Multimedia

Cha tôi Kép Cúc. Truyện ngắn của Phan Đình Minh

Đọc truyện
05:23 | 17/03/2023
Tôi vén mành chạy ào vào trong buồng, chỗ mẹ nằm. - Mẹ ơi. Ông kép Cúc chết rồi. Đội kèn làng đang rục rịch
aa

…Tôi vén mành chạy ào vào trong buồng, chỗ mẹ nằm. - Mẹ ơi. Ông kép Cúc chết rồi. Đội kèn làng đang rục rịch. Mẹ nhỏm phắt người. Đúm tóc vấn lỏng tay xổ tung xuống hai vai. Chiếc chăn chiên đắp trên ngực chuội sang bên. Mẹ vươn tay về phía tôi, chấp chới như con diều đói gió. Bất giác mẹ ngã nhoài qua bậu giường, xuống dưới đất. Tôi toài chân định đỡ mẹ thì cha ở phía sau lao đến. Ông chìa cánh tay còn lại, ôm lấy mẹ.

- Cẩn thận, mình.

Hoảng hốt lắm, nhưng tôi cũng bắt gặp ánh mắt thất thần, pha chút năn nỉ của mẹ với cha. Không gian chợt ắng. Nghe rõ tiếng cọt kẹt rên lên của những con mọt đang ăn chiếc nan giường.

Cha quay sang.

- Con xuống bếp, bẳng ấm, chắt một bát thuốc mang lên cho mẹ. Rồi dụi lửa lom đom.

Tôi chậm rãi đi ra sân, lòng bâng khuâng.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Nghe đài báo, có đợt gió mùa sớm. Chiều nay vẫn còn nắng, thế mà mới chín giờ tối đã thấy chuyển giời. Gió khào khào thổi trên nóc nhà, động đậy chiếc máng hứng nước mưa cha tôi cuốn bằng tôn lá. Phía cuối làng vọng vài tiếng trống hiệu, tiếng kèn đám ma lảnh lót, buồn tênh. Thế là kép Cúc được niệm rồi.

… Từ nhà tôi đến nhà ông kép Cúc phải đi qua một chiếc cống đá thông nước cánh ao sen Hàng Giáp mọc rậm rì ra sông cái. Qua cống đá, vòng nửa ao sen, tới chiếc sân gạch rộng ba sào kề bên căn nhà ông Kép - là trung tâm văn hoá, chiếu tuồng làng Thạch Lãm. Đã từ lâu lắm người làng tôi ham tuồng, nghiện xem tuồng như nghiện thứ men rượu gạo Lục Thành nấu. Những đêm có trò, ai cũng giục con cái rải chiếu từ chiều ở sân đình xí chỗ. Thế là mọi người vừa ăn cơm, uống rượu vừa xem diễn tuồng. Mệt quá ngủ thiếp. Tỉnh dậy, lại tiếp tục xem. Dân làng tôi từ trẻ con đến người già, ai ai cũng biết một vài tích, thuộc vài đoạn trong các tích tuồng cổ như Sơn Hậu, Ngũ Hổ Bình Liêu, thậm, còn đi xiến, đi cầu, loan đơn, loan kép, nhảy thành tựa như các đào, kép trong những gánh hát cổ. Ấy là thời xưa, những ngày hoàng kim rực rỡ của chiếu tuồng Thạch Lãm khi cụ Trùm Thảo đứng chủ chiếu. Dân gian trong vùng vẫn truyền miệng câu hát: “Thượng Ngạc có cây đa to, Lục Thành có nghề nấu rượu, Thạch Lãm có một chiếu tuồng”. Đến ngày nay, chiếu tuồng đã khai trương được hơn một trăm năm. Ông kép Cúc là truyền nhân đời thứ sáu. Nghe kể, ông Kép mồ côi cha mẹ từ bé và được Cụ Trùm Thảo xin về đận bé tí, tận bên Lý Đông, Lý Đỏ, tỉnh Bắc Ninh.

Đêm chẳng có trăng sao mà không gian cứ sáng nhờ.

