TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
1.
Thành cổ Quảng Trị tháng 4 - 1972. Tiếng đạn pháo, máy bay gầm rú. Những tiếng nổ chói tai cùng tiếng vè vè máy bay OV10 của địch đang phát ra những đoạn nhạc tâm lý chiến và lời kêu gọi chiêu hồi. Không khí nghẹt thở, căng thẳng, ác liệt làm nhức nhối thần kinh con người, trong một cuộc chiến đã kéo dài nhiều ngày qua. Ba chiến sĩ quân giải phóng đang bám trụ tại một góc phố đổ nát. Một chiến sĩ văng tục: “Tiên sư chúng mày, ra rả suốt ngày. Hát ỉ hát eo nhạc vàng, nhạc xanh rồi tâm lý chiến đến điếc cả cái lỗ tai bố mày. Này. Tao là dân Hà Nội gốc đấy nhé. Bẩy, chứ không phải chỉ là ba đời đâu. Hàng à. Bọn tao sẽ đánh nhau với chúng mày đến viên đạn cuối cùng, thậm chí là cả giọt máu cuối cùng nữa, bọn chó nghe rõ chưa?” Hòa, một chiến sĩ nghe bạn mình chửi đổng, cũng khoái chí cười to: “Bố mày đây cũng thề như thế đấy. Bố mày cũng nhớ mái trường đại học. Nhớ người yêu. Nhớ Hương tí chút. Nhưng càng nhớ, bố mày đánh càng hay, càng ngon đấy. Kìa. Nó vòng lại để chỉ điểm. Đừng chủ quan các cậu ơi. Vòng lại lần này, nếu thấy không động tĩnh gì là chắc chắn, chúng sẽ nã pháo lớn đấy. Minh ơi. Tự nhiên, tao thấy nhớ Hà Nội quá. Con nhớ mẹ quá. Mẹ ơi”. Rồi Hòa thét lên, lạc cả giọng: “Nào. Minh ơi! Các đồng chí ơi! Bắn. Bắn nữa đi. Phải giữ lấy mảnh đất thành cổ Quảng Trị anh hùng này”. Chiến sĩ có tên là Minh, nghe Hòa gọi tên mình, cũng hào hứng hô to: “Nhất trí. Quyết tâm cao. Hòa ơi. Cho dù có hy sinh trên mảnh đất này, chúng ta cũng sẽ được nằm lại trong lòng đất mẹ Tổ quốc! Đúng không”. Bất chợt, những quả bom nổ tung, khói bom mù mịt, tất cả như tan biến, cả ba chiến sĩ quân giải phóng như hóa thành những đám mây trắng, bay lên, bay lên trên bầu trời Quảng Trị, soi bóng xuống dòng sông Thạch Hãn trong xanh.
Minh họa Lê Trí Dũng |
Cũng đúng vào thời gian đó, Hương choàng tỉnh dậy. Người cô ướt đẫm mồ hôi. Mặc dù trời Hà Nội đã thay áo vào đông, tháng mười đượm mùi hoa sữa tỏa hương trên từng mái ngói rêu phong phố cổ. Lâu lắm rồi, Hương mới có một giấc mơ thật kỳ lạ về chiến tranh. Về bom đạn. Về thành cổ Quảng Trị, mà sau ngày giải phóng miền Nam đã nửa năm nay, báo chí ngày nào cũng nhắc đến như một địa danh anh hùng, bất tử. Nhưng lạ nhất giấc mơ đó lại là hình ảnh Hòa, người yêu của Hương, và Minh, người bạn thân của Hòa trong ngành an ninh đã vào chiến trường Quảng Trị từ Giáng sinh năm 1971. Họ đang chiến đấu, rồi bom đạn từ trên máy bay địch dội xuống. Tất cả như tan biến. Nhòa đi và hóa thành ảo ảnh. Những giọt nước mắt cứ ứa ra trên khóe mắt rồi ướt đẫm hai gò má! Cô rùng mình. Chẳng lẽ nào Hòa và Minh đã không còn nữa. Họ đã hy sinh và báo mộng cho Hương?
