Sáng tác

Mùa than năm ấy. Truyện ngắn của Hoàng Kiến Bình

Hoàng Kiến Bình
Truyện 09:49 | 24/06/2025
Baovannghe.vn- Bước vào mùa hè năm hai nghìn, tôi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học thì bà nội trở bệnh ốm nặng. Cầm cự được hai tháng thì bà buông. Từ khi mẹ tôi vắn số mất sớm, bố tái hôn rồi đến ở tại nhà vợ để tiện làm ăn buôn bán, tôi được bà nội chăm bẵm từng miếng ăn giấc ngủ. Giờ bà ra đi mà chưa báo đáp được gì, tôi day dứt khóc thương bà và khóc thương cho chính mình.
aa

Mùa than năm ấy. Truyện ngắn của Hoàng Kiến Bình
Minh họa Đặng Tiến

Biết sức học và điều kiện của mình, tôi quyết định dừng việc học lại, đi kiếm việc làm. Vừa lúc gặp Hải, bạn học cùng lớp hồi cấp hai. Hải người cùng xã nhưng khác thôn, học xong cấp hai do gia cảnh khó khăn phải nghỉ học đi làm. Một thời gian không gặp giờ nhìn cậu ta cao lớn chững chạc rất ra dáng, duy có hàm răng hô thì không thay đổi. Hải cho biết hiện đang đi làm cửu vạn đào than thổ phỉ ngoài Quảng Ninh, công việc tuy cực nhọc nhưng tiền công kiếm được rất khá và rủ tôi nếu muốn làm có thể đi cùng vì người chủ đang cần tuyển thêm lao động.

Nghe Hải nói, tôi quyết định cùng Hải đi ra vùng Mỏ.

*

Vật vã trên xe khách cả một ngày trời, sau cuộc hành trình trên một tuyến đường dài cùng năm bến phà ngang vượt qua các con sông, tới chiều muộn tôi và Hải mới tới được bến xe khách Cửa Ông. Mặc dù mệt mỏi, tôi có chút yên lòng khi nhìn nhà cửa phố xá tuy nhuốm màu bụi than đen nhưng khá sầm uất, trên đường người cùng đủ các loại phương tiện ngược xuôi tấp nập. Dường như đọc được suy nghĩ trong tôi Hải cười bảo, mày tưởng được ở đây à! Nơi làm việc tít trong rừng cơ, từ đây đi xe ôm vào đó cỡ hai mươi cây số nữa. Hải hỏi rồi đồng ý với giá cả đưa ra của ông chú xe ôm nhìn đen đúa khắc khổ lẵng nhẵng bám theo sau mời chào nãy giờ. Hai thằng chúng tôi cùng leo lên chiếc xe máy Minsk cồng kềnh đen nhẻm bụi và bùn than. Chiếc xe ôm loay hoay vượt qua một quầng bụi rồi vút nhanh trên đường quốc lộ.

Ra khỏi khu vực bến xe Cửa Ông khoảng vài cây số thì phố xá nhà cửa đông vui bắt đầu lùi lại phía sau, phía trước là rừng núi im lìm trong bóng chiều chạng vạng. Càng đi tôi càng thấy hun hút. Bóng tối đã loang ra không gian từ lúc nào khiến cho cảnh vật hai bên đường biến thành những hình thù kỳ quái. Khi chiếc xe ôm rẽ vào một đường mòn đầy lau lách, qua loang loáng ánh đèn xe thì tôi bắt đầu thấy sợ và ân hận, đang yên đang lành lại dấn thân vào rừng thiêng nước độc. Lòng dạ tôi chao đảo ngả nghiêng theo chiếc xe ôm gập ghềnh trên con đường mòn xuyên màn đêm tiến sâu vào rừng. Tới lúc bên tai tôi nghe rõ tiếng nước chảy róc rách và đoán có một dòng suối quanh đâu đây thì chiếc xe ôm dừng lại bên một cái lán đột ngột xuất hiện trên sườn đồi. Hải bảo đã tới nơi. Rừng đêm bủa vây lấy chúng tôi tức thì khi ánh đèn xe rời đi. Tôi líu chân theo Hải ngược dốc một lối mòn lên lán. Ánh đèn trong lán hắt ra cửa, thấp thoáng bóng năm sáu người đàn ông nhìn ra dò xét. Nhận ra Hải, một người lớn tuổi gương mặt xương xẩu ra dáng là quản lý của đám người hỏi:

- Sao ra muộn thế Hải? Mà thằng đi cùng này là thằng nào?

