Sau 2 ngày đầu tiên thực hiện quy định nhận diện sinh trắc học (khuôn mặt) theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (từ ngày 1/7/2024) về bảo mật các giao dịch tài khoản ngân hàng, vẫn còn nhiều người chưa hoàn thành việc cập nhật.
Hơn 13 triệu khách hàng đã hoàn thành
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 2/7, số lượng khách hàng đã hoàn thành xác thực sinh trắc học để sẵn sàng thực hiện giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng theo Quyết định số 2345/QĐ- NHNN là hơn 13 triệu khách hàng, số lượng giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng ghi nhận trong ngày 2/7 là 8,24%, cao hơn mức trung bình của tháng Sáu (8%).
Đa số các ngân hàng thương mại khẳng định, giao dịch của khách hàng vẫn được thông suốt và mọi vướng mắc (nếu có, bao gồm khi quét NFC) đang được các tổ chức tín dụng nỗ lực xử lý, đồng hành cùng khách hàng.
Để đảm bảo tất cả khách hàng đều cập nhật được khuôn mặt trước ngày 1/7, thời gian qua các ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng công nghệ hiện đại, sẵn sàng kết nối hệ thống đồng thời liên tục truyền thông, hướng dẫn kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán, đảm bảo giao dịch được thông suốt. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã thông báo làm việc xuyên thứ Bảy, Chủ nhật để thu thập sinh trắc học tại quầy giao dịch, nỗ lực hỗ trợ khách hàng.
Theo khảo sát, những khách hàng làm cập nhật sinh trắc học trước thời điểm ngày 1/7 thì việc cập nhật xác thực theo quy định mới được thao tác rất nhanh, chỉ cần làm online trong vòng 3-5 phút. Tuy nhiên, ngay trong ngày 1-2/7, tình trạng nghẽn mạng diễn ra thường xuyên, có người vào cập nhật sinh trắc học nhiều lần đều không được.
Anh Nguyễn Văn Tăng (Long Biên- Hà Nội) thực hiện thành công bước chụp ảnh căn cước công dân, nhưng không thể quét chip căn cước công dân qua NFC dù đã thử lại nhiều lần.
"Ban đầu mình nghĩ do dùng ốp lưng điện thoại nên NFC không thể kết nối được với chip căn cước công dân. Nhưng cả khi đã tháo ốp, máy vẫn không nhận được thông tin từ chip," anh Tăng nói.
Sau đó anh Tăng đã phải tìm đến chi nhánh ngân hàng để nhờ nhân viên hướng dẫn. Theo hướng dẫn trên điện thoại, ở bước này, người dùng cần áp sát căn cước công dân vào vị trí phía trên thiết bị.
Cũng có nhiều người cập nhật nhiều lần vẫn không được. Thậm chí có người cập nhật khuôn mặt xong rồi nhưng vài giây sau, hệ thống lại hiện lên thông báo “dịch vụ không thực hiện được trong lúc này.”
May mắn hơn, chị Thùy Linh - khách hàng dùng ứng dụng của ngân hàng Vietcombank cho biết sau khi điền thông tin số tài khoản, số tiền, hệ thống yêu cầu xác thực sinh trắc học với các câu lệnh đơn giản như “di chuyển lại gần,” “giữ thiết bị ổn định,” “hoàn thành.” Nhưng vài giây sau, hệ thống lại hiện lên thông báo “dịch vụ không thực hiện được trong lúc này.
“Để app dừng nghỉ vài phút, tôi quay trở lại thao tác từ đầu thì việc xác thực sinh trắc học và chuyển khoản lại thông suốt,” chị Linh cho biết thêm.
Đại diện Vietcombank cho biết, trong 2 ngày đầu thực hiện nhận diện sinh trắc học (khuôn mặt) với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần, trên 20 triệu đồng/ngày thì cũng có thời điểm app ngân hàng báo lỗi do lượng truy cập quá đông.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank thực tế quá nhiều khách hàng cùng lúc thực hiện đăng nhập vào tài khoản thanh toán, sẽ dễ xảy ra hiện tượng nghẽn mạng. Thực tế cho thấy, hệ thống không ghi nhận số lượng giao dịch chuyển khoản online có giá trị trên 10 triệu đồng tăng trong ngày đầu thực hiện.
Dù có 13 triệu khách hàng đã hoàn thành sinh trắc học nhưng vẫn còn nhiều người gặp khó. (Ảnh: Vietnam+) |
"Trong tuần vừa qua, các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank đã làm việc thông suốt cả thứ Bảy, Chủ nhật để giúp khách hàng có nhu cầu xác thực sinh trắc học," bà Phượng nói.
Theo đại diện Agribank, ngoài cách hướng dẫn qua đường dây nóng, đã có nhiều chi nhánh của Agribank còn thành lập các tổ lưu động để thực hiện hỗ trợ xác thực sinh trắc học khi nhận được những yêu cầu giúp đỡ của những đơn vị chi trả lương qua tài khoản ngân hàng.
Với những khách hàng phản ánh việc sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, hoặc có hỗ trợ NFC vẫn bị trục trặc khi quét dữ liệu,
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn
đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ (khách hàng chỉ phải cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng).
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định việc yêu cầu xác thực đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến hết tháng 6/2024, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày chỉ 0,56%. Có khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Cán bộ ngân hàng hỗ trợ khách hàng trong áp dụng sinh trắc học. (Ảnh: Vietnam+) |
Bên cạnh đó theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu căn cước công dân gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống.” Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.
Đại diện các ngân hàng cũng lưu ý, khách hàng không cần thiết phải thực hiện ngay cập nhật sinh trắc học, trừ khi phải chuyển khoản số tiền đủ lớn theo quy định. Khách hàng cần bình tĩnh, theo dõi kỹ càng các hướng dẫn trên website của từng ngân hàng và thực hiện theo đúng hướng dẫn.
Cũng theo đại diện các ngân hàng, đang có hiện tượng giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện hướng dẫn khách hàng cập nhật sinh trắc học để nhằm chiếm quyền điện thoại. Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác. Việc cập nhật sinh trắc học tuyệt đối chỉ nên thực hiện trên ứng dụng ngân hàng hoặc tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng.
Thúy Hà - Vietnam+