Tôi bỗng nghe thấy tiếng của mẹ trong buồng vọng ra: “Gì thì gì. Nghĩa tử là nghĩa tận. Mình để tôi cố sang đưa ông ấy ra đồng”. Ánh đèn leo lét hắt từ trong buồng đọng xuống khoảng sân cạnh chiếc bể nước mưa ánh những mảng rêu màu lục. Tôi trông rõ vẻ mặt cha đăm chiêu. Hai vệt lông mày giao nhau, nhìn như dấu “?”. Gió ào ào thổi, ném mấy quả bưởi lịch bịch xuống sân giếng khiến con rái cá ngoài bờ ao giật mình phóng chủm. Sương muối xuống dầy, đọng thành giọt rồi rơi thảng thốt trên những chiếc lá mỏng sót lại của giàn thiên lý đầu hồi nhà. Sương muối xuống là mẹ lại mỏi mình. Đêm nay, cha không nằm trên giường một cạnh giường mẹ mà cha cầm cái gối mây ra chiếc phản kê giữa nhà. Thấy thế tôi liền chui tót vào buồng với mẹ. Đã lâu lắm, tôi mới lại được rúc vào nách mẹ. Mẹ khẽ dịch người nhường chỗ rồi giơ tay vuốt vuốt mái tóc cứng đờ thoảng mùi hương nhu của tôi. Mẹ biết, chiều nay tôi lại đùa nghịch trên mấy khoảnh ruộng các cụ phụ lão trồng hương nhu để chưng cất tinh dầu.

Hai mẹ con khó ngủ.

Tôi dụi dụi khuôn mặt vào cánh tay mẹ: “Ngày xưa, mẹ với cha và ông kép Cúc thân lắm hả?”. Mẹ nói nhỏ dường sợ cha nghe thấy: “Ừ. Thân lắm”. Bỗng có tiếng ngáy khườm khườm của cha ở phản. Lạ lắm. Giờ, tôi mới bắt gặp cha ngủ, ngáy. “Mẹ à. Ông ngoại dạy tuồng cho mẹ hay cụ Trùm Thảo?”. “Ông ngoại là thầy dạy học, mẹ là con gái một nên được ông rèn giũa theo gia giáo gia đình ta. Từ đơm cơm không được một đũa đến dáng đi, cách nói năng hay việc nhỏ nhất là cắn quả cà. Ngoài chuyện học văn hoá ở trường xã, ông gửi gắm cụ Trùm Thảo đào tạo mẹ thành đào tuồng tài giỏi”. “Cụ Trùm mở lớp dạy tuồng như là lớp học chữ ông ngoại ta, mẹ”. “Không. Những bài học sơ đẳng hay khó trong nghệ thuật tuồng làng đều do cụ Trùm Thảo nằm lòng, chứ không có sách vở. Nói vậy, một kép, đào tuồng, muốn ra vai trên chiếu phải tinh thông từ nói lối, ròn tất cả các làn điệu hát nam xuân, nam ai, điệu vịnh, ngâm, thán, oán... rồi nằm lòng các vai diễn mẫu Xuân Đào cắt thịt, Ôn Đình chém tá... khi nào thật nhuần mới được ghép vai thành những “tích”. Con giai phải học kép văn, kép võ, tướng đống, tướng con. Con gái học đào lẳng, đào thương. Mười năm miệt mài mới thành nghề”. Mẹ cựa mình, rồi tiếp. “Những buổi tối, hay lúc nghỉ hè không học ở trường, cha, kép Cúc và mẹ siêng lắm, không xao lãng một buổi tập nào”. “Thường, cha con đóng vai tướng gì. Mẹ?”. Tôi nóng ruột xen vào. Mẹ tôi lặng im, rồi nói: “Cha không có khiếu về diễn tuồng. Diễn không duyên. Đổi lại cha đánh trống rất giỏi. Những điệu trống bóp, trống tâu, khách, nhịp một, nhịp ba, nhịp bủa... cha thành thạo các loại trống cái, trống chiến, trống ban... như là sinh ra chỉ để dành mỗi việc đánh trống. Những bước đi của kép Cúc, của mẹ nếu không có tiếng trống của cha thúc giục thì không hoạt. Còn trên sân khấu, kép Cúc và mẹ là bạn diễn rất hợp đôi. Những vai như Mộc Quế Anh dâng cây, Triệu Đình Long cứu chúa đã làm say lòng người người Thạch Lãm và cả nhiều làng bên cạnh. Năm tháng dần trôi đã gắn bó tình cảm cha, mẹ, kép Cúc khăng khít với nhau như cổ tích... ”

Giọng mẹ tôi đều đều và tôi thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay.

*

Trống Động hiệu rền lên.

