Diễn đàn lý luận

Về bài thơ "Cơn mưa rừng chiều nay"

Lý luận phê bình
08:55 | 28/07/2020
Nhiều năm qua, hàng nghìn cuộc đi tìm mộ liệt sĩ, cũng là hàng nghìn trường hợp khác nhau. Dễ dàng, thuận tiện thì ít mà khó khăn, trở ngại thì nhiều. Địa điểm, thời tiết nhiều khi không chiều theo ý muốn của mọi người. Chỉ riêng việc tìm được mộ rồi, thì hoàn cảnh, tình huống khi gặp được hài cốt liệt sĩ để khâm liệm, đưa về quê nhà hoặc quy tập vào nghĩa trang ra sao, cũng không giống nhau ở mọi trường hợp. Thơ dâng viếng linh hồn những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân cũng vì thế mà mỗi bài mỗi vẻ.
aa

Nguyễn Hữu Quý

Cơn mưa rừng chiều nay

Mấy mươi năm lặng lẽ dưới rừng sâu

Chúng tôi đến đưa anh về với mẹ

Tây Trường Sơn chiều nay mưa tầm tã

thác trời tuôn, nghiêng ngả gió bốn bề.

Tấm ni - lông dành che hài cốt

chúng tôi như cây đẫm buốt mưa rừng

tay đồng đội nâng niu đồng đội

cơn mưa rừng trào khóe mắt rưng rưng!

Dưới cơn mưa là nén hương cháy dở

chút hương quê chưa thơm hết lòng mình

đỉnh non cao òa cơn sóng vỡ

nhịp tim dồn thao thức phía bình minh.

Hóa thành đất cái gia tài của lính

vóc dáng mẹ cho cũng đã đất rồi

thành đất cả dòng tên cha gọi

đất khai sinh ngọn lửa dưới mưa trời!

Ngày mai, anh về với mẹ

gửi lại cơn mưa thao thiết cho rừng

nắm đất Trường Sơn bọc trong vuông vải nhỏ

như lửa đầu nguồn thắm mạch đất quê hương.

(Tạp chí Cửa Việt - năm 1997)

Lời bình của Phạm Đình Ân

Nhiều năm qua, hàng nghìn cuộc đi tìm mộ liệt sĩ, cũng là hàng nghìn trường hợp khác nhau. Dễ dàng, thuận tiện thì ít mà khó khăn, trở ngại thì nhiều. Địa điểm, thời tiết nhiều khi không chiều theo ý muốn của mọi người. Chỉ riêng việc tìm được mộ rồi, thì hoàn cảnh, tình huống khi gặp được hài cốt liệt sĩ để khâm liệm, đưa về quê nhà hoặc quy tập vào nghĩa trang ra sao, cũng không giống nhau ở mọi trường hợp. Thơ dâng viếng linh hồn những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân cũng vì thế mà mỗi bài mỗi vẻ.

Cơn mưa rừng chiều nay, sáng tác của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý, nói đến việc đón đưa hài cốt liệt sĩ trong tình huống khắc nghiệt: Tây Trường Sơn chiều nay mưa tầm tã/ Thác trời tuôn, nghiêng ngả gió bốn bề. Đồng đội đã may mắn được sống sót thì việc đền ơn đáp nghĩa, dù có gian khổ đến mấy, họ vẫn chịu đựng được. Nhưng mà thương, rất thương xót các anh đã nằm lại bao nhiêu năm rồi. Tấm ni lông không đủ che chắn, bảo vệ hài cốt, khi mọi người và cả khu rừng đều ướt đẫm. Tất cả đều đẫm nước mắt. Nén hương cũng tắt nửa chừng. Đất trời và con người như rung chuyển đến tận cùng nỗi cảm thương xúc động: đỉnh non cao òa cơn sóng vỗ/ nhịp tim dồn thao thức phía bình minh.

Lại nhớ đến bài thơ Vuốt mắt cho cánh rừng của nhà thơ Vũ Bình Lục cũng nói đến mộ liệt sĩ, nhưng là việc chôn cất người chiến sĩ vừa hy sinh. Trời không mưa, nhưng bom, pháo giặc dội xuống. (Còn biết ngả mình vào đâu mà yên giấc/ Đất quê hương giặc xới hết lên rồi/ Đắp cho bạn ngôi nhà bằng đá xanh bờ suối/ Ngày sau tìm chẳng thấy/ Bạn tôi cùng với ngôi nhà/ Loạt bom mới đã khiêng đi). Cánh rừng cũng khóc như con người. Tác giả viết “vuốt mắt cho cánh rừng” là vậy.

Trở lại với bài thơ Cơn mưa rừng chiều nay. Dưới cơn mưa như là chưa bao giờ trút nước đến thế, hài cốt cùng vật kỷ niệm của người liệt sĩ đã tan hòa, trải ra trên cả vùng đất rừng miền tây Trường Sơn. (Hóa thành đất cái gia tài của lính/ vóc dáng mẹ cho cũng đã đất rồi/ thành đất cả dòng tên cha gọi). Người liệt sĩ đã hóa thân hoàn mỹ vào đất đai Tổ quốc. Như vậy cũng như trong thơ Vũ Bình Lục, người liệt sĩ trong thơ Nguyễn Hữu Quý đã hy sinh hai lần.

Cuối bài thơ, bỗng nhiên có câu thơ khiến người bình gai người vì xúc động: Ngày mai, anh về với mẹ/ giữ lại cơn mưa thao thiết cho rừng.

Lời thơ giản dị như lời nói thường ngày, nhưng trìu mến và sâu xa ân nghĩa. Mưa là một hiện tượng thiên nhiên, bản thân nó không có lỗi gì, chỉ do “trời xui đất khiến” mà thôi. Bù lại, đất đai, cũng là thiên nhiên, thiên nhiên thuộc về Tổ quốc, đã nhận lại người liệt sĩ. Mang đất nơi liệt sĩ nằm xuống cũng đồng nghĩa với việc mang đầy đủ hài cốt của anh về quê nhà. Không ai nỡ giận cơn mưa vô tình, mà ngược lại, linh hồn liệt sĩ và đồng đội của anh, vẫn nhớ mãi như nhớ một kỷ niệm sâu sắc của lần hy sinh thứ hai mà chính cơn mưa đã tạo ra, đã chứng kiến.

Bài thơ có tứ độc đáo, lời và bố cục cô đúc, niềm xúc động chân thành, nỗi xót xa và tình thương yêu như còn để lại dài lâu trong lòng độc giả.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.