Multimedia

Bố con nhà Sàm. Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh

Đọc truyện
08:43 | 14/08/2023
Đang tơ mơ giấc ngủ trưa, tiếng điện thoại làm tôi giật thột, vừa mở máy đã nghe ngay cái giọng thằng Bân.
aa

1.

Đang tơ mơ giấc ngủ trưa, tiếng điện thoại làm tôi giật thột, vừa mở máy đã nghe ngay cái giọng thằng Bân. Hắn nói đang trên tàu về chỗ tôi, sau đó sẽ về quê của Sàm chọn đất cho lão. Tôi ngắt lời Bân: “Sếp mày thiếu chi đất đai biệt thự mà mày phải lo đi dạy đĩ vén váy?”. Lão đột tử rồi ông ơi! Lúc cuối chiều qua, ngay tại phòng làm việc, sau vài cú điện thoại báo đổ vỡ phi vụ gì đó; hiện thân xác lão đang được bảo quản trong phòng lạnh. “Đám này chắc có nhiều người khóc đây! Thế lúc nào được nghe ba hồi chín tiếng?”. “Ngày kia mới cáo phó vì còn đợi vợ con lão từ Sài Gòn ra; mình là đồng hương khác huyện nên công ty cử về quê lão làm tiền trạm. Cậu từng dạy học ở đó, cố gắng hoa tiêu cho mình nhá, đỡ mất công hỏi thăm!”

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Làng Nồi có ba xóm, bây giờ người ta gọi xóm là thôn. Chẳng biết tin ở đâu ra nhưng từ lâu làng vẫn truyền khẩu chuyện cu con nhà ông Sỡ thấy mặt trời. Lúc móc mồm cho thằng bé tại nhà hộ sinh bà đỡ đã trắng phớ luôn, thằng ni hai hòn dái tía đỏ như hai hạt gấc, kiểu chi sau cũng trợn trạo hơn bố nó, tôi đặt nó tên Sàm; bố Sỡ con Sàm thì thiên hạ đến phải khiếp! Lúc thằng bé lớn lên, tên Sàm nghe hơi bựa nhưng dân làng Nồi kiêng đặt lại tên, lão Sỡ cũng gây nòi giống được mỗi Sàm, sợ phá lệ đen đủi nên cứ giữ nguyên cái tên này.

Chúng tôi đến được bìa làng thì vừa chập choạng tối. Gặp quán đầu đường vội vào hỏi thăm. Bà chủ quán một tay sắp lại bàn ghế, tay kia lia lia cái cán chổi cho sạch chút đất cát bên vệ sân, nói: Sàm mô? À, Sàm con ông Sỡ thôn sáu. Nghe nói đang phát. Nhà còn ai mô mà hỏi. Bân trình bày lý do đi tìm nhà chưa dứt câu, bà quán đã nói luôn: Các chú cứ vô trong đó tìm gặp lão Tư Hói thì rõ cả. Tôi và Bân cảm ơn, chào từ biệt rồi cắm cúi đi.

2.

Gần mười năm trước, Sàm giám đốc đã ngũ thập mà trông như người bốn mươi; lão tròn dáng thấp mập, da mặt luôn hớn đỏ các chỉ số đặc trưng cho thứ rượu ngâm cao xương hổ. Sàm mê phong thủy nên chỗ bàn làm việc hướng ra cửa đặt con nghê to tướng trấn trạch. Mỗi sáng đầu tuần, nhân viên lễ tân phải đến phòng của sếp làm hai việc: Thứ nhất, thay ga giường xanh kẻ sọc mới trải cuối tuần trước bằng vỏ mới hoa văn chìm màu cốm; thứ hai, sắp lễ cúng đầu tuần. Sàm sẽ trực tiếp châm hương cắm nến rồi chắp tay lầm rầm, lão vái ba vái, hai ngắn một dài vào cái vòng khói mờ đục đang ngoằn ngoèo thoát ra. Căn phòng phảng phất khói hương ai vào cũng thấy rợn cái mùi linh linh...

Bữa đó tuy chủ nhật nhưng Sàm vẫn đến làm việc. Công ty chuẩn bị đón khách vào sáng thứ hai, lịch đã được lão ghi trên bảng tin nội bộ. Nhân viên văn phòng phải có mặt từ chiều hôm trước. Sàm đến công ty lúc chưa quá trưa, trước đó lão đã phôn cho nhân viên, một sinh viên vừa ra trường mới được nhận vào làm. Con bé lành hiền như hoa bờ giậu; Sàm nói em phải đến sớm. Hôm trao quyết định mức lương chính thức, đồng thời chuyển em từ bộ phận kinh doanh sang văn phòng, Sàm đã gọi em, và ý tứ: - Hai núm đồng tiền của cháu là của trời cho, lũ trai quê có đổ cả tấn gạo cũng không xứng, không đầy, nhớ nhé!

Đúng giờ hẹn vẫn chưa thấy nhân viên đến, lão hết đứng lại ngồi. Cô gái đến chậm chừng mười phút. Sàm không cáu gắt mà còn cười sởi lởi rồi soi sói nhìn em. Lão ngả người trên sô pha lim dim vẻ yên trí, tự mãn. Ấm chén được cô gái tráng bằng nước vừa nấu, Sàm gọi cô lại gần, rồi một tay lão với lấy lọ chè, tay kia tỳ mạnh chỗ đùi non cùng cả thân hình nóng rẫy áp sát vào ngực em. Thấy cô gái co rúm người lại, tránh sang một bên, hắn liền thở than: Tự nhiên chú đau đầu quá, chắc tối qua tiếp khách uống hơi nhiều! Chú uống giảm đau đi ạ! Uống giảm đau hại dạ dày lắm, muốn người ta chết à! Bóp cái đầu cho một tý xem nào. Cô gái miễn cưỡng chườm mấy ngón tay lên đầu lão. Bóp kiểu gì thế? Bóp sâu và nhẹ tý nào! Cháu vụng lắm ạ! Tay thế này mà vụng á! Nói xong, hắn xoay người, gục đầu vào vòng eo cô bé, tay lần tìm. Cô gái hoảng hồn co người lại. Chú đừng làm thế ạ, cháu gọi chú là chú cơ mà! Chú cháu gì, gọi thế chứ có máu mủ gì đâu! Cháu không làm được đâu ạ! Sao lại không, rồi chú lo mọi việc cho, tương lai là của cháu mà! Không, cháu xin chú! Thế thì đều xin, chú cũng xin, chút chút thôi. Cô gái cố né ra khỏi vòng tay của Sàm, lão vồ theo như ếch vồ hoa râm bụt. Không! Cô gái hét lên và bằng tất cả sức trẻ cùng bản năng tự vệ quyết liệt cô vằng Sàm ngã vật xuống sàn nhà. Lão quờ tay vào thành ghế loạng chạng đứng dậy rồi lại ngã vật xuống. Thấy có tiếng động, bảo vệ cơ quan từ chỗ nhà xe nhao vội tới phòng sếp thì đụng ngay cô gái đang thoát vội ra khỏi phòng. Chuyện thay ca tại phòng làm việc của sếp Sàm như gà đẻ cách nhật. Bảo vệ cơ quan coi như chuyện đương nhiên phải vậy. Điểm khác, lần này thất bại.

Một lần khác tôi ra Hà Nội, Bân còn kể thêm, cô gái suýt bị nạn ngày trước lại chính là Nhạn, người yêu đầu đời của Bân. Kẻ gây điều tiếng cho em lại là Sàm, người thay bố Bân làm sếp của công ty. Số là, trước lúc hưu, bố của Bân biết chuyện riêng của con trai, nên ông còn kịp nhận Nhạn vào làm để hai đứa thêm gần nhau. Sau hôm vằng sếp ngã vật xuống sàn nhà, Nhạn bỏ việc tìm chỗ làm khác. Cùng lúc này, Bân đang theo học một khóa tin học ở nước ngoài; sự ưu ái đầy ẩn ý của Sàm đối với Bân càng làm bàn dân thiên hạ thêm đàm tiếu chuyện gặp nạn của Nhạn. Lại có người bảo, đôi mắt Nhạn ướt nên số phải vậy.

3.

