Diễn đàn lý luận

Bông hồng trên mộ tác giả “Indochine S.O.S”

Ngô Thảo
Chân dung văn học 08:00 | 21/06/2025
Baovannghe.vn - Gần hai mươi năm trước, trong dịp sang Pháp làm phim ký sự Đi tìm dấu tích 3 vua (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân), những vị vua vì yêu nước, chống Pháp mà bị đi đày viễn xứ, chúng tôi có dịp phỏng vấn nhiều danh nhân, trí thức từng có quan hệ với Việt Nam trong nhiều không gian và thời gian khác nhau.
aa

Ra đón chúng tôi ở sân bay có chị Trần Tố Nga, vợ chồng anh chị Nguyễn Ngọc Giao - Lê Thiện, anh Hồ Cương Quyết (André Menras), họ cũng là những tình nguyện viên vừa hướng dẫn vừa phiên dịch cho chúng tôi trong một tháng đi làm phim. Nhân vật đầu tiên mà chúng tôi được gặp là nhà báo có thâm niên gắn bó với nước ta từ những năm chống Pháp đến chống Mỹ: bà Madeleine Rifaud. Ở tuổi 80, mấy năm đó bà rất ít tiếp khách. Nhưng nhờ mối thân tình với vài người trong đoàn tình nguyện, bà đã dành cho chúng tôi vài buổi trò chuyện thân tình.

Nhắc nhiều đến những kỷ niệm với Việt Nam, với khá nhiều nhân vật bà đã gặp giờ đã thành người của lịch sử, chúng tôi nhắc đến nhà báo Andrée Viollis với tác phẩm nổi tiếng Indochine S.O.S. Dù đi lại đã khó khăn, bà vẫn vui vẻ nhận lời dẫn chúng tôi đi thăm mộ nhà báo. Đoàn làm phim chúng tôi gồm nhà văn Nguyễn Hồ nguyên Giám đốc Hãng phim Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Nguyễn Duy, đạo diễn Đào Anh Dũng, quay phim Nguyễn Tuấn, cùng tôi và Nguyễn Hùng là người của Công ty BHD, đơn vị tổ chức làm phim.

Bông hồng trên mộ tác giả “Indochine S.O.S”
Bà M. Riffaud bên mộ A. Viollis. Ảnh: Ngô Thảo cung cấp

Trên đường đi, bà M. Riffaud nhấn mạnh: A. Viollis là nhà báo thiên tả đầu tiên đã lên tiếng tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương. Bà tên thật là Francoise Caroline Jacquet (9/12/1870 – 9/8/1950), là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho nữ quyền, tác giả của 18 đầu sách, ghi dấu nhiều xứ sở trên thế giới mà bà đã tới với tư cách nhà báo viết điều tra, gặp gỡ, phỏng vấn mọi loại người, mọi tầng lớp trong xã hội. Nhưng cuốn Indochine S.O.S (Đông Dương cấp cứu) có một vị trí rất quan trọng. Năm 1931, đang thời kỳ kinh tế suy thoái, mà tờ báo nhỏ Petit Parisien vẫn cấp tiền cho bà xuống tàu theo Bộ trưởng thuộc địa Paul Reynad sang Đông Dương tìm hiểu tình hình. Là một nhà báo xông xáo, quả quyết, bà đã vượt qua nhiều rào cản, xông vào các nhà tù từ khám lớn Sài Gòn, đến Côn Đảo mà bà gọi là địa ngục trần gian, thăm nhiều làng quê, các công xưởng, để tố cáo chính sách bóc lột về kinh tế, đàn áp tàn bạo những người yêu nước, đặc biệt là những người cộng sản, cố tình phá hủy văn hóa truyền thống bản địa.

