của ông trở lại như cũ và thời gian được nghỉ vẫn còn. Nhớ vợ nhớ con quá, ông quyết định đạp xe ba mươi cây số về ngôi nhà ở phố Hòa Mã. Ở đấy vợ chồng ông được bố mẹ vợ chia cho một căn phòng rộng ở tầng dưới, có cửa sổ nhìn ra hai mặt phố qua lối đi nhỏ quanh nhà và hàng rào sắt sơn xanh. Vừa đạp xe đến gần nhà, thì một chiếc java màu vàng lướt qua mặt ông. Người ngồi sau chiếc xe máy ấy là vợ ông. Một tay nàng bíu chặt cái đèo hàng, một tay nắm hờ lấy áo sau lưng người cầm lái. Người cầm lái cao to, da dẻ hồng hào, có bộ râu quai nón vừa cạo xanh rì rất đẹp. Họ đang vui vẻ trò chuyện cùng nhau. Để tránh lộ mặt, ông xuống xe giả vờ tuột xích rồi rẽ vào một phố khác với bao nỗi bàng hoàng, bao giả dụ khủng khiếp. Độ chừng hai mươi phút sau ông mới quay lại nhà. Trên bàn còn đầy vỏ chanh, cốc thìa, mấy cục nước đá đáy cốc vẫn chưa tan hết…Thì ra họ vừa đú đởn với nhau. Thời buổi này, tiếp nhau như thế là đặc biệt lắm rồi! Khoái thật nhỉ? Mấy phút sau vợ ông mới về và sung sướng reo lên: “Anh đã về!” và định ôm chầm lấy ông nhưng ông lùi lại, mặc dù bị hẫng hụt, cô nàng vẫn nhí nhảnh: “Còn đá, còn chanh, còn đường để em pha cho anh một cốc đỡ khát đỡ mệt nhé!”. Với sắc mặt trắng bệch, ông đáp: “Khỏi cần! Thế con Bạch Yến đâu?. Và cô vừa vui vẻ với cái thằng nào ấy nhỉ?”. Biết chồng mình đang tự ái ghen tuông, cô giáo Kim Oanh nhẹ nhàng thưa: “Anh ơi! Con đi mẫu giáo chưa về. Em cũng vừa hết tiết giảng xong phải đi bộ về nhà, giữa đường gặp anh bạn cùng lớp ngày xưa đèo về. Anh ấy tên là Quang hiện đang công tác tại Bộ Giáo dục…”.
*
Bữa cơm cải thiện hơn mọi ngày lại đầy đủ cả nhà sau gần hai tháng trời xa cách. Vậy mà anh ấy trệu trạo ăn có hơn một bát. Con Bạch Yến tíu tít với cha là thế nhưng anh ấy “ừ” hoặc “thôi”…Mờ sáng hôm sau, con còn chưa dậy, anh ấy đã dắt xe ra khỏi nhà và buông một câu trống không: “Tôi đi!”. Linh tính báo trước một điều chẳng lành sẽ ập đến gia đình này. Cô phải tìm cách cứu chữa hàn gắn. Một tháng rồi một tháng một tuần, anh ấy vẫn biệt tăm? Định chủ nhật tới, thế nào thì mẹ con cũng đèo nhau đạp xe lên trên ấy thăm chồng thăm cha xem tình hình như thế nào. Thì đùng một cái mới vào giữa tuần, anh ấy mượn được chiếc xe Babétta màu lá mạ trở về nhà lúc mẹ con cô đã dùng xong bữa tối. Thương chồng đói mệt, cô định đi mua bát phở cho anh. Anh vội xua tay, bảo: “Khỏi cần! Cái Bạch Yến đâu? Lên gác với ông bà ngay! Còn cô ngồi lại với tôi, chỉ cần mười lăm phút thôi mà!”. Khi biết cái Bạch Yến đã ở hẳn trên gác rồi, ông mới xòe ra một tờ giấy viết sẵn, nói tiếp: “Đọc đi và kí vào. Tôi không đủ sức chịu đựng thêm được nữa”. Cô giáo Kim Oanh đón nhận tờ giấy, nhíu mày đọc. Chừng một phút sau tờ giấy rơi xuống đất và cô ngã gục xuống bàn. Ông giáo Hoằng mặt tím bầm, nói như gầm lên: “Cô phản bội tôi. Tôi chấp nhận. Kí đi để giải phóng cho cả hai đỡ khổ!”. Thấy có sự to tiếng dưới phòng, mọi người trên gác mái đều chạy ra lan can nhìn xuống. Cũng còn may, anh ấy vẫn nhìn lên, nói được: “Con chào ông bà! Bố chào con Bạch Yến!”, rồi mới lên xe lao ra đường. Bóng anh nhạt nhòa trong ánh đèn điện tù mù của thành phố.
