Theo đó, vào 23h00 ngày 10/4 tại Paris, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh “Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân” vào Danh mục Ký ức Thế giới.
Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác từ năm 1951 đến 2010, phản ánh sâu sắc những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ.
Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.
![]() |
Hội đồng Chấp hành UNESCO nhất trí ghi danh Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân của Việt Nam vào Danh mục Ký ức Thế giới, ngày 10/4. (Nguồn: UNESCO) |
Như vậy, với sự kiện ghi danh nói trên, “Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân” là di sản tư liệu thế giới thứ 4 trên tổng số 570 di sản tư liệu thế giới đã được UNESCO ghi danh cho đến nay. Còn đối với Việt Nam, sự ghi danh trên tiếp tục khẳng định những căn cứ và quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong việc đưa Luật Di sản Văn hóa sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 vào cuộc sống, trong đó lần đầu tiên dành riêng một chương cho di sản tư liệu, thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Nhà nước, các cơ quan quản lý và toàn xã hội đối với lĩnh vực này.
Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn Quốc tế Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, hồ sơ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quốc tế với những giá trị nổi bật. Bộ sưu tập được bảo tồn tốt, có tính tiếp cận cao thông qua nền tảng số đa ngữ (https://hoangvan.org), góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
- Đêm 10/4/2025 (giờ địa phương), tại Kỳ họp khóa 221 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sỹ Hoàng Vân (1930-2018) của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản Tư liệu Thế giới. - Đây là Di sản Tư liệu Thế giới thứ 11 của Việt Nam được UNESCO ghi danh |
Việc UNESCO ghi danh Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình nhạc sỹ Hoàng Vân, mà còn là niềm tự hào chung của đất nước, nhân dân Việt Nam, di sản tư liệu này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản tư liệu, lan tỏa giá trị văn hóa-lịch sử-nhân văn Việt Nam ra thế giới, từ đó nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước và con người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
![]() |
Bộ sưu tập của Nhạc sỹ Hoàng Vân chính thức được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới. (Ảnh: BNG) |
Nhạc sỹ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930 trong một gia đình nho học ở phố Hàng Thùng. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau 1954, khi hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc). Năm 1960 tốt nghiệp, ông về chỉ huy dàn nhạc Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (cho đến năm 1989). Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam, là Trưởng ban Sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho đến năm 1996. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Có một thời gian dài, nhạc sỹ Hoàng Vân giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Các nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh, Phú Quang, An Thuyên… đều là học trò của ông. Nhạc sỹ Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951. Sáng tác của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ và các ngành nghề, địa phương của đất nước: “Hò kéo pháo,” “Tôi là người thợ lò,” “Hà Nội-Huế-Sài Gòn,” “Quảng Bình quê ta ơi,” “Bài ca giao thông vận tải,” “Chào anh giải phóng quân-Chào mùa xuân đại thắng.” Ông cũng là tác giả nhiều hợp xướng, khí nhạc và phụ trách âm nhạc nhiều bộ phim nổi tiếng như “Con chim vành khuyên,” “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,” “Em bé Hà Nội.” |