Hải đứng tránh sang một bên:

- Em chào anh Lâm! Đây là Tùng bạn học cùng quê với em. Em rủ nó ra đây đi làm. Hôm trước nghe anh Cường nói đang cần thêm người để sắp tới mở cửa lò mới, mai anh ấy vào lán em sẽ nói chuyện.

Người đàn ông tên Lâm liếc sang tôi:

- Nhìn tướng tá thằng này thấy cũng ngon lành, khỏe mạnh. Thôi chúng mày đi ăn cơm, tắm rửa rồi nghỉ sớm, cả ngày ngồi tàu xe rồi. Cơm nước để phần dưới bếp đấy!

Chúng tôi cùng bước vào trong cái lán được dựng lên bởi tre gỗ đan ghép, lợp giấy dầu. Phía trong vách lán đối diện với cửa ra vào là một dãy phản gỗ xẻ được ghép với nhau kê cao hơn nền đất chừng nửa mét dùng làm giường ngủ và nơi sinh hoạt chung, trên phản ngổn ngang người nằm ngồi cùng hòm tôn ba lô các loại. Một cái dây thép chăng dọc theo vách lán chồng đống quần áo, chăn màn phơi vắt.

Đặt tạm hành lý vào một góc lán, Hải dẫn tôi đi thẳng vào bếp nhưng thực ra nó là một cái lán, bản sao nhỏ hơn lán chính. Lán bếp này được dựng áp vào lán chính phía đầu hồi, có hai cửa ra vào; một cửa thông thẳng ra khoảng sân đồi nhỏ phía trước, một cửa thông với lán chính. Nhờ ánh sáng của chiếc đèn măng xông bên lán chính hắt sang, Hải lại gần một cái giá tre hai tầng trong bếp xếp đầy rổ rá, bát đĩa nồi niêu xoong chảo lục tìm rồi bê ra một mâm cơm đặt lên cái phản tre gần đó. Trên mâm gồm một đĩa thịt ba chỉ kho dưa, hai khúc cá rán, một bát canh bí nấu xương và một âu cơm to đã được hai thằng chúng tôi vét sạch sau một ngày tàu xe đói khát.

Ngoài kia bóng tối bủa vây bốn phía cùng sương núi cuối thu mang hơi lạnh ùa vào khiến cho tôi vừa ngả lưng trên tấm phản gỗ đã chìm sâu vào giấc ngủ ngon lành.

Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi ngỡ ngàng nhìn cảnh quan rừng núi thâm sơn cùng cốc như đã mường tượng tối qua. Đang mùa khô, ngay trước mặt là con suối cạn trơ đá sỏi lổn nhổn, chỉ có một dòng nước nhỏ trong vắt cần mẫn len lỏi chảy. Phía xa xa là một bãi thải bùn đất bụi bay mù mịt của công trường khai thác than trong mỏ đổ ra. Trên các sườn đồi phía sau và xung quanh, từng mảng cây rừng bị đốn hạ trơ trọc, ngay đó là các đường đất xẻ nham nhở như những vết dao cứa sâu vào da thịt đang chảy máu. Hải bảo tôi chỗ có mấy đường đất xẻ và những vệt đen đen nhìn như lỗ tổ mối đùn đất ra trên sườn đồi kia chính là các lò than thổ phỉ đang khai thác, những lò than này thuộc sở hữu của mấy tay chủ lò, thường thì mỗi chủ lò có một vài con lò và họ đều là những dân anh chị máu mặt. Thấy tôi có vẻ nản Hải động viên, công việc ở đây nhọc nhằn và nguy hiểm nhưng tiền công rất cao có khi bằng mấy chỗ khác, có sức khỏe như mày lo gì cứ làm thử một vài tháng nếu thấy không hợp thì thôi, giờ mà bỏ về thì tốn tiền tàu xe. Nghe nói đến tiền tàu xe, tôi lén sờ tay vào túi quần nơi còn lại được ít tiền mà trước lúc mất bà nội trao cho rồi đành tặc lưỡi.