Người trong làng lục tục tập trung trước cổng nhà để viếng ông kép Cúc lần cuối, sau đó sẽ đưa ông ra ngoài đồng. Mọi thủ tục như đóng đinh, quay linh cữu được tiến hành. Vẻ mặt mẹ lúc này hoang vắng lắm. Mẹ cứ ngơ ngẩn ngắm nghía hai con nghê đá, dấu tích cánh gà sân khấu ngày xưa. Rồi khẽ khàng kéo đầu tôi áp vào ngực mình. Mẹ đau đáu dán mắt xuống đám gạch bên cạnh. “Chỗ này, ngày xưa đặt chiếc bàn lễ phong kép Cúc trưởng môn tuồng. Mới đấy mà mấy chục năm”. “Thế sao cha con không làm trưởng môn lại là ông Kép, mẹ?”. Ánh mắt mẹ xa lắc, buồn lang thang: “Theo lệ. Kép chính mới được đứng trưởng chiếu. Từ trước, chưa khi nào nhạc công đảm đương chức này”. Tôi lơ đãng đưa mắt ngắm nghía anh Cà, đang vác chiếc quạt giấy to, cứ đi đi lại lại trước cổng nhà ông Kép. “Chắc hôm đó cụ Trùm Thảo cử long trọng lắm?”. “Ừ. Cụ Trùm mặc trang trọng. Đầu đội mũ Lăng Tiêu, chân đi hài Bạch Hạc. Cụ Trùm tiến ra gần chiếc bàn rồi giơ cao con dao rựa sáng loáng chém vèo xuống cổ con gà trống mà ông Kỷ đang giữ trên tay. Đầu con gà văng lìa ra. Mấy hàng lông xung quanh cổ bị đứt chun lại, xù lên”. “Ghê quá”. Tôi rùng mình kêu to một tiếng. “Bên kia, đấy - Mẹ chỉ về phía góc sân, cạnh gốc vối già - cha con gồng người nện dùi lên mặt chiếc trống cái: thình, thình, thình... Cụ Trùm Thảo sảng giọng: “Kể từ nay, trò Cúc là trưởng môn chiếu tuồng làng ta. Suốt đời sống chết với nghiệp, không được trễ nải. Sai lời hứa sẽ bại hoại thân vong”. Tiếng kép Cúc vang lên. “Xin thề”. Mọi người phủ phục xuống lễ Tổ tuồng, xong lễ trời đất, rồi cùng nhất loạt bật lên vào màn múa cờ sôi động. Cha đảo mình thi chuyển rầm rầm trọn bài trống cờ độc nhất vô nhị”.

Đám tang kép Cúc to nhất làng mấy năm trở lại đây. Đi đầu là mười ba ngọn Kỳ héo do bọn trẻ con nhầng nhầng cầm. Tiếp sau là các cụ bà đội băng vải nâu nối dài, hai bên tua rua hoa văn. Gọi là đội Cầu. Ông Luyện người xóm trong phất chấp hiệu Linh Danh, cả đoàn người rùng rùng di chuyển. Suất Linh Danh này thường khi cha tôi nhậm. Không hiểu sao hôm nay ông lại xin dân làng cho chuyển sang tốp Đại Dư - khênh quan tài. Nhậm chức Bảo Đăng thuộc về ông Thực và ông Đoan. Trên tay mỗi ông rục rặc ngọn đèn hoa kỳ đỏ lửa, bước song song đều tắp. Anh Cà toét, con ông Thương nhà xóm ngoài được chuyển từ chân vác cờ sang cầm chiếc quạt giấy lớn, xoè rộng, trên quạt đề hai chữ Trung Tín. Có nghĩa từ nay, anh Cà được làng thăng bậc lên hàng chấp hiệu. Chấp hiệu Lệnh, thỉnh thoảng gióng ba tiếng: tùng, tùng, tùng... nối sau ba lệnh là một tiếng: cheng... của Chấp hiệu Thanh la. Khiêng án Thực gồm bốn ông lực điền dóng bởi hai đòn tre đực. Tôi cứ thắc mắc. Trên án Thực đáng nhẽ phải đặt khung ảnh thờ chân dung kép Cúc. Đằng này lại rước bức ảnh Tạ Ngọc Lân1 đang vén râu, vung chân đá tà áo, đĩnh đạc trên chiếc ngai cao do kép Cúc thủ vai. Đằng trước tấm ảnh là mâm quả, bên cạnh là khúc thân chuối cắt bằng cắm hương nghi ngút. Ông Dưỡng láng giềng nhà tôi thì lụ khụ cầm hai tay hai đoạn tre già, bước giật lùi ngay trước mười mấy người khiêng quan tài. Thỉnh thoảng ông lại gõ cắc cắc, nhịp đi cho tốp Đại Dư này - Nhậm chấp hiệu Xênh phải là người cao tuổi nhất trong số bốn ông chấp hiệu.