Mãi sau này cô giáo Kim Oanh mới biết chồng mình khi ấy bị xuất huyết dạ dày khá nặng. Không nhận được điện tín, chẳng có thư của chồng gửi về thành thử cô cứ tưởng anh ấy vẫn bình thường giữa lúc anh ấy cần một trái tim, đôi bàn tay của người vợ hiền bên cạnh để chia sẻ, nâng niu, động viên, chăm sóc. Mà sao cái cô y sỹ nào đó dù có xinh đẹp nhưng đã quá lứa lỡ thì, lại có thể khôn ngoan đến như thế nhỉ? Biết đánh đúng vào trái tim người đàn ông khi đau ốm mà thiếu vắng người vợ ở bên cạnh. Đến khi đã gần bình phục, anh ấy còn cố hết sức đạp xe về với vợ con sau bao tháng ngày thì giữa lúc lòng anh đang bị xao động. Dẫu sao sự việc cũng đã xảy ra rồi, đành một mình nuôi Bạch Yến. Có gì hiểu lầm nhau, có gì lưu luyến tơ vương, có gì còn sâu nặng tình thương ta chờ kiếp sau gặp nhau vậy?
*
Một thời gian sau, hai cụ thân sinh lần lượt rủ nhau về chín suối, Bạch Yến vào Đại học và mình nhận sổ hưu…Cô giáo Kim Oanh mới thấm thía thế nào là nỗi cô đơn, thế nào là giá hạnh phúc của một gia đình có vợ có chồng khi tuổi già ập đến. Cô định vào chùa xin làm vãi già nương tựa cho đến khi giã từ cuộc sống, mong sớm được chuyển sang kiếp khác. Biết đâu được gặp cố nhân đang chờ? Nhưng bạn bè họ bảo, Bạch Yến trước khi đi lấy chồng nó cũng bảo: “Phật chỉ khuyên dạy người ta thôi, chứ Phật đâu có làm thay người đời được”. Thế là cô giáo Kim Oanh lao vào viết hồi kí tình yêu một thuở xuân thời: - Cái buổi ban đầu... Sao bàn tay anh hồng và ấm đến thế, khi anh chìa ra, kéo em lên để khỏi bị tuột dốc ngã trên ngọn giả sơn trong vườn Bách Thảo?. Đúng là “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy ngàn năm hồ dễ đã ai quên” (Thơ Thế Lữ)...
- Du chơi Chùa Thầy: ... Thích quá! Sao lại gọi là hang Cắc Cớ? Cánh đồng lúa vàng dưới chân núi kia là cánh đồng nào, có phải là đồng Bương Cấn? Mệt ghê! Ngồi nghỉ ngơi bên nhau dưới cổng chùa mát mẻ và thanh tịnh là thế mà mồ hôi vã ra như tắm, anh phải dùng mùi xoa lau mặt lau cổ hoài cho em. Đói ơi là đói! Tìm mãi mới mua được ba cái bánh tẻ Răng Bừa. Người ta bảo “Có tình yêu, không ăn đã no rồi”. Em ăn hai cái chẳng bõ bèn gì. Anh ăn một cái, chắc cũng no!?...