Tới trưa thì anh Cường chủ lò từ Cửa Ông vào lán. Ngay lần đầu gặp anh Cường, tôi đã rén ngang và ngưỡng mộ khi nhìn thấy một người đàn ông cao lớn bụi bặm với bộ quần áo rằn ri, giày đinh cưỡi trên chiếc xe máy Win 100 màu đen rất thời thượng. Vừa nhìn thấy và nghe Hải giới thiệu, anh Cường đồng ý nhận tôi vào làm ngay. Anh Cường tầm ngoài ba mươi tuổi, gương mặt điển trai trông khá hung dữ đúng chất dân xã hội. Có lẽ nhìn anh sẽ bớt dữ đi nếu như không để quả đầu cạo trọc trắng bóng cùng đôi khuyên tai to tướng. Theo đánh giá của mọi người, tuy nhìn bặm trợn vậy nhưng anh Cường chưa bao giờ đánh đập công nhân và đặc biệt rất sòng phẳng chuyện tiền bạc công cán, đó là điều mà tất cả đám cửu vạn quan tâm bởi nếu số đen đủi đi làm mà gặp phải thằng chủ lò khốn nạn quỵt tiền công có khi còn bị nó đánh cho nhừ tử thì coi như mồ hôi công sức đổ xuống sông xuống suối.

Ngày hôm sau thì có thêm mấy người cũng từ các miền quê ra. Anh Cường quyết định tách đám cửu vạn ra làm hai nhóm, mỗi nhóm bảy tám người; một vẫn làm ở lò cũ, một nhóm mở thêm một cửa lò mới. Tôi và Hải ở nhóm mở lò mới.

Nhóm mở lò mới di chuyển dọc theo con suối sang địa điểm cách lán chừng hơn cây số rồi phát cây rừng làm lối đi, trèo đồi lên đến điểm chỉ định. Chờ cho anh Cường làm lễ thắp hương bằng một mâm xôi gà thủ lợn xong, cả nhóm bắt đầu phát quang cây cỏ một khoảng đồi. Lâm đen - trưởng nhóm và là người có kinh nghiệm lò bễ nhất bắt đầu lấy choòng sắt chọc xuống đất rồi dùng xẻng đào lên xem xét chất đất phán đoán chỗ nào nghi có vỉa than chạy qua. Theo mọi người công việc này rất quan trọng bởi nó quyết định đào nhanh hay chậm thì gặp vỉa, nhiều khi chỉ cần chệch đi mấy mét là mất bao công sức tiền của. Sau khi đã chọn được vị trí thích hợp, anh Lâm đóng cọc chốt vị trí mở cửa lò. Cả nhóm dùng choòng, cuốc, xẻng tiến hành đào hàm ếch vào sâu trong lòng núi, đất đào ra đến đâu được xúc vào thúng đội vận chuyển hất ra ngay sườn đồi gần đó. Đám Lâm đen, Phúc trố, Hiệp híp là mấy người biết kỹ thuật chống lò đi vác những cây gỗ đã được chủ lò Cường chuẩn bị từ trước, đục đẽo và chặt mộng. Chờ cho bọn gồm bốn đứa chúng tôi chia làm hai cặp xúc nâng và đội sạch hết chỗ đất vừa đào thì mấy anh vào đặt khuôn chống lò. Khuôn lò dạng hình thang gồm ba cây gỗ khá to được ghép mộng lại với nhau cao chừng hơn hai mét gọi là vì lò, mỗi vì lò được chống cách nhau 70km, vách trên và hai bên hông lò thì được chèn chống bằng những cây gỗ nhỏ hơn.