Không. Không thể nào. Vì Hòa và Minh là các chiến sĩ thuộc ngành an ninh, là công an chứ có phải quân giải phóng đâu mà trực tiếp chiến đấu tại chiến trường. Khi Hòa học xong ngành cảnh sát và ra trường công tác được một năm, Hương đang làm luận văn tốt nghiệp, chỉ chúi mũi vào học hành văn chương, thơ phú. Đó là một ngày mùa đông lạnh giá Hà Nội, trước lễ Giáng sinh năm 1971. Lúc này, các trường đại học đã sơ tán khỏi Hà Nội. Hòa đèo Hương trên chiếc xe đạp Thống Nhất mà anh vừa được cơ quan phân phối, đưa Hương đến trường để lấy một số sách vở, tài liệu. Sáng mai Hương sẽ về nơi sơ tán, còn Hòa sẽ vào chiến trường. Cuộc chia tay của họ diễn ra giản dị như thế, nhưng một cái hôn cháy bỏng, ngây thơ, trong trắng là một dấu ấn không bao giờ phai trong suốt bốn năm qua cho đến hôm nay. Vậy mà, lẽ nào giấc mơ kỳ lạ đó lại báo mộng cho Hương một mất mát, đau thương bất ngờ như thế?
Ra trường với tấm bằng loại ưu chuyên ngành khoa học xã hội, Hương đã trở thành một cán bộ nghiên cứu của một học Viện. Xinh đẹp, thông minh, và cả ngoan nết; với tuổi đời vừa đủ độ chín của một thiếu nữ mới ngoài hai mươi tuổi, Hương đã nằm trong tầm ngắm của không ít các chàng trai tài ba, vừa có học vấn, bằng cấp, cả trong nước cũng như từ nước ngoài về; cả giàu có cũng như địa vị cao trong xã hội. Vậy mà, Hương vẫn lẳng lặng một mình như một cái bóng- đến cơ quan, về nhà- về nhà, đến cơ quan. Cô trở nên ít nói và ngại tiếp xúc với tất cả mọi người. Nhưng trong tận cùng tâm hồn sâu thẳm của Hương, bạn bè cùng trang lứa đại học với cô vẫn biết rằng Hương luôn hy vọng, chờ đợi một người thân yêu nhất của mình, đó là Hòa, người bạn thân thiết, người yêu lý tưởng, mối tình đầu cháy bỏng nhưng hồn nhiên, trong sáng, đã tạm chia xa trong những tháng năm chiến tranh chống Mỹ, với lời ước hẹn thủy chung, son sắt đợi chờ. Nhưng rồi, thời gian như bóng câu cửa sổ. Sau hiệp định Pa-ri đầu năm 1973, cho đến khi ra trường nhận công tác, Hương vẫn thường xuyên đến thăm nom gia đình bố, mẹ Hòa như lời cô đã hứa ngày Hòa ra đi. Nhưng càng đến thăm, Hương lại càng nản lòng hơn, bởi tin tức về Hòa vẫn bặt vô âm tín. Ngay cả bố mẹ Hòa, sau khi nhận lá thư duy nhất của con trai mình sau khi vào chiến trường, cũng hoàn toàn mất liên lạc. Cho đến ngày ba mươi tháng tư, năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. Đất nước hòa bình đã một thời gian, Hòa vẫn không một dòng tin tức.
2.
Sáng hôm sau, trước giờ đi làm, Hương tranh thủ tỉ tê với mẹ về giấc mơ kỳ lạ đêm qua. Cô vẫn cảm thấy lòng mình xao xuyến, tuy có chút bất an cùng nhiều cảm xúc mơ hồ đan xen không rõ rệt. Bà Giang, mẹ cô thì cứ an ủi như bốn năm nay, bà vẫn dỗ dành con gái bằng những tình cảm loanh quanh và vô thưởng vô phạt. Nào là. Mẹ biết thằng Hòa nó sẽ trở về con ạ. Chiến tranh mới kết thúc, còn khối người đi lính đã về đâu. Mẹ còn mơ thấy Hòa và con làm đám cưới vui lắm. Đại loại là thế. Nhưng Hương không còn tin lời mẹ nữa. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Văn rồi đi làm ở một Viện nghiên cứu, từ một thiếu nữ tuổi tin, nay Hương chỉ cách tuổi băm dăm ba ki- lô- mét nữa thôi. Hòa bình đã được một thời gian, xung quanh cô, ở Viện, khu phố, rồi cả ở quê, không ít người lính đã trở về, hoặc chí ít cũng đã ghé về thăm nhà dăm bữa, nửa tháng. Vậy mà Hòa và Minh vẫn cứ tin chìm đáy nước. Hôm bà mẹ Minh đến Viện tìm Hương, khi thấy vẫn bặt tăm vô lối, bà khóc rưng rức. Còn bên gia đình Hòa thì khỏi nói, đến nỗi lâu lâu Hương mới dám ghé thăm, vì vết buồn cứ như xé toang tấm lòng và trái tim của bố mẹ Hòa. Vậy mà đến buổi tối, lúc đi làm về, vừa bước vào cửa phòng khách, Hương đã nghe được đoạn đối thoại thật buồn lòng của bố mẹ mình.