Đời cũng thường xảy ra những trớ trêu, oái oăm trêu chọc người. Bân bị lừa đi học nước ngoài, bị mất người con gái sắp thành vợ trong mưu mô nhào nặn của Sàm; và giờ Bân lại là người được cấp trên cử liên hệ với quê lo ba tấc đất gửi thân cho lão. Ngay tối tôi và Bân về làng Nồi hỏi chuyện mai táng Sàm thì tại nhà văn hóa thôn có cuộc họp kéo dài tới khuya giữa thôn trưởng, các cụ trong ban bảo thọ và Bân, người thay mặt công ty. Chúng tôi cũng không ngờ sự việc lại phức tạp đến vậy. Có hai luồng ý kiến khác hẳn nhau, một bên đồng ý cho đất mai táng vì dù Sàm thế nào, người quê cũng không thể cạn tàu ráo máng mà coi nghĩa tử là nghĩa tận. Bên còn lại đứng đầu là lão Tư Hói thì nhất quyết nói không. Mà lão lập luận thấy cũng phải. Lệ làng rồi, đi khỏi làng không còn nhà cửa đất đai gì, lâu nay cũng không cung tiến cho họ tộc, đóng góp cho quê, đã thành người hàng xứ thì không có suất được chôn ở nghĩa địa làng. Lão Tư Hói nói chậm rãi, luận giải có đầu có đũa về trường hợp của Sàm làm người nghe mỗi lúc thêm ngao ngán; nào là bồ ổ nhà Sàm giờ đang thịnh phát trong nam ngoài bắc chẳng nhớ tổ tiên làng nước, bàn thờ ông bà Sỡ nay chỉ do người em họ trông coi; nào chuyện người có của nên chọn đất vàng mà gửi. Lão còn kể việc gặp Sàm tại Hà Nội mới thực sự động tới người nghe.

Số là, cách đây một năm, Tư Hói và vài người nữa đại diện của các thôn đi nhiều nơi vận động người làng sống ở đó giúp công của nâng cấp khu nghĩa địa, bao gồm việc mở rộng đường đi cho xe tang, có dư dả thì xây thêm cổng vào. Nghe nói Sàm làm to, khá giả, họ mạc đánh đường ra Hà Nội, hỏi thăm mãi mới tìm được nhà. Đúng chỗ ngôi biệt thự màu lam có cây gội già nơi đầu ngõ. Mấy người đang ngắm nghía kinh ngạc thì Sàm từ đâu về, lão xuống xe và hỏi chuyện ngay tại cổng ngõ. Chưa thủng câu chuyện, Sàm thò tay rút chiếc ví dày cộm từ túi sau rồi lách mãi được tờ tiền màu xanh đưa cho Tư Hói, nói: “Tôi bận!”. Sàm định bước lên xe thì Tư Hói kéo giật vai Sàm, lão nhét tờ tiền vào túi ngực Sàm, nói dằn từng tiếng:

- Thôi đã thế chú nêm chặt vào người sau chết đem chôn cho chật hòm. Người quê thèm lòng không thèm thịt đâu nhá. Sàm nín thinh, lên xe và phóng thẳng ra phía phố lớn. Lão vừa đi khỏi thì bỗng nhiên có tiếng gầm gào xồ lên, hai xe tải dạng ben ào tới. Mọi người vội nhảy tránh sang vệ đường; một xe chở đá dăm, xe kia đá hộc; cả hai đều nhanh chóng đánh đít và cùng dốc ben đá đổ đánh rầm vào cổng cửa nhà Sàm; xe hạ ben nhanh rồi vòng vội ra con phố phía sau. Nhà bên thấy động, cửa mở hé, một giọng phụ nữ khe khẽ vọng ra: Các bác có phải người nhà ông Sàm thì không nên luấn quấn ở đây. Coi chừng phải vạ. Tư Hói lại gần, người đó cũng chỉ hé cửa, giọng thầm thì: Đêm kia bọn nó trộn mắm tôm, cứt bò cứt trâu với dầu nhớt bôi khắp tường rào cổng ngõ, cả ngày qua mới thuê người dọn xong. Giờ cửa cổng lại bị chặn bằng đá dăm đá hộc thế kia, ra chẳng thể ra, vào chẳng thể vào thì nhà chỉ còn nước bán xới. Nói rồi, người phụ nữ khép chặt cửa và lách cách bấm khóa. Kể đến đây, Tư Hói tự dưng ngồi bịch xuống ghế, tay lôi từ túi quần tờ báo đặt cái phạch lên mặt bàn. Lão nói, các bác các ông cứ đọc thử coi, tôi nói có sách mách có chứng, báo Trung ương lúc chiều đăng chuyện ông Sàm, Võ Tất Sàm, người làng Nồi, huyện ta, tỉnh ta không còn che vào đâu được; ông Sàm tranh giành lãnh địa làm ăn bị dân xã hội rải tờ rơi bêu xấu hăm doạ, dồn ép đến mức nổ đầu; bà con ta xưa nay chỉ quanh năm bốc cát nhào đất, nặn ra cái nồi cái vung để kiếm cơm kiếm cháo. Nay ông Sàm báo ân cho làng như rứa ai chịu chứ tôi thì không.

