Thơ mới, một khái niệm cho đến giờ đã đặt chúng ta vào những phạm trù nghĩa khá đa dạng, cần phải suy xét kỹ lưỡng hơn. Bản thân khái niệm này đã hàm chứa trong đó sự tương sánh với Thơ cũ, đồng thời nó cũng mang ý nghĩa là một thời đoạn trong lịch sử thơ ca dân tộc. Thơ mới còn là một trào lưu, một phong cách, một kiểu – một loại hình thơ.
Thậm chí, trong suy nghĩ về những động hướng của một nền văn học, thơ ca tiên tiến, Thơ mới còn đặt ra yêu cầu có tính cốt thiết về tư duy, tâm thế, bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Nghiên cứu Thơ mới trong giai đoạn hiện nay thực sự là một thử thách. Trong các thư viện, trường học, viện nghiên cứu người ta có thể điểm ra hàng trăm công trình nghiên cứu về Thơ mới từ tác giả đến tác phẩm, khuynh hướng, trường phái, thi pháp, ngôn ngữ, phong cách, thể loại,… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của triết học nhân sinh, triết học ngôn ngữ, khoa học xã hội nhân văn, sự du nhập của các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu văn học hiện đại, Thơ mới lại có thêm cơ hội để được soi chiếu, thảo luận một cách toàn vẹn hơn. Hẳn những nhà nghiên cứu hiện nay không phủ nhận hướng nghiên cứu từ góc độ Phân tâm học, Cấu trúc luận, Hiện tượng luận, Nữ quyền luận, Lý thuyết diễn ngôn, Lý thuyết Trường văn học, Nhân học văn hóa, Xã hội học văn học, Lý thuyết tiếp nhận, Giải cấu trúc,... đem đến nhiều gợi ý cho việc tiếp cận Thơ mới. Bên cạnh đó, vấn đề thực thể Thơ mới vẫn chưa được mô tả một cách toàn vẹn với sự vắng mặt của những tác giả, tác phẩm bàn nhì, bàn ba, những diễn ngôn góp phần kiến tạo Thơ mới nhưng không có mặt trong các “điện thờ” hay bị xem nhẹ, bị mặc nhiên biến thành các diễn ngôn phụ trợ, làm tôn lên các đỉnh cao. Chưa hết, việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, thưởng thức Thơ mới cần có những định hướng đa dạng hơn, toàn diện hơn để phù hợp với sự đa dạng, phong phú, tính phức tạp của bản thân Thơ mới. Đồng thời, trong bối cảnh đương đại, việc nhận diện một hiện tượng thơ ca của quá khứ lại càng phải được tiến hành một cách toàn diện bởi chính những công cụ của thời đại sau soi chiếu lại các hệ giá trị của thời đại đã qua. Thơ mới cần được nghiên cứu dưới góc độ là một hiện tượng văn hóa. Điều đó thiết nghĩ sẽ được bổ sung chính từ những kết quả nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều thế hệ,... Đứng trước những thực tại còn khá ngổn ngang ấy, việc xuất hiện một công trình đồ sộ - Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội 1932-1945 (Nguyễn Hữu Sơn và cộng sự biên soạn, Nxb Hà Nội, 2019), thực sự là một bổ khuyết quan trọng, làm đầy đủ hơn nhận thức của chúng ta về thực thể Thơ mới, mở ra hoặc giải quyết được nhiều vấn đề trong nghiên cứu phong trào thơ ca này.