Tới trưa cả nhóm vừa đào, chống được năm vì lò. Nhọc rã rời, mặc kệ người ngợm quần áo bám đầy bụi đất chúng tôi chui vào lùm cây gần đó ăn uống, món ăn là mấy đồ cúng lễ trước đó. Nghỉ ngơi tầm một tiếng, đội quân lại tiếp tục đào bới. Càng đào vào sâu, tốc độ càng chậm lại do gặp lớp đất đá rắn. Choòng, cuốc vung lên gặp phải đá tóe lửa, thêm không khí oi nồng bí gió khiến ai nấy mồ hôi túa ra ròng ròng nhớp nháp ướt đẫm quần áo. Tới chiều muộn nhóm đào thêm được ba vì lò nữa rồi tất cả cùng quay về lán nghỉ. Trước khi lên lán mọi người ào xuống suối giặt giũ tắm rửa mặc cho cái lạnh từ trên núi bắt đầu tràn xuống.

Dưới lớp giấy dầu của cái lán tre chật chội, đám cửu vạn ồn ào ăn uống trong không khí nồng nặc bởi mùi xào nấu trong bếp tỏa ra lẫn với mùi mồ hôi, quần áo ẩm ướt cùng mùi hôi chân bốc lên từ các đôi giày ủng và tất chân vứt bừa bãi dưới gầm sàn.

Cơm nước xong thì bóng tối đã bao trùm xung quanh, rừng đêm như muốn nuốt chửng cái lán nhỏ. Vừa ngả lưng trên các tấm phản gỗ, tre nứa làm giường giấc ngủ đến rất nhanh với cả nhóm sau một ngày lao động mệt lử.

Con lò mà chúng tôi đang làm, đào vào sâu trong lòng núi thì càng chối bởi lớp đất đá ngày càng cứng. Thấy tình hình như vậy anh Lâm bàn với anh Cường phải bắn mìn chứ như này đào cả ngày không nổi một vài mét lò. Mìn là những thỏi thuốc nổ hình trụ giống như chiếc dùi trống nhưng ngắn hơn được đấu kíp ròng dây rồi nhét sâu vào các kẽ lỗ đã được chọc sâu trong lớp đất đá và được bịt lại bằng đất dẻo, an toàn thì kích nổ. Quả nhiên sau khi tiếng nổ “bùm, ục” của những quả mìn phát ra làm rung chuyển xung quanh, lúc này đất đá om ra năng suất đào nhanh thấy rõ. Khổ nhất là mỗi lần bắn mìn xong đám cửu vạn chúng tôi phải lấy cành lá cây làm quạt khua đi khói mìn đặc quánh trong lò, rồi có khi do tác động của nổ mìn cột chống, văng gỗ xiêu vẹo, nóc lò tụt theo cả mảng mất rất nhiều công sức củng cố đường lò.

Càng đào vào sâu không khí càng ngột ngạt khó thở, lúc này chủ lò đầu tư mua máy phát điện cùng quạt thông gió bơm gió tươi từ bên ngoài vào lò, không khí mới đỡ hơn có thể tiếp tục làm việc. Những chiếc đèn măng xông thắp sáng treo trên các cột gỗ lò tiếp tục được nối dài ra theo chiều sâu của đường lò.

Dưới ánh sáng của những chiếc đèn măng xông phần nào xua đi bóng tối đen đặc trong lò, đám người hùng hục đào, chống, xúc, đội từng thúng đất đá đi qua đoạn lò dài đã đào đem đổ ra ngoài.

Đào vào sâu thì dấu hiệu của lớp đất đen báo hiệu vỉa than ngày càng rõ khiến ai nấy đều háo hức. Tới khi chạm vào một vỉa than đen ánh lên những tảng than kíp lê phản chiếu lại nhoang nhoáng thì cả nhóm bỏ choòng cuốc sung sướng lao ra ngoài cửa lò hét ầm lên “gặp vỉa rồi”. Giờ thì tôi mới hiểu tại sao câu nói hay được dùng ở vùng than là “sướng như đời gặp vỉa”.

