Theo đó, Dự thảo đề xuất ưu tiên kiểm kê và đưa vào danh mục kiểm kê các di sản văn hóa có giá trị thông tin mang tầm ảnh hưởng đặc biệt đến lịch sử, văn hoá, khoa học và các lĩnh vực khác, độc đáo về hình thức và phong cách thể hiện; có nguy cơ bị hủy hoại, xuống cấp nghiêm trọng, mai một, thất truyền cần bảo vệ khẩn cấp, hoặc có thể vĩnh viễn mất đi; di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người và những di sản văn hóa có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.
Việc kiểm kê, lập danh mục kiểm kê, bảo quản, lưu giữ, công bố giá trị di sản văn hóa phải bảo đảm không làm sai lệch, ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hóa; tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm sự tham gia, nhận thức đầy đủ của chủ thể quản lý, nắm giữ, thực hành di sản văn hóa; bảo đảm tính chính xác, trung thực.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Di sản văn hóa phi vật thể mới nhất của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Ảnh Internet |
Theo dự thảo, đối tượng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể bao gồm di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình được quy định tại Điều 10 Luật Di sản văn hóa.
Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cần thu thập các thông tin:
1. Tên gọi: Xác định tên thường gọi và tên gọi khác (nếu có);
2. Loại hình: Căn cứ vào Điều 10 Luật Di sản văn hóa để xác định loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trường hợp di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình thì xác định đầy đủ các loại hình có liên quan;
3. Địa điểm: Xác định địa danh nơi di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại; di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở nhiều địa điểm trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn;
4. Không gian, đồ vật và đồ tạo tác liên quan: Xác định, miêu tả về: không gian văn hóa nơi cộng đồng chủ thể sáng tạo, thể hiện, duy trì và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể; các đồ vật là công cụ, phương tiện để thực hành di sản văn hóa phi vật thể; đồ tạo tác được tạo ra từ quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
5. Chủ thể di sản văn hóa phi vật thể: a) Trường hợp chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là một cá nhân (nghệ nhân, người thực hành): Xác định rõ họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể; b) Trường hợp chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là cộng đồng, nhóm người: Xác định tên thường gọi của cộng đồng, nhóm người và thông tin về những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó.
6. Miêu tả: a) Quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể; b) Hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
7. Hiện trạng: Xác định khả năng duy trì, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản văn hóa phi vật thể.
8. Đánh giá giá trị: Xác định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay.
9. Đề xuất biện pháp bảo vệ.
10. Lập thư mục tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác.
Dự thảo quy định đối tượng kiểm kê di tích bao gồm các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên được nhận diện đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 22 Luật Di sản văn hóa.
Việc kiểm kê di tích cần thu thập thông tin có nội dung sau đây:
1. Tên gọi: Xác định tên thường gọi và tên gọi khác (nếu có).
2. Địa điểm: Xác định địa danh nơi di tích đang tồn tại; trường hợp cụm, quần thể di tích có mối liên hệ mật thiết với nhau tồn tại ở nhiều địa điểm trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn.
3. Đường đi đến: Ghi rõ khoảng cách từ trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có di tích đến di tích và chỉ dẫn cụ thể đường đến di tích bằng các phương tiện giao thông.
4. Phân loại di tích: Căn cứ vào Điều 21 Luật Di sản văn hóa để xác định loại hình di tích. Trường hợp di tích thuộc nhiều loại hình thì xác định đầy đủ các loại hình có liên quan.
5. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích: Miêu tả khái quát về sự kiện, nhân vật lịch sử và đặc điểm của di tích.
6. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích: Miêu tả khái quát về sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội có liên quan đến di tích.
7. Khảo tả di tích: Khảo tả khái quát về hiện trạng các công trình, hạng mục kiến trúc, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích.
8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích: Đánh giá tổng quát giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích.
9. Thực trạng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích: Trình bày khái quát về thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
10. Kiến nghị, đề xuất biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di tích: Đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích; kiến nghị đối với cấp có thẩm quyền.
11. Tổng hợp Danh mục tài liệu tham khảo.
Theo dự thảo, đối tượng kiểm kê di sản tư liệu bao gồm các tài liệu, hiện vật được quy định tại Điều 53 Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên kiểm kê di sản tư liệu có giá trị có nguy cơ bị hủy hoại và xuống cấp không thể phục hồi.
Việc kiểm kê cần thu thập thông tin có nội dung sau đây:
1. Tên gọi: Xác định tên thường gọi và tên gọi khác (nếu có).
2. Phân loại: Căn cứ vào khoản 2 Điều 53 Luật Di sản văn hóa.
3. Địa điểm: Xác định địa danh nơi di sản tư liệu đang được lưu giữ/quản lý; di sản tư liệu được lưu giữ/quản lý ở nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ở nước ngoài thì ghi cụ thể đến cấp xã, phường, thị trấn đối với di sản trong nước và ghi cụ thể thành phố hoặc nơi lưu giữ/cơ quan quản lý đối với di sản; ghi rõ địa điểm trước đây của tài liệu (nếu có).
4. Chủ thể quản lý/sở hữu di sản (tính pháp lý).
5. Mô tả di sản tư liệu.
a) Quá trình hình thành, tồn tại của di sản tư liệu (xác định các mốc thời gian bắt đầu, hoàn thành/kết thúc, phạm vi ảnh hưởng).
b) Trích yếu nội dung thể hiện và khái quát những giá trị văn hóa - xã hội, lịch sử, khoa học của di sản tư liệu mang lại đối với cộng đồng, quốc gia, khu vực và thế giới; nội dung của văn bản hoặc dịch nội dung văn bản (nếu không phải tiếng Việt).
c) Hình thức, kích thước, dấu tích đặc biệt của vật mang tin (kỹ thuật tạo tác, phong cách, nghệ thuật thể hiện) và số lượng (theo đơn vị tính cho tài liệu văn bản, phi văn bản, độ dài thời gian, dung lượng, số lượng file tệp tin đối với tài liệu điện tử) của di sản tư liệu.
d) Hiện trạng di sản: Xác định tình trạng bảo quản và khả năng tiếp cận di sản tư liệu; nguy cơ và nguyên nhân bị hủy hoại, xuống cấp của di sản tư liệu.
6. Đánh giá giá trị di sản tư liệu: Xác định giá trị thông tin về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và ý nghĩa của di sản tư liệu đối với cộng đồng trong đó phân tích theo các tiêu chí về tính xác thực, tính độc bản và độc đáo, tính toàn vẹn, phương thức bảo quản và tiếp cận của di sản tư liệu.
7. Đề xuất Kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu.
8. Danh mục tài liệu có liên quan tới di sản tư liệu, bao gồm nhật ký kiểm kê, các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác.