Ở Việt Nam, chỉ cần truy cập ngẫu nhiên một số tờ báo điện tử, lật dở vài trang báo in, bạn đọc dễ dàng nhận ra tin tức về khoa học chủ yếu được lược dịch hoặc tổng hợp từ các tạp chí khoa học hoặc các hãng thông tấn quốc tế. Nhưng đôi khi việc “thần thánh hóa” nguồn tin nước ngoài có thể gây ra những thiệt hại khó đo đếm cho Việt Nam – một quốc gia chủ yếu học hỏi và tiếp nhận các thành tựu khoa học từ các cường quốc nghiên cứu trên thế giới.
Đối với nhiều nông dân trồng bưởi ở Việt Nam, BBC và Daily Mail có lẽ là những cái tên khá xa lạ. Tuy nhiên, đó là trước năm 2007. Mùa hè năm 2007, khi chuẩn bị xuất bán sản phẩm từ vườn nhà ra thị trường, người nông dân trồng bưởi ở Việt Nam bỗng như “sét đánh ngang tai” khi một số tờ báo đồng loạt đưa tin rằng theo một nghiên cứu mới của Mỹ, ăn bưởi có thể gây ung thư vú ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
Thông tin được chuyển dịch từ hai bài báo đăng trên BBC “Bưởi liên quan đến ung thư” và Daily Mail “Ăn bưởi có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú lên gấp một phần ba”. Thay vì giúp người dân bình tĩnh, truyền thông đã thổi bùng trong họ nỗi lo sợ. Hệ quả là người tiêu dùng tẩy chay bưởi. Giá bưởi giảm xuống hơn 10%, thậm chí thấp hơn so với trước khi tin tức lan truyền.
Nhưng ăn bưởi có thực sự gây ung thư ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh? Tạm bỏ qua những sai sót trong việc chuyển dịch chưa chuẩn xác thông tin khoa học, tạm không phán xét năng lực xác tín chất lượng và đánh giá tác động của vấn đề khoa học – những điều mà bài viết sẽ bàn đến ở phần tiếp theo – có một sự thật “hỡi ôi” là nhà báo đã quên mất thao tác kiểm chứng thông tin. Loại bưởi được nhắc đến trong nghiên cứu của Mỹ hoàn toàn khác với giống bưởi được trồng ở Việt Nam!
Tất nhiên, khi sự việc này bị phát hiện, các tờ báo đưa tin đã bị phạt vì đăng tải câu chuyện một cách bất cẩn.
Tuy nhiên, người nông dân đã phải trả một cái giá đắt hơn. Theo ước tính, một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thiệt hại 100 tỷ đồng. Đó là con số không hề nhỏ, nhất là trong thời điểm 2007.1
Đáng buồn hơn, không phải lúc nào những thiệt hại cũng có thể tính bằng con số. Không phải sai sót nào cũng được phát hiện. Không phải hệ lụy nào cũng được ghi nhận.
Câu chuyện trên chỉ là một trong số ít những câu chuyện được biết đến. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy việc quá phụ thuộc và đôi khi “thần thánh hóa” nguồn tin nước ngoài có thể gây ra những thiệt hại khó đo đếm cho Việt Nam – một quốc gia chủ yếu học hỏi và tiếp nhận các thành tựu khoa học từ các cường quốc nghiên cứu trên thế giới. Với năng lực “thông hiểu khoa học” (science literacy) và “thông hiểu thông tin truyền thông” (information and media literacy) ít nhiều hạn chế, công chúng Việt Nam thường dễ tin và làm theo các thông tin khoa học dán nhãn nước ngoài. Mà một khi những thông tin đó sai lệch thì tác hại hoàn toàn có thể như hoặc hơn như câu chuyện bưởi gây ung thư.
Thực ra, phụ thuộc vào nguồn tin khoa học quốc tế không phải là chuyện riêng của Việt Nam. Đây là vấn đề chung của báo chí khoa học ở các quốc gia đang phát triển. Trong nhiều khảo luận về báo chí khoa học ở bán cầu Nam, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra bức tranh báo chí khoa học ở các quốc gia đang phát triển thường vắng bóng hình ảnh của các nhà khoa học trong nước. Đó là 90% tin tức về biến đổi khí hậu ở Trung Quốc có nguồn gốc từ các báo cáo phương Tây2. Đó là hơn 50% nguồn tin khoa học trên báo chí Ấn Độ là từ Reuters, AP, New York Times và AFP3. Đó là các câu chuyện khoa học chủ yếu được tìm thấy trên chuyên mục quốc tế/ đối ngoại ở Argentina4. Và nhiều câu chuyện tương tự ở châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Á5.
Khi nguồn tin nội địa “thất thủ” trên chính sân nhà
Khảo sát một vài vấn đề khoa học, càng thấy rõ nguồn tin quốc tế áp đảo nguồn tin trong nước. Chẳng hạn, trong số 401 bài báo điện tử đề cập đến vấn đề biến đổi gene được chúng tôi khảo sát trong hai năm 2017 – 2018, có gần 60% là về các sự kiện hay nghiên cứu từ các phòng nghiên cứu nước ngoài. Đáng chú ý là 93% trong số đó hoàn toàn không đề cập gì đến bối cảnh Việt Nam. Con số này lần lượt là 70% và 66% cho trường hợp ChatGPT, khảo sát 304 tác phẩm trực tuyến từ tháng 10/022 đến tháng 12/023.
Đi sâu tìm hiểu các nguồn này, chúng tôi nhận thấy hầu hết thông tin đến từ các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ. Những tiếng nói từ bán cầu Nam, kể cả từ các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao, số lượng xuất bản học thuật nhiều và chất lượng như Brazil, Trung Quốc, Cuba… chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Điều này một phần xuất phát từ tâm thế bị áp đặt bởi mô hình thống trị thuộc địa Bắc – Nam (và sau này là chủ nghĩa thực dân mới) với mô hình xã hội văn minh gắn với các quốc gia phương Tây ở phía Bắc bán cầu, còn xã hội kém văn minh gắn với các quốc gia Nam bán cầu. Và để giúp các quốc gia kém văn minh hơn trở nên văn minh, hệ thống tin tức quốc tế sẽ hỗ trợ việc khai sáng bằng các thông tin tiến bộ khoa học.
Ngoài ra, cũng có thể lý giải sự thống trị của tin tức phương Tây bằng mô hình trật tự thông tin quốc tế. Trong đó, luồng thông tin có xu hướng truyền theo chiều dọc từ các nước phát triển (Bắc bán cầu) đến các nước đang phát triển (Nam bán cầu). Kể cả thông tin từ các nước Nam bán cầu, thay vì truyền trực tiếp cho nhau cũng gián tiếp lọc qua kênh thông tin Bắc bán cầu (Mô hình 1)6. Đặc biệt, khi bàn luận về chính sách liên quan đến các vấn đề khoa học toàn cầu như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, tế bào gốc, năng lượng xanh, các cuộc tranh luận phần lớn được khởi xướng ở Bắc bán cầu và lan sang Nam bán cầu thông qua nhiều con đường khác nhau – chẳng hạn như các cơ quan quản lý toàn cầu (ví dụ: Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, IMF và WHO), các tổ chức đa quốc gia và các tập đoàn xuyên quốc gia (thông qua các cơ chế chuyển giao tài chính và kỹ thuật), các cơ quan viện trợ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện quốc tế, các hội đồng tài trợ nghiên cứu và các cơ quan trao đổi văn hóa5. Theo thời gian, những kiến thức được chấp nhận từ Bắc bán cầu – đặc biệt là kiến thức thông qua khoa học và báo chí – sẽ được phổ cập hóa, biến mình thành quyền lực và những người tạo ra nó trở thành lực lượng chi phối trật tự thế giới mới1.
Mô hình 1. Trật tự thông tin quốc tế6 |
Tiếp tục quan sát các thông tin có nguồn quốc tế, số liệu ghi nhận rằng không chỉ áp đảo về số lượng, các câu chuyện khoa học quốc tế hiếm khi được liên hệ với thực tế Việt Nam. Cùng với GMO, ChatGPT, bài học về giống bưởi gây ung thư ở trên là một ví dụ điển hình. Một số câu chuyện khác như sữa nhiễm Melamine ở Trung Quốc năm 2008, Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu vì chứa chất cấm axit benzoic năm 2019…, nếu bóc tách ra khỏi bối cảnh Việt Nam, thông điệp khoa học sẽ không còn chuẩn xác. Và thực tế là, sự chậm chạp và yếu ớt của báo chí trong việc đưa ra những thông tin khách quan và giải thích thỏa đáng về việc đa số sản phẩm sữa ở Việt Nam không nhiễm hoặc chỉ nhiễm Melanine ở mức thấp hơn tiêu chuẩn cho phép của các nước đã khiến người tiêu dùng nghi ngại các sản phẩm sữa. Nhiều công ty đã phải hủy đi hàng tấn sữa mỗi ngày. Một thương hiệu sữa mạnh ở miền Bắc đã phải ngậm ngùi nhìn sản phẩm “con cưng” bị rút dần khỏi các kệ hàng. Tương tự, nếu chỉ dựa vào thông tin từ truyền thông Nhật Bản mà thiếu những phân tích về việc axit benzoic là phụ gia thực phẩm chống nấm mốc thuộc danh mục được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Codex) – mà Việt Nam là một thành viên – và FDA cho phép sử dụng trong ngưỡng quy định, hẳn Masan còn lao đao hơn trong việc kiểm soát cơn khủng hoảng truyền thông về sự an toàn của tương ớt Chinsu. Và thực tế là những tin tức thời sự – khoa học trên đã gây chấn động thị trường sữa nội cũng như khiến doanh nghiệp phải lao đao xử lý khủng hoảng truyền thông.
Khoa học là lợi tức chung của toàn nhân loại. Nhưng để lợi tức đó hữu ích cho mỗi quốc gia, dân tộc, nó cần được đặt trong bối cảnh văn hóa, kinh tế và chính trị của từng địa phương. Trong các cuộc phỏng vấn của chúng tôi với các nhà báo Việt Nam, mặc dù mọi người đều nhất trí rằng những câu chuyện nước ngoài có thể giúp cập nhật và nâng cao kiến thức và hiểu biết khoa học trong một số bộ phận công chúng cũng như cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Nhưng, các nhà báo cũng cho biết vấn đề khoa học và công nghệ không thể thành công trong bất kỳ hệ thống xã hội nào nếu các yếu tố địa phương và bản địa không được tích hợp vào quá trình áp dụng.
Làm rõ cho luận điểm này, một phóng viên viện dẫn một ví dụ khi triển khai loạt bài về việc Việt Nam có nên áp dụng tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản đối với nhà máy điện hạt nhân: “Từ lâu, các nhà khoa học đã chứng minh rằng điều kiện địa chất của Việt Nam khá ổn định, không giống như Nhật Bản. Vì vậy, đánh giá ứng dụng hạt nhân của Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn Nhật Bản liệu có phù hợp không?” Không những vậy, các tiêu chuẩn nước ngoài không phải lúc nào cũng đúng, nhà báo nêu vấn đề. Trong thực tế, người Nhật đã đánh giá thấp những rủi ro thực sự của năng lượng hạt nhân, điều mà họ không nhận ra cho đến khi xảy ra trận động đất và sóng thần Fukushima năm 2011. Vậy nếu phụ thuộc vào chuẩn Nhật, liệu Việt Nam có phải đối mặt với điều đau lòng tương tự?
Một vấn đề cũng cần lưu tâm đối với các tin bài khoa học quốc tế là đôi khi phóng viên lược dịch thông tin một cách thiếu chuẩn xác. Có thể chỉ ra một vài ví dụ như “Bưởi có khả năng gây ung thư”, “thuốc Viagra có thể dùng để trị bệnh Alzheimer”, “Cảnh báo hình xăm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư”…là những trường hợp việc dịch chưa đủ/ đúng ý nghĩa nội hàm khoa học. Việc “có sự khác biệt về mặt thống kê”, “có sự liên hệ về mặt thống kê” hay “có sự tương quan về mặt thống kê” hoàn toàn khác với “A là nguyên nhân của B”, “A có thể trị bệnh B”. Những khái niệm này vốn là kiến thức cơ bản đối với nhà khoa học nhưng có lẽ lại khá lạ lẫm với các phóng viên. Nếu thiếu hiểu biết và kinh nghiệm tác nghiệp mảng khoa học, việc lược dịch, tổng hợp chưa chuẩn xác là điều khó tránh khỏi. Một số phóng viên có thể biện giải trong bài viết đã giải thích rõ hơn. Nhưng trong bối cảnh xem lướt – nghe nhanh – đọc vội hiện thời, e rằng một tít báo đặt sai có thể có thể tạo ra nhiều nguy hại khôn lường. Vì vậy, biên tập chính xác tít báo, có lẽ là điều cần phải ưu tiên.
Nguồn cơn của sự phụ thuộc nguồn tin nước ngoài
Lý giải cho việc báo chí Việt Nam nói riêng, và báo chí các quốc gia đang phát triển nói chung quá phụ thuộc vào nguồn tin nước ngoài, có thể kể đến một vài nguyên nhân.
