Sáng 22-3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024.
Hội nghị cho biết, điểm nhấn về lĩnh vực phát hành, là các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc |
Tại hội nghị, báo cáo của Cục xuất bản cho biết, tính đến hết ngày 31-12-2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4%) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%). Qua phân tích số liệu về cơ cấu sách cho thấy, hầu hết các loại sách đều có biến động nhẹ, tăng giảm cả về số lượng đầu sách và số bản in. Duy chỉ có sách thiếu niên, nhi đồng tăng mạnh cả về số lượng đầu sách và bản in. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,350 tỷ đồng (tăng 4,98%).
Cả nước có 2.011 cơ sở phát hành sách (giảm 1,91%). Toàn ngành đã phát hành trên 544.000.000 xuất bản phẩm (tăng 5,2%); doanh thu đạt khoảng 4.671 tỷ đồng (tăng 3,8%) so với năm 2022. Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu đạt 210.000 bản (giảm 29,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 14,7 triệu bản (giảm 12,43%). Điểm nhấn về lĩnh vực phát hành, là các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, nên thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển, bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc.
Như vậy có thể thấy, số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay đã được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hành trình về phương Đông, Nhà Giả Kim, Hiểu và trái tim - nghệ thuật sống hạnh phúc, Cây cam ngọt của tôi, Nghĩ giàu và làm giàu, Lược sử loài người. Một số đầu sách nói có lượt bạn nghe lên đến trên 1 triệu…
Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng sách chất lượng thì vẫn còn tồn tại những sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý với các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, sách giá trị và có sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ. Đối với hoạt động liên kết xuất bản, bên cạnh những mặt tích cực do hoạt động liên kết xuất bản đem lại, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là hiện tượng bỏ lọt nội dung không chính xác, không phù hợp. Sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, sự buông lỏng quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết. Đây là vấn đề cần được cơ quan chủ quản, lãnh đạo nhà xuất bản nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và nghiêm khắc hơn trong chỉ đạo, điều hành; cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa quy trình biên tập và đọc duyệt.
Cũng tại báo cáo, Cục xuất bản cho biết, trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, tình hình xâm phạm bản quyền, đặc biệt là trên không gian mạng đã được các cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên các biện pháp giải quyết chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu. Sức mua của thị trường xuất bản phẩm tăng nhưng không nhiều
Do đó, trong năm 2024, lĩnh vực xuất bản và phát hành sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế lĩnh vực xuất bản, phát hành. Trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và tham mưu xây dựng hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 13-4-2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Thông tư sửa đổi Thông tư số 05/2016/TT-BTTTT ngày 1-3-2016 quy định về quản lý và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế; tham mưu cho ý kiến về Thuế VAT trong lĩnh vực xuất bản.
Thảo Vy