- Vòng quanh Hồ Tây: ... Tứ Thuỵ Khuê, Bưởi, Nghi Tàm, Quảng Bá và kết thúc tại đường Thanh niên bằng một nụ hôn đầu tiên ấm nồng ngọt lịm trên ghế đá dưới bóng liễu thướt tha giữa một chiều đông lành lạnh mưa phùn. Nó vẫn hiện về nhất là những lúc vắng anh?...
- Ngày cưới và đêm động phòng: ... Hừng hực lửa tình yêu và tràn trề nhựa sống ấy. Anh có còn nhớ không?...
- Bé Bạch Yến ra đời: ... Em được làm mẹ, anh được làm cha. Hai vợ chồng nhìn con rồi lại nhìn nhau, cười suốt. Hạnh phúc quá, anh ơi!...
- Bi kịch: ... Sao lúc ấy anh lạnh lùng như một tảng băng trôi vô định? Sao lúc ấy anh gầm lên như một con hổ bị dính đòn? Làm em tan nát cõi lòng! Hết tất cả rồi ư?...
Quyển nhật ký có 6 chương và chưa đầy trăm trang vở học trò. Có thế thôi mà cô giáo Kim Oanh ngồi viết vật vã mấy tháng trời mới xong. Nhiều đoạn bị nhoè, không biết vì mồ hôi tay hay nước mắt cô đổ xuống?
Cô giáo Kim Oanh để tập “Hồi ký Tình yêu” ấy, cùng chiếc phong bì đựng những tấm ảnh chụp hai người ngày mới yêu nhau, trong ngày cưới, trong tuần trăng mật và cả bức ảnh bé Bạch Yến ngày đầy tuổi thôi nôi, ngày đầu tiên đến lớp... rồi gói lại thành một bó cẩn thận, giấu kín dưới đáy hòm. Thời gian đằng đẵng trôi đi và anh ấy cũng đã vợ con đoàng hoàng; chỉ có sự cô đơn lạnh lẽo với mình là hiện hữu; vị kỷ cũng có mà vị tha cũng nhiều, cô giáo Kim Oanh đành tái giá. Trước khi lên “xe hoa” lần thứ hai về với ông hoạ sĩ già, cô mới chịu đưa cái bọc ấy cho người con gái và dặn dò rất kỹ. Nhà ông hoạ sĩ già là một biệt thự loại trung ở một phố Tây, có những hàng cây sấu cổ thụ và khá yên tĩnh. Vợ chồng ông sống trong một căn phòng nhỏ trên gác hai, có cây hoàng lan bên cửa sổ luôn rủ bóng tránh nắng chiều. Tuy là “rổ rá cạp lại” giữa hai người cùng cảnh, nhưng cũng thật ân tình. Có anh có em; có ông có bà trong những ngày vui; có sự chăm sóc nhau khi trái gió trở trời; có những lúc hai người cùng nhau đàm luận về một bức tranh, một quyển sách, một vở kịch... những lúc ấy trông ông trẻ lại và rất hoạt ngôn như một nhà lý luận mĩ học? Hai năm hương lửa đang nồng, giữa đường đứt gánh, ông bị tai nạn giao thông trên đường đến dự triển lãm hội hoạ của người bạn vong niên. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, ông còn mở mắt và thều thào gọi được thành lời: “Kim Oanh ơi... ở lại anh đi!” rồi mới chịu nhắm hẳn. Bà chỉ kịp ôm chặt lấy ông và gầm lên: “Anh ơi! Sao anh nỡ để em sống vất vưởng một mình?” … Giờ đây ông ấy đã thành người thiên cổ, còn Bạch Yến phải bế con theo chồng vào Đà Lạt xa xôi làm ăn sinh sống. Cho dù các con ông hoạ sĩ vẫn kính trọng bà như xưa, nhưng bà vẫn quyết trở về căn phòng tầng một có cửa sổ nhìn ra hai mặt phố qua lối đi nhỏ quanh nhà và hàng rào sắt sơn xanh ở phố Hoà Mã. Cái nơi chứa đầy say đắm yêu thương nhưng cũng có ghen tuông căm giận và đổ vỡ chia li, để sống một mình, phó mặc số phận cho tạo hoá xoay vần!