Ông Châu, bố Hương là Phó Viện trưởng của một cơ quan thuộc ngành khoa học xã hội. Vóc dáng phốp pháp, kính trắng lấp loáng, luôn tỏ vẻ trí thức, quan trọng. Hình như, ông đang cố gắng thuyết phục vợ một vấn đề gì đó. “Thế thôi bà ạ. Việc con Hương, ta cứ tạm coi là xong đi. Công ăn việc làm ổn định. Năm nay, nó cũng hăm lăm hăm sáu rồi. Được cái xinh đẹp, ngoan ngoãn. Tôi đã nói chuyện với ông bà bên ấy. Ông ta là Vụ trưởng Vụ Tổ chức của một Bộ, bà vợ là Trưởng phòng. Nhà có hai chị em thì cô chị đã đi Tây làm tiến sĩ, rồi ở lại từ mấy năm nay. Còn cậu út cũng là cán bộ nhà nước. Hình thức thì bình thường thôi, nhưng được cái làm ở phòng thuế, nhiều bổng lộc. Gia đình họ tuy có chức vụ, giàu có, nhưng lại rất gia phong, nền nếp. Thằng này bằng tuổi con Hương. Vợ chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn. Các cụ xưa nay dạy thế. Bà Giang phong thái hiền lành. Nhẫn nhịn. Bà là cán bộ hành chính đã nghỉ hưu, ở nhà trông nom nhà cửa, chăm sóc chồng con”. Thấy ông cứ nói mãi cái điệp khúc mối mai cho con gái đã nghe suốt cả tháng nay nên sốt ruột ngắt lời: “Được rồi. Được rồi. Tôi hiểu ý ông rồi. Nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn lắm”… Trời. Bà còn băn khoăn gì nữa. Hôm nay là thứ bảy, chủ nhật tuần tới, tôi và bà sang bên ấy, gặp gỡ thân mật gia đình người ta cho vui vẻ bước đầu đã. Nhưng con Hương nhà mình, nó vẫn cứ hy vọng đợi chờ cậu Hòa, người yêu từ hồi nó còn đại học ấy. Ông chỉ mải mê công việc, không quan tâm, gần gũi, nên ông không biết. Còn tôi, ngày nào cũng tâm sự, chuyện trò. Mình cũng nên tôn trọng tình cảm của nó. Ông Châu cáu: “Nhưng khổ quá, đã có tin tức quái gì về cậu ta đâu. Hòa bình rồi, nhiều người lính trở về rồi. Đằng này, cậu ta vẫn cứ bặt vô âm tín. Còn nếu bà vẫn cứ băn khoăn, thì tôi cũng nói thẳng với bà luôn nhé. Cứ cho là cậu ta còn sống, và ngay ngày mai có trở về, thì tôi và bà đã có gì ràng buộc với nó đâu, hai gia đình lại chưa từng có một lời ước hẹn với nhau nào cả. Nói thật với bà, trước sau gì, tôi cũng chỉ coi nó là bạn của con Hương nhà ta cái thời sinh viên mà thôi”. “Đấy là suy nghĩ của ông. Còn với con gái mình, đã coi cậu Hòa là người yêu duy nhất của nó rồi, thì ta cũng phải tôn trọng chứ ông. Chỉ mới hòa bình thôi, cũng còn khối anh bộ đội chưa trở về. Thôi được. Bây giờ khuya rồi. Ta đi nghỉ thôi, nhưng cứ trao đổi hết với bà như thế. Tôi đã hẹn con gái cưng của bà vào tối mai, có gì ta thẳng thắn với nhau cho rõ mọi chuyện. Nhưng bà nhớ là phải nghe lời tôi, theo ý tôi, ủng hộ tôi để thuyết phục nó, cả ép nó nữa. Dù sao, tôi phải có trách nhiệm với nó, với cuộc sống của nó, với hạnh phúc của nó!
