Theo thống kê từ báo cáo kết quả giám sát, trong giai đoạn 2011 - 2016, về ATTP, đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan T.Ư ban hành, trong đó có 8 văn bản luật của Quốc hội, 34 nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, 8 thông tư liên tịch, hơn 100 thông tư của các bộ liên quan. Các địa phương đã ban hành 1.253 văn bản quản lý pháp luật chỉ đạo, điều hành công tác ATTP trên địa bàn.
Qua giám sát cũng cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Theo thống kê, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra. Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao, dù cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế. Ở một số địa phương, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng.
Trước đó, năm 2015, Bộ NN&PTNT đã thí điểm sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi thông qua các HTX và hộ cá thể, nhưng thực tế đã có không ít hộ cá thể - do không có ràng buộc về pháp lý đã khiến chuỗi sản xuất tan rã.
Năm nay, Bộ NN&PTNT đã chọn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội làm hai địa phương làm điểm phối hợp với các địa phương trong khu vực xây dựng các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy trình về kiểm tra, chứng nhận, xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi. Như vâỵ, phía Bộ NN&PTNT đã có những hành động cụ thể để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Song những nỗ lực này vẫn còn hạn chế đòi hỏi phải có sự nhập cuộc của nhiều Bộ, ngành và những chế tài cụ thể.
Đoàn giám sát cũng đề nghị, Quốc hội sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đề xuất cơ chế, chính sách cho người dân và DN liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn… Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng, ATTP theo đúng phân cấp quản lý. Xây dựng văn bản, quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nhằm phát huy hiệu quả tối đa công tác chủ động kiểm soát chất lượng, ATTP theo chuyên môn và các lĩnh vực chuyên ngành phụ trách… PV