Trong tiểu luận trứ danh Một thời đại trong thi ca, viết năm 1941, khi Thơ mới đã trở thành một phong trào thơ ca rực rỡ, Hoài Thanh nhấn mạnh: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này”. Ấy là thời đại mà tên tuổi tác giả, tác phẩm sẽ còn được nhắc lại mãi như là biểu tượng của thơ, của những nỗ lực làm thay đổi diện mạo thơ một cách triệt để, sâu sắc và có sức sống mạnh mẽ. Giá trị lịch sử, văn hóa, văn học - mĩ học của Thơ mới 1932-1945 chứng thực cho việc hiện tượng này được đọc, thưởng thức và nghiên cứu một cách rất sâu, rộng. Nhìn lại gần một trăm năm qua, kể từ khi Thơ mới có những manh nha trên báo chí đến thời điểm hiện tại, có thể liệt hàng ngàn bài viết, công trình tập trung vào mọi khía cạnh của Thơ mới. Tuy nhiên, một sự hình dung có tính hệ thống nhất từ khía cạnh biên niên lại dường như chưa có. Chính vì thế, sự ra đời của công trình Biên niên sử Thơ mới Hà Nội 1932-1945 là một cuộc kiểm kê cần thiết, hữu ích đối với những ai quan tâm đến thời đại thơ ca vàng son này. Bộ sách gồm 2 tập, dày 1600 trang, nằm trong Tủ sách Thăng Long 1000 năm.
Tuân thủ thể thức biên niên, bộ sách tập hợp một cách đầy đủ nhất (có thể) mọi diễn biến, sinh hoạt thơ ca ở đô thành Hà Nội thời kỳ 1932-1945. Theo đó, sự ra đời của phong trào Thơ mới được chính thức xác lập với bài thơ Tình già của Phan Khôi đăng trên Tập văn Mùa xuân của báo Đông Tây ở Hà Nội tháng 2/1932. Phan Khôi gọi đó là “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Cũng từ thời điểm đó, cuộc biến thiên trọng đại của thơ ca Việt Nam, trên tinh thần tích hợp, tiếp biến với văn hóa phương Tây đã diễn ra. Những tên tuổi như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Quách Tấn,… lần lượt xuất hiện. Những tờ báo văn chương như Phụ nữ tân văn, Phong hóa, Ngày nay, Đông Tây, Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm, Tri tân, Thanh Nghị… lần lượt đăng tải các tác phẩm, tác giả, các bài bình luận, điểm sách, giới thiệu, phê bình Thơ mới. Không khí thơ ca sôi nổi, trở thành một tiêu điểm trên mọi mặt báo, đến mức người ta cho rằng, nếu không đăng Thơ mới thì chả ai đọc báo nữa. Cuộc tranh luận Thơ mới – Thơ cũ được thổi bùng lên từ ngày đầu (1932) đến quãng những năm 1936-1937 thì gần như lặng sóng. Thơ mới đã giành được thắng lợi, cắm ngọn cờ thống trị trên thành trì thơ ca Việt Nam. Sau đó, những tập thơ như Điêu tàn (Chế Lan Viên), Thơ thơ, Gửi hương cho gió (Xuân Diệu), Tâm hồn tôi, Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính), Lửa thiêng (Huy Cận), Gái quê, Đau thương (Hàn Mặc Tử), Tinh huyết, Tinh hoa (Bích Khê), Mùa cổ điển (Quách Tấn)… ra đời, người ta biết rằng, trên kỳ đài thi sử, không còn gì ngoài Thơ mới nữa.
Lần lại dấu xưa, Biên niên sử Thơ mới Hà Nội 1932-1945 tập hợp theo tiến trình lịch sử sự xuất hiện của tác giả, tác phẩm, trào lưu, trường phái, các bài điểm sách, phê bình, khảo cứu, tranh luận, xuất bản, quảng cáo liên quan đến Thơ mới. Mọi tư liệu trong bộ sách được chú thích rõ ràng, kỹ lưỡng về thông tin tra cứu, cho thấy công phu và sự nghiêm cẩn của nhóm biên soạn.
Diễn tiến của lịch sử Thơ mới Hà Nội dừng lại ở thời điểm tháng 6/1945 với tập Gửi hương cho gió của Xuân Diệu. Trải qua 14 năm, Thơ mới Hà Nội nói riêng và Thơ mới Việt Nam nói chung, đã từng bước từ phôi thai, khai sinh đến trưởng thành và định hình một cách sáng chói. Biên niên sử Thơ mới Hà Nội 1932-1945 đã lần theo từng bước đi ấy để đánh dấu những chặng đường, những vết son, những sự kiện, nhằm đem đến hình dung trọn vẹn nhất (có thể) về một tượng đài của thơ trữ tình Việt Nam. Sẽ còn nhiều việc phải làm về bộ sách này khi các nguồn tư liệu mới tiếp tục được bổ khuyết. Và, cũng sẽ có nhiều việc cần phải làm từ bộ sách hữu ích này, như một gợi ý, một công cụ, cho những người yêu thích Thơ mới.