Một cách khách quan, cần thông cảm cho các nhà báo, bởi không phải họ “sính ngoại”. Có lẽ hơn ai hết các nhà báo mong muốn giới thiệu đến công chúng những phát minh, thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như đa số các quốc gia đang phát triển, khoa học ở Việt Nam chưa có nhiều đột phá. Các vấn đề khoa học chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà báo và công chúng. “Nghiên cứu chỉ dùng để đút ngăn bàn” là một thực tế đã được trào lộng nhiều năm qua.
Cũng sẽ có ý kiến cho rằng những năm gần đây, xuất bản học thuật bắt đầu được chú ý ở Việt Nam. Nhiều nhà khoa học đã lọt top nhà khoa học có sức ảnh hưởng hoặc được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Vậy tại sao báo chí vẫn “đói” nguồn tin từ các nhà khoa học trong nước? Câu trả lời khá đơn giản, các nhà khoa học chủ yếu xuất bản hoặc hợp tác xuất bản quốc tế. Các nghiên cứu trong nước vẫn chưa đủ chất lượng hoặc chưa được đánh giá đúng chất lượng. Thực trạng này khá giống lời cảm thán của một nhà báo được trích trong tổng quan báo chí khoa học ở châu Phi “Nhà khoa học [châu Phi – chú dẫn] không hề được biết đến ở quê nhà”. Lý do bởi, họ chỉ xuất bản ở các tạp chí phương Tây chứ không mặn mà xuất bản trong nước7.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự thất thế của nguồn tin “nội địa” trên chính “sân nhà” là bởi các nhà khoa học và nhà báo chưa tìm được sự gắn kết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra quan hệ giữa báo giới và truyền thông còn khá lỏng lẻo, thậm chí trong nhiều trường hợp còn xảy ra hiện tượng “cơm không lành canh không ngọt” bởi hai bên chưa thực sự thấu hiểu nhau. Nếu giới khoa học thiếu ý thức và kĩ năng truyền thông thì không phải nhà báo nào cũng đủ tài lực để kết nối và thấu hiểu vấn đề khoa học và nhà khoa học.
Về phía chủ quan, bản thân đội ngũ phóng viên khoa học Việt Nam còn thiếu nhiều kĩ năng, đặc biệt hạn chế về khả năng ngoại ngữ cũng như năng lực đánh giá vấn đề khoa học. Ở một số tòa soạn, hầu như thông tin quốc tế được giao cho các biên tập viên chuyển ngữ thay vì giao cho biên tập viên hay nhà báo khoa học. Sự hời hợt của ban biên tập đối với mảng khoa học cũng khiến thông tin khoa học trở thành một dạng thông tin “có cũng được, không có cũng được” trong các tòa soạn báo chí.
Để sân nhà không chỉ có sức mạnh của “cầu thủ ngoại”
Dẫu còn nhiều hạn chế nhưng thời gian qua đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Trước hết, Covid-19 đã phần nào giúp ban biên tập và công chúng hiểu về tầm quan trọng của truyền thông khoa học. Đặc biệt, một số đơn vị báo chí đã dành riêng chuyên mục dành cho thông tin và câu chuyện của các nhà khoa học Việt Nam. Chẳng hạn VnExpress có chuyên mục “Khoa học trong nước”, Vietnamnet có chuyên mục “Công nghiệp hỗ trợ”, Khoa học và Phát triển có chuyên mục “Địa phương”.
Tuy nhiên, sự nỗ lực của một vài đơn vị báo chí có lẽ là chưa đủ để công chúng biết thêm, hiểu đủ về các sự kiện và vấn đề khoa học “made-in Việt Nam”. Cần có nhiều hơn sự quan tâm của các tòa soạn dành cho lĩnh vực khoa học. Chương trình Cử nhân khoa học ở trường đại học, các viện và trung tâm nghiên cứu cũng cần chú ý đào tạo kĩ năng truyền thông dành cho nhà khoa học, giúp nhà khoa học Việt Nam hiểu rằng truyền thông khoa học không phải là “mong muốn” cá nhân mà cần trở thành một “nhu cầu” bắt buộc của mỗi nhà khoa học chân chính. Theo đó, bên cạnh các hội thảo hàn lâm thì cần khơi thêm các hoạt động phổ cập, trao đổi tri thức khoa học như bàn tròn cà phê, ngày hội khoa học để kết nối nhà khoa học với người làm báo Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nhà báo, biên tập viên biên dịch thông tin quốc tế cũng cần được huấn luyện, đào tạo để có kiến thức đọc hiểu và tường thuật khoa học cũng như kĩ năng kết nối với nhà khoa học Việt Nam để bản địa hóa câu chuyện quốc tế.