*
Cách đây tròn một năm, người viết truyện này đến chơi nhà ông giáo Hoằng tại một thị trấn nhỏ xinh ở ngoại thành Hà Nội, vì chúng tôi đã có một thời cùng dạy học với nhau. Cứ tưởng ông đã già và hom hem lắm rồi, hoá ra không phải. Tóc ông hình như đen lại, da dẻ ông hồng hào, chân tay săn chắc; râu ông cạo nhẵn thín; đôi mắt ông luôn cười cho dù khóe mắt đã có những vết chân chim. Cái bắt tay của ông làm tay tôi đau điếng suýt phải kêu lên thành tiếng!
Nước sôi trăm độ, trà Tân Cương trong cái ấm sành đã đến độ chín, ông giáo lên tiếng: “Xin mời ông dùng cho nóng! Mình ơi, mình ra đây cùng tôi tiếp khách quý đến nhà”. Bà Liên vợ ông, nghe nói đã chết mấy năm rồi? Một lúc sau từ gian trong bước ra một người đàn bà trạc tuổi sáu mươi nhăm, vẻ người Hà Nội gốc gọn gàng trong bộ lụa Hà Đông màu mỡ gà tinh khiết cùng chiếc áo len cộc tay màu hoàng yến khoác ngoài, mái tóc vừa uốn rất chuẩn và hình như trước lúc ra đây, bà ta còn kịp quệt thêm thỏi son nâu hồng lên môi, thoa thêm lớp phấn phớt hồng lên má?. Hướng về phía tôi, bà hơi cúi đầu, nở nụ cười tươi, khẽ nói nhưng nghe rất rõ: “Em chào anh! Cám ơn anh có lòng tới thăm gia đình”. Nói xong, bà mới ý nhị ngồi xuống cạnh chồng, đoạn rót thêm nước cho chúng tôi uống tiếp. Như sực nhớ ra điều gì, bà xin phép vào gian trong một lát. Tôi tranh thủ hỏi ông bạn cũ: “Ma - đam nào đấy?. Và tại sao ông lại hồi xuân nhanh đến thế nhỉ?.” Ông giáo cười tươi, để lộ hai hàm răng chắc khoẻ trả lời: “Thế ông không nhớ ngày ông đi dự tiệc cưới của tôi với người ấy ở khách sạn Hàng Trống à? Mấy năm trước, hai đứa con gái tôi chúng nó cứ tưởng tôi sẽ chết sớm. Được như thế này là nhờ sức mạnh tổng hợp, nhưng quyết định nhất vẫn là do một thứ gọi là Rượu Tình, ông ạ!”.
Từ gian trong bỗng khẽ vọng ra những ca từ thiết tha xao xuyến lòng qua nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Tiếng ai hát chiều nay, vang lừng trên sóng/ Nhớ Lưu – Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên... Kìa đường lên tiên/ Kìa nguồn hương duyên...” và bà ấy xuất hiện, một tay bưng đĩa mứt sen trần ướp hương hoa bưởi chính hiệu Ninh Hương phố Hàng Điếu, một tay bê đĩa kẹo Sừu Châu hiệu Nam Định... Tôi thầm nghĩ, sau bao năm tháng thăng trầm của cuộc sống gia đình, bỏ vợ cũ lấy vợ mới, rồi vợ mới lại chết, con cháu đều ở xa, cứ tưởng anh bạn già của tôi sẽ phải sống lẻ loi vất vưởng những năm cuối đời cho tới khi trở về với đất. Ai ngờ khi bóng chiều đã xế, tình xưa nghĩa cũ lại bùng lên. Bao sai lầm mất mát, bao giận hờn ghen tuông đổ vỡ được xoá bỏ khoan dung hàn gắn, để cùng trở về bến cũ sông xưa thơ mộng thanh bình tràn ngập yêu thương!