Thâm nhập vào lịch sử nghiên cứu dài rộng của Thơ mới, đứng trước những cảnh báo của lịch sử, nhận thức,… trong sự nỗ lực đôi khi là kết quả của sự chán chường, phó mặc hay tung hê, sự phá phách không che giấu được dung dưỡng bởi môi trường, thời đại mới khiến cho vấn đề Thơ mới không hẳn là đã cũ càng, cạn kiệt như có người đã nghĩ. Cái cũ của một đối tượng khoa học sinh ra từ thái độ bằng lòng, buông tay hay sự đua đòi theo thời thượng trước những đối tượng lôi cuốn hơn. Trong những dự định của mình, chúng tôi đã nghĩ đến những khả năng để tiếp tục nghiên cứu Thơ mới. Chẳng hạn: những ứng xử của Thơ Pháp, Văn hóa Pháp trong sự “thích ứng” với Văn hóa, Văn học Việt Nam; bảo tồn bản sắc văn hóa trong Thơ mới; diễn ngôn Thơ mới như một ký hiệu biểu đạt nhu cầu, thị hiếu - những đòi hỏi về “an toàn tinh thần” của cá nhân tư sản trong thời đại hội nhập; mối quan hệ giữa Thơ mới và Tân nhạc, Hội họa tiền chiến; sự vang hưởng của Thơ mới đến những giai đoạn sau của lịch sử thơ ca Việt Nam; thơ trữ tình cận hiện đại Đông Á trong cuộc hội nhập với phương Tây; nghiên cứu sâu hơn nữa về sinh thái học văn hóa trong Thơ mới; nghiên cứu loại hình tác giả Thơ mới chuyển mình sau cách mạng, loại hình tác giả Thơ mới di cư vào miền Nam; đời sống, thái độ, bệnh tật, tôn giáo, tín ngưỡng của các thi sĩ Thơ mới, gia đình và xã hội ứng xử với các tác giả và thơ ca của họ; điều tra thái độ xã hội đối với các hiện tượng văn học quá khứ trong đó có Thơ mới - một đề tài xã hội học văn học và nhiều vấn đề khác có lẽ còn tiếp tục có thể khai triển… Và như thế, trong tư cách là một loại hình văn học, hiện tượng văn học, văn hóa, xã hội, với rất nhiều những khuyết thiếu về tư liệu sáng tác (cũng cần nói thêm là giới sưu tầm xuất bản phẩm Tiền chiến đang tàng giữ nhiều tư liệu quý hiếm rất khó tiếp cận, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Viện Văn học còn nhiều tàng bản Thơ mới, nghiên cứu Thơ mới chưa được khai thác, việc số hóa Thanh Nghị, Tri tân, Nam phong, Phong hóa, Ngày nay,… cũng mang đến nhiều cơ hội cho việc nghiên cứu) Thơ mới còn đòi hỏi được chú ý một cách cụ thể, đa dạng hơn nữa.
Với những dự định nghiên cứu (đôi khi có tính hoài vọng) như đã nói, trước những điều kiện có thể và chưa thể, công trình Biên niên sử Thơ mới Hà Nội 1932-1945 đã mang đến nhiều tư liệu hữu ích. Rõ ràng, thực thể Thơ mới đã được mô tả đầy đặn hơn, chi tiết, chính xác hơn. Điều đó giải trừ những lo âu về mặt tư liệu, đồng thời cũng gợi mở thêm nhiều hướng nghiên cứu mới. Khi trong tay đã có tư liệu, các phương pháp và lý thuyết ngày một đa dạng, phong phú, đó là cơ hội để giới nghiên cứu và những người yêu thích Thơ mới có thể tiếp cận phong trào thơ ca rực rỡ này một cách tốt nhất. Cũng từ đó, thành tựu học thuật về Thơ mới sẽ có thêm những đóng góp quan trọng.
Nguồn Văn nghệ số 49/2019