Đó là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Phiên họp thứ 25, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng cho rằng Nghị quyết này sẽ bao gồm các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề và nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội.
Tại kỳ họp, đánh giá cao việc tổ chức và triển khai hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào Tạo, Nguyễn Kim Sơn khẳng định “Chúng tôi chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông và giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội- cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể Nhân dân. Chúng tôi tự tin nói như vậy còn vì ngành giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế”. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã và đang tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo và yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ triển khai đánh giá giữa kỳ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng chủ yếu ở góc độ chuyên môn và góc độ chính sách. Các đánh giá bước đầu cũng khiến ngành giáo dục tự thấy cần có một số điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp.
Nhìn nhận việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là quá trình linh hoạt, là phát triển chương trình chứ không chỉ là triển khai thực hiện. Do đó, Bộ đang rốt ráo điều chỉnh Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa; đang cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách, việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần. Các hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu, chi phí phát hành…
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo vấn đề đặt ra lúc này chính là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới, sau năm 2025 khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có.
Bộ trưởng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, thậm chí là một Nghị quyết giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực.
Thảo Vy ( tổng hợp)