Đoàn người lê thê trúc trắc tiến ra đầu làng.

Hương khói cay nồng, khung cảnh đượm buồn eo óc.

Đi được một đoạn là đến ngã ba nơi có cây bồ đề to, toả bóng mát rợp kín khoảng đất rộng thì chấp hiệu Linh Danh phất ngọn tre làm hiệu dừng lại nghỉ. Từ đây, một nhánh đường rẽ sang bãi tha ma, còn nhánh kia tít tắp thẳng lên xã rồi ra đường cái lớn lên huyện, tỉnh.

*

- Cháu con ai?

Tôi dừng chân không đi “xiến”. Tay không múa điệu “Xoang xỏ chỉ” nghiêng mình nhìn người đàn ông sừng sựng gánh một bên là chiếc hòm gỗ, một bên là mấy hòn đá.

- Xoang xỏ chỉ phải cử thế này này.

Thằng Hạt, thằng Duy và tôi cùng há hoác miệng nhìn người đàn ông vóc dáng nghệ nhân sầm sập đi những điệu tuồng. Từng thớ thịt trên nét mặt ông biến đổi, di chuyển theo nhịp rung của toàn cơ thể. Cứ vậy, bước tiến, bước lùi, động tác tuy còn non nớt nhưng tôi thực hiện không sai một nhịp mẫu nào của người đàn ông lạ. Người đàn ông chợt sựng, rồi riết róng hỏi tôi lần nữa:

- Thế cháu con ai?

Tôi trả lời mà tay chân vẫn múa may.

- Cháu con bố Nhẫn.

Khuôn mặt người đàn ông bỗng đờ đẫn.

Ánh mắt buồn thẳm, dại đi.

Cứ vậy, ông đứng lặng như tượng đá chìm vào cõi mung lung.

Rồi như chợt tỉnh, như con người khác, ông thoắt ghé vai gánh chiếc hòm tiến thẳng về làng. Tôi cứ đứng bần thần dõi mắt theo người đàn ông khuất hút ở khúc ngoặt cuối làng nơi tiếp giáp với bờ đê. Mặt trời đỏ lựng như quả cầu lửa từ từ rơi lệch xuống đáy sông. Sóng lấp loáng váng ánh chiều tà.

“Hôm kép Cúc trở về làng và gặp lũ chúng con ở ngã ba này thế, cha à”.

Tôi thẽ thọt kể rồi khép nép ngồi xuống cạnh cha trên tảng đá đen xì dưới gốc cây bồ đề. Cha đang lơ đãng, ngẫm ngợi điều gì. Ông giơ cánh tay còn lại vo ống áo rỗng thuông chấm chấm lên cái trán rịn mồ hôi đầy bụi của tôi. Cha cứ lặng phắc ngồi vậy rồi ngụm từng ngụm nước vối cô Lự đưa cho mà chẳng nói câu gì. Sau đấy, cha đứng phắt, bước ra gò đất đang đặt cỗ Đại Dư. Vẻ mặt cha thoáng lạnh.

“Gốc bồ đề này là nơi kép Cúc rời làng sau trận quyết đấu với cha cháu đấy”. Tôi giật mình quay người. Thì ra từ nẫy, cô Lự vẫn để ý câu chuyện tôi kể cho cha nghe. Cô Lự đã lờ mờ đoán được thoáng thái độ lạnh lùng rung riết của cha tôi.

“... chiều mùa Đông, trên bờ đê dòng Tứ Lộc, cha tôi cưỡi con ngựa bạch của ông ngoại. Gió lộng từ dưới sông sục tung mái tóc dầy của cha. Ống tay áo không còn cánh tay bay vắt vẻo. Phía bên kia, kép Cúc với bộ võ phục thùng thình, chít đai lưng, kiểu thời cổ các anh hùng hiệp khách thường mặc.

Hai người hằm hằm ánh mắt ngùn ngụt bốc thần.

Họ sầm sập lao vào nhau rồi tung những đòn chí mạng.

Giông gió bên kia sông nổi lên.

Mưa lớn.

Trận đấu giữa cha tôi và kép Cúc khép lại lúc nửa đêm và không một ai trong làng tường nguyên do. Chỉ biết sau đó kép Cúc đột ngột rời làng...”

Chấp hiệu Lệnh gióng ba tiếng. Chấp hiệu Thanh La: cheng, một tiếng. Mọi người chầm chậm rẽ vào con đường dẫn tới khu nghĩa địa. Gió ù ào đuổi nhau trên mấy trản ruộng được gieo xạ thẳng gợn dáo dác những ngọn mạ xanh lướt mướt. Mấy cậu bé vác cờ trong đó có tôi tản ra, cắm rải rác xung quanh chiếc huyệt đào từ tang tảng sáng. Đống đất đỏ tươi mói từ dưới huyệt được ấp thành hai khối hai bên, hoang vu, lạnh ngắt. Thành huyệt sấn thẳng đứng, sâu hai mét đất. “Thế là một con người đã đi đến điểm cùng của cuộc đời”. Tôi đọc những lời đó trong mắt dân làng. Cha tôi tần ngần ngồi xuống một trong hai đống đất rồi chậm rãi đón chấp hiệu Xênh từ tay ông Dưỡng. Cha lóng ngóng kẹp một thanh xênh trên mu bàn chân, giơ tay rập chí chát thanh xênh còn lại, dẫn nhịp cho sáu lực điền từ từ hạ quan tài lắp quấn vòm, xuống huyệt. Mắt cha tôi buồn xa vắng quá...

Không biết trong đám tang ông kép Cúc hôm nay, dân làng có ai một đợt tòng quân với cha tôi trước kia. Mà ai còn, ai mất. Kép Cúc thì trên xã không duyệt đơn vì là con độc lại mồ côi rồi. Làng đồn, ngày ấy mẹ tôi có tình cảm với kép Cúc chứ không phải với cha. Tối, sân đình không có vở diễn, mẹ tôi và kép Cúc thường ra ngồi trên cống đá, tìm hiểu nhau. Cha tôi cũng thầm yêu mẹ. Nhưng hiềm nỗi cha hay tự ti so sánh và điều gì cha cũng thấy mình kém kép Cúc, nên chẳng bao giờ bộc lộ cảm tình với mẹ. Cha đóng vai người ở xa... âm thầm.

- Ăn chưa nên bát, nói chẳng đủ nhời. Định vượt quyền người lớn, hả Ngát?

Nghe ông ngoại rít, mẹ cuống cuồng chẳng hiểu ra sao. Mẹ vò hai bàn chân rồi nép mình vào góc chiếc giường cánh quạt kê sát buồng. Ông ngoại xếp bằng trên tràng kỷ. Khuôn mặt nặng trì. Bà ngoại hết nhìn con, rồi nhìn chồng. Mẹ tôi vẫn không hiểu nguồn cơn sự giận dữ kinh người từ ông ngoại. Chừng đoán, mẹ đang nghĩ gì. Ông ngoại gạt cái điếu bát sang góc bàn, vứt tạch quyển sách “An Nam y thuật” xuống.

- Cái thứ không rễ, không cành, làm sao đắp lên cơ nghiệp.

... Ông ngoại điểm mặt hết trai làng, chỉ cha tôi xứng với mẹ. Và từ lâu, mãi tháng một năm kia, ông ngoại đánh tiếng sang xóm Cát bên nhà cha tôi, tâm ý ông bà về việc thành thân của mẹ. Vậy đấy, quê tôi từ xưa kỵ nhất hai điều: Phạm vào đất chùa và việc đánh tiếng chọn chồng cho con trên đất làng. Nhà ông tôi gia giáo, ông lại bỏ qua điều kỵ đó mới lạ.

Cha đi bộ đội.

Chiến tranh với cha được hiểu là màu xanh áo lính, là những chuyến ô tô mui trần chở đầy các chàng trai hăm hở trôi về phương Nam. Còn chiến trận sẽ là mù trời khói đạn, là hy sinh, là quyết tử. Ở nhà, mẹ vẫn theo chiếu và diễn càng bắt cảnh. Những vai diễn nhiều tâm sự như Mai Hương thế mình, thế con tận chung với nước; Nguyệt Cô hoá cáo... mẹ vào vai ngọt lịm. Chiếu tuống Thạch Lãm chập ấy được người trong vùng đánh giá ngang với các đoàn nghệ thuật trên Trung ương về. Những đêm văn hóa ở hội vật Cẩm Sơn, chiếu tuồng làng tôi độc quyền đảm nhận cả. Rồi một bận, có lẽ là hơn một năm sau cái ngày cha tôi lên đường vào Nam, chiếu tuồng theo thường lệ phục vụ sới vật Cẩm Sơn liền ba tối. Tối cuối, chiếu ra vở Giang Chấn Tử hạ sơn... Kép Cúc đóng vai Triệu Đình Long còn mẹ vai Mai Hương... cảnh cuối, Mai Hương cất lời hát “... như vợ chồng ta là: vì nghĩa lớn ta dứt tình ân ái / cứu tử hoàng đành phải thế con thơ / phu quân ơi... dứt tình riêng chàng lấp thảm làm ngơ / gạt sầu muộn thiếp quyết lo đại sự”.

Tiếng nhạc nam xuân nghẹn tắc.

Ánh đèn sấn khấu vàng khạch thoắt mờ.

Ông Dưỡng cảm động buông lơi cả chiếc dùi trống.

Cả nghìn con người đứng chết lặng trước màn diễn xuất thần Mai Hương thế mình, thế con vì nghĩa cả.

Kép Cúc nhìn mẹ tôi chứa chan tình cảm.

Ánh mắt mẹ tràn ngưỡng mộ.

Đã nhiều năm, họ chưa lúc nào vào vai dung dị thế. Mọi thứ cứ cộng hưởng, rồi loãng tan ra. Cuộc sống thực, hay nghệ thuật chân chính? Bản thể đàn ông, bản thể đàn bà. Ngăn cách hay hoà hợp lúc này không còn ý nghĩa gì. Mọi ranh giới bị xoá nhoà, vỡ tung sau cái đêm diễn cuối cùng ở sới vật Cẩm Sơn để rồi hoá u tật, nhói thót khuôn ngực cha tôi đằng đẵng bao nhiêu năm.

Ở sới vật Cẩm Sơn về, mẹ tôi ngã bệnh. Đành rằng không ai biết chuyện xảy ra giữa mẹ và kép Cúc nhưng mẹ luôn tự vấn mình. Mẹ không thể nào gạt ra khỏi đầu ý nghĩ đã phản bội cha, người đang chiến đấu, hy sinh ngoài mặt trận. Mẹ mất ngủ, tâm can giằng xé. Hốc hác và gày rộc. Ông bà ngoại sốt cả gan ruột, lo lắng thuốc thang nhưng mẹ vẫn không vực sức. Điều trớ trêu là trong lúc mẹ đang chông chênh sợ sệt như chim lạc giữa trời thì cha trở về với một bên cánh tay không còn. Cha bị thương và được đưa ra Bắc ngay lần giáp trận đầu tiên. Cũng lạ, tâm trạng vậy, mà mẹ lại ốm nghén, có mang tôi đúng vào dịp này?!

Không biết mẹ kể những gì với cha cái đêm diễn cuối ở sới vật Cẩm Sơn mà từ khi về làng cha không ra sân đình nữa. Mới lại, giờ, cha còn một cánh tay, đâu có đánh trống được để theo chiếu. Giống như cha, mẹ bỏ hẳn không bao giờ diễn tuồng. Ngày đó làng đồn: “Cha cấm ngặt mẹ”. Để giải thích: “Mẹ yếu, bị bệnh thấp khớp, không còn đảm trách những vai diễn phải vận công, tốn sức”. Mẹ lặng lẽ thuận mọi ý của cha. Các vai diễn ngày xưa mẹ đảm trách được cô Lự thế vào. Có điều, cô Lự diễn làm sao bằng mẹ. Bà ngoại kể, dịp ấy mẹ ốm lắm, nhờ cha hết lòng chăm sóc, thuốc thang rồi theo đận một tháng một lần, ngược ra tận Uông Bí, đến nhà ông lang Nhiên, bố người bạn cùng chiến đấu trong chiến trường để cắt thuốc bình hòa âm dương thì tôi mới ra đời được.

Thời gian một hay hai năm, lúc tôi đã biết đi lẫm chẫm, vậy thế mà mãi, lâu lắm, mẹ tôi vẫn không thể quên được niềm đam mê diễn tuồng. Các hôm tuồng làng có vở. Mẹ cứ thao thức không ngủ, đi ra, đi vào rồi mẹ lần mò làm việc nọ việc kia nữa. Lúc thì tuốt nắm rơm nếp bện chổi. Lúc kéo con Đậm vào lòng lần bắt rận mà không khoả những gì văng vẳng bên tai, văng vẳng trong lòng. Tuy nằm nghỉ trong buồng nhưng cha tôi biết hết. Mẹ nhớ đêm diễn, nhớ tiếng nhạc, tiếng trống đã ăn sâu trong máu thịt. Kép Cúc thì không bao giờ gặp mặt cha tôi. Đám cưới hay đám giỗ chạp, có mặt kép Cúc thì không thấy cha tôi. Mà có cha thì không thấy bóng ông kép. Mỗi khi tiếng nhạc tuồng nổi lên, cha tôi lại đóng cửa vào buồng đi nằm. Khuôn mặt cha bơ thờ, lúc nào cũng như người câm muốn giãi bày điều gì. Suốt bao nhiêu ngày tháng cha trầm mặc như cái bóng trong cõi sầu vô hạn định vậy. Và trận quyết đấu giữa cha tôi, kép Cúc xảy ra…