Lúc ấy đêm đã sang khuya, Tư Hói một mình lách ra khỏi phòng họp, lão đi thẳng về phía cuối đoạn đường làng đang được sửa sang cát sỏi còn dang dở lạo xạo dưới chân...

4.

Máy bay vừa hạ cánh tại sân bay gần thành phố tỉnh lỵ lúc gần trưa thì hơn một giờ sau Võ Tất Soái cùng thày Ngò đã được một tay xế hộp chở về quê bằng xe Lơxus; Soái mời thày về quê lần này để lo việc tang cho bố là Võ Tất Sàm, hắn trông rất chảnh trong bộ vest kẻ sọc, giày cũng như cà-vạt, các thứ đều cùng gam màu hạt dẻ; thày Ngò tuy đã trạc sáu mươi, hành nghề cúng bái ba chục năm nhưng trông rất phong độ; chân đi dép da nâu có quai hậu, quần áo màu gụ, xà cột giả da đeo lệch bên hông phải, trong đó ken khá bộn các sách chữ ta chữ Tàu. Về chịu tang ông Sàm còn có con của Soái, cháu tên Sinh trang phục comple cà-vạt y chang bố, điểm khác cháu đi giày vải màu trắng. Do xe không thể vượt qua cây cầu con bắc trên nổ nước, ba người xuống xe đi về phía cồn Mả Mây. Từ xa họ đã nhận ra vị trưởng Thôn Sáu cùng mấy người trong ban quản trang. Cuộc họp tối qua bàn việc mai táng ông Sàm cũng đã đi đến hồi kết. Dù không ai tự nói ra nhưng sự thể lại như một thỏa hiệp. Toàn bộ số mai táng phí theo thông lệ đối với người chết là cấp trưởng cùng thêm góp của đám đàn em, được Bân chuyển tới ban tang lễ; riêng tiền của gia đình tang chủ sẽ được trưởng nam Soái sau này quyết toán. Tổng số này cũng kha khá, nó sẽ bù vào chỗ đất làng cho, vì nếu không phải người làng muốn có đất hung táng, cát táng phải hết cỡ trăm triệu. Bốn nghìn rưỡi tiền Mỹ. Chuyện nhỏ! Soái cùng thày Ngò bay về trước, cái chính là để chọn huyệt mộ nhằm kiếm vị trí đắc địa về phong thủy; nếu được thân đất hình gò cánh phượng thuận sinh khí, tốt về long mạch, là oke nhất. Thật may cho Soái, tuy làng Nồi mới được phiên vào ngoại vi thành phố, cuộc đất dùng cho việc chôn cất đã bị xén bớt để phân lô nhưng vẫn còn tìm được chỗ ưng ý.

