Văn hóa nghệ thuật

Bóng hình quê hương nơi đảo xa

Âm nhạc
13:36 | 14/06/2024
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với tà áo dài, tôn lên dáng vẻ thướt tha, duyên dáng, ẩn chứa một sức sống bền bỉ. Hình ảnh tà áo dài càng ý nghĩa hơn khi hiện diện nơi đảo xa, nơi có những người phụ nữ vẫn ngày ngày vun vén, chăm lo, coi đảo là nhà, là quê hương thứ hai của mình
aa

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với tà áo dài, tôn lên dáng vẻ thướt tha, duyên dáng, ẩn chứa một sức sống bền bỉ. Hình ảnh tà áo dài càng ý nghĩa hơn khi hiện diện nơi đảo xa, nơi có những người phụ nữ vẫn ngày ngày vun vén, chăm lo, coi đảo là nhà, là quê hương thứ hai của mình.

Trong hành trình tới những xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa chúng tôi luôn được những người dân nơi này dành tình cảm đặc biệt. Các chị mặc áo dài, nở nụ cười thân thiện đón đoàn công tác từ ngoài cầu cảng. Vượt lên cái nắng gió gay gắt của mùa hè, những người phụ nữ nơi đảo xa vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, đảm đang và không kém phần duyên dáng bên tà áo dài thướt tha.

Các chị trên đảo Đá Tây A. Ảnh Phương Thuý

Đá Tây A là một trong những điểm dừng chân của đoàn công tác số 13 khi ra tới huyện đảo Trường Sa. Chị Hồ Thị Bích Liên ra đảo sinh sống hơn một năm nay. Chị kể: Ở đất liền, có lẽ bận rộn lo toan nhiều nên ít khi có dịp mặc áo dài. Ra đảo sinh sống, dường như các chị có nhiều cơ hội để khoác lên mình những bộ áo dài, đặc biệt trong những dịp đón đoàn công tác từ đất liền ghé thăm đảo. “Khi mặc áo dài, mình cảm thấy tự tin hơn, tự hào khi được sống ở đảo. Tôi thích những màu như xanh, đỏ, không chói quá, đặc biệt khi mặc áo dài cờ đỏ sao vàng hay có hình bản đồ Việt Nam thì thấy rất ý nghĩa” - chị Bích Liên nói.

Chị Vy Thu Trang, một người dân trên đảo Đá Tây A cho biết: Các chị không chỉ mặc áo dài trong những dịp lễ, đón đoàn công tác, áo dài còn hiện diện trong những buổi lễ chào cờ đầu tuần, đầu tháng, đầu năm. Trong không khí trang nghiêm ấy, hình ảnh những người dân xã đảo cùng những người lính vững vàng, nghiêm trang hát quốc ca, góp phần khẳng định chủ quyền dân tộc nơi hải đảo xa xôi. Tiếng hát hòa lẫn trong tiếng sóng biển khơi, như nhắc nhủ mỗi người về tình yêu nước, niềm tự hào khi đang góp phần gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của cha ông. Tà áo dài của các chị hòa trong màu nắng khi bắt đầu ngày mới, năm mới như thắp lên niềm hi vọng về sự phát triển của hòn đảo này. Chị Vy Thu Trang kể: “Chào một năm mới, chúng tôi mặc áo dài dự lễ chào cờ đầu năm, sau đó đi thăm chùa, đi chúc Tết các đơn vị trên đảo. Không khí lúc ấy rất trang nghiêm và tự hào vì chúng tôi khi ở nơi hải đảo xa xôi, vẫn làm lễ chào cờ. Trước lá cờ Tổ quốc, chúng tôi cảm thấy tự hào khi được đóng góp một phần công sức của mình để giữ gìn biển, đảo quê hương”.