Chính là nhờ bà mà chúng ta biết những ngày Lý Tự Trọng bị bắt, bị xử án, và cả khi bị xử bắn. Bà viết: “Khi đến thăm Huy (tên Lý Tự Trọng khai khi bị bắt) ở xà lim những người bị án tử hình, người lính Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với tôi, y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Huy.” Thăm địa ngục trần gian Côn Đảo bà cũng tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt đối với những người cộng sản, trong đó có nhiều người sau này trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Được xuất bản 1935 ở Pháp, cuốn sách như một quả bom trong dư luận. Lên án chế độ tàn bạo của thực dân Pháp ở thuộc địa là vỗ mặt chính quyền đương thời, tất nhiên nhà báo bị làm khó. Dư luận chính thống của chính quyền thực dân cũng phản ứng gay gắt, rằng nhà báo chỉ thấy mặt xấu mà không công bằng với nhiều điều chính quyền thực dân đã xây dựng được ở một xứ sở nông nghiệp lạc hậu. Sau này bà còn có dịp đi nhiều vùng chiến sự ác liệt, có sang Mỹ và cả sang Liên Xô với tư cách nhà báo. Nhưng Indochine S.O.S vẫn là tác phẩm để lại dấu ấn lịch sử đậm nhất. Hai đời chồng, 4 người con, nhưng là một người cánh tả, ở nước tư bản, bà cũng như nhiều bạn bè thiên tả khác, đời sống không dễ dàng. Cả Madelene Riffaud, A. Menras cũng vậy. Khi bà mất, cũng phải có cuộc vận động để được an táng ở nghĩa trang Montparnnase - nghĩa trang của những danh nhân. Nhưng quy định, ở đây chỉ được 30 năm. Muốn gìn giữ lâu hơn lại phải tìm cách, nên không biết sau này sẽ thế nào.

Theo gợi ý của M. Riffaud, đến viếng mộ A. Viollis chúng tôi mua một cây hoa hồng hai nhánh đỏ thắm có gốc.

Nghĩa trang Montparnnase dành cho các danh nhân nằm ở cuối đại lộ cùng tên. Nghĩa trang được xác định bởi bốn bức tường đen cao, có một cạnh, phía ngoài là “Phố vui vẻ” (La rue de la gaité), nơi hành nghề hằng đêm của chị em bán hoa. Chúng tôi đi lướt qua những quán cà phê từng lưu dấu các danh nhân thế giới qua nhiều thời đại, một con phố ngắn lại là nơi tập trung nhiều nhà hát các loại với những bản pano giới thiệu hấp dẫn. Những hàng cây ở đây có gốc cổ thụ nhưng được thường xuyên cắt tỉa để khống chế chiều cao và độ vươn của cành lá. Ngay phía bên phải từ cửa vào có bia mộ một người thân thiết với Việt Nam: Henri Martin, người từng ngăn những đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam hồi kháng chiến 9 năm. Lan man giữa những hàng mộ nhiều kiểu loại, rồi cũng tìm được mộ của nhà báo Andrée Viollis: Đó là một ngôi mộ có bia cao khoảng 1m, màu ghi ngả vàng. Hình như lâu rồi không được chăm sóc. Chúng tôi nhặt cỏ, đào đất để đặt cây hoa hồng thay nén hương tưởng niệm. Cả đoàn dừng lại rất lâu bên nấm mộ nhà báo, người đã từng đến Việt Nam, tìm hiểu về đất nước, con người, truyền thống, lên tiếng phê phán những chính sách tàn bạo của chế độ thực, và qua song sắt các nhà tù, nhìn những người cộng sản đang bị giam cầm mà đã tiên đoán được rằng có thể chỉ 15 năm nữa, chính họ sẽ là người giành được tự do, độc lập. Bà M. Rifaud trầm tư khá lâu bên mộ của bậc tiền nhân đã có ảnh hưởng rất lớn đến con đường đời bà đã chọn.

Biết khá rõ hiện trạng báo chí, không ít báo để tồn tại phải chạy theo cách làm báo rẻ tiền, bà nhắc chúng tôi: Báo chí là một khám phá lớn của loài người. Báo chí chân chính có sức xây dựng rất lớn, mà cũng có khả năng công phá khủng khiếp. Những người làm báo ngày càng phải ý thức hơn về trách nhiệm với ngòi bút của mình. Nghĩ cho cùng, viết báo cũng như bao nghề khác, là một cách để kiếm sống. Nhưng vì chữ nghĩa vẫn còn mãi, không nên quá lụy miếng cơm manh mà đánh mất sự chính trực của một kiếp người.

