Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, gia đình nhà thơ đã mở cửa Bảo tàng Tố Hữu trên cơ sở Nhà Lưu niệm Tố Hữu trong khuôn viên của nhà D9 Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội), do nhóm nội dung của PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lãnh đạo, thiết kế trưng bày do thạc sĩ đồ họa Đam Ca thể hiện.
Theo đó, Bảo tàng Tố Hữu gồm hai hợp phần: Phần trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của Tố Hữu thông qua 7 tập thơ gắn liền với những giai đoạn lịch sử cách mạng của đất nước. Hợp phần 2 là không gian tái tạo lại một phần căn nhà 76 Phan Đình Phùng, nơi ông và gia đình đã sống suốt hơn 40 năm từ 1960 đến 2002, khi ông rời cõi tạm.
Với phong cách trưng bày khoa học và đổi mới, kết hợp nhiều phương tiện nghe nhìn, bảo tàng cố gắng cung cấp cho người xem một cách đầy đủ và đa chiều các tư liệu quốc tế, trong nước và cá nhân nhà thơ trong gần một thế kỷ . Bảo tàng Tố Hữu sẽ được khai mạc vào ngày 9 và 10-10, tiếp tục đón khách vào thứ bảy hàng tuần, từ 10 giờ đến 17 giờ.
Trước đó, vào năm 2019, thực hiện Nghị quyết của HĐND, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ vừa ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền nhằm tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, góp phần giáo dục truyền thống và tạo điểm tham quan góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài san nền tạo mặt bằng phần diện tích khoảng 4.220 m2, Khu lưu niệm sẽ xây dựng mới nhà lưu niệm diện tích khoảng 262 m2; 1 nhà thờ diện tích khoảng 54 m2; 3 chòi thơ diện tích khoảng 66 m2 (22 m2/nhà). Xây dựng các hạng mục phụ trợ: Đường vào và bãi đỗ xe khoảng 300 m2; sân đường nội bộ khoảng 1.363 m2; kè bờ sông Bồ và bến nước khoảng 90 m; cổng, hàng rào khoảng 240 m; không gian cây xanh, sân vườn; hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy đảm bảo yêu cầu.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 28 tỷ đồng.
MH