Tại tọa đàm “Vai trò của các chủ thể trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức ngày 27/3 tại Hà Nội, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển văn hóa càng trở nên nổi bật và cần thiết hơn bao giờ hết. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm và mở đường; là lực lượng tiên phong đưa văn hóa Việt ra thế giới bằng những bước đi táo bạo, sáng tạo và linh hoạt”.
![]() |
Các diễn giả tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Không chỉ là nhà đầu tư, theo ông Sơn, khu vực tư nhân cần được nhìn nhận là “người đồng kiến tạo tương lai văn hóa Việt Nam”, nhưng để họ thực sự trở thành động lực chiến lược thì cần một hệ sinh thái thuận lợi: chính sách ưu đãi rõ ràng, hành lang pháp lý minh bạch và cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Thực tế đã chứng minh vai trò không thể thay thế của kinh tế tư nhân trong phát triển các ngành CNVH. Các doanh nghiệp như BHD, Galaxy Studio, POPS Worldwide, VNG, Yeah1, FPT Play… đang tạo ra một hệ sinh thái nội dung phong phú, hiện đại và gần gũi với thị trường. Những bộ phim Việt đạt doanh thu hàng trăm tỉ đồng, MV âm nhạc triệu view, gameshow và nền tảng số lan tỏa trong và ngoài nước là minh chứng sống động cho sức bật của tư nhân.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho biết tại tọa đàm: “Cụm từ công nghiệp văn hóa ngày nay không còn xa lạ, nhưng để có sự tham gia đầy trách nhiệm của các chủ thể công nghiệp văn hóa thì vẫn còn xa, bởi dấn thân vào thị trường là phải chịu nhiều rủi ro”. Bà cho biết Viện đang đề xuất sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời kiến nghị cơ chế ưu đãi thuế và thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp văn hóa.
Nhiều doanh nghiệp không chỉ sản xuất sản phẩm văn hóa mà còn đầu tư hạ tầng sáng tạo. Các không gian như VCCA, Manzi, Complex 01, The Factory, Sàn Art… không chỉ là điểm đến nghệ thuật mà là nơi chắp cánh cho nghệ sĩ trẻ, kết nối nghệ thuật với cộng đồng.
Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật biểu diễn như “À Ố Show”, “Làng Tôi”, “Teh Dar” của Lune Production – vốn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư – đang cho thấy nghệ thuật truyền thống có thể sống động, hiện đại và hấp dẫn nếu được đầu tư đúng cách. Những chương trình này thu hút hàng chục nghìn khán giả, không chỉ giữ được bản sắc mà còn đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Không dừng ở sản xuất sản phẩm, doanh nghiệp tư nhân còn góp phần vào bảo tồn di sản văn hóa – một lĩnh vực vốn được coi là trách nhiệm của Nhà nước. Các công trình như khu quần thể tâm linh Bà Nà Hills, Nhà hát Gió tại Quảng Ninh hay khu bảo tồn cố đô Hoa Lư… đều do các tập đoàn tư nhân như Sun Group, Vingroup, TMS Group đầu tư.
![]() |
Văn hóa không chỉ cần được gìn giữ mà cần được sống trong đời sống xã hội. Ảnh: baochinhphu.vn |
Tư nhân cũng là lực lượng tiên phong trong chiến lược xuất khẩu văn hóa. Các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo năng động, kết hợp bản sắc dân tộc với khả năng thương mại hóa – từ du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, game đến âm nhạc và điện ảnh.
Tuy nhiên, như Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam – lưu ý: “Hiện nay, khoảng 97.000 doanh nghiệp đang phải ‘tự bơi.’ Qua giai đoạn COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản. Không phải ai cũng thành công như Trấn Thành. Dù phim ‘Dòng máu anh hùng’ rất thành công nhưng hãng phim Chánh Phương của NSƯT Chánh Tín vẫn phá sản vì không ‘gồng’ được chi phí, lãi ngân hàng”.
![]() |
Một điểm nghẽn lớn được các chuyên gia chỉ ra là hệ thống pháp lý chưa theo kịp thực tiễn sáng tạo. Các quy định còn chồng chéo, chưa có luật chuyên biệt cho công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, vấn đề bản quyền, thiếu hụt quỹ hỗ trợ, khó tiếp cận vốn… đang khiến nhiều ý tưởng nghệ thuật không thể triển khai.
Nhà nước cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa nơi tư nhân được hỗ trợ mạnh mẽ qua ưu đãi thuế, tín dụng, chính sách khởi nghiệp văn hóa. Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư vào hạ tầng số và đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo – yếu tố then chốt để các sản phẩm văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh quốc tế. Văn hóa không chỉ cần được gìn giữ mà cần được sống trong đời sống xã hội. Để điều đó thành hiện thực, khu vực tư nhân cần được nhìn nhận là đối tác chiến lược của Nhà nước, không chỉ trong tư cách nhà đầu tư mà còn là người bạn đồng hành trong kiến tạo tương lai văn hóa Việt Nam.
Như PGS, TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Cần thay đổi tư duy từ ‘xin – cho’ sang ‘hợp tác – cùng phát triển’, từ ‘hành chính hóa’ sang ‘tạo điều kiện và hỗ trợ.’” Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh – ngoài khát vọng và sáng tạo còn cần sự đồng hành từ chính sách.