Đúng như Hương dự đoán, sau cuộc đối thoại mà cô vô tình nghe được đó, ngay tối chủ nhật hôm sau, ông Châu đã đích thân chỉ thị cho cô phải ra phòng khách để nghe ý kiến kết luận chính thức của ông! Nhưng khi thấy Hương cứ ngồi im như thóc giống đã lên mầm, không chịu được, ông giận dữ dằn mạnh chén nước xuống mặt bàn, gằn giọng: “Hương. Tại sao bố mẹ đã nói chuyện với con suốt từ tối tới giờ mà con cứ im lặng mãi thế. Nào, nói đi. Hôm nay, bố mẹ sẽ nghe con nói lời cuối cùng cho rõ mọi nguồn cơn, để bố cũng tìm biện pháp cuối cùng đây. Người ta đang đồn ầm lên khắp các cơ quan viện, là con Hương nhà ông Châu Phó Viện trưởng, do thất tình mà mắc chứng bệnh tâm thần. Vậy tin đồn đó có đúng không? Con bị bao giờ? Lý do từ đâu?” Sợ ông Châu nổi nóng, bà Giang đứng dậy can: “Kìa ông. Cứ từ từ để con nó nói xem sao”. Ông Châu cáu thật sự: “Từ từ cái gì. Lỗi tại bà đấy. Lúc nào cũng bênh nó chằm chặp. Nó mắc chứng tâm thần phân liệt rồi, bà biết không. Người ta đồn ầm lên. Tôi không tin, nhưng dạo này thấy nó cứ lặng lẽ, mơ mơ tỉnh tỉnh, thỉnh thoảng cười cười nói nói một mình, rồi thơ phú anh anh em em, cứ như ma làm ấy. Tôi phát hoảng”. Bà Giang ngạc nhiên: “Ơ hay. Ông ăn nói linh tinh cái gì thế. Ma nào, ma gì? Có mà tại ông thì có. Lúc nào cũng nóng nảy, cứ ầm ầm lên. Con nó có làm sao, thì lại đến tay tôi chứ ông thì làm được gì ở cái nhà này”. Nhưng tôi là Phó Viện trưởng, tôi là lãnh đạo. Người ta bàn luận ra rả bên tai tôi mỗi khi hội họp đông người. Con gái gì mà học hành tử tế, lại không chịu tu tỉnh, ổn định gia đình mà lập nghiệp, lại cứ lẵng nhẵng chờ đợi cái mối tình thời còn trẻ ranh. Cả hội thảo khoa học trên Viện lớn, trên Bộ ấy, tôi không chịu được. Mà toàn là cái bọn đểu, chuyện nhà người ta chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường, nó cứ làm như nằm dưới gậm giường nhà mình ấy. Chúng nó muốn đánh tôi, muốn tranh cái chức vụ của tôi. Bà hiểu không”.
Nghe đến câu đó, Hương quay sang nhìn chằm chằm ông Châu, một người bố “công cha như núi thái sơn”- nhưng có lúc lại như một vật thể lạ ngoài hành tinh mà cô không tài nào hiểu nổi. Rồi nhìn mẹ thương cảm, nhưng cô vẫn lặng lẽ cúi xuống trang sách trên bàn làm việc. Thấy vậy, sợ ông Châu nổi nóng, bà Giang thẽ thọt với Hương: “Kìa Hương. Có gì thì con cứ nói ra đi, cho bố mẹ yên lòng”. Hương khẽ ngước lên “Mẹ ơi. Có gì đâu ạ.” Nghe thấy vậy, không nhịn được nữa, ông Châu lại quát lên: “Hương. Mày có là con bố nữa hay không?”. Bà Giang chạy đến bên ông Châu, can:
“Kìa ông”.
Hương vẫn thản nhiên: “Thưa bố, có chuyện gì đâu. Mà bố làm sao thế ạ?”. Như bị trêu ngươi, ông Châu đứng vụt dậy.
“Làm sao cái gì? Mày thần kinh thật rồi. Thôi nhé. Mày không nói thì nghe bố nói đây.” “Vâng. Bố thích nói, thì bố cứ nói đi ạ.” Ông Châu như bị chọc giận, càng điên lên: “Được rồi. Đã vậy, thì tôi nói thẳng cho chị, và cả cho mẹ chị nghe đây. Không phải chỉ ở cơ quan tôi đâu, mà cả cái khu phố này, người ta nói là chị bị thần kinh, chị bị tâm thần là do thất tình, hiểu chưa?”. Bà Giang bật dậy: “Kìa ông. Tôi xin ông đấy. Bà cứ ngồi im mà nghe tôi nói. Ông Châu đứng lên, đi thẳng sang chỗ Hương, chỉ mặt: “Nghe rõ chưa. Tâm thần, thất tình. Hèn gì, hồi này không tối nào là chị không đi khỏi nhà. Đi đâu, làm gì. Tôi biết hết. Chị thất tình là vì cái thằng Hòa, đúng chưa? Tôi cho người theo dõi hết”.