Mãi qua bốn giờ chiều, đoàn tang lễ mới từ Hà Nội về. Có đến mười con xe lăn bánh trên đoạn đường ra nghĩa địa. Người làng cũng đổ ra xem, phần vì tò mò trước sự rầm rộ của đoàn xe về từ thủ đô, phần nữa do bản tính thiện nguyện vốn có ở họ. Linh cữu mang thi hài Sàm được Soái gọi cho đám đàn em chọn gỗ vàng tâm, tám góc ốp nhũ vàng, có chữ thọ làm bằng nhựa, nẹp ở hai ô vuông đầu, cuối quan tài. Thợ trống thợ kèn, người khóc kẻ xướng, cờ quạt được thuê nguyên cả gánh của làng. Khi xe tang chở quan tài Sàm chầm chậm vào cồn Mả Mây, gần chỗ huyệt mộ thì có sự lạ xảy ra. Trống kèn đang tấu rôm rả bỗng im bặt, dăm lá cờ tang màu trắng vành vải lua tua đen đúa tự dưng bị xụp rũ; bốn bánh xe chở quan tài như bị chôn chặt bởi nghìn cái chuỳ bằng đá tạ. Rất có thể, đám thợ trống thợ kèn đang diễn trò để mong được thêm đồng tiền thưởng? Hoặc giả quan thần lập thế chế ngự âm thanh? Hay ma làng bày xếp để bắt bí? Thấy chuyện lạ, người đi tiễn ngơ ngác. Bận rộn nhất lúc này là thày Ngò. Người nhà vội rải chiếu, thày gọi Soái dặn phải luôn trong tư thế quì ngồi còn thày thì bình tĩnh ngồi xếp bằng, hai tay nâng ba cây hương, vái thiên địa ba vái, lầm rầm cầu, khấn. Sau đó, một tay thày đỡ cái đĩa, tay kia cầm đôi đồng tiền dồi mạnh, có lúc tiền va mạnh vào mép đĩa văng xuống chiếu; thày làm đi làm lại nhiều lần nhưng đều vô hiệu vì không xin được âm dương. Có tiếng nhắc từ đám đông, thày vội nhìn Soái thấy cậu chàng giẫm nguyên cả chân giày dính đầy bùn đất lên mặt chiếu, đích tôn Sinh thì khá hơn, cháu noi theo thày nên giày để chỗ đất trống. Có chút trục trặc nhưng cuối cùng lão Sàm cũng được thành con ma của nghĩa địa làng. Vàng mã văng vãi cạnh những que hương còn trơ lại phần gốc làm đoạn đường ra nghĩa địa càng thêm bợt bạt bởi những bông hoa dại màu trắng.

Soái và thày Ngò không phải là người sau cuối ra khỏi khu nghĩa địa. Cháu Sinh nằng nặc xin bố ở lại quê không được đành phải rời đám bạn mới quen đang mê mải đuổi bắt lũ chuồn chuồn kim. Con Lơxus màu đen láng coóng đang chực sẵn phía bên kia nổ nước. Sau khi yên vị trên xe được chừng mười phút, thày Ngò mới chậm rãi nói với Soái:

- Cuộc đất đã được chọn rất phải sách, chuẩn trăm phần trăm nhưng âm trạch nơi huyệt mộ của ông nhà không được thổ thần linh ứng, do vậy, huyệt khí không hội với chân khí để tạo sinh khí. Nay cậu đi cho kịp giờ bay, hôm nào bốn chín ngày ông nhà, về, quỳ trước bàn thờ họ, thắp cho các vị tiên tổ nén hương… Thấy vẻ lặng thinh, thày Ngò vội nhìn qua kính chiếu hậu thấy Soái đang ngủ rục, đầu ngoẹo hẳn vào thành ghế. Cái miệng cá ngao của hắn ưa ứa ra một thứ chất lỏng nhờn nhợt, nó chảy xuống ngực áo, rớt vào lòng bàn tay và làm nhoè nhoẹt mảnh giấy có chữ bút mực ghi cụ thể chi phí tang lễ. Sau lúc nhận mảnh giấy từ trưởng thôn, thày Ngò thấy Soái lấy smartphone dắt ở túi sau, hắn vừa so chiếu vừa lẩm nhẩm trừ, cộng, rồi cẩn thận chụp đi chụp lại bản gốc. Một vẻ hài lòng thực sự đã hiện trên khuôn mặt đã nhoè hết nét quê vừa được giãn ra của người đàn ông trạc tuổi băm. Quay sang Sinh, thày Ngò thấy cu cậu chăm chắm dán mắt vào ô kính. Làng Nồi của Sinh như đang lùi dần, lùi dần lại phía chân trời…

Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh

Nguồn Văn nghệ số 1/2023


Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long

Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long

Baovannghe.vn- Ở Chua Sa có hai biệt thự lớn, người xây chúng từng là thợ săn, sau mấy chục năm lưu lạc ông trở về xây hai biệt thự rồi biến mất. Nghe kể, ông biến thành ma, mình đầy lá chân gấu, tay cầm cây lao dài trôi dạt trên những cánh rừng quanh Chua Sa.
Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ đêm không mưa, ngày nắng. Nam Bộ mưa rào vài nơi.
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).