Sự kiện & Bình luận

Văn trẻ - đừng như những ánh sao băng

Sự kiện & Bình luận
10:55 | 11/04/2024
Lâu nay nhìn nhận về văn học của các tác giả trẻ (sau đây xin gọi là “văn trẻ”), chúng ta thường coi họ thuộc thế hệ “cứ thế bước ào vào văn chương”; nhưng đón nhận văn trẻ không phải theo tâm thế “đành lòng vậy”, mà phải theo tinh thần chào đón và chờ đợi, kỳ vọng và đòi hỏi Thiết nghĩ, đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã khó, huống hồ với cả một đội ngũ văn trẻ hiện nay. Bởi vậy, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh và khách quan.
aa

Lâu nay nhìn nhận về văn học của các tác giả trẻ (sau đây xin gọi là “văn trẻ”), chúng ta thường coi họ thuộc thế hệ “cứ thế bước ào vào văn chương”; nhưng đón nhận văn trẻ không phải theo tâm thế “đành lòng vậy”, mà phải theo tinh thần chào đón và chờ đợi, kỳ vọng và đòi hỏi... Thiết nghĩ, đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã khó, huống hồ với cả một đội ngũ văn trẻ hiện nay. Bởi vậy, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh và khách quan.

Phải nói ngay rằng thế hệ văn trẻ bây giờ đang sở hữu cả 3 yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” hơn bao giờ hết. Họ có nhiều lợi thế hơn các lớp nhà văn đi trước. Nếu tính từ sau năm 1945, chưa bao giờ nhà văn Việt Nam nói chung, văn trẻ nói riêng, lại được tự do bộc lộ cá tính như bây giờ. Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, kể cả mặt trái của đời sống xã hội cũng như quá trình tha hóa của con người thời đại. Họ có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình. Họ có thể viết tùy thích miễn là không phạm luật. Họ viết nếu không được in thành sách giấy (vì một lí do nào đó) thì họ “in” và phổ biến bất tận trên mạng. Còn nữa, văn trẻ lợi thế hơn trước ở sự tự do thông tin khi internet đến Việt Nam đã hơn một phần tư thế kỷ. Tuổi trẻ năng động hợp thức với cơ chế mở vốn có sức mạnh kích thích và khai phóng...

Thực tiễn cho thấy sẽ khó hình dung về đời sống văn chương đương đại Việt Nam nếu thiếu khuyết văn trẻ. Nói như thế để thấy sự quan tâm của xã hội đến lực lượng này là căn cứ theo quy luật phát triển “tre già măng mọc”. Phải thừa nhận là văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới. Trong hai thập niên đầu của thế kỉ XXI, không ít hiện tượng trên văn đàn Việt Nam đều có sự tham dự kịp thời và sôi nổi của văn trẻ. Nhưng cũng cần đưa ra cảnh báo, bởi chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến tàn nhẫn như trong sáng tạo nghệ thuật. Văn trẻ, theo tôi, đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng như một nghịch lý. Nhà văn Uông Triều đã viết hẳn bài Sự quên lãng trên Văn nghệ Công an (số 579 năm 2021), nhận được nhiều chia sẻ và đồng cảm: “Sự quên lãng khủng khiếp này không chừa bất cứ ai hoặc tác phẩm nào. Có lẽ cứ vui vẻ với mình, nỗ lực viết, cống hiến và chấp nhận những sàng lọc và đào thải của thời gian thì người ta may ra mới tạo được vài ba tác phẩm có giá trị bền vững...” Đó là một sự thật dẫu có đắng lòng cũng phải dũng cảm đối diện.

Văn trẻ hiện nay, xét về số lượng, quả thực là đông đảo, hùng hậu; nhưng dường như không dễ tìm thấy gương mặt nào sáng giá, trội bật lên làm cho văn đàn Việt Nam khởi sắc, tạo bước ngoặt, thậm chí là một cuộc cách mạng trong thơ ca, tựa như sự xuất hiện của các thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới (1932-1945), hay thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975). Văn trẻ hiện nay viết miệt mài và sách của họ “phủ sóng” thị trường sách văn học, nhưng vẫn cứ gieo niềm nuối tiếc với độc giả là không tìm thấy tác phẩm của họ có cái khả năng “neo chữ” như cách nói của các nhà phê bình. Có người cho rằng văn trẻ chưa bứt phá lên được là do sức ép của cơ chế thị trường. Nhưng cũng là cơ chế thị trường tại sao người Mỹ, Pháp, Trung Quốc... làm phim, viết văn vẫn hay và đắt khách đến thế? Có người bào chữa cho văn trẻ đang chịu sự lấn lướt của văn hoá nghe - nhìn. Nhưng nếu văn trẻ thực sự có nội lực mạnh mẽ thì tại sao lại không thể cạnh tranh được với nó?

Một trong những nguyên nhân khiến cho văn trẻ hiện nay chưa đáp ứng được nguyện vọng của xã hội, theo tôi, có thể trước hết xuất phát từ quan niệm về văn chương. Cách đây chưa lâu, có một nhà văn trình ra một tuyên ngôn xanh rờn khi coi văn chương chỉ là một “trò chơi vô tăm tích” và được một số người hô ứng nhiệt thành. Thật ra thì trong quá khứ, đôi khi chúng ta cũng đã quan trọng hóa quá mức vai trò của văn chương, nhưng nếu coi nó là một “trò chơi vô tăm tích” thì lại rơi vào một cực đoan khác. Tâm thế của văn trẻ bây giờ nhiều khi cũng đáng suy nghĩ, khi không ít trong số họ không hề có ý nguyện “sống chết” với văn chương. Có người viết một vài tác phẩm ban đầu lóe sáng, song bỗng dưng “mất tích”, sau này mới biết họ đã bình thản giã từ nghiệp viết và thậm chí hình như không hề nuối tiếc một điều gì. Cần phải nói rõ hơn về tinh thần tiếp biến văn hóa của văn trẻ hiện nay đang có vấn đề. Một số người trẻ ấp ủ khát vọng làm mới văn chương bằng cách hướng ra thế giới với tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đáng tiếc đã xảy ra tình trạng là bộ lọc của họ chưa đủ tinh xảo nên sự tiếp biến chưa có hiệu quả. Một số người thì dường như cố tình khước từ truyền thống văn hóa dân tộc có bề dày và thành tựu nhiều thế kỷ. Ai đã từng đọc công trình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của Xuân Diệu mới thấm thía cái cách thi nhân tự làm giàu mình bằng con đường học tập các bậc cổ điển của dân tộc.

Văn trẻ hiện nay hướng sự viết vào cái “tôi”, tất nhiên không phải là không đúng, song xem ra chưa thực sự quan tâm điều chỉnh mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và cái “ta” một cách hài hòa. Cho nên khi thiếu mối liên hệ ấy, nhà văn sẽ vô tình (hoặc không vô tình) xa rời đời sống của nhân dân mình, dẫn đến nguy cơ bị “đứt rễ” với mảnh đất màu mỡ của đời sống nhân dân vốn luôn luôn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật. Đọc văn trẻ hiện nay, nhiều người có cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực đang bao bọc quanh ta. Có thể cắt nghĩa tình trạng này bằng việc chỉ ra cách huy động vốn sống gián tiếp khi sáng tác của văn trẻ. Đành rằng, người viết trẻ trong chừng mực nào đó không nhất thiết đi thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước, song nếu dựa hẳn vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin của thời đại internet và sự hỗ trợ của công nghệ, thì ắt dẫn đến tình trạng tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể thiếu “nghĩa”.

Tinh thần đón đợi văn trẻ hiện nay đòi hỏi chúng ta vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đợi những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc ngoặt bất ngờ nhất - như ai đó triết lí rằng: chờ đợi cũng là một nghệ thuật và cũng là một hạnh phúc. Nhưng chờ đợi chưa đủ, phải tìm cách thúc đẩy văn trẻ tiến lên phía trước bằng những chính sách văn hóa thiết thực, kịp thời, hợp lý để phát hiện người tài, tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Xét về phương diện này, thẳng thắn mà nói, chúng ta còn thiếu và yếu cả trên hai phương diện chiến lược và sách lược.

Nhà văn Anh Đức từng tâm sự: “Văn học của một xứ sở, theo tôi dù muốn hay không, đó vẫn là một cuộc hành trình liên tục, tự nhiên giữa các thế hệ cầm bút, chỉ có khác là mỗi thế hệ gánh vác với những sứ mệnh khác nhau và sứ mệnh ấy không thể tách rời vận mệnh chung của dân tộc” (Anh Đức, Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.22). Những người trẻ đương thời, cũng như văn trẻ hiện nay đang nhận được ân huệ của thời gian. Vậy, làm thế nào để văn trẻ sẽ trả cho đời những mầm nụ tươi xanh, những hoa tươi trái ngọt mới? Câu trả lời, thiết nghĩ, đã nằm ngay trong câu khẩu hiệu “Vì sao chúng ta viết?” được chọn làm chủ đề cho Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 6-2022. Tâm nguyện của công chúng văn học hôm nay trông chờ những “lóe sáng” của văn trẻ đồng nghĩa với sự “thắp sáng”, chứ đừng “lóe sáng” như những ánh sao băng...

Nhà văn Bùi Việt Thắng

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.