Dịp Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2016, Ban quản lý khu di tích đền Hùng đã trưng bày các mẫu tác phẩm tượng đài Hùng Vương để lấy ý kiến nhân dân và các nhà khoa học từ cuộc thi sáng tác phác thảo Tượng đài Hùng Vương. Ban tổ chức cho biết đây là 3 tác phẩm được lựa chọn từ 21 phương án, tác phẩm dự thi, để người dân bỏ phiếu, từ đó lựa chọn mẫu tượng vị Vua Tổ của người Việt.
Tuy nhiên, khi được mục sở thị các tượng đài được trưng bày đã có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn cho rằng Việt Nam có tới 18 đời Vua Hùng thì những tượng đài này đại diện cho đời Vua Hùng thứ mấy . Đặc biệt, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sử học,ông Dương Trung Quốc phân tích: "Chính xác thì bao giờ chúng ta cũng nói là "các vua Hùng đã có công dựng nước", chứ không chỉ nói là vua Hùng. Thế bây giờ làm biểu tượng 1 cái 1 con người, tuy nó chỉ mang tính biểu tượng thôi nhưng mà ít nhất người ta cũng phải biết đó là vua Hùng nào" .
Cũng bày tỏ về quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Duy Bình - Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Nhiều mẫu thì sẽ có nhiều sự lựa chọn. Càng có nhiều mẫu thì càng tốt để các nhà khoa học góp ý thì mình làm sẽ tốt hơn...Bởi vì chúng ta cũng chưa bao giờ có ảnh của cụ, rồi ít người biết mặt cụ, chúng ta cũng chỉ có một số truyền thuyết ở trên trống đồng, hình mô phỏng thôi", PGS Nguyễn Duy Bình lập luận.
Tuy nhiên, PGS cũng thể hiện sự cẩn trọng khi cho rằng, việc xây dựng cần phải chú ý làm sao cho nó trang trọng, trang nghiêm và phải mang tính giáo dục cho thế hệ trẻ và người dân để người ta biết được đấy là cội nguồn của dân tộc. Đấy là việc cần phải có sự tham khảo, bình luận, cần phải có hội thảo.
PV ( tổng hợp)