Nếu như hai cụ cố Thủ nhang Phủ Chính Phủ Dầy: Trần Viết Đức và NNND Trần Thị Duyên đã dành trọn cả cuộc đời mình xây dựng những nền móng đầu tiên, nắm giữ hồn cốt trong dòng chảy lịch sử phát triển của Phủ Chính Phủ Dầy (Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) thì NNƯT Trần Thị Huệ - người truyền nhân của hai cụ đã phát huy Phủ Chính Phủ Dầy nói riêng và Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung một cách mạnh mẽ nhất.
Cố thủ nhang Phủ Chính Phủ Dầy - NNND Trần Thị Duyên truyền đăng kế tự cho NNƯT Trần Thị Huệ vào Năm 2017 (Ảnh: Long Hùng) |
Nghi lễ hầu đồng của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII, sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước. Giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là thời kỳ cực thịnh của nghi lễ chầu văn của người Việt và có sự tham gia của các quan lại địa phương và triều đình. Từ năm 1954 - 1990, vì nhiều lý do, nghi lễ này không được công khai thực hành và bị mai một. Từ năm 1993 đến nay, cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội, với các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ này được khôi phục, phát triển.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phối kết nhuần nhuyễn nhiều yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, thơ ca, âm nhạc, diễn xướng với những triết lý, quy tắc tín ngưỡng, tôn giáo… và những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật được thể hiện hết sức sống động, quan niệm rất nhân văn về thiên nhiên, về lịch sử, văn hóa, bản sắc tộc người; đặc biệt là về vai trò và sự tôn thờ người Mẹ. Mẹ thiên nhiên. Mẹ của loài người.
Sức lan tỏa và bám rễ sâu bền trong đời sống Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ xuất phát từ chính khát vọng rất đời của người dân luôn hướng tới, luôn cầu mong được dày phúc, nhiều lộc, trường thọ, được sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và hòa đồng với thiên nhiên, với cộng đồng.
Không chỉ là ước vọng cuộc sống đời thường, tinh thần yêu nước, thương nòi, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn được tâm linh hóa và thấm sâu trong tâm thức mỗi người Việt. Các nhân vật, dù là lịch sử hay huyền thoại, được phối thờ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đều uy dũng, nhân từ, đức độ, có công với nước, với cộng đồng. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ dung hòa các sắc thái văn hóa, các tôn giáo, các nhân vật biểu tượng của các dân tộc, tạo nên bức tranh văn hóa rất nhiều sắc màu, góp phần củng cố nền tảng cho phát triển, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thắt chặt nghĩa đồng bào, khơi dậy hồn sông núi.
NNƯT Trần Thị Huệ sinh năm 1958 ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bà sinh ra trong một gia đình “cha truyền con nối”, nhiều đời có “căn quả” hầu đồng. Cha của bà là cụ Trần Viết Đức, mẹ của bà là NNND Trần Thị Duyên đều từng là thủ nhang của Phủ Chính Phủ Dầy. Cha mẹ của bà là những thanh đồng đã cống hiến trọn cuộc đời của bản thân mình với bao vất vả, thăng trầm để bảo tồn, phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Nắm giữ những yếu tố quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, hai cụ luôn tâm niệm và cố gắng gìn giữ, trao truyền những giá trị nhân văn tốt đẹp hàm chứa trong dòng chảy của di sản qua năm tháng. Đến năm 2017, bà Huệ được mẹ làm lễ nhập tự và đảm nhận công việc thủ nhang Phủ Chính Phủ Dầy đến nay. Từ năm 17 tuổi, NNƯT Trần Thị Huệ đã được cha làm lễ để thực hành nghi lễ chầu văn, truyền dạy cho bà những phép tắc, chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trải qua gần 50 năm hầu đồng với nhiều thăng trầm của tín ngưỡng thờ Mẫu, bà Huệ luôn tâm niệm: “Phủ Dầy được coi là chốn tổ của Mẫu nên tôi muốn lưu giữ lối cổ trong nghi thức hầu đồng và quảng bá rộng rãi những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng này”.