Nghe đến đây, Hương bỗng giật mình. Không chịu được nữa, Hương cũng đứng lên, đối mặt với ông Châu: “Trời. Bố theo dõi con à?” Ông Châu cười gằn giọng: “Tôi sẽ trả lời chị sau. Cứ nghe cho thủng đã. Yên tâm đi, dù không làm điều gì xấu, nhưng tối nào chị cũng vác cái mặt sang nhà người ta, bố mẹ cái thằng Hòa ấy. Rồi ngồi đến chẩy thây ra, không biết xấu hổ, tận khuya mới mò về nhà. Rồi đóng chặt cửa phòng, rồi viết lách thơ thẩn cái gì gì ấy. Mà tôi nói cho chị biết, cái thằng Hòa chết rồi, đã mấy năm nay có tin tức gì đâu. Hòa bình rồi, lính tráng cũ mới ở cái Hà Nội này, người ta về phép hết rồi, riêng nó vẫn bặt vô âm tín. Hay là nó vào đánh nhau ở Sài Gòn, vớ được đứa con gái con nhà tư sản giàu có nào, rồi nổi máu lính cậu anh hùng, ở lại luôn cũng chưa biết chừng.”
Trong tâm trạng buồn chán, mới đầu cũng muốn ợm ờ cho qua chuyện. Nhưng khi thấy cách cư xử, những lời nói quá sỗ sàng của bố mình, và nhất là thái độ khinh miệt Hòa, người mà cô đang mỏi mắt trông chờ, thì Hương không chịu đựng được nữa: “Thưa bố. Con không nghĩ bố lại có thể nói ra những điều như thế. Với con thì được, còn với Hòa, bố không có quyền xúc phạm đến anh ấy. Dù sao, xin lỗi bố, đó cũng là một người lính, một chiến sĩ cảnh sát”.
“Cái gì. Thằng Hòa bạn mày, cái thằng lính quèn ấy, tử rồi là cái chắc. Đừng hy vọng đợi chờ nữa mà vô ích con ạ. Sao. Mày cho đó là tình yêu lý tưởng à. Hão. Đó chỉ là một thứ tình yêu cảm tính, trẻ con, lãng mạn của thời sinh viên vớ vẩn mà thôi. Mà cũng nói cho chị biết, nếu nó còn sống, và ngay bây giờ có đứng đây, trong cái ngôi nhà này đi nữa; thì tôi cũng không công nhận nó. Nó chẳng là cái gì với tôi hết. Hiểu chưa?”
Hốt hoảng thật sự, bà Giang bật khóc: “Kìa Hương. Mẹ xin con! Còn ông. Tôi cũng xin ông. Nhưng vừa rồi, tôi nghe chưa rõ. Ông nói là theo dõi ai, theo dõi cái gì. Mà làm sao lại phải theo dõi con gái mình?”.
“Đúng. Tôi đã theo dõi nó, tôi phải bảo vệ nó, tức là tôi phải bảo vệ tôi, bảo vệ uy tín của tôi, một Phó Viện trưởng và sẽ là Viện trưởng nay mai.”
Bà Giang càng ngạc nhiên hơn: “Sao lại theo dõi nó để bảo vệ ông. Ông sợ người ta giết mình à”. Bà hãy nghe đây. Thời gian qua, từ khi nghe tin nó bị thần kinh, thất tình, tôi đã phải nhờ người theo dõi thường xuyên vào buổi tối, khi nó ra khỏi nhà…Nhỡ ra, nó mệnh hệ gì, như đi tự tử chẳng hạn; thì có phải uy tín của tôi - một cán bộ lãnh đạo - sẽ bị xâm hại, rồi mất chức, rồi cả Viện, cả giới nó đồn um lên thì đời mình coi như ra tóp, ra cám, có mà vác mặt đi đâu nữa. Cũng may, nó chỉ đến nhà cái thằng Hòa, rồi tới khuya là ra về. Có một lần đã khuya, cái cậu theo dõi hoảng quá vì thấy nó đạp xe lên cầu Long Biên. Cậu ta bám theo liền. Sang đến Gia Lâm, hỏi dò, mới biết là nó cũng chỉ đến thăm gia đình một thằng bạn tên là Minh nào đó. Thật hú vía. Bà là mẹ nó, nhưng bà quá tin nó, yêu nó, nên không để ý đấy thôi. Hễ về đến nhà là nó đóng cửa lại, ngồi nói lẩm bẩm, cứ cười một mình, rồi viết suốt đêm. Cái lần nó đi công tác vắng, tôi vào lục ra, đọc hết nhật ký, toàn thơ nhăng thơ nhít. Nhưng tôi cũng đề phòng nó bị tâm thần phân liệt. Loại bệnh này tuy nhẹ, cứ như không, nên đi hỏi bác sĩ, họ bảo cứ vui vẻ, tình cảm rồi sẽ nguôi ngoai thôi. Nhưng tôi nhắc lại một lần nữa, bà hãy nhớ rằng, chỉ mấy tháng nữa thôi, vào đầu năm này, tôi sẽ cầm cái chức Viện trưởng, nhưng nếu con Hương cứ tình trạng như thế này, thì chúng nó sẽ lấy cớ mà tiêu diệt tôi. Bà hiểu không?”