Trong lúc chờ chủ lò thuê máy gạt đồi làm đường lên xuống cho xe ô tô vào tận cửa lò bốc than, chúng tôi được nghỉ ngơi ăn mừng cho việc đào lò gặp vỉa. Ăn uống, rượu thịt ê hề.

Một chiều, trước khi rời lán ra khỏi rừng anh Cường bảo cả toán:

- Tối nay anh sẽ có món thịt tươi mời các chú. Cứ chuẩn bị tinh thần nhé!

Cả nhóm vỗ tay rần rần. Thấy tôi và một vài người mới ngơ ngác không hiểu anh Cường nháy mắt “rồi chú em sẽ biết” khiến cả bọn cười phá lên. Tôi càng thấy tò mò.

Dường như ai cũng mong đợi về điều anh Cường nói, bữa tối trôi qua rất nhanh. Và chả phải đợi lâu, đã nghe tiếng xe ôm xình xịch dưới chân đồi. Mọi người háo hức nhìn ra và ồ lên vui sướng khi thấy bóng hai cô gái ăn mặc hở hang, ưỡn ẹo theo chân gã xe ôm lên lán. Tôi đã hiểu đây chính là món thịt tươi mà anh Cường nói…

Sau khi đào tới vỉa, thì than bắt đầu được khai thác bằng cách nổ mìn để đào thêm các lò xương cá ngoài lò chính. Đào lò đến đâu chống cuốc đến đó, than được đám cửu vạn chúng tôi đội ra ngoài cho lên các xe ô tô tải zin ba cầu lần lượt vào chở than ra các cảng tiêu thụ. Có hôm vì lý do nào đó xe ô tô không vào điểm được, than khai thác ra chất thành từng đống ngồn ngộn trên sườn núi. May mắn là con lò chúng tôi đào gặp được vỉa than loại tốt bán rất được giá. Có tiền bán được than anh Cường tính toán ngày công rồi trả lương cho anh em. Tùy theo vị trí công việc của mỗi người sẽ nhận được số tiền tương xứng.

Lần đầu tiên được cầm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi dính than đen ngay tại cửa lò, tôi đã ứa nước mắt. Xung quanh tôi cả một đám không biết là người hay ngợm nữa bởi ai cũng bị bụi than phủ kín mặt mũi toàn thân đen nhẻm chỉ chừa ra hai con mắt thô lố và hàm răng trắng hếu, riêng thằng Hải bụi than còn dính vào làm đen sì mấy cái răng cửa vì răng hô. Tay chân người nào người nấy đều bị đất đá, than kíp cứa vào da thịt tạo thành những vết sứt sẹo ngang dọc.

Đồng tiền kiếm được nhọc nhằn quá! Nhưng bù lại nó gấp rất nhiều lần số tiền trước lúc mất bà nội đã vất vả dành dụm đưa cho tôi. Tôi thấy thương bà, thương người bố tội nghiệp của tôi mỗi lần ghé thăm nhà thường nhìn trước ngó sau mới dám rút trong túi ra vài đồng tiền còm cõi đưa cho hai bà cháu.

*

Mọi chuyện bắt đầu phức tạp từ khi con lò ra than. Đám chủ lò thấy than khu vực này tốt bắt đầu bu lại đào. Cửu vạn và đội quân ăn theo kéo đến, lều lán dựng lên khắp nơi. Đã có đánh nhau, thương vong do tranh giành lãnh thổ. Ngoài thời gian làm việc, cái lán chỗ bọn tôi giờ thường xuyên có khách là bọn cửu vạn ở lán khác tới chơi; đầu tiên chỉ uống trà rồi có tiền thì tổ chức cờ bạc ba cây, xóc đĩa ăn tiền, sau thua quay ra cãi chửi nhau.