Đến thăm thị trấn Trường Sa, ngoài màu xanh ngút ngàn của cây trái bốn mùa xanh tốt, chúng tôi cũng bắt gặp những tà áo dài của các chị như hòa cùng màu xanh của biển trời. Chị Hương Trâm, một người dân trên đảo bày tỏ niềm tự hào: “Mình là người Việt Nam, truyền thống của người Việt Nam là áo dài. Dù người phụ nữ gầy hay mập thì khi mặc lên đều thướt tha”. Khi nhìn thấy những người phụ nữ nơi đảo xa với tà áo dài bay bay trong nắng gió, chúng tôi lại chợt nhớ tới bài hát Một thoáng quê hương của nhạc sĩ Từ Huy và Thanh Tùng. Ở đâu có áo dài, ở đó thấp thoáng bóng hình quê hương. Ở đâu có bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, ở đó có bình yên.

Như để đáp lại tình cảm của những người dân trên đảo với đất liền, trong chuyến hải trình ra với Trường Sa lần thứ 3, nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng đã mang bộ sưu tập mới nhất của mình với chủ đề “Tự hào biển đảo Việt Nam” để giới thiệu tới những người dân và chiến sĩ cùng đoàn công tác. Anh cũng tặng cho mỗi chị một bộ áo dài do mình thiết kế. Chủ đạo với gam màu xanh, trắng, đỏ, bộ sưu tập thứ 20 về chủ đề biển, đảo quê hương của anh tái hiện cuộc sống mưu sinh, tình quân dân sâu đậm nơi đảo xa. “Bộ sưu tập này với những hình ảnh cột mốc khẳng định chủ quyền, có ánh sáng chân lý, có những ngôi sao hay lá cờ Việt Nam tung bay. Màu trắng của tinh khôi, của niềm say mê không toan tính; màu xanh của trời, của biển, của hi vọng được Việt Hùng chuyển từ đậm sang nhạt; màu đỏ của lửa, của nhiệt huyết, mong muốn những người dân và chiến sĩ trên đảo hãy vững lòng tin và những trái tim nơi đất liền luôn hướng về biển đảo. Những chiếc áo đó đặt trong không gian nơi đảo xa như được cộng hưởng, chạm tới cảm xúc người xem, cũng như tới những người yêu biển, yêu Trường Sa” - nhà thiết kế Việt Hùng nói.

Gần 20 bộ sưu tập áo dài với chủ đề biển, đảo cũng là chặng đường dài nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng gắn câu chuyện sáng tạo của mình với tinh thần yêu nước, bày tỏ tiếng nói khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Vũng Tàu, bộ sưu tập đầu tiên của anh là “Kí ức biển”, với hình ảnh quê hương, những con cá, con ốc và những hòn đảo nhỏ, là bóng hình những ngư dân quanh năm bám biển. Năm 2023, tuy không ra Trường Sa nhưng anh đã gửi đến quân và dân nơi đây bộ sưu tập áo dài với hình ảnh cây bàng vuông, cây phong ba, cây tra… như một biểu tượng cho sự bền bỉ vươn lên trong nắng gió, bão bùng, khẳng định ý chí và sức sống của những con người nơi đảo xa. Anh đã may những bộ áo dài ngũ thân truyền thống, gợi nhớ lịch sử thời Nguyễn, với những chính sách mở mang bờ cõi, khu vực biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ Bắc chí Nam, tương đương với khu vực biển đảo của chúng ta hiện nay, đó là vùng biển từ Quảng Yên (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với các đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa. Năm nay, trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” (do Trung ương Đoàn tổ chức), khi được ra Trường Sa, đặt chân lên những hòn đảo xa xôi của Tổ quốc, Nguyễn Việt Hùng không chỉ có thêm chất liệu sáng tạo, mà hơn hết càng cảm nhận sự thiêng liêng mà như anh từng chia sẻ: “Trong cảm xúc ấy còn có nước mắt. Đó là khi cảm nhận sự vất vả của các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, là tình thương yêu đồng bào, nếu không có những con người thầm lặng, dành cả thanh xuân vì độc lập, chủ quyền đất nước thì chúng ta đâu có cuộc sống hòa bình”. Và đương nhiên, lần trở về này anh đang ấp ủ bộ sưu tập áo dài mới với phiên bản “Cây bàng vuông 3” cùng những “khung màu” mà chỉ khi đến với Trường Sa mới có.

Phương Thúy

Nguồn Văn nghệ số 23/2024


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.