Rồi quay sang Hương, ông Châu hạ giọng: “Đấy. Tôi theo dõi chị là vì thương chị, là vì hạnh phúc của chị, vì chị là đứa con duy nhất của tôi. Có nhục không”.
Bật khóc nức nở, Hương thét lên uất ức: “Trời ơi. Sao con lại khổ thế này? Mẹ ơi!”. Hai tay ôm mặt, cô chạy vụt ra khỏi nhà trong đêm tối. Nghe đâu đó trong không gian vắng lặng, mấy câu thơ mà ông Châu đã đọc trộm trong nhật ký của Hương cứ vang lên day dứt, đuổi theo vạt tóc bay bay trong gió “Em đi về đâu trong đêm dông bão. Em đi về đâu một nét trắng cô đơn. Em đi về đâu nước mắt tủi hờn. Bơ vơ gió ngón tay buồn úp mặt”…
Cả ông Châu, bà Giang bỗng đứng chết lặng như trời trồng. Cả cái phòng khách vốn sang trọng của gia đình họ cũng chết lặng như một nhà mồ. Bà Giang ào đến trước mặt ông Châu, bất ngờ, bà tát thẳng cánh vào mặt ông và thét lên: “Đồ hèn!”.
3.
Ga Hàng Cỏ, bóng tối mờ mờ với đèn điện vàng khè, tiếng người gọi nhau í ớ, những người bán hàng rong, hành khách chờ đợi ra, vào, chen lấn. Đoàn tàu xình xịch chuyển bánh rời khỏi ga.
Hương đã ấm chỗ trong một toa tàu chỉ có một bóng đèn điện vàng kệch. Cạnh đó là vài ba chiếc đèn bão treo lắc la lắc lư. Bên cạnh cô, chen lấn đủ các loại hành khách. Không khí ngột ngạt, oi bức. Hương liếc mắt nhìn quanh. Cô thấy một anh bộ đội. Một người phụ nữ bế con. Một người đàn ông. Một khách nam đội mũ phớt, kính đen. Một khách nữ ăn diện. Một bà cụ. Anh bộ đội cũng còn trẻ, có lẽ chỉ trạc tuổi Hương nên làm Hương chú ý. Chính trong không khí ào ào này, cô lại càng thương mẹ, nhớ mẹ hơn bao giờ hết, và nội dung bức thư gửi mẹ trước khi ra đi lại hiện lên trong trí nhớ của cô… “…Thôi con đi mẹ nhé! Cơ quan đã cho con nghỉ phép, các anh chị trong phòng đã mua vé tàu chu đáo, mẹ hãy yên tâm về con. Con sẽ vào Quảng Trị, tìm bằng được Hòa, Minh; và nhất định sẽ cùng Hòa về nhà làm đám cưới vui vầy bên mẹ. Mẹ cho con thăm bố, con không bao giờ dám phán xét bố, vì đó là người bố đáng kính của con…”.
4.
Trích Nhật ký Trực ban của Ban Quân quản Quảng Trị.
Quảng Trị. Ngày… tháng 12 năm 1975.
Suốt cả tuần nay, từ sau ngày giải phóng, đã có không ít bà con ngoài Bắc tìm vào…Nhưng hôm nay, lần đầu tiên, có một cô gái còn trẻ, lại từ Thủ đô vào tìm người thân của mình. Chị ấy tên là Hương, vào đây để tìm người yêu là một chiến sĩ…Họ và tên: Nguyễn Nhân Hòa, vốn là chiến sĩ cảnh sát, được điều chuyển vào Quảng Trị cuối tháng mười hai năm 1971. Địa chỉ, số nhà, phố… Hà Nội.
Quảng Trị. Ngày… tháng 12 năm 1975.
Đã báo cáo chỉ huy để thu xếp chỗ ở tạm cho chị Hương. Ngay sáng mai, Thủ trưởng sẽ phân công một chiến sĩ Ban Quân quản có nhiệm vụ dẫn chị Hương đi tìm nhân thân tại một số nghĩa trang tạm thời vừa quy tập các liệt sĩ.
Quảng Trị. Ngày… tháng 12 năm 1975.
Cả ngày hôm nay có 5 người (một bà mẹ, hai người đàn ông và hai chị phụ nữ vào tìm thân nhân. Họ tên… Tuổi…Địa chỉ…). Công việc của chị Hương vẫn đang triển khai khẩn trương, nhưng hình như, kết quả rất bi quan, vô vọng…Thủ trưởng và mấy anh em ở Ban Quân quản, thương chị Hương quá, mà không biết giải thích cho chị ấy thế nào đây…
Trích nhật ký của Hương.