Đó là nhóm giải pháp vi mô. Ở tầm cấp cao hơn, cũng giống như để nâng tầm giải vô địch bóng đá quốc gia, Việt Nam không chỉ cần bồi dưỡng cầu thủ nội, ký hợp đồng với cầu thủ ngoại hay nhập tịch cầu thủ quốc tế mà cần có sự đầu tư mang tính hệ thống từ phía các cơ quan quản lý và sự ủng hộ của khán giả. Chúng tôi mượn câu chuyện bóng đá để hình dung rằng, những nỗ lực riêng rẽ từ một vài đơn vị báo chí, đơn vị đào tạo hay cá nhân các nhà khoa học và phóng viên khoa học là hết sức cần thiết. Thế nhưng, cần hơn là sự điều chỉnh mang tính hệ thống từ phía các đơn vị hoạch định và quản lý báo chí. Đặc biệt với báo chí khoa học, có lẽ cần một cú bắt tay mang tính chiến lược giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin – Truyền thông ?
Khát vọng chuyên nghiệp, có lẽ không chỉ là riêng của người làm báo khoa học. Trong kỉ nguyên trí tuệ nhân tạo lấn sân các hoạt động sáng tạo, việc chuyển dịch hay tổng hợp thông tin khoa học một cách chuẩn xác từ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc và các tiếng nước ngoài khác…đã và sẽ sớm không cần đến con người. Tuy nhiên, để kết nối thông tin quốc tế với bối cảnh kinh tế, văn hóa địa phương thì cần có sự tập trung và chuyên môn sâu của nhà báo khoa học. Đồng thời cũng cần xác định rõ, trong mọi sự đổi mới, đối tượng cần quan tâm trước tiên và quan trọng nhất, không phải là nhà báo mà là công chúng. Theo chúng tôi, phải hiểu công chúng cần gì thì mọi sự cải tiến mới đi đúng đích. Và để hiểu được nhu cầu, thói quen của độc/khán/ thính giả, phải dựa vào dữ liệu – một điều mà báo chí Việt Nam đã bỏ quên trong nhiều năm qua. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến việc cần có những nghiên cứu thường niên về công chúng báo chí Việt Nam, tương tự như những gì mà Viện Reuters thuộc ĐH Oxford hay PEW Research Centre làm mỗi năm. Đây cũng là ước mong của giới học giả truyền thông trong nhiều năm qua, và mới đây một lần nữa được khơi lên bởi GS. Nguyễn Đức An – một chuyên gia hàng đầu về báo chí và truyền thông khoa học, rằng một ngày rất gần những nghiên cứu học thuật sẽ góp phần nâng cao chất lượng báo chí Việt Nam một cách có cơ sở khoa học hơn8.□
———
*Bài viết dựa trên các nghiên cứu, đặc biệt là chương sách [1], đã và sắp xuất bản bởi tác giả và cộng sự GS. Nguyễn Đức An – Giáo sư Truyền thông Báo chí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông khoa học, sức khỏe và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh
* Tiến sĩ – Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng –Tác giả nghiên cứu chuyên sâu về truyền thông và báo chí khoa học ở các quốc gia đang phát triển, công chúng truyền thông, giới và truyền thông
Tài liệu tham khảo
1 A. Nguyen and T. Y. M. Tran, The Over-Reliance on Foreign Science News in Developing Countries: Causes, consequences and solutions, 1st ed. London: Routledge, 2024.
2 S. Tolan, “Coverage of climate change in Chinese media (Fighting climate change: Human solidarity in a divided world),” 2007.
3 B. Dutt and K. C. Garg, “S&T coverage in English-language Indian dailies,” J. Sci. Commun., vol. 11, no. 3, 2012.
4 M. T. Mercado, “Media representations of climate change in the Argentinean press,” Journal. Stud., vol. 13, no. 2, pp. 193–209, 2012.
5 A. Nguyen and M. Tran, “Science journalism for development in the Global South: A systematic literature review of issues and challenges,” Public Understanding of Science 28 (8), p. 973-990 .
6 H. Mowlana, “Global Information and World Communication: New Frontiers in International Relations.” SAGE Publications Ltd, London, 1997.
7 M. Shanahan, “Fighting a reporting batte,” Nature, vol. 443, p. 392, 2006.
8 Lê Thọ Bình, “Báo chí ‘đau đầu’ lo kinh tế và công nghệ AI,” Viettimes, 18-Jun-2024.
Nguồn Tiasang