Mười hai năm sau, có lẽ chừng đã mỏi gối chồn chân, ông Kép mới chịu về. Về đến làng là ông tính chuyện dựng lại chiếu tuồng. Nhưng bao nhiêu cố gắng của ông kép đều nước lã ra sông vì không thể tụ được chiếu. Mà làm sao còn tụ khi các kép, các đào giờ đã luống tuổi, không đảm trách được những vai diễn khó. Lứa người tiếp theo thì bị ngắt không ai đào tạo. Thời điểm này ông kép mới cảm nhận việc tan tác của chiếu tuồng làng và cũng lúc này, ông mới thấm cái đau thất truyền không cứu vãn. Kép Cúc buồn rầu, vật vờ, rồi uống nhiều rượu nữa. Lúc nào tỉnh táo kép Cúc thường giam mình trong gian buồng tối om phía trái nhà. Dằng dặc kiếp thương hồ mệt mỏi. Bây giờ về quê, ông Kép muốn kết thúc mọi chuyện chăng? Ai cũng thấy ánh nhìn của ông ngày một u hoài sâu thẳm. Vài hôm, người trong làng lại bắt gặp kép Cúc ra mộ cụ Trùm Thảo thắp hương khấn vái, rồi về nhà muộn lắm và ông Kép ngã bệnh, liệt giường hàng tháng trời không dậy được. Ông Dưỡng phải ngược lên tận Chao Lảng - Mường Tè, đem về những bọc to nhỏ gồm đủ thứ lá lảu lạ lẫm. Đêm ngày tẩm, phơi, xao sắc, cố chữa bệnh cho ông Kép. Vậy mà thân hình Kép Cúc cứ gày guộc da vàng tựa sáp ong, bụng chướng to tướng, cả ngày chỉ húp vài thìa cháo loãng. Đúng bốn tháng trời, Kép Cúc mới nhỏm khỏi giường. Da dẻ vừa tươi lại chút ít thì ông nhóc nhách lê bước ra gốc cây bồ đề, chiều chiều tụ mấy đứa trẻ đám tôi để dạy tuồng. Từ cái ngày ông Kép quay về đến lúc ông chết hôm nay đã được một năm. Giờ phút này cũng không biết cái đích cuộc đời kép Cúc là đâu, hay chỉ có tháng năm trôi với bao điều u uẩn. Thật là: “Kầm kê là kiếp giang hồ, khen chê đào kép lấp mồ phấn son”.

*

Bầu trời nghĩa địa nặng trĩu.

Thỉnh thoảng vài đám mây ẩm ướt, vụt trôi ngang.

Chiếc quan tài nặng nề tụt giật cục xuống lỗ huyệt sâu hoắm, nhớp nháp bùn đất. Đau xót vậy nhưng thật lạ, hai tay ông Kỷ vẫn ôm khư khư một chiếc hộp gỗ. Đến lúc này chẳng ai đoán được bên trong đựng gì. Ai cũng nghĩ đó là vài vật dụng của ông Kép đưa ra cùng hạ huyệt. Hoặc giả, ông Kỷ cầm thứ gì đại để như bùa ngải. Khi ông Dưỡng đọc xong tờ điếu sau lúc mọi người làm phép Chung Đồ. Ông Kỷ mới run run mở nắp chiếc hộp. Trước thái độ trịnh trọng quá mức của ông Kỷ, người làng thoắt nín thở hướng cả ánh mắt vào. Thì ra bên trong hộp gỗ đựng một cuốn sách chép tay dầy cộp. Cuốn sách đến mấy trăm trang. Bên dưới cuốn sách là lá thư gửi làng ông Kép viết lúc lâm chung.