Một hôm thằng Hải gọi tôi ra bờ suối bảo:

- Tiền nong cất giữ cẩn thận kẻo bị bọn nó ăn cắp mất. Mà mày nhớ đừng có dính vào cái thứ thuốc bột trắng như bột sắn dây bọn nó đưa vào nhé! Ma túy đấy! Dính vào là tàn đời ngay. Lán mình thì chưa thấy chứ mấy lán kia đã có mấy thằng bị rồi. Nghiện là không dứt ra được đâu. Gái gú có chơi thì nhớ đeo ủng vào. Cố cày cuốc mấy tháng nữa kiếm tí vốn rồi tao với mày về quê cho nó lành.

Hải chẳng dặn thì tôi đã đề phòng và tính toán bởi sớm mồ côi mẹ, bố đi lấy vợ, lớn lên trong vòng tay yêu thương khó nhọc của bà đem đến cho tôi những trải nghiệm cùng suy nghĩ già dặn trước tuổi. Cứ có tiền công tôi gọi xe ôm ra phố mua từ nửa chỉ vàng nhẫn rồi lén dùng kim chỉ khâu vào cạp và gấu quần bò giống như trước đây bà nội hay để tiền trong ruột tượng, lần nào chưa kịp mua tôi thường gửi tiền bác Mộc già, người chuyên nấu ăn cho cả lán giữ hộ.

Nhưng ngay sau đó con lò của chúng tôi xảy ra chuyện. Anh Phúc trố người chuyên bắn mìn, thường thì mỗi lần mìn nổ xong chờ cho khói tan ra anh sẽ là người kiểm tra trước, thấy ổn thì bọn còn lại mới vào, vừa chống cuốc củng cố cho đường lò an toàn rồi xúc, tải và đội than ra ngoài cửa lò. Hôm đó vừa nổ mìn xong anh vào kiểm tra rồi không thấy ra nữa. Chờ một lúc, sốt ruột mọi người vào tìm kiếm, tới gần đến gương lò thì hãi hồn khi thấy đất đá tụt lấp kín một khoảng đường lò. Tất cả lặng đi và hiểu anh Phúc đã bị vùi dưới đống đất đá kia. Đào bới hơn nửa ngày mới tìm thấy xác anh bị đất đá làm biến dạng đến mức không nhận ra. Để che giấu, chủ lò Cường chờ đêm tối xuống mới bọc xác anh vào trong túi nilon cho lên thùng xe ô tô phủ kín than đưa ra ngoài rừng rồi chuyển về quê. Không ai cầm nổi nước mắt khi dõi theo chiếc xe chở người anh xấu số từ từ rời xa. Chuyện này ám ảnh chúng tôi nhiều ngày, đến nỗi trước khi vào lò đều phải thắp hương cầu linh hồn anh siêu thoát và phù hộ.

Rồi tiếp theo đó có tin tức chấn động; con lò của chủ Dũng sẹo đồi bên cạnh bị sập vùi lấp ba người. Liền một lúc ba mạng người, chủ lò Dũng sẹo cùng đám cửu vạn còn lại hãi quá bỏ chạy mất tăm mất dạng. Tin ấy loang ra làm đám cửu vạn chúng tôi hoang mang, kinh sợ. Lúc này giấy đã không thể gói được lửa. Bắt đầu thấy có các ban ngành, cơ quan chức năng kết hợp chính quyền vào điều tra đào bới, họ dùng xe gạt máy xúc và công nhân cấp cứu mỏ chuyên nghiệp đào lên được ba cái xác đã bắt đầu phân hủy. Ngay sau đó thì có một đội liên ngành của nhà chức trách dùng mìn đánh sập các cửa lò, đốt các lán trại, đình chỉ hoạt động của những lò than thổ phỉ trong khu vực.

Đội quân cửu vạn tán loạn giải tán.

Nhờ quan hệ, lo lót tốt mà cả lán và hai con lò của chủ lò Cường đều không suy chuyển gì, nhưng đành án binh bất động chờ thời cơ thích hợp mới được khai thác tiếp. Đám cửu vạn trong lán được Cường chu đáo tiền nong tàu xe về quê.

Riêng tôi và Hải thì được anh Cường giữ lại trả công để trông lán cùng hai con lò, đề phòng bị bọn khác đến cướp.

Nhiệm vụ của chúng tôi là ở lại lán, ngày hai lần lượn qua các cửa lò đã được ngụy trang dấu kín bằng những cành lá. Nếu phát hiện gì bất thường thì báo ngay cho chủ. Cứ hai ngày có xe ôm tiếp tế đồ ăn thức uống từ chợ ngoài phố vào, muốn ăn uống thế nào tự nấu. Ban ngày còn đỡ nhưng cứ đêm xuống, núi rừng chìm trong hoang vắng đến rợn người…

Nhưng chỉ được ít lâu, người dân đi rừng đào ba kích bắt gặp hai bộ xương người ở khu đồi bên kia lán. Các bộ xương này nghi ngờ có liên quan đến than gio thổ phỉ.

Nhà chức trách lại tiếp tục điều tra.

Ngay sau đó thì chính quyền ngày càng quyết liệt ngăn chặn nạn than thổ phỉ. Hai cửa lò mà chúng tôi canh giữ tiếp tục bị các cơ quan chức năng cho nổ mìn phá sập, cả cái lán cũng bị đốt thiêu rụi trơ nền đen nhẻm.

Tôi cùng Hải khăn gói về lại quê...

*

Về quê được một thời gian, tôi và Hải đều quyết tâm đi học nghề cơ khí. Xong khóa học, số phận sắp đặt run rủi thế nào mà cả hai chúng tôi đều xin được vào làm thợ mỏ trong cùng một mỏ than rồi lấy vợ sinh con, lập nghiệp tại đất mỏ.

Tính từ cái năm chúng tôi đi làm than thổ phỉ tới nay đã hơn hai mươi mùa than trôi qua, vật đổi sao dời. Và thời gian hơn hai mươi năm, cộng thêm gánh nặng mưu sinh đủ để cho câu chuyện của chúng tôi năm tháng đó cất kỹ trong ngăn kéo ký ức…

Móng Cái, 30/4/2025

Hi sinh ở mặt trận phía Nam. Bút ký của Nguyễn Ngọc Lợi

Hi sinh ở mặt trận phía Nam. Bút ký của Nguyễn Ngọc Lợi

Baovannghe.vn- “…Hi sinh ngày 18 tháng 11 năm 1972 tại mặt trận phía Nam” - Đó là mấy lời ghi trong giấy báo tử cậu em vợ tôi. Liệt sĩ Vũ Bá Tốp, nhập ngũ tháng 1 năm 1972. Lần nào đọc lại dòng chữ này lòng tôi cũng bứt dứt không yên.
Khai mạc trưng bày "Ký ức thời hoa lửa" tại Huế

Khai mạc trưng bày "Ký ức thời hoa lửa" tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 25/7, Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế đã khai mạc trưng bày chuyên đề Ký ức thời hoa lửa tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm. Trưng bày chuyên đề giới thiệu gần 120 hình ảnh, tư liệu và hiện vật tiêu biểu.
Góc nhìn mới về  “Mùa thu độc lập và Khát vọng phồn vinh”

Góc nhìn mới về “Mùa thu độc lập và Khát vọng phồn vinh”

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ đã ký Quyết định số 2568/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch tổ chức Triển lãm tư liệu Kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025) với chủ đề “Mùa thu độc lập và Khát vọng phồn vinh”.
Đào tạo nguồn nhân lực phê bình nghệ thuật số

Đào tạo nguồn nhân lực phê bình nghệ thuật số

Baovannghe.vn - Phê bình nghệ thuật số có thể được hiểu là việc đánh giá, phân tích và bình luận về các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra hoặc lan truyền trên môi trường kỹ thuật số, bao gồm việc xem xét các khía cạnh như tính sáng tạo, kỹ thuật, ảnh hưởng văn hóa và ý nghĩa xã hội của nghệ thuật số
Triển lãm "Ngày thứ 49 lần thứ 4 - Miền tự do"

Triển lãm "Ngày thứ 49 lần thứ 4 - Miền tự do"

Baovannghe.vn - Chiều 25/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh sơn mài Ngày thứ 49 lần thứ 4 - Miền tự do của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương.