Mở đầu năm 2020 đời sống nhạc Việt liên tục đón nhận những sản phẩm tương đối ồn ào, từ ca khúc Anh thanh niên với giọng hát của HuyR chễm chệ ở vị trí đầu trên Top Trending YouTube Việt Nam, đến Vẻ đẹp 4.0 của Hồ Ngọc Hà mới chỉ tung những trailer giới thiệu đầu tiên đã gây sự chú ý của những tín đồ nhạc trẻ… Liệu đây có phải là khởi đầu những xu hướng sáng tác mới “mang đậm hơi thở cuộc sống” bên cạnh dòng âm nhạc chính thống?...
Hình ảnh trong MV "Anh thanh niên" với giọng hát của HuyR. |
Sự “xâm lấn” của dòng nhạc thị trường
Có thể nhận thấy, hầu hết những ca khúc nhạc “thị trường” được ra mắt gần đây, trong ca từ, vũ đạo, những người trẻ không ngần ngại bộc lộ bản thân, mạnh dạn tìm kiếm hạnh phúc theo cách riêng của mình mà không vướng bận quá nhiều vào luân thường và đạo lý. Có thể dẫn ra đây trường hợp Anh thanh niên của HuyR với những ca từ: Anh thanh niên năm nay đã ngót nghét 30/ Sáng mua năm nghìn xôi tối ba nghìn trà đá/ Anh luôn luôn on face để biết hết chuyện trên đời/ Đăng cái Status bình thường cũng phải gần nghìn like... Đây vốn là hình ảnh không xa lạ đối với một bộ phận lớp trẻ thời công nghệ. Cuộc sống của họ rất đơn giản với những nhu cầu tối giản “xôi sáng năm nghìn” và tối về “ba nghìn cốc trà đá” ngồi ôm điện thoại và đăng cái Status, chờ thiên hạ nhảy vào comment. Từ những nhu cầu tối giản như vậy, cuộc sống của họ cũng ít có sự giao thoa với cộng đồng, nhất là những thanh niên 30 nhưng vẫn không chịu lớn… Ca khúc ra mắt “hạ gục” các sản phẩm nhạc thị trường thời điểm hiện tại như Lối nhỏ của Đen Vâu, đạt một triệu like.
Hứa hẹn “Ăn nên, làm ra”?
Trên thực tế, những vấn đề xã hội, thời sự luôn là chủ đề khó khai thác trong âm nhạc. Những tác phẩm về chủ đề này mất nhiều thời gian hơn để được ra đời bởi tác giả cần có đủ trải nghiệm và tìm cách lồng ghép nội dung sao cho thật khéo léo, mềm mượt. Cũng vì thế, chính mảnh đất khó này là nơi thể hiện rõ cá tính, quan điểm âm nhạc của nhạc sĩ, là thước đo về cái tôi khá rõ nét trong mỗi sản phẩm âm nhạc được ra mắt trước công chúng. Thông thường, việc cảm thụ âm nhạc của mỗi người có sự khác nhau, nhạc sĩ hay ca sĩ không thể buộc khán giả phải yêu mến sản phẩm của họ, hoặc phải vận động họ nghe nhạc như thế. Âm nhạc phụ thuộc vào cảm xúc, và đây chính là điều không thể cưỡng. Trước một tác phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, mang đậm yếu tố nghệ thuật thì dù không muốn đốn tim khán giả cũng khó, bởi cảm xúc của người xem, nghe không phụ thuộc vào e kíp sản xuất hay cha đẻ của tác phẩm âm nhạc, Để Mỵ nói cho mà nghe là một sản phẩm âm nhạc đã làm được điều kỳ diệu đó. Nhạc sĩ, ca sĩ và ê kíp thực hiện đã tìm ra mạch nguồn trong trẻo từ những tác phẩm văn học, khéo léo kết hợp chúng lại và thổi vào đó hơi thở cuộc sống nhằm tạo ra sản phẩm âm nhạc chạm đến trái tim khán giả.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng chia sẻ: “Nhạc sĩ vẫn sáng tác nhiều nhưng những đề tài này thường không được khán giả đại chúng quan tâm. Phần lớn, chúng chỉ được người trong nghề hoặc những khán giả có quan tâm sâu về âm nhạc tìm nghe. Điều này diễn ra ở cả thị trường âm nhạc thế giới, chứ không riêng Việt Nam. Chúng chỉ được sử dụng chủ yếu ở những cuộc thi về âm nhạc. Các bảng xếp hạng cũng không mặn mòi, trong khi truyền thông cũng kém quan tâm”. Cùng chung quan điểm với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung về sự cần thiết đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào tác phẩm âm nhạc, nhưng khắt khe hơn với việc chọn đề tài thể hiện trong ca khúc, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng: “Nhiều thân phận, nhiều giọt nước mắt, nhiều bi kịch, tai nạn, nhiều sự kiện xã hội nóng hổi… vẫn diễn ra hằng ngày, đó chính là đề tài của sáng tác, sáng tạo và âm nhạc. Nhưng, hãy nhìn những gì đang diễn ra mà xem, chúng gần như bị bỏ lơ khiến tôi có cảm giác rằng nghệ thuật đang đứng ngoài tất cả những gì hiện hữu trong cuộc sống này…”.
Nhập cuộc một cách trực tiếp hay gián tiếp vào những biến động của xã hội vốn chỉ là cách lựa chọn của các nhạc sĩ trong sáng tác ca khúc, và thực sự điều này cũng không có nhiều ý nghĩa đối với phần đông khán giả, cái mà tất thảy mọi người cần chính là những thông điệp mà nhạc sĩ, ca sĩ đem đến cho công chúng thông qua sản phẩm âm nhạc của mình. Với Để Mỵ nói cho mà nghe thì đó là vẻ đẹp thanh xuân rực rỡ của những cô gái Mông với khát vọng được yêu, được sống khi được là chính mình. Còn những cá khúc như Hãy trao cho anh, Anh thanh niên, Vẻ đẹp 4.0 lại khác, đó đơn thuần chỉ là thoả mãn thị hiếu nhất thời của một bộ phận giới trẻ. Nhưng dù là vậy, những kỷ lục liên tiếp đã được tạo nên… Tất cả những điều đã đang diễn ra với dòng nhạc này chứng tỏ nhạc thị trường có thị phần riêng và có thể sẽ còn tiếp tục phát triển song hành với dòng chảy âm nhạc chính thống. Chỉ có điều, nhạc thị trường nói gì thì nói cũng không nằm ngoài quy luật đào thải của thị trường. Rất có thể hôm nay những ca khúc đang được đón nhận, thì ngày mai, ngày kia hay một vài tháng nữa sẽ bị nhấn chìm bởi những sản phẩm âm nhạc mang hơi hướng cuộc sống đương đại khác, như môi trường, thậm chí là dịch cúm Corona đang đe doạ huỷ diệt thế giới…
Chính vì vậy, nhạc thị trường dù được xem là một sản phẩm của dòng nhạc trẻ thời công nghệ, ồn ào, nhanh nhạy với thị hiếu của người nghe, nhưng cũng còn nhiều điều phải nhìn nhận lại ở ca từ, vũ đạo trước khi phát hành rộng rãi đến công chúng. Đứng ở góc độ người tiếp nhận, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy cũng đã từng quan ngại: “Việc sáng tác cũng phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, mà phần lớn trong đó xuất phát từ hưởng ứng của khán giả. Vì thế, khi cách khán giả đón nhận thay đổi, người sáng tác cũng sẽ thay đổi. Nhưng hơn hết, sáng tác vẫn là một công việc, có thực mới vực được đạo”.
Vẫn biết phát triển là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời đảm bảo cho sự tồn tại của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, đặc biệt trong môi trường có yếu tố thị trường chi phối. Nhạc trẻ đã và đang tỏ ra có khả năng đáp ứng nhanh nhất và hiệu quả nhất trong môi trường này, nhưng đồng thời cũng vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt, trong đó có những nhận xét đúng và cũng có không ít những nhận xét mang ít nhiều định kiến. Song, để nhìn nhận đúng về nhạc trẻ thời công nghệ số, đội ngũ lý luận phê bình vẫn chưa thực sự nhập cuộc, nếu có thì những bài viết mới chỉ là những nhận xét chung chung, chưa có sự định hướng rõ nét và đưa ra được những lý giải, những giải pháp hữu hiệu về dòng nhạc thị trường, do đó chưa thực sự thỏa mãn được yêu cầu của công chúng yêu âm nhạc. Chính vì vậy, một đời sống mới cho nhạc trẻ, trong đó có nhạc thị trường, vẫn còn kém chiều sâu và tính nghệ thuật.
Nguồn Văn nghệ số 16/2020