Cụ thể, việc thanh tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, như quản lý, sử dụng tài sản công, mua sắm công; các vấn đề nóng như “báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội…
![]() |
Việc thanh tra của Bộ Thông tin, Truyền thông sẽ theo nội dung định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2025. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng sẽ thanh tra các hoạt động in lậu, vi phạm trong việc phát hành xuất bản phẩm trên môi trường mạng; thiết lập trang thông tin điện tử không phép; cung cấp tin giả, thông tin sai sự thật; cung cấp trò chơi điện tử trên mạng không có giấy phép; quảng cáo trực tuyến; cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình xuyên biên giới vào Việt Nam có nội dung vi phạm pháp luật.
Cũng trong kế hoạch thanh tra, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra doanh nghiệp bưu chính cạnh tranh không lành mạnh; thanh tra về quản lý thông tin thuê bao di động, phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác; thu thập, khai thác, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân; hệ thống thông tin không đảm an toàn theo cấp độ; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, cung cấp chữ ký số không có giấy phép.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu Thanh tra Bộ, trong quá trình hoạt động thanh tra phải thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và trình tự, thủ tục pháp luật, bảo đảm nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Việc thanh tra không gây cản trở đến hoạt động của đơn vị được thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra…
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có công văn yêu cầu thanh tra các Sở thông tin và truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí - xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.