Trời ngả sang chiều, trong nghĩa trang là nơi nằm lại của biết bao con người tài hoa, trong đời họ đã đặt chân tới biết bao nhiêu xứ sở, đã để lại cho đời bao nhiêu tác phẩm văn học, nghệ thuật, những công trình khoa học làm thay đổi cuộc sống loài người, và bên cạnh chúng tôi đây, đang là một danh nhân sống động. Một người yêu, và ủng hộ hết lòng cuộc chiến đấu của chúng ta, và chính vì sự lựa chọn đó mà họ có một cuộc sống không dễ dàng. Là những tâm hồn cao thượng, họ không một lời than trách, nhưng sẽ đẹp biết bao, nếu ngày nay, nửa thế kỷ sau ngày đất nước độc lập, thống nhất, nhà nước ta có những nghĩa cử thiết thức tri ân những người đã hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta, và vì thế mà ngày nay còn phải sống trong nghèo khổ, cơ hàn.

Trên đường đi tìm dấu tích 3 vị vua yêu nước bị lưu đày, thấm thía bao cay đắng mà những vị vua chính trực nếm trải, chúng tôi đã gặp nhiều số phận bị đọa đày khốn khổ chỉ vì trót giành trọn tình yêu cho Việt Nam thuở còn bị chiến tranh, chia cắt. Mới đây nghe tin bà Madeleine Rifaud mất ở tuổi 100, Đoàn làm phim chúng tôi cũng chỉ biết gửi một vòng hoa viếng. Mà tiếc nhớ, ngậm ngùi!

Thanh xuân của ngoại

Thanh xuân của ngoại

Baovannghe.vn - Ngoại hay bảo mình chẳng có thanh xuân. Bởi suốt cả thời tuổi trẻ mòn mỏi chạy giặc, nuôi con, khi tấm ảnh thờ chồng là tấm bằng Tổ quốc ghi công, ngoại chưa từng có khắc nào sống cho riêng mình.
Hi sinh ở mặt trận phía Nam. Bút ký của Nguyễn Ngọc Lợi

Hi sinh ở mặt trận phía Nam. Bút ký của Nguyễn Ngọc Lợi

Baovannghe.vn- “…Hi sinh ngày 18 tháng 11 năm 1972 tại mặt trận phía Nam” - Đó là mấy lời ghi trong giấy báo tử cậu em vợ tôi. Liệt sĩ Vũ Bá Tốp, nhập ngũ tháng 1 năm 1972. Lần nào đọc lại dòng chữ này lòng tôi cũng bứt dứt không yên.
Khai mạc trưng bày "Ký ức thời hoa lửa" tại Huế

Khai mạc trưng bày "Ký ức thời hoa lửa" tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 25/7, Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế đã khai mạc trưng bày chuyên đề Ký ức thời hoa lửa tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm. Trưng bày chuyên đề giới thiệu gần 120 hình ảnh, tư liệu và hiện vật tiêu biểu.
Góc nhìn mới về  “Mùa thu độc lập và Khát vọng phồn vinh”

Góc nhìn mới về “Mùa thu độc lập và Khát vọng phồn vinh”

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ đã ký Quyết định số 2568/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch tổ chức Triển lãm tư liệu Kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025) với chủ đề “Mùa thu độc lập và Khát vọng phồn vinh”.
Đào tạo nguồn nhân lực phê bình nghệ thuật số

Đào tạo nguồn nhân lực phê bình nghệ thuật số

Baovannghe.vn - Phê bình nghệ thuật số có thể được hiểu là việc đánh giá, phân tích và bình luận về các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra hoặc lan truyền trên môi trường kỹ thuật số, bao gồm việc xem xét các khía cạnh như tính sáng tạo, kỹ thuật, ảnh hưởng văn hóa và ý nghĩa xã hội của nghệ thuật số