Nhà thơ dịch giả Lê Bá Thự và Nhà xuất bản Phụ nữ vừa ấn hành hai tập của bộ sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết, tập I dày trên 400 trang và tập II dày hơn 300 trang, giấy tốt, bìa đẹp, 100 ảnh màu minh họa. Đây là một bộ sách đẹp, công phu, chất lượng.
Trong suốt 25 năm miệt mài, làm việc cật lực như một “phu chữ”, dịch giả Lê Bá Thự đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm văn học dịch đồ sộ, gồm 26 đầu sách giá trị (nhiều đầu sách được tái bản) gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười và thơ của nền văn học Ba Lan. Như vậy, bình quân mỗi năm ông có hơn một đầu sách dịch. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của hai tập thơ Hoa giẻ và Đi về ngày xưa, đã được dư luận đánh giá cao. Trong hai tập sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết xuất bản lần này, có hàng chục bài giới thiệu, bình luận của chính dịch giả nhà thơ và của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hồng Diệu, Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Văn Giá, Văn Đắc, Trịnh Thanh Sơn, Lê Tuấn Lộc, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Ngọc Quế, Vi Thùy Linh, Đoàn Ánh Dương, Trần Thị Trường, Trần Hoàng Thiên Kim, Phan Hoàng, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vân Đình Hùng, Phi Dao, Thiên Ân, Trần Hoàng Hoàng, v.v… Ngoài ra ông còn có nhiều bài viết, tham luận về văn học dịch, chân dung các nhà văn Ba Lan, trả lời các cuộc phỏng vấn báo chí, hàng loạt bài bút ký, hồi ký. Người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị và xúc động khi đọc “chùm” 101 truyện cười đặc sắc, các bài Tôi là một nhân chứng, Con rái cá làng Nguyệt Lãng, Khám phá miền Tây sông nước, Gặp người xứ Thanh ở Ba Lan, 6 truyện ngắn hay, tiêu biểu cho các tập truyện, trên 20 bài thơ dịch của ba nhà thơ lớn Ba Lan (trong đó có hai nhà thơ được giải Nobel), và 47 bài thơ trong tập thơ Đi về ngày xưa (được gọi là “sách trong sách”).