Quảng Trị. Ngày… tháng 12 năm 1975.
Vậy là, cuối cùng, trải qua chuyến tàu chợ chen chúc, vất vả…mình cũng đã tới được Quảng Trị. Ở hiền gặp lành, chính anh lính trẻ trạc tuổi mình cùng ngồi trong một toa tàu, đã đưa đường, chỉ lối cho mình vào tận trụ sở Ban Quân quân quản thị xã. Đêm đầu tiên nằm ngủ một mình tại một thị xã xa lắc xa lơ, mình mới cảm thấy cô quạnh, trống vắng làm sao?
Mẹ ơi. Con nhớ mẹ, thương mẹ vô cùng; nhưng con phải ra đi vì chính hạnh phúc của con. Con thương bố, kính trọng bố - nhưng bố và con khác nhau nhiều quá- hình như hai thế hệ bố và con không thể gặp nhau tại một điểm chung về cách nhìn cuộc sống hôm nay.
Quảng Trị cũng giống Hà Nội. Gió mùa đông bắc, mưa phùn rét buốt, trời đất ảm đạm. Gần Nô- en rồi nên càng lạnh buốt, xa nhà nên càng tê tái hơn! Đêm qua ngủ gà ngủ gật trren tầu hỏa, lại nằm mơ đứt đoạn về Hòa, về Minh. Nhưng lời tâm sự trong gió thoảng qua của Hòa thì cứ vang lên như khắc vào trái tim và cân não trí óc của mình:
“Hương ơi. Hòa đây. Nhưng Hòa có nói ra, thì Hương cũng không thể nghe thấy được nữa đâu. Cả Minh nữa. Bọn mình đã đi xa lắm rồi, Hương ơi… Bọn mình nhớ Hà Nội lắm. Nhớ mái trường đại học, nhớ gia đình, nhớ các thầy cô, bạn bè cùng lớp. Nhưng Hòa nhớ Hương nhiều nhất, Hòa thương Hương nhất trên đời này, vì giờ đây, Hương đang lẻ loi, cô đơn biết chừng nào. Hương ơi. Sau hai lá thư đầu tiên và cũng là duy nhất gửi về cho bố mẹ Hòa và Hương, bọn mình hành quân vào đến Quảng Trị và được biên chế vào đơn vị chiến đấu ngay. Vì thế, mệnh lệnh quân sự là cắt đứt toàn bộ liên lạc thư từ với gia đình. Đơn vị này toàn cánh lính trẻ từ miền Bắc, trong đó lính Hà Nội khá đông, nên rất vui nhộn, trẻ trung và hăng hái. Hòa và Minh được ở cùng một tiểu đội, lại cùng một tổ chiến đấu ba người nữa, với một cậu người Phú Thọ…Sau những trận đánh ác liệt trong thành cổ Quảng Trị, bọn mình đã quần nhau với địch đến viên đạn cuối cùng…rồi xung phong, rồi giáp lá cà…rồi chỉ thấy lửa cháy, bom đạn cầy nát từng thước đất…rồi ngất đi…rồi không hay biết gì nữa…Và bây giờ, bọn mình đã đi xa lắm rồi…mãi mãi…Hương ơi…Hương không bao giờ gặp được Hòa và Minh nữa đâu… Hương đừng đi tìm Hòa nữa…Gian khổ lắm, thân gái dặm trường lặn lội nơi chiến trường xưa cũng chỉ là vô nghĩa thôi… Hương ơi”.
Trời ơi. Mình chua xót thật sự khi giọng nói của Hòa cứ vang lên bên tai mình thảng thốt. Nước mắt cứ trào ra. Mình hối hận quá, bây giờ mới hiểu tại sao Hòa không thư từ, tin tức gì cho mình và cả bố mẹ Hòa. Bí mật quân sự. Chiến tranh mà. Tại sao đã đọc “Khói lửa” của Bác- Buýt; “Phía tây không có gì lạ” của Rơ- mác viết về chiến tranh, mà mình vẫn cứ ngây thơ đến u mê như thế, để cứ trách Hòa một cách tội nghiệp như thế…Ghi đến đây, mình thấy ớn cho mình quá, cũng không còn lòng dạ nào mà tiếp tục được nữa…Thương Hòa lắm Hòa ơi!
Quảng Trị. Ngày… tháng 12 năm 1975.