“Thưa bà con. Đời người ngắn ngủi và ai ai cũng có thời khắc này. Chỉ hiềm một điều mỗi người ra đi sẽ mang theo những niềm riêng. Tôi là người vướng nhiều trắc ẩn. Không làm tròn bổn phận với làng, với chính cả bản thân. Đến lúc nhắm mắt rồi tôi vẫn còn canh cánh quá. Điều tôi bận tâm lớn nhất là chiếu tuồng làng ta luỵ bấy nay. Tôi gửi làng cuốn sách, ghi chép toàn bộ những gì đúc rút trong mấy chục năm theo chiếu.

Còn bây giờ là đôi điều tôi muốn thưa với ông Nhẫn.

Tôi có tội với ông vì cả đời sống không trọn đạo. Tôi không xứng với sư phụ, với lời thề khi nhập chiếu.

Cho tôi được xá bà nhà ba lạy.

Tôi biết thằng cu Hậu và nhiều đứa trẻ ở cái làng Thạch Lãm này thừa tư chất những kép tuồng tài giỏi. Chỉ có điều thiếu người dạy dỗ và bao bọc.

Ô hô. Tôi muốn ông nhận trách nhiệm vực chiếu tuồng. Chỉ khi tiếng trống tuồng của làng cất lên thì dưới suối vàng tôi mới thực sự ngậm cười.

Mong ông hoá giải thù riêng để lo việc làng.

Kính thư.”

Khuôn mặt cha tôi thất sắc. Cha đứng như trời trồng. Bàn tay những ngón gân guốc từ từ doãng lỏng ra. Tất cả mọi người trong làng lúc này lại chăm chắm dồn hết ánh mắt vào cha tôi. Nhất cử, nhất động của cha sẽ đều bao hàm vô vàn ý nghĩa. Không gian ngột ngợp và lặng phắc, tuy gió vẫn ầm ào. Đột nhiên sắc thái tinh thần cha tôi lần nữa lại biến cải ghê gớm. Cha tã tười như người bị cạn sức sau trận đấu vật dài. Trước cái lỗ huyệt sâu hoăm hoắm và người chết nằm im lìm kia, tôi biết và rất nhiều người trong làng đều biết. Cha đã thắng kép Cúc bằng những thế võ hơn mười năm về trước khiến kép Cúc phải rời làng ra đi. Còn bây giờ thì ông đã thua, thua thực sự trước con người đang nằm bó cứng trong chiếc quan tài ở dưới sâu kia.

Thân hình cha dập dềnh nghiêng ngả.

Ông bị chấn động rất mạnh sau khi nghe ông Dưỡng đọc lá thư kép Cúc hay do ông đang gập ghềnh trên đống đất lỏn nhỏn cứng đanh. Tôi để ý thấy hai bàn chân cha thỉnh thoảng lại toãi trượt xuống. Ông cứ phải gồng người thẳng đơ giữ thăng bằng để đầu gối khỏi khuỵu. Tôi liền nhích đứng sát đằng sau lưng cha. Và cứ thế trong tình trạng này một lúc rất lâu.

Cha run run giơ cánh tay còn lại ra đỡ lá thư và quyển sách từ phía ông Kỷ. Khoé mắt cha thoắt rưng rưng, tràn trệ nước.

Cha sấn từng xẻng đất, lập bập buông xuống nắp chiếc quan tài.

Tôi hiểu, cha không hẳn nhỏ lệ về cái chết của kép Cúc mà ông muốn khóc thật nhiều để khoả đi điều gì mất mát oán hận ở ngày xưa. Hay là cha vẫn tiếc nuối những điều tốt đẹp đã có trong tình bạn giữa ông và kép Cúc ở cái thủa thiếu niên trong trẻo đắm say bên chiếu tuồng làng. Quá khứ xa xăm hiển hiện bao tháng ngày lận đận của cha tôi, mẹ tôi, của làng quê nênh nổi chiếu tuồng cuộn về từng lớp từng lớp trong tâm tưởng non nớt của tôi. Tôi chậm rãi cúi xuống vấn gọn gàng lá kỳ héo rồi vác lên vai rảo bước về làng vì nghĩ đến mẹ đang ở nhà. Bên kia, trên mấy cánh ruộng cạnh đường, đám chim dẽ giun đang kiếm ăn cứ bước đi liêu xiêu trong những cơn gió mùa từng chập, hun hút. Thỉnh thoảng một vài con lại nghênh nghênh đầu ngơ ngác nhìn lên.

  1. Nhân vật trong vở tuồng cổ: Ngọn lửa Hồng Sơn.

Nguồn Văn nghệ số 30/2022


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.