Đoàn Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể |
Năm 2016 có lẽ là một dấu mốc không thể quên trong cuộc đời khi bà đại diện cho cộng đồng, cùng với UBND tỉnh Nam Định, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham gia làm và bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại thành phố Addis Ababa, Ethiopia. Trong chương trình “Một hành trình 3 Đạo” (Đạo Mẫu, Đạo Phật, Đạo Thiên chúa) về các miền di sản với sự tham gia của 22 đại sứ và 50 nhà ngoại giao đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Phủ Chính Phủ Dầy, với vai trò là thanh đồng, NNƯT Trần Thị Huệ đã giúp quan khách trong nước và quốc tế cảm nhận được sự thiêng liêng, tôn kính đầy ảo diệu của nghi lễ chầu văn của người Việt. Sau khi thưởng thức 8 giá hầu kéo dài 2 tiếng do bà hầu, các đại sứ đã hoàn toàn thuyết phục, gọi điện về nước và vận động bạn bè các nước bỏ phiếu công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Kể từ đó, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định được thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ I. |
Ngày 27/11/2020, được sự cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ban Tôn giáo Chính Phủ; UBND tỉnh Nam Định; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cùng các cấp các ngành tại Nam Định, Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định đã được thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ I. Đây là tổ chức cộng đồng đầu tiên của tỉnh Nam Định ra đời với mục đích chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" sau 5 năm được UNESCO vinh danh. Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết hội viên và cộng đồng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay bảo vệ và phát huy giá trị đặc sắc của di sản; đồng thời tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của di sản bằng các hình thức như: thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất bản ấn phẩm, nói chuyện chuyên đề, triển lãm, vận động hội viên và cộng đồng chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Giáo sư Trần Nguyệt Đoan – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Gia Cao Hùng cùng NNƯT Trần Thị Huệ, NNƯT Vũ Thanh Bình, NNDG Lưu Hải Trường và NNƯT Trần Văn Thuận tại Cao Hùng, Đài Loan |
Từ ngày 16-18/12/2023, tại Cao Hùng (Đài Loan), NNƯT Trần Thị Huệ cùng NNƯT Vũ Thanh Bình, NNDG Lưu Hải Trường và NNƯT Trần Văn Thuận đã tham gia chuỗi sự kiện Hội thảo quốc tế về văn hóa Việt Nam lần thứ 3 và hoạt động hoằng dương Đạo Mẫu. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế, nhà quản lý đến từ Việt Nam và Đài Loan, cùng chính quyền và nhân dân sở tại, và cả những người Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại Đài Loan. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa được tổ chức thường xuyên hàng năm với mục đích giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, tăng cường sự đoàn kết gắn bó quốc tế. Với sự tham gia và tổ chức bởi Khoa Ngữ Văn Đông Á và Phòng Hợp Tác Quốc Tế – Trường Đại học Quốc Lập Cao Hùng (Đài Loan), Phủ Chính Phủ Dầy, tỉnh Nam Định, Việt Nam. Tại đây, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ – Thủ nhang Phủ Chính Phủ Dầy nơi Thánh Mẫu giáng sinh cùng với NNƯT Vũ Thanh Bình, NNDG Lưu Hải Trường đã thực hành nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nhân Thọ Cung. Hơn 3 tiếng đồng hồ thực hiện nghi thức hầu đồng đã giúp làm xoa dịu nỗi nhớ nhà của các cư dân người Việt đang sinh sống tại Đài Loan, đề cao bản sắc dân tộc, văn hóa của nước Việt. Thông qua sự trao đổi văn hóa và học thuật giữa hai nước cũng giúp cho học sinh bên Đài Loan hiểu biết thêm được nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Tham gia chuyến trao đổi tôn giáo và văn hóa kéo dài 9 ngày vòng quanh đất nước Đài Loan cũng giúp cho người Việt hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Đài Loan.
NNƯT Trần Thị Huệ – Thủ nhang Phủ Chính Phủ Dầy cùng NNƯT Vũ Thanh Bình và NNDG Lưu Hải Trường thực hành nghi thức hầu đồng tại Nhân Thọ Cung (Cao Hùng, Đài Loan) |
Trên con đường hoằng dương đạo Mẫu, NNƯT Trần Thị Huệ luôn tâm niệm việc đạo phải luôn gắn với việc đời. Vào mỗi dịp Lễ hội Phủ Dầy hàng năm, bà luôn lo xa chỉn chu chuẩn bị tỉ mẩn từng thứ một: từng bông hoa, lễ vật dâng Mẫu cho tới từng tấm thảm trải sàn cho đội nghi lễ, thắt chặt chẽ an ninh trong suốt những ngày diễn ra lễ hội,…. Với lòng nhân ái từ truyền thống gia đình, bà luôn thật tâm, mong mỏi được đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho quê hương và cho cả cộng đồng xã hội. Đối với chính quyền các cấp, bà luôn hưởng ứng nhiệt tình chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đối với quê hương xã hội, bà công đức một phần kinh phí xây dựng Đình, Đền, Chùa ở một số nơi; bà kết hợp cùng với UBND xã Kim Thái xây dựng nhiều tuyến đường giao thông đi lại trong xã và còn nhiều công trình phúc lợi khác; bà thường xuyên trao tặng quà, tặng lương thực thực phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp cho những người dân trong đại dịch Covid-19; đóng góp cho quỹ xây dựng các trường học, tặng học bổng cho các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn,… cùng nhiều việc làm công đức thầm lặng của bà xuyên suốt nhiều năm tháng qua mà mấy ai sống ở xã Kim Thái đều thấu hiểu cả. Sự cống hiến đóng góp của bà đều được chính quyền các cấp và người dân địa phương gần xa ghi nhận, bày tỏ lòng tin kính, lòng biết ơn sâu sắc.
Trải qua gần 10 năm làm Thủ nhang Phủ Chính Phủ Dầy, NNƯT Trần Thị Huệ đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tặng giấy khen vì đã có Thành tích tham gia liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội năm 2017; Giấy khen của Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội do đã có thành tích đóng góp về vật chất và tinh thần vào thành công “Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội năm 2017”. Năm 2019, bà được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Mỗi cá nhân chúng ta cần có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể của nhân loại này. Đó là trách nhiệm không chỉ với tổ tiên người Việt, với nền văn hiến Việt Nam mà còn với cả thế giới, với nền văn minh nhân loại. Đây là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức mà đặc biệt quan trọng là của cả cộng đồng, nhất là những người thực hành, truyền dạy tín ngưỡng. Cần để Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện, được trao truyền đúng với ý nghĩa, bản sắc rất tốt đẹp, rất đặc sắc vốn có. Không bị làm sai lệch, biến tướng; bị tầm thường hóa, thương mại hóa. Qua đó, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cùng việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đạt được nhiều thành tựu, tiếp tục làm rạng danh nền văn hiến Việt Nam.
Bình Minh
Nguồn (Tạp chí điện tử Hoà nhập)