Sự kiện & Bình luận

Bảo tàng thời đại số

Chính trị xã hội
03:31 | 25/04/2016
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, bảo tàng phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí, thông tin tràn ngập. Tuy nhiên, kỹ thuật số cũng giúp các bảo tàng kích thích sự tò mò, thu hút
aa

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, bảo tàng phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí, thông tin tràn ngập. Tuy nhiên, kỹ thuật số cũng giúp các bảo tàng kích thích sự tò mò, thu hút khách tham quan. Hệ thống bảo tàng Việt Nam đã khai thác được lợi ích của thời đại số chưa?

Kết nối với khách tham quan


Làm thế nào để biến bảo tàng thành không gian đặc biệt, thu hút mọi người? Làm sao để khách tham quan có thể tiếp cận lượng hiện vật khổng lồ đang được lưu giữ tại các bảo tàng? TS. Chantal Eschenfelder - Giám đốc Giáo dục và Truyền thông Bảo tàng Staedel, Frankfurt, Đức chia sẻ: với lịch sử hình thành 200 năm, Bảo tàng Staedel hiện có bộ sưu tập lên tới hàng ngàn tác phẩm từ thế kỷ XIV trở lại và hằng năm sưu tập thêm tác phẩm mới. Trong khi chỉ 1% bộ sưu tập ấy được trưng bày, còn lại lưu giữ trong kho. Bên cạnh đó, khách thăm bảo tàng tăng dần theo năm tháng, không gian lại có hạn. Trong khi chỉ cần một click, người ta có thể tìm thấy nhiều thông tin trên internet, nhiều loại hình giải trí níu kéo khiến việc đến bảo tàng không còn thật sự cần thiết… Dù kỹ thuật số có tạo ra thách thức lớn, nhưng cũng giúp ngày càng nhiều người tiếp cận với hiện vật, kể cả tác phẩm giữ trong kho bảo tàng, mà không bị giới hạn về mặt vật lý.


Du khách xếp hàng tham quan trưng bày Monet tại Bảo tàng Staedel

Ứng dụng công nghệ số, nhiều bảo tàng thế giới đã tăng cường giới thiệu hiện vật và thông tin trên internet. Với chiến lược tăng cường giáo dục văn hóa, nghệ thuật qua công nghệ, Bảo tàng Staedel nỗ lực thu hút khách đến bảo tàng, kể cả khách đến trực tiếp hoặc trên internet. Qua đó, số lượng khách tiếp cận các bộ sưu tập của Bảo tàng ngày càng tăng, gắn kết họ với nghệ thuật cũng như bảo tồn di sản. Bảo tàng cũng mở rộng khai thác công nghệ để tiếp cận nhiều nhóm đối tượng mới. Theo TS. Chantal Eschenfelder: Để làm được như vậy, bảo tàng tăng cường số hóa giới thiệu hiện vật trên internet với nhiều ứng dụng cho người dùng; bên cạnh đó, làm phim về dự án nghệ thuật, về nghệ sĩ, đăng tải trên kênh Youtube; thực hiện các dự án trực tuyến về hội họa hiện đại; tăng cường giới thiệu bảo tàng và gắn kết với cộng đồng qua mạng xã hội…

Có người lo lắng rằng, khi ấy khách tham quan không cần tới bảo tàng nữa, nhưng thực tế ngược lại. Nếu theo cách truyền thống, hằng năm chỉ 400.000 người thăm Bảo tàng Staedel, nhưng khi số hóa và tăng cường thông tin trên internet, số khách tham quan tăng vọt, khoảng 1,3 triệu người. Ngoài thu hút mọi người tới bảo tàng, kỹ thuật số còn giúp họ chuẩn bị tâm lý tham gia trưng bày. Như khi mua vé trực tuyến thăm trưng bày Monet, họ không chỉ nhận được vé, mà còn có link cài đặt trên smartphone, có thêm hình ảnh và nội dung về trưng bày ấy. Khi tới bảo tàng, họ đã có tâm thế sẵn sàng, xác định mình muốn xem gì, giúp chuyến tham quan hiệu quả hơn.

Chưa tận dụng cơ hội

Việc sử dụng internet và các thiết bị công nghệ đã tăng nhanh ở Việt Nam những năm gần đây, nhưng ứng dụng kỹ thuật số tại các bảo tàng còn khá chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong không gian trưng bày, một số bảo tàng đã bố trí thiết bị điện tử hỗ trợ khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu nội dung trưng bày, làm phong phú lượng thông tin và cách thức truyền tải chúng tới du khách. Chương trình tương tác, trình chiếu 3D phục vụ trưng bày và các hoạt động công chúng cũng giúp bảo tàng trong nước tiếp cận xu thế chung của thế giới. Nhiều bảo tàng đã thành lập website nhưng phần lớn có thông tin ít ỏi và không được cập nhật thường xuyên. Mà không có thông tin cụ thể, thường xuyên, khách tham quan khó tìm đến bảo tàng. Dường như nhiều bảo tàng Việt Nam chưa tận dụng khai thác được những lợi ích internet mang lại để quảng bá thông tin, kết nối với khách tham quan.

Một số bảo tàng đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý hiện vật, số hóa hiện vật, nhưng từ đó chuyển sang bảo tàng trực tuyến còn một khoảng cách. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đi đầu trong xây dựng bảo tàng ảo 3D và có lẽ cũng là đơn vị hiếm hoi đang triển khai việc này. Theo ThS. Tô Thị Thủy Lâm - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, năm 2013, Bảo tàng triển khai số hóa 2 khu trưng bày Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam; năm 2014 - 2015 triển khai ở các trưng bày Việt Nam thời tiền sử, Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo - Phù Nam, Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê, Triều Lý, Triều Trần; năm 2016 - 2018 sẽ thực hiện ở các khu trưng bày còn lại. Bảo tàng ảo 3D giúp khách tham quan tương tác thông tin sâu hơn, có thể kết nối, tham quan bảo tàng ở mọi lúc mọi nơi. Từ khi bảo tàng thực hiện dự án 3D, lượng khách không giảm mà có xu hướng tăng do khuyến khích sự tò mò của mọi người, thôi thúc họ tới thăm bảo tàng.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ số có vị trí quan trọng thu hút khách tham quan, đáp ứng nhu cầu của công chúng trước và trong khi đến bảo tàng. Đây cũng là xu hướng tất yếu, khi lượng lớn thông tin đến với khách tham quan qua internet. Nếu các bảo tàng của Việt Nam tận dụng được cơ hội này, sẽ tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng và thu hút nhiều khách tham quan hơn.

Lê Thủy
Nguồn ĐBND

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.