Mấy hôm nay Hương toàn mơ thấy Hòa, nghe giọng nói của Hòa cứ thoảng bay trong gió. Mơ hay thực? Ảo ảnh hay báo mộng? Hương không thể giải thích được, nhưng Hương tin vào những lời tâm sự của Hòa…
Vậy là Hương đã tìm vào đến thành cổ Quảng Trị. Mảnh đất anh hùng mà suốt trong thời gian qua, cả thế giới đã ca ngợi, cũng chính là nơi Hòa và Minh, những người bạn thân yêu của Hương đã chiến đấu cùng hàng ngàn, vạn những người lính trẻ khác. Hương đã được các bác, các chú, các anh bộ đội cũng như bà con Quảng Trị săn sóc tận tình, chu đáo, dẫn đi đến nơi này, tìm đến chỗ kia trong khắp vùng đất của thành cổ… Vậy mà, trên những nấm mồ đã có tên tuổi kia, Hương vẫn không tìm thấy Hòa và Minh đâu cả. Quá thất vọng, Hương đã tìm đi, tìm lại đến rách nát cả những trang giấy trong những cuốn sổ ghi danh sách những người hy sinh, mất tích, hoặc chưa biết thất lạc nơi đâu và chưa tìm ra được thi hài của họ. Cuốn sổ mà trước Hương, đã có không biết bao nhiêu con người từ miền Bắc vào để tìm kiếm những người thân yêu của mình. Có lúc, bất chợt khi đã hoa cả mắt, thấy tên các bạn, Hương mừng quýnh lên, nhưng lại là Hòa và Minh ở những vùng quê khác. Trong lòng Hương xót xa, đau đớn biết bao…
Nhưng rồi, cuối cùng, trong những trang giấy cuối cùng của cuốn sổ cuối cùng theo ngày tháng; Hương cũng đã tìm thấy tên tuổi của hai người bạn thân yêu- trong danh sách những thanh niên Hà Nội vào chiến đấu tại Quảng Trị vào thời gian cuối năm 1971; và phiên chế vào các đơn vị chiến đấu tại Quảng Trị vào đầu năm 1972 đã hy sinh tại khu vực thành cổ. Nhưng buồn thay, khi chỉ đọc thấy tên mà không còn thấy người nữa, vô danh không có bia mộ… Hương đã ngất đi, không còn biết gì nữa…
Quảng Trị. Ngày 24 tháng 12 năm 1975.
Hòa ơi. Minh ơi. Các bạn thân yêu của Hương ơi. Hôm nay là Thiên chúa Giáng sinh - lễ Nô-en như ta thường gọi. Hương chợt nhớ lại, đúng ngày này năm 1971, Hương và Hòa chia tay tại sân trường đại học của Hương…
4 năm trời đã trôi qua, ngày đó vẫn là chiến tranh ác liệt, nay thì đã hòa bình rồi… Nhưng hương và Hòa, và Minh… và nhiều con người nữa, đã mỗi người một ngả… Buồn quá Hòa ơi!
Nhưng Hương đã tìm thấy các bạn rồi, mặc dù các bạn đã đi xa, đi xa mãi mãi. Trong trái tim mình, Hương biết, các bạn vẫn luôn nhớ đến Hương. Bởi, tình cảm bạn bè một thuở thanh xuân tươi đẹp nhất, chúng ta đã vui sống cùng nhau. Bởi, Hòa ơi, tình bạn, tình yêu vô tư, trong sáng của Hòa và Hương, là niềm tự hào và chỉ có hai đứa chúng mình cùng đồng cảm, gìn giữ, sẻ chia và thủy chung mãi mãi bên dòng sông Thạch Hãn thân yêu của thành cổ Quảng Trị… Các bạn hãy chờ Hương với nhé. Hương đang tới đây… Hương đang tới đây… Hương đang tới đây… Hương đang tới đây…
Vào buổi sáng mùa đông sau Giáng sinh vài ba ngày, bà con ven dòng Thạch Hãn đã tìm thấy thi thể Hương- trong bộ áo dài trắng tinh khiết, mái tóc thề ngang vai, một bông hoa dại trắng cài trên mái tóc- đã mai táng cô vào khu mộ tạm thời đang quy tập các liệt sĩ… Đó là một ngày mùa đông ảm đạm, nhưng lạ thay, vào đúng buổi chiều chôn cất Hương, trời Quảng Trị bỗng trong xanh đến lạ kỳ, và trên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa trôi lặng lẽ cũng nhuộm sắc xanh như thế - nắng bỗng hừng lên, vàng thau và đặc quánh- trên đôi môi Hương như hé nở một nụ cười trong veo, thanh thản và bình yên mãi mãi ra đi.
Truyện ngắn dự thi của Lê Huy Quang
Nguồn